Huỳnh Ngọc Nga
(Tặng những người năm cũ)
Con người ta thật kỳ lạ: lúc trẻ nhỏ thường mơ được làm người lớn, khi có tuổi rồi lại vẩn vơ nhớ chuyện ngày xanh. Tôi của những ngày xanh đó cũng có nhiều điều để nhớ và trên bước đường về hướng cổ lai hy tôi muốn kể mọi người nghe một câu chuyện rất xa xôi, đã thành là kỷ niệm khó quên. Mỗi lần nhớ là tôi lại thấy không chỉ có tôi và hắn mà còn có cả ngôi trường Gia Long thương mến cùng thầy cô và bè bạn thân thương một thời. Tụi học sinh chúng tôi thời đó tuổi mới tròn trăng, ăn chưa no, lo chưa tới, vậy mà ngoài bài học nhà trường trái tim cũng bày điều đòi chuyện yêu đương.
Nói xưa nhưng thật ra cũng chẳng mấy xa, chỉ cách đây hơn bốn mươi mấy năm mà thôi, năm 1964, năm tôi học lớp đệ ngũ 13 tại trường nữ trung học Gia Long, ngôi trường con gái nổi tiếng nhất miền Nam VN thời bấy giờ. Năm đó cô Tỵ làm hiệu trưởng, Huỳnh Kim Chi lẫy lừng tên tuổi nhờ giọng ca (ca sĩ Hoàng Oanh), và chị Kha Quỳnh Châu là hoa hậu của trường và cũng là người có vinh dự làm bà Trưng Trắc cưỡi voi cùng một chị bạn trường Trưng Vương đi diễn hành trong ngày lễ Phụ Nữ. Năm đó, lần đầu tiên tôi viết bài được đăng trên báo Xuân của trường, bài “Xuân Về Với Biển” (tôi lại được có tên trong danh sách ban biên tập nữa). Ngày cô Hiệu Trưởng kêu lên văn phòng tặng “tiền nhuận bút” ba trăm đồng, tôi cảm động không thốt được tiếng nào.
Cô cười nói, “Ráng năm tới viết bài hay như vậy nữa nghen”, chừng đó tôi mới lí nhí cám ơn cô. Hơn mười năm sau (lúc đó cô đã nghỉ hưu), tôi mới tình cờ gặp lại cô khi tôi đạp xe trên đường Trần hưng Đạo để đến sở làm. Thấy cô đứng chờ xe buýt gần trường Cầu Kho, tôi ngừng xe và chào cô. Tuy cô chẳng nhớ tôi là ai, nhưng khi biết tôi là học trò cũ của Gia Long, cô bỏ chuyến xe buýt đang sắp sửa đến và hỏi thăm chân tình cuộc sống của tôi sau ngày ra trường. Cô vẫn thế, già đi hơn đôi chút nhưng nét hiền lành vẫn còn trên đôi mắt, trong nụ cười. Đó cũng là lần duy nhất tôi gặp lại cô cho đến khi tôi rời Việt Nam sang Ý Đại Lợi.
Nói đúng ra, niềm vui mà tôi nhận được trong năm 1965 không chỉ ở bài báo được đăng, ở ba trăm đồng được lãnh mà còn ở cuộc tao ngộ tình cờ với… hắn. Học trường con gái mà nói đụng chạm tới đại danh từ “hắn” quả thật không “đứng đắn” chút nào. Nhưng thật ra tôi với hắn gặp và quen nhau “danh chánh ngôn thuận” dưới ánh mặt trời, dưới sự “chứng giám” của mấy con nhỏ bạn cùng trường tôi và mấy gã đồng môn cùng trường hắn.
Hắn học trường Pétrus Ký, trường nam trung học nổi tiếng nhất của miền Nam bấy giờ, ngang hàng và cân bằng với trường Gia Long như hai cạnh đều của một hình tam giác cân. Tự thuở nào không biết, hai ngôi trường cứ “thiên duyên tiền định” để có biết bao nhiêu mối tình “trai Pétrus, gái Gia Long”. Chuyện tôi với hắn không biết có thể gọi là một mối tình hay không, vì cả đôi bên chưa ai có một tiếng mở đầu nhưng cũng có chờ, có đợi và có cả nhớ nhung.
Chuyện bắt đầu vào những ngày gần Tết, từ buổi đi bán báo Xuân giữa các trường trung học với nhau theo thông lệ hàng năm khi mỗi trường đều đã “ra lò” một tập san Tết cho mình. Như đã nói, năm đó tôi học Đệ Ngũ, tức học vào buổi chiều bởi vì chỉ từ cấp lớp Đệ Tứ trở lên mới học buổi sáng. Giờ ra chơi hôm ấy tôi và mấy con nhỏ bạn đồng lớp rủ nhau đi dạo “Catina” để xem “thiên hạ” bán báo ra sao; chẳng đứa nào có ý định mua báo nên không ai đem tiền theo cả. Học Gia Long mà không biết địa danh Catina thì đúng là không phải “con nhà tông” vì đó là con đường chánh từ cổng trường đi vào thẳng xuống dãy lớp ngang chắn giữa sân trường trước khi đi qua “thông lộ nhỏ” có mái ngói phủ che để xuống dãy lớp hàng ngang thứ ba ở cuối sân trường. Trường con gái nên ở đâu cũng đẹp, đẹp từ góc tường đến khoảnh sân để xe, đẹp không những chỉ vì hoa vàng, hoa trắng, cỏ xanh, cây cao phủ mọc khắp sân trước, vườn sau mà còn đẹp bởi những tà áo trắng thanh nguyên, những ánh mắt, nụ cười thơ ngây của các cô học trò tuổi nhỏ. Con đường Catina vào những ngày này tấp nập khách vãng lai, tuy không “ngựa xe như nước” nhưng “áo quần thì quả thật như nêm.” Như “nêm” vì đủ phù hiệu trên ve áo các trường bạn, nào Pétrus Ký, Trưng Vương, Chu văn An, Lê văn Duyệt, Võ trường Toản, Hồ Ngọc Cẩn, v.v. hình như không thiếu một ai cả.
Bọn chúng tôi thong dong ngắm nghía bàn này, bàn nọ của những “sạp” báo không chuyên, thỉnh thoảng dừng lại cầm một hai tờ báo đọc “cọp” nhanh chóng để coi “thực lực” báo ta và báo “địch” khác nhau nhiều ít ra sao. Đầu đường Catina là “sạp” báo của trường Pétrus Ký, chúng tôi định quẹo về lớp vì thấy coi bộ nơi đây đông khách hơn các nơi khác nhưng nhỏ Hồng Phương kéo tay chúng tôi lại:
– Còn “mấy ông” này nữa, tụi bây định bỏ qua sao?
Thế là cả bọn dừng chân, một “ông” Pétrus đon đả mời:
– Các chị cần bao nhiêu cuốn?
Nhỏ Phương cười hóm hĩnh:
– Mấy “chị” quên đem tiền theo nên không mua báo, cho coi “cọp” được không?
Mấy cô bạn khác của tôi cười khúc khích, riêng tôi nghe ngường ngượng nên vội vã tiếp sau câu nói của Phương:
– Bạn tôi đùa, mấy anh đừng để ý. Thật tình chúng tôi không đem theo tiền, mấy anh à.
Nhóm “mấy ông Pétrus” có tất cả bốn người, một trong bốn người đó cười dễ dãi nói:
– Có chi đâu mà chị ngại.
Rồi cầm một cuốn báo đưa tận tay tôi, anh chàng ân cần:
– Các chị đọc thử vài trang, nếu thấy được, giờ ra chơi sau chúng tôi còn ở đây, mời các chị đến mua.
Và như khám phá ra điều gì, anh chàng nhìn tôi chăm chú hơn rồi ngập ngừng hỏi:
– Xin lỗi, phải chị ở bên Chánh Hưng không?
– Ủa, sao anh biết? Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
– Tôi ở xóm Phát Triển, tôi gặp chị đứng đón xe buýt đi học mỗi ngày hoài.
