Chí Nhân và Đại Nghĩa

Ts. Nguyễn Đình Thắng

(Viết phỏng theo buổi nói chuyện với cộng đồng Việt ở Edmonton, Canada, ngày 27/11/2011)

Xã hội bình ổn thì làm điều nhân nghĩa để cứu người sa cơ lỡ vận. Xã hội bĩ cực thì phải làm việc chí nhân và đại nghĩa để giải cứu cả một dân tộc.

Xã hội Việt Nam hỉện nay đang bị băng hoại ở mức trầm trọng, mà hậu quả là các vấn nạn như buôn phụ nữ và trẻ em, bóc lột người lao động, tham nhũng, giới chức lạm quyền, giáo dục xuống cấp, cách biệt giàu nghèo, ô nhiễm môi sinh, bất công xã hội, đạo lý suy đồi…  Toàn là những vấn nạn hệ thống, nghĩa là triệu chứng tái diễn và lan rộng với thời gian.

Chỉ chạy theo hậu quả, chúng ta sẽ kiệt quệ trong khi vấn nạn ngày càng trầm trọng, không khác gì dồn sức xoa dịu những triệu chứng ngoài da cho người mang bệnh cấp tính. Các hoạt động cứu trợ từ thiện ở Việt Nam hiện nay chỉ mang tính cách xoa dịu tạm thời; cứ mỗi người được giúp thì lại có cả trăm, cả ngàn, cả vạn người khác lâm nạn. Muốn trị tận căn thì phải cải tạo xã hội.

Cải tạo xã hội đòi hỏi hai yếu tố: từ trên phải có chính sách lấy quyền lợi của dân làm tối thượng; từ dưới phải có sự tham dự của đại khối quần chúng mà người ta còn gọi là xã hội công dân. Chúng ta phải đạt cả hai yếu tố này nếu muốn giải quyết một vấn nạn xã hội có hệ thống.  

Chính quyền Việt Nam hiện nay không thực tâm muốn giải quyết các vấn nạn xã hội đang đe doạ dân tộc. Họ kềm hãm các tổ chức tôn giáo chân chính, vốn có khả năng huy động quần chúng và vận dộng tài nguyên ở trong lẫn ngoài nước để giải quyết tận gốc các vấn nạn xã hội. Họ e rằng những tổ chức đủ thực lực cải tạo xã hội sẽ là mầm đe doạ sự độc tôn cai trị đất nước. Chính sách ấy, mà hậu quả là làm mai một dần đi khả năng tự cứu của dân tộc, chính là căn bệnh cần trị.

Chính quyền Việt Nam khuyến khích một số tổ chức ở hải ngoại, và tạo thuận lợi cho một số tổ chức ở trong nước ra hải ngoại, quyên góp tài chánh cho các công tác cứu trợ từ thiện vì biết rằng những hoạt động ấy chỉ mang tính cách hời hợt, không giải quyết vấn nạn tận gốc, và do đó không phải là mối đe doạ.

Chúng ta, người Việt ở hải ngoại, có cơ hội hơn đồng bào ở trong nước để so sánh sự khác biệt giữa xã hội ổn định, phát triển nơi chúng ta đang sinh sống với xã hội đảo lộn, băng hoại ở Việt Nam. Sự phát triển tương đối lành mạnh của xã hội Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Úc, Nhật, Đài Loan… không ngẫu nhiên, mà là do những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền lẫn người dân cùng nhau bảo vệ và phát huy hai yếu tố cần thiết kể trên. Hiểu vậy, chúng ta có trách nhiệm hướng dẫn thay vì theo đuôi thị hiếu, chủ động thay đổi thay vì thoả hiệp với một chính sách sai lầm, vốn là căn nguyên của các vấn nạn xã hội ở Việt Nam.

Lương tâm thôi thúc chúng ta hành động, nhưng khi hành động chúng ta phải dùng lý trí để nhận định đâu là gốc, đâu là ngọn để rồi vừa đối phó đằng ngọn vừa giải quyết đằng gốc. Một cách cụ thể, cộng đồng ở hải ngoại trước hết cần ý thức rằng những hoạt động nhằm giải quyết vấn nạn tận gốc đang bị cản trở và các tổ chức có tiềm năng cải tạo xã hội đang bị bức bách. Trách nhiệm của chúng ta là dồn mọi yểm trợ cho các tổ chức này và cung cấp phương tiện cho họ vượt qua những rào cản mà chính quyền dàn dựng lên. Chỉ cách đó chúng ta mới thực sự góp phần cho một xã hội lành mạnh, một đất nước bình ổn, một dân tộc văn minh.

Vì vận mạng của cả 90 triệu đồng bào, chúng ta không thể chỉ đối phó với các triệu chứng mà phải trị bệnh tận căn; chúng ta phải dùng cả con tim lẫn khối óc. Chúng ta phải mưu cầu chí nhân và đại nghĩa.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận