Sách Lược Tào Tháo (phần 2)

Huỳnh Ngọc Nga
(tặng những người năm cũ)

(xem phần 1)

Tôi chẳng phải chờ lâu. Chiều hôm đó đi học về, vừa xuống xe buýt là tôi đã thấy hắn đứng chờ dưới cột đèn trước tiệm thuốc Lý Tài Trung ngay bến xe. Vẫn áo trắng, quần xanh, vẫn cái dáng cao vừa tầm của chàng trai mới lớn, trong khoảnh khắc tôi thấy hắn mang đáng vấp chàng Marius trong Fanny của Marcel Pagnol mà tôi vừa mượn ý để viết bài viết đầu tay “Xuân Về Với Biển”. Hắn chào tôi hiền hòa bằng nụ cười rạng rỡ trong khi tôi luống cuống ngó quanh quất sợ có người quen thấy mình đứng nói chuyện với “trai”:

– Hồi trưa tôi về hơi trể tại kẹt xe, giờ tôi đón Ngọc để xin lỗi đuợc không?

– Có gì đâu anh. Ngọc gửi anh Xuân Gia Long như lời đã hứa nè. Có bài viết của Ngọc trong đó nữa đó.

Tôi mở cặp lấy cuốn báo trao nhanh cho hắn rồi ấp úng:

– Thôi, Ngọc về, đứng lâu rủi có người thấy mét má Ngọc mệt lắm.

Rồi trước sự ngỡ ngàng của hắn, tôi chào hắn rồi đi nhanh và biết phía sau lưng tôi có đôi mắt của chàng tuổi trẻ nhìn theo.

Những ngày tháng sau đó hai chúng tôi vẫn gặp gỡ vội vàng như vậy, khi trưa, khi chiều; lúc đứa trên xe buýt, đứa dưới xe đạp hoặc đứa dựa cột đèn, đứa vừa xuống xe. Hai đứa đã cho nhau địa chỉ số nhà nhưng tôi bắt hắn hứa không đuợc tìm đến hỏi han chi hết nếu muốn mối quan hệ được dài lâu. Thỉnh thoảng hắn trao nhanh cho tôi bài thơ nho nhỏ, viết trong giờ ra chơi hoặc lúc học bài đêm. Tôi cũng đáp lại hắn bằng mấy chiếc lá khô chỉ còn gân lá, sơn màu hai chữ tắt Petrus Ký – Gia Long. Tôi muốn viết tên hai đứa lên lá nhưng lại sợ như vậy “gắn bó” quá, bị “thiên hạ” cười. Hắn bảo với tôi qua năm sau tôi lên Đệ Tứ đi học buổi sáng hắn sẽ cũng đi bằng xe buýt chung một đoạn đuờng với tôi cho vui, một đoạn ngắn thôi vì từ Chánh Hưng đến chợ Nancy hắn phải xuống và lội bộ một khoảng nhỏ mới tới trường Pétrus Ký trong khi tôi phải đi suốt tuyến đến chợ Bến Thành rồi từ đó chuyển xe hoặc đi bộ đến trường Gia Long.

Cũng mùa thi năm ấy, hắn đậu Tú Tài phần nhứt. Ngày được tin thi đậu, hắn chạy xe đạp lượn qua lượn lại trước nhà tôi. Tôi đang đốt nhang trước bàn thiên trong sân nhà. Ngó ra thấy hắn, hắn cười tủm tỉm, giơ hai ngón tay ra dấu thành công rồi chạy thẳng biến mất. Đó là năm đâu tiên chuyện tôi và hắn.

* * *

Nhưng ông trời không chiều lòng hai đứa: con đường xe buýt ngắn ngủi đi chung mãi mãi không thành vì đi học buổi sáng cùng giờ đi làm với ba tôi nên ba tôi bảo tôi để người chở đi học luôn cho tiện, còn buổi trưa thì tùy giờ tan học sớm hay trễ, ba tôi sẽ đón tôi hoặc tôi sẽ về bằng xe buýt. Thời gian nầy tôi và hắn vẫn thấy nhau vào những chiều hắn lượn xe đạp trước cổng nhà tôi. Thi Tú Tài phần hai năm đó hắn cũng đậu và lại đậu ưu, đuợc học bổng du học ở Mỹ. Tôi được tin vui đó trong lá thư do hắn nhờ Phương chuyển. Trong thư hắn hẹn cùng tôi chủ nhật cuối tuần đi ăn kem, dạo phố, ciné để có một kỷ niệm trước ngày ra phi trường. Tôi đọc thư mà phân vân lo lắng bởi hẹn với bạn trai đi chơi phố là chuyện mấy con nhỏ bạn tôi vẫn thường làm nhưng đối với tôi là cả một trời khó khăn. Đi đâu má tôi cũng hỏi, làm gì má tôi cũng quan sát. Tôi lại là đứa ít đi đó đi đây; thỉnh thoảng bạn bè đến chơi thì ngồi nhà mà nói chuyện, và có đi đâu cũng phải nói lý do và giờ về. Thêm một điều, tôi lúc nào cũng sợ là được trai hẹn hò mà nhận lời dễ dàng sẽ bị coi thường- lời giáo huấn của má tôi như vậy đó. Sau mấy ngày đắn đo, sợ hắn buồn nên tôi không dám tù chối nhưng lại năn nỉ Hồng Phương đến thay tôi vì tôi nghĩ như vậy ít ra hắn cũng có một buổi dạo phố vui vẻ trước ngày ra đi.

Qua ngày sau Phương gặp tôi và kể lại buổi đi chơi với hắn. Phương bảo mặt hắn buồn so, Phương chỉ đi ăn kem với hắn rồi về vì hắn bảo còn nhiều việc phải lo trước khi khởi hành. Trong quán kem hắn đã hý hoáy viết vội vàng mấy giòng cho tôi kèm theo một tấm hình cỡ 4×6 mà hắn chụp làm thẻ visa. Phương đưa lá thư đó cho tôi rồi ra về sau khi cười tủm tỉm bảo tôi:

– Nếu mầy không là bạn thân của tao, tao “cua” hắn từ lâu rồi. Ráng giữ, đừng để hắn “bay” luôn.

Đợi Phương về rồi tôi chạy lên gác đóng cửa, mở thư hắn đọc:

“Hai ngày nữa anh sẽ lên đường. Sao Ngọc không đến? Có một điều anh muốn nói với Ngọc trước lúc ra đi, Ngọc biết không? Nhưng thôi, chờ ngày về anh sẽ nói vậy.

Anh gửi Ngọc bức ảnh nhỏ của anh để Ngọc nhớ rằng anh luôn ở bên Ngọc. Ráng học giỏi và chờ anh về nha. Nhớ nhiều.

Thắng”

Tuần sau đó, hắn “bay” sang Mỹ. Tôi cất tấm hình nhỏ xíu của hắn vào giữa bìa bao cuốn tập Toán đại số, thỉnh thoảng rảnh tôi lấy ra ngắm để tưởng tượng xem hắn đang làm gì bên kia nửa vòng trái đất. Năm ấy tôi vừa học hết lớp Đệ Tứ, thi Trung học đệ nhứt cấp và đó cũng là năm thứ nhì chuyện hắn và tôi.

* * *

Hắn đi độ nửa tháng sau thì Phương đem thư hắn đến – cô bạn nầy lúc nào cũng là chim én đưa tin. Thư đóng dấu tại thành phố Sacramento, hai trang thư dài chi chít chữ. Hắn kể những ngày đầu nơi đất khách, nỗi nhớ gia đình, bè bạn và nhất là nhớ…tôi. Tôi đọc xong cất lá thư vào bìa tập chung với bức ảnh của hắn. Suốt buổi còn lại đầu óc tôi như ở trên mây, lửng lơ, lơ lửng những điều phải viết hồi âm cho hắn. Thư chưa viết nhưng tôi đã nghe “tội lỗi” khi nghĩ đến chuyện viết thư cho “trai”, một trong những điều “đại cấm” của má tôi. Nhưng cuối cùng rồi thì cái tình trẻ dại vẫn thắng. Đêm đó đợi cả nhà ngủ hết, tôi lấy cây đèn dầu con cóc để trên bàn rồi hý hoáy hồi âm chứ không dám mở đèn điện vì sợ có người trong nhà phát giác tôi đang viết thư tình, lá thư tình đầu tiên trong đời thiếu nữ, trong tuổi hoc trò. Thư tôi viết cũng ” lâm ly, thắm thiết”, tôi kể chuyện thi cử của mình, chuyện nắng mưa thành phố rồi dặn dò hắn giữ gìn sức khoẻ, chăm chỉ học hành để mau thành đạt trở về nói tôi nghe điều hắn chưa nói cùng tôi. Tôi cũng bày đặt cuối thư nắn nót mấy chữ “Nhớ anh nhiều” dù thật tình trong lòng tôi không nghe nhớ hắn lắm.

Nếu phải thật thà mà nói, tôi cũng không biết mình có yêu hắn không, hay thấy bạn bè có bồ bịch rồi nhân sự hiện diện của hắn đúng thời điểm để nghĩ mình yêu và nhất là để cho lũ bạn tôi biết tôi cũng không đến nổi “ế bồ.” Tôi đang ở tuổi mười sáu và sắp sửa bước vào tuổi bẻ gãy sừng trâu. Bởi thế, tôi cũng muốn mình có một con trâu để ra tài nhi nữ. Tình yêu của lũ bạn tôi có hẹn hò đưa đón, có dạo phố, ciné, lắm đứa –như nhỏ Dung Nancy – còn hôn nhau nữa. Chứ ai đâu như tôi với hắn, đầu đuôi chỉ một lần mặt đối mặt tại sân trường, một lần giữa “quần thần bè bạn” cùng nhau đi chợ Tết, vài lần chờ đợi ở bến xe và cả hai năm dài “qua lại” kẻ trong sân nhà, người đạp xe chạy nhong ngoài ngõ nhìn vào ra dấu, cộng thêm những lá thư qua trung gian nhờ chuyển. Mối tình đầu của tôi kể ra cũng “ngồ ngộ”: nó thơm lành như hương hoa nhãn trong sân nhà tôi nhưng nó chưa thành quả để tôi có hột nhãn cắt làm nhẫn đeo khoe tình áo trắng. Rồi không biết có phải bị ảnh hưởng mấy tuồng cải lương, mấy phim hát bóng, mấy cuốn tiểu thuyết tình “đẫm lệ” hay không mà tự dưng tôi đâm ra nghi ngờ vớ vẩn. Ngày nào chung xóm còn chẳng đan kết được chuyện gì, nay xa cách ngàn trùng tránh sao khỏi sự lạt phai. Một hôm Phương đem đến một carte postale hắn gửi cho tôi, phía truớc là hình một vườn cam sai oằn những trái vàng óng ả, phía sau là những giòng chữ ghi vội của hắn:

“Ngọc thương,

Hôm nay anh đi picnic cùng các bạn trong trường tại một vùng có nhiều vườn cam nổi tiếng của Sacramento. Trong nhóm anh quen một cô bạn người Việt có đôi tay rất đẹp và hai anh bạn người Hoa vô cùng tử tế.

Em ở nhà ngoan chứ?

Nhớ em.

Thắng”

Đọc xong tôi nghe cơn giận từ đâu ập tới. Viết cho tôi mà dám khoe bạn gái mới, lại còn khen đôi bàn tay cô ta nữa, có ai vô ý thức như anh chàng nầy không? Tôi xòe đôi tay mình ra ngắm nghía và chợt thở dài, đôi tay tôi là đôi tay “dùi đục” theo lời phê phán nhận xét của má tôi. Đôi tay này không có móng hồng sơn thắm, không có những ngón thon dài để nhẹ cắn lên môi. Đôi tay tôi chỉ có những vết chai thay má tôi xách nước chuyền lu, quét nhà, rửa chén, tắm táp cho lũ em năm sáu đứa, giặt giũ, lau dọn cửa nhà. Má tôi dạy công, ngôn, dung, hạnh cho các chị em tôi trong đó chữ dung không có nghĩa chói lòa nhan sắc với mắt phuợng, mày ngài, lưng ong, tay tháp bút. Nhan sắc má tôi dạy chi em tôi chăm sóc sao cho đôi mắt chân thành, nụ cười nhân ái, đôi mày thanh thản và bàn tay vững chãi để giúp ích cho người, cho mình. Không biết hắn định nghĩa cái đẹp theo chiều hướng nào nhưng hắn đã khen tức là hắn yêu thích, ái mộ. Cô bạn đó lại gần kề hắn hơn tôi. Chưa tranh cao thấp mà tôi đã nghe mình thua cuộc. Có chút buồn len nhẹ vào hồn khi tôi xé tấm carte postale của hắn và quyết định đoạn giao từ giây phút đó.