Tôi ngắm kỹ anh chàng cao cao để xem khuôn mặt chữ điền, đôi mắt to dưới hàng mày rậm này tôi đã gặp ở đâu. Mấy cô bạn của tôi và mấy cậu bạn của anh chàng đồng nhao nhao lên:
– Vậy ra “anh chị” quen nhau hả? Giới thiệu cho bạn bè cùng biết đi.
Bỗng dưng chuông tan giờ ra chơi reo inh ỏi. Tôi chần chừ rồi lắc đầu:
– Tôi chưa gặp anh lần nào hết. Tới giờ học rồi, tôi trả báo cho anh nè. Chúc các anh bán hết báo.
Tôi để cuốn báo xuống bàn và cùng các bạn tôi dượm chân quay bước thì anh chàng cầm cuốn báo đưa trước mặt tôi:
– Nếu chưa quen nhau, tôi mua cuốn báo này tặng chị để làm quen chị vậy. Chị đừng từ chối nha.
Lũ bạn hai bên của chúng tôi vỗ tay rần rần; tôi ngượng ngùng đỏ mặt vì lần đầu tiên trong đời thiếu nữ tôi đuợc tặng báo giữa “bá quan văn võ” như vầy. Tôi muốn từ chối nhưng Hồng Phương nhanh nhẩu chụp quyển báo thay tôi rồi nói:
– Con nhỏ nầy nó mắc cở nên không dám cầm; “chị” nhận và cám ơn thay nó đuợc hông?
Nói xong cả bọn nắm tay tôi đi nhanh về lớp quên cả hỏi tên người bạn mới cùng xóm của tôi. Tôi vừa đi vừa cằn nhằn Hồng Phương:
– Mày kỳ quá, tao có quen với người ta đâu mà mày nhận báo vậy? “Mấy ông” đó coi bộ lớn hơn mình mà mầy xưng chị ngon lành quá chừng.
Hồng Phương cười khoe đôi hàm răng trắng đều đặn:
– Trời ơi, ai đâu bất lịch sự đi từ chối quà tặng như mầy. Đã vậy còn lỗi phải chuyện xưng hô của tao nữa chứ. Bộ mầy không nhớ câu “phụ nữ là cha mẹ” sao? Tao xưng “chị” là hiền lắm rồi đó.
Tôi lắc đầu trước lối nói ngang như cua của bạn, trong lòng thầm nhủ sẽ đem tiền mua báo ra trả cho “thiên hạ” vào giờ ra chơi sau. Tuy nhiên, giáo sư Pháp Văn của chúng tôi lúc đó là cô Lệ Hạnh đang chịu khó giảng thêm ngoài giờ bài học đang dạy chưa chấm dứt, đến khi chuông reo hết giờ chơi cô mới rời lớp và tôi không có dịp trả nợ người đồng xóm không quen. Tôi bắt đầu cảm thấy bất ổn trong lòng: những suy nghĩ vẩn vơ không tên gọi, có chút vui, chút ngờ, chút nôn nao chờ đợi dù chẳng hẹn hò với ai.
Qua hôm sau tôi đi học như thường lệ, từ nhà tôi ra bến xe buýt khoảng chừng trăm thước. Xe buýt tôi đi nằm ở ngã tư Hưng Phú, Chánh Hưng, trên con đường kéo dài đến xóm Phát Triển của anh chàng Pétrus Ký lạ lùng. Hôm đó tôi không phải đợi vì xe buýt đã đậu sẵn tại bến và chưa đến giờ xe chạy. Tôi lên xe tìm ghế ngồi gần cửa sổ để dễ ngó mong về hướng giữa đường xe lưu thông. Bỗng tôi thấy hắn trên xe đạp chạy ngược về hướng xe buýt, đi ngang xe buýt hắn ngó lên xe như tìm kiếm người nào. Ánh mắt tôi và hắn cùng giao nhau nơi khung cửa bên hông xe buýt. Hắn nhoẻn miệng cười thật hiền và tôi cũng không dấu nét vui bừng lên trong mắt. Dừng xe đạp ngang chỗ có tôi, hắn ngước lên với ngón tay chỉ về hướng sau xe buýt:
– Nhà tôi ở Phường 11, xóm Phát Triển dưới kia đó chị. Vì vậy chạy ngang đây tôi thường thấy chị đứng đợi xe buýt mỗi ngày hoài. Sao chị đi học sớm vậy? Tôi mới tan trường đây.
– Trường anh ở gần, trường tôi ở xa, tôi phải lội bộ qua vườn Tao Đàn hoặc đi thêm một tuyến xe buýt nữa mới đến trường nên phải đi sớm như vầy. Hôm nay anh không đi bán báo buổi chiều cho trường anh nữa sao?
Và tôi mở cặp lấy đúng số tiền báo phải trả trao ngang qua cửa sổ xe cho hắn nhưng hắn lắc đầu chẳng nhận và mặt thoáng vẻ không bằng lòng. Cả hai chúng tôi chưa kịp nói gì thêm thì ông tài xế đã lên xe và nổ máy cho xe chạy bỏ hắn lại phía sau. Còn tôi thì chưa định thần với mấy tờ giấy bạc còn nắm trên tay. Vào lớp, tôi kể chuyện lại cho Hồng Phương và các đứa đi chung ngày hôm qua cùng nghe. Tụi nó “hiến kế”:
– Hắn ta không nhận tiền thì mày mua báo của truờng mình tặng lại hắn, như vậy huề mà lại còn có cái tình “Gia long – Pétrus” nữa.
Tôi ngẫm nghĩ rồi đồng ý mua thêm một tập san Xuân Gia Long để chờ dịp “trả nợ” cho hắn. Nhưng thật lạ, liên tiếp mấy ngày hắn không có mặt trong nhóm bán báo trường Pétrus Ký tại trường tôi. Tôi cố ý ngóng gặp hắn tại bến xe buýt cũng không thấy. Chán nản, tôi cất quyển báo ở nhà và không nghĩ đến chuyện nợ nần gì nữa. Ngày cuối cùng trước khi trường cho nghỉ Tết, chúng tôi tổ chức liên hoan trong lớp rồi đuợc về sớm.Tôi và Hồng Phương cùng lũ bạn lại rủ nhau đi dạo phố để ngắm chợ Tết Saigon.
Theo con đường Trương công Định chúng tôi lần ra chợ Sàigòn ở ngã quẹo đường Phạm ngũ Lão ngay Ga Xe Lửa. Phố Tết tưng bừng màu sắc, xe cộ tuôn như mắc cửi. Bọn chúng tôi vừa đi vừa tán gẫu chuyện dưới đất trên trời. Khi chúng tôi đi ngang qua tiệm bánh Tân Tân, bỗng có tiếng ai đó kêu sau lưng chúng tôi:
– Mấy chị Gia Long ơi, ngừng lại, ngừng lại có người hỏi thăm.
Chúng tôi đồng loạt quay lại. Một nhóm năm, sáu anh chàng áo trắng, quần xanh, phù hiệu Pétrus Ký ngồi trên xe đạp đang sắp hàng dọc, hàng ba trước mắt chúng tôi. Và ơ kìa, có cả “hắn ta” trong đó nữa. Tự dưng tôi nghe mặt mình nóng bừng, dù nắng tháng chạp không chen qua nổi vành nón lá dưới mái hiên tiệm bánh để làm tôi ran da đỏ má. Hồng Phương nhanh nhẩu:
– Chào các anh. Bộ mấy anh định ra chợ Saigon bán báo nữa hả?
Khuôn mặt những anh con trai không lộ nét khó chịu. Trái lại, họ cười cởi mở. Một anh chàng trong bọn đáp:
– Chị vui quá, tụi này có thể nhập bọn dạo phố với các chị được không?
– Trời ơi, tụi tui có phải chính quyền đâu mà xin phép! Đường xá là của chung mà. Đi chơi mà có “garde-de-corps” thì còn gì bằng, phải không tụi bây? Hồng Phương vừa lém lỉnh trả lời, vừa tinh quái hỏi chúng tôi.
Thế là sau đó nhóm của hắn đi gửi xe đạp trong khi chúng tôi đứng chờ bên hông ga xe lửa. Buổi dạo phố thật vui giữa hai nhóm bạn mới quen. Chúng tôi tự giới thiệu tên nhau và tôi biết hắn tên Thắng, lớn hơn tôi ba tuổi và dĩ nhiên học trên tôi ba lớp. Năm nay hắn sẽ thi Tú Tài phần nhứt. Tôi cho hắn biết là đã mua tặng “đáp lễ” hắn quyển Xuân Gia Long nhưng không đem theo và hẹn lần gặp sau sẽ trao cho hắn. Chuyện trò qua lại từ chợ Sàigòn, sang đường Lê Lợi, dọc xuống chợ hoa Nguyễn Huệ rồi vòng về Pasteur, bọc qua Tạ Thu Thâu.
Chúng tôi cả đám kéo nhau vào góc sau chợ Sàigòn ăn bún thịt nướng, sau đó rủ nhau uống nước mía phía mặt trước chợ, nơi ngó qua công trường Quách thị Trang. Cuối cùng chúng tôi chia tay nhau khi đồng hồ trên nóc chợ chỉ gần sáu giờ chiều. Hắn tỏ ý muốn chở tôi về trên xe đạp của hắn nhưng tôi ngần ngại từ chối, không phải sợ phiền hà gì cho hắn mà chỉ sợ lối xóm thấy được “mét” lại ba má tôi thì chắc “chết” luôn. Má tôi vẫn thường hay dặn dò hoài câu “nam nữ thọ thọ bất thân”, đi chung xe đạp ngồi gần rủi “thọ thọ rất thân” thì sao. Má tôi còn nhắc đi nhắc lại như kinh nhật tụng là “con gái đi học đừng bày đặt bạn bè trai gái không tốt.” Quen hắn như vầy là tại “thiên định” chứ tôi đâu dám “bày đặt.” Muốn trả nợ hắn cuốn báo tôi còn không dám để hắn đến nhà như lời yêu cầu của hắn mà chỉ hẹn ở bến xe buýt vào ngày đầu trở lại trường sau dịp lễ mà thôi.
Tôi lên xe buýt về nhà, lòng nhẹ nhàng hương chợ Tết, nhớ cuộc vui vừa dứt, có hắn luôn bên tôi như một vệ sĩ đi kèm. Tết nầy tôi đúng tuổi mười lăm, nếu tôi nhớ không lầm thì ngày xưa Mạnh Lệ Quân cũng tuổi nầy đã đính ước với Hoàng Phủ Thiếu Hoa câu duyên nợ rồi; không hiểu có sớm lắm không nếu tôi cũng để tâm hồn tôi vấn vương hình bóng hắn.
Đến mùng sáu chúng tôi đi học lại bình thường. Tôi bỏ cuốn báo Xuân Gia Long vào cặp, ngóng đồng hồ để chờ giờ ra bến xe buýt sao cho đúng hẹn hắn từ trường Pétrus Ký trở về ngang. Lần nầy xe chưa đến bến nên tôi đứng đợi xe chung với nhiều hành khách khác, trong số đó có thím Ba, bà bạn hàng xóm của má tôi. Tôi nhìn về phía trước con đường, nửa chờ trông để thấy mặt bạn, nửa cầu mong xe buýt đến nhanh và lăn bánh trước giờ hắn đến vì tôi thật tình lo sợ, không phải sợ hắn mà sợ thím Ba hàng xóm thấy tôi chuyện vãn trao đổi sách báo với bạn trai rồi về “thông tin” lại với má tôi thì chắc tôi sẽ bị tra vấn đủ điều. May mắn làm sao, xe buýt đến. Tôi và mọi người leo lên xe ngồi chưa bao lâu thì xe chuyển bánh đúng lúc dáng chiếc xe đạp của hắn hiện ra ở đầu đường. Ngồi bên cửa hông xe, tôi khe khẽ vẫy tay chào khi thấy hắn ngước mắt nhìn lên. Cuốn báo xuân Gia Long vẫn nằm yên trong cặp. Tôi thở phào, thôi thì chờ dịp khác vậy, cùng xóm mà, có vội chi đâu.
(còn tiếp)
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]