Phượng Quỳnh
Thuở xưa, khi truyền thông chưa được phổ biến trên toàn thế giới nhanh chóng như bây giờ thì đặc biệt báo chí được độc giả đón nhận nhiều hơn hết thẩy. Lý do, báo có thể xem bất cứ lúc nào, ở đâu. Trong khi đó chương trình truyền thanh hay truyền hình bị giới hạn bởi giờ phát sóng hay hình. Một tờ báo có thể đáp ứng cho cả gia đình gồm nhiều thế hệ Ông Bà, Cha Mẹ và Con Cháu. Nghĩa là báo có trang dành riêng cho các lứa tuổi. Trong thế giới báo, lại hình thành nhiều loại khác nhau. Báo chính trị, xã hội, tôn giáo, khoa học…
Bước sang thế kỷ 21, đúng hơn từ những năm cuối thế kỷ 20, với sự phát triển của internet thì lượng thông tin nhiều gấp bội, truyền thông nhanh chóng và “báo tờ” giảm đi khá nhiều vị trí độc tôn của mình. Giới trẻ thích lướt net hơn. Chỉ giới trung niên hay cao niên mới tìm đọc báo tờ vì nhiều lý do. Không biết sử dụng net là lý do “nặng ký” nhất.
Báo sống bằng quảng cáo nhưng số lượng người Việt sống tản mát nên tiền thu từ nguồn quảng cáo không dồi dào. Vì thế, đa số các báo không có phóng viên viết lại tin hay lấy tin. Thông tin thường được lấy từ internet. Ngay cả các tuỳ bút, truyện ngắn cũng vậy. Nhiều người viết hay nhưng nếu ở Việt Nam vào thời xưa thì vấn đề bài được chọn đăng có khi tuỳ… “gout” của chủ bút. Bây giờ thì không, họ được tự do viết. Dần dần, hình thành các cây viết “thành danh” từ internet. Vài báo tờ cũng đi tìm tác giả từ những bài của họ đăng trên net.
Càng ngày càng nhiều web xuất hiện. Vậy để thông tin được truyền rộng rãi, chúng ta nên viết như thế nào? Có nên duy trì lối viết ngày xưa nghĩa là dài lê thê, dây cà ra dây muống? Cá nhân tôi khi đọc các bài của các tác giả vang bóng một thời hay mới vang bóng đây thôi nhưng tuổi đời cỡ ngoài năm mươi, tôi không đủ kiên nhẫn đọc hết bài của họ. Đọc lướt và đôi khi đọc xong, tôi không hiểu ý chính mà họ muốn gửi đến độc giả là gì? Họ tham lam nhét vào bài quá nhiều chi tiết rườm rà. Nổi hơn hết là luôn đưa cá nhân mình vào “trên từng cây số” của bài!
Ví dụ bài của ông A viết về hai ông B và C. Tôi đọc và thấy đan xen quá nhiều quãng thời gian A gặp B hay C. A muốn chứng tỏ, A thân với B ở năm 1970, thân với C ở 1975 và 1980 chẳng hạn. Nếu là một câu, khả dĩ chấp nhận được. Nhưng không, cả một đoạn dài lê thê cho từng năm đó. Trong khi tựa bài là “Vinh danh B và C”! Hoàn toàn không phải là “Tôi và B” hay “Tôi và C”! Chưa hết, quý vị còn sử dụng những câu văn dài khủng khiếp. Có khi một câu của quý vị là cả một đoạn dài!
Cuối cùng, tôi mệt mỏi và đã bỏ qua các bài viết kiểu xưa. Tôi đã như vậy, nói gì đến giới trẻ? Họ phải dành thì giờ để làm biết bao chuyện khác nên không thể nào đọc các bài lê thê của thế hệ cha ông. Tôi lấy làm tiếc vô cùng. Vì một số bài của các vị ấy – được xem là chứng tích lịch sử. Những chứng tích đó nếu được viết ngắn, gọn, cô đọng thì giới trẻ sẽ đọc và quý biết bao. Họ sẽ hiểu về xã hội Việt Nam Cộng Hoà thuở xưa, về một số sự thật của lịch sử, về bằng chứng tội ác của Việt Cộng…
Xin hãy viết ngắn, chỉ tối đa ba ý chính trong một bài để gửi thông điệp cho độc giả! Mong lắm thay!
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]