Phương cười ngặt nghẽo khi nghe “phán quyết” của tôi. Nó bảo, “Sao cái tính Trương Phi của mầy không thay đổi cho thiên hạ nhờ. Mới chút xíu vậy đã giận rồi. Coi chừng già néo đứt giây đó nghen mậy.” Tôi cũng cười theo nhưng miệng méo xẹo. Cái ông Trương Phi trong Tam quốc chí ngày xưa nóng tính ra sao tôi không cần biết, chỉ biết rằng khi tôi đã không thèm viết thư cho hắn nữa từ hôm nhận tấm carte postale kia. Đúng ra chẳng phải tôi nhỏ nhoi không muốn hắn có bạn đồng hương nơi xứ lạ, nhưng cứ nghĩ bốn năm dài hắn gần gũi “người ta” thì tránh sao khỏi nảy sanh tình cảm mới, và đôi bàn tay đẹp của cô nàng nữa…

Tự ái tôi được vuốt ve khi một tháng sau thư hắn lại về. Hắn ngạc nhiên không thấy hồi âm của tôi và lo lắng sợ tôi có việc gì không ổn. Nửa phần thư đầu đang làm hồn tôi chùn xuống với ý nghĩ rằng tôi quá “khắt khe” với hắn. Tôi dự định sẽ viết liền thư xin lỗi hắn nhưng phần gần cuối thư tất cả đảo lộn hết khi tôi đọc câu hắn viết ” Anh vừa biết thêm là Diên – cô bạn người Việt anh đã nói cho em nghe trong thư trước đây, em nhớ không – quê ở Bình Dương. Khi nào anh về tụi mình sẽ có nơi đi ăn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt thả cửa”. Trời ơi, tôi lại thua điểm thiên hạ thêm một nút nữa rồi: “người đẹp Bình Dương” này chắc cũng tương đương “người đẹp Bình Dương” thứ thiệt Thẩm thúy Hằng, lại thêm có vườn tược cây trái mời mọc khách đường xa nữa chứ. Tôi, con nhỏ Saigon không đất cắm dùi, không tay thon mềm mại, bốn năm dài sao giữ được cánh nhạn trời xa. Và kể cũng lạ, hắn có dụng ý gì không mà cứ kể hoài chuyện cô Diên “chết tiệt” đó với tôi vậy. Thôi đuợc rồi, tôi tự nhủ, thà ta phụ người trước chứ nhút định không để người phụ ta – hình như ông Tào Tháo của Tam quốc chí đã nói vậy thì phải? Tuy tôi không ưa Tào Tháo, nhưng bây giờ bất đắc dĩ phải chọn sách lược của ông để thi hành vì tôi không muốn bị mang tiếng”bồ bỏ” sau nầy. Thế là tôi tức tốc tìm nhỏ Phương để dặn nó đừng chuyển thư hắn cho tôi nữa nếu hắn vẫn tiếp tục gửi về. Nó há hốc nhìn tôi nghi ngờ:

– Mày nói thiệt hả? Hắn có làm gì đâu?Bỏ uổng vậy? Tao nhào vô được không?

Tôi chậc lưỡi làm ra vẻ người lớn:

– Quân tử nhứt ngôn mà, đừng hỏi lung tung. Hắn chưa làm gì rõ tội bây giờ nhưng rồi hắn “sẽ” có tội sau nầy. “Tiên hạ thủ vi cường”, tao “cắt giây chuông” trước để khỏi ân hận về sau. Mầy thích cứ thử “ra quân”, tao “cho phép” đó.

Không biết có phải “được lời như cởi tấm lòng” hay không mà từ đó về sau tôi không thấy Phương chuyển thư và nói gì về hắn với tôi. Riêng tôi, qua cơn nóng giận đó đôi lúc cũng nghe hối hận quyết định vội vã của mình, muốn hỏi Phương tin tức hắn lại sợ nó cười nên thôi. Tôi im luôn như chưa từng biết có hắn trên đời. Đó là năm thứ ba chuyện hắn và tôi, chuyện tình báo xuân trai Pétrus – gái Gia Long hay chút hương hoa thời học trò áo trắng vì thực ra trong suốt thời gian ba năm đó cả hắn và tôi chưa ai mở lời một tiếng yêu đương. Nhưng có lẽ nhờ không vướng mắc lời thề, tiếng hẹn nên tôi quên hắn mau trong cái vô tư trẻ dại ngày nào.

* * *

Năm tháng cứ trôi. Tôi cứ đi lần về phía trước, mỗi một bước di hành là một trang nhật ký với những cái tên gắn vào đời tôi theo từng biến chuyển của thời gian, nhưng hắn tuyệt nhiên mãi là cánh chim bạt ngàn xa thẳm. Bây giờ tóc nhuộm sương phai, tôi an ổn dừng chân bên người duyên định nơi đất khách. Thỉnh thoảng kề nhau bên gối, tôi thủ thỉ cùng chàng chuyện cũ thời con gái, chồng tôi – một con mọt sách thông thạo rất nhiều chuyện cổ kim đông tây đây đó – tủm tỉm cười bảo:

– Nếu ông Tào Tháo không có tính đa nghi chắc đã gồm thâu Tam quốc. Nếu em không học kế sách của ổng chắc giờ nầy em đã “thu” anh chàng vô tội kia về một mối rồi, có đâu đến lượt anh hôm nay.

Tôi bật dậy như lò xo:

– Sao anh biết anh chàng vô tội?

Chồng tôi điềm tĩnh hỏi:

– Vậy anh xử em thế nào mỗi lần em khen Richard Gere đẹp trai, Elvis Presley đàn hay, hát giỏi? Khen một người về cái đẹp, cái hay không phải là tội mà đó là thẩm mỹ, là nghệ thuật. Có luật lệ nào xử tội yêu nghệ thuật, thẩm mỹ không em?

– Nhưng đó là những người của công chúng, của đám đông, còn hắn và cô ta…

– Hắn và cô ta thì sao? Họ chỉ là bạn như lời hắn nói. Ai cấm bạn bè không được khen tặng, ái mộ lẫn nhau? Em không những đa nghi như Tào Tháo mà còn ghen như Hoạn Thư nữa đó.

Tôi cười, đấm lưng chồng để khỏa lấp. Sau mấy mươi năm chuyện cũ tưởng chừng đã quên, tôi chợt dưng nghi ngờ quyết định ngày xưa của mình. Đêm hôm đó tôi nằm mơ thấy mình gặp ông Tào Tháo với mũ giáp oai phong y như trên sân khấu. Ông vuốt râu rồi hỏi tôi:

– Nhà ngươi tìm đến ta để làm gì?

– Dạ để thưa rằng con đã nghe lời ông” thà ta phụ ngươi trước chứ không để người phụ ta”, nay con nghi ngờ việc làm của mình nên đến hỏi ông cho ra lẽ.

Tào Tháo cười ha hả, chỉ tay điểm mặt tôi:

– Nhãi ranh kia! Kẻ nào có Tâm thì không nên nghe ta, còn kẻ nào nghĩ cái Tôi của nó trên hết thì sách lược của ta là ngoại hạng. Ngươi là ai mà dám nghi ngờ điều ta dạy? Sao không hỏi trái tim ngươi trước khi hành động mà nay đến đây bỉ xử cùng ta?

Nói xong ông ta hét binh sĩ đuổi tôi ra khỏi trướng. Tôi hoảng hồn giật mình thức tỉnh. Nhìn chồng tôi thanh an giấc ngủ, tôi chợt mỉm cười vu vơ trong bóng đêm. Ừ thôi, nhật ký ngày xưa có cáiTôi của tôi để kể chuyện tình ba năm tôi với hắn, nhật ký bây giờ tôi sẽ hết sức đem cái Tâm của mình viết chuyện đối xử với chồng con. Tôi không bâng khuâng về sách lược Tào Tháo qua nhũng chuyện tình đời tôi nữa vì cuộc tình nào cũng có an bài của một chữ duyên, và duyên của tôi với hắn là “vô duyên… chung xóm bất tương phùng” còn duyên của tôi với chồng tôi mới đích thực “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đang thong thả gõ nhịp như tiếng nhạc thời gian, và thời gian thì luôn lạnh lùng đi về phía trước cũng như kim đồng hồ không quay ngược lại phía sau bao giờ.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận