Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Montréal

Sinh hoạt Cộng đồng người Việt Quốc Gia vùng Montréal
Tường trình về buổi giới thiệu những hoạt động của Liên minh Bài trừ Nô-lệ Mới ở Á Châu

Lê Minh Thịnh tường trình

Ngày 4 tháng 9 năm 2011 vừa qua, Cộng đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal đã tổ chức buổi tiệc gây quỹ hỗ trợ Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) nhằm giới thiệu những hoạt động của Liên minh CAMSA đến đồng hương. CAMSA là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở Á Châu và khắp nơi trên thế giới. Được thành lập vào tháng 2 năm 2008 và tính đến tháng 5 năm 2011, CAMSA – chữ viết tắt của tên tiếng Anh “Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia” – có bốn hội thành viên: Ủy ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People SOS, Hoa Kỳ), Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế (Đức), Liên Hội Người Việt Canada (Vietnamese Canadian Federation, Canada) và Tenaganita.

Buổi tiệc gây quỹ được tổ chức tại nhà hàng Phương Thảo với thành phần diễn giả đông đảo và uy tín gồm có: Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Điều hành, Ủy ban Cứu trợ Người Vượt Biển (Boat People SOS), Hoa Kỳ; bà Phù Ngọc Thanh, Điều hợp viên Văn phòng CAMSA, Đài Loan; và Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Ủy viên Ngoại vụ, Liên hội Người Việt Canada. Ngoài ra, Dân biểu trẻ của đảng Tân Dân Chủ – Anne Quách Minh Thư cũng tham dự cùng với thân mẫu mặc dù công việc của cô rất bận rộn ngay cả những ngày cuối tuần.

Về phía cộng đồng Việt, chúng tôi nhận thấy có Bác sĩ Đào Bá Ngọc – Chủ tịch BCH Cộng đồng – và phu nhân Đặng Thị Danh; ông Hội trưởng Hội Bảo vệ Di sản và phu nhân Ngô Anh Võ; bà Hội trưởng Hội Nhớ Huế Tôn Nữ Quỳnh Loan và phu quân Đoàn Đình Thủy; hai em thiếu niên “bảo vệ cờ Vàng” và phụ mẫu; và khoảng trên 80 thân hào nhân sĩ cũng như đồng hương quan tâm đến vấn nạn buôn người, nhất là nhân phẩm phụ nữ Việt Nam.

Bs. Ngọc bắt đầu chương trình bằng sự giới thiệu vắn tắt những sinh hoạt cộng đồng cũng như những quan tâm, chia sẻ của đồng hương đến những nạn nhân của nạn buôn người. Sau 36 năm chấm dứt chiến tranh, việc xuất khẩu lao động qua nhiều hình thức, luôn cả “bán thân nuôi miệng” đã trở thành quốc nạn, nhân phẩm và thân thể người Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng đã và đang bị chà đạp trước sự làm ngơ, nếu không muốn nói là thỏa hiệp của chính quyền CSVN.

Tiểu sử của các diễn giả đã được Bác sĩ Cấn Bích Ngọc – người đóng góp không ngừng vào những sinh hoạt cộng đồng, nhất là việc bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm phụ nữ Việt Nam – giới thiệu rất đầy đủ và xúc tích.

Ts. Thắng – người đầu tàu từ những chuyến cứu người vượt biển hơn 30 năm qua – trình bày đến quý đồng hương một đoạn video về tình cảnh bi thương của phụ nữ Việt bị xuất khẩu lao động sang Jordan. Khi biết được các phụ nữ đòi hồi hương vì bị ngược đãi, sứ quán Việt Nam đã cùng với công ty môi giới hù dọa và dùng bạo lực để ép các chị em ở lại. Đoạn video làm cho quý khách tham dự rất bất bình nhất là khi những nhân viên sứ quán cùng với những người môi giới lớn tiếng và có cử chỉ thô bạo với các chị em. CAMSA đã liên lạc với hoàng gia Jordan và 176 nữ công nhân Việt đã được giải cứu khỏi cảnh bị bóc lột và đánh đập. Rất nhiều chuyện thương tâm khác được kể lại qua những nhân chứng sống.

Theo Ts. Thắng, CAMSA vừa phổ biến danh sách 32 công ty tuyển và xuất khẩu lao động Việt Nam kèm với thông tin về nhiều hành động vi phạm luật pháp, vi phạm hợp đồng, hay toa rập trong vấn đề buôn lao động của từng công ty (http://www.camsa-coalition.org/vi/index.php/cong-ty-moi-gioi/danh-gia-cong-ty). Trong số này có những công ty quốc doanh bề thế, nhiều công ty hợp doanh cỡ trung bình, và một ít công ty tư nhân. Ngoài ra, trang mạng của CAMSA cũng đăng cẩm nang dành cho những công nhân Việt có ý định làm lao động ở nước ngoài nhằm nâng cao sự hiểu biết pháp luật, hợp đồng, cũng như những quyền căn bản của công nhân (http://www.camsa-coalition.org/vi/index.php/tro-giup-cong-nhan/255-cm-nang-danh-cho-cong-nhan-vit-nam-i-xkl).

“Chính quyền Việt Nam hợp tác thì càng tốt; bằng không cũng chẳng sao. Nếu đồng bào trong nước cùng với tập thể người Việt ở hải ngoại biết phối hợp nhịp nhàng và đồng loạt với nhau và lại có sự tiếp tay của quốc tế, chúng ta sẽ giải trừ được nạn buôn người”, Ts. Thắng giải thích. “Điều này sẽ chứng minh rằng, nếu làm đúng việc và làm việc đúng cách, chúng ta có thể cải tạo xã hội, bất luận thái độ của chính quyền Việt Nam.“

Ts. Cấn – người sinh hoạt cộng đồng không ngơi nghỉ trong vòng gần 40 năm qua, và người cùng bà cố Đô trưởng Ottawa Marion Dewar khởi xướng Project 4,000 để rồi bảo lãnh thành công 50,000 thuyền nhân vào những năm 1979 – đã trình bày về những cảnh tình thương tâm của những chị em bị chồng và gia đình chồng đối xử tàn tệ. Mới đây nhất, Liên hội Người Việt Canada qua chương trình “Tới Bờ Tự-do”, đã bảo lãnh thành công 88 gia đình đồng bào tị nạn (275 người) đã tới Canada định cư từ tháng 3, 2008.

Bà Ngọc Thanh – người trực tiếp làm việc hàng ngày với chị em Việt – trình bày về ngân sách hoạt động khiêm tốn của văn phòng CAMSA tại Đài Loan mặc dù số chị em cần giúp đỡ ngày càng đông. Cho nên, sự đóng góp tài chánh (bởi vì cộng đồng chúng ta ở xa) là rất cần thiết.

Được biết, số tiền thu được từ vé ăn và số tiền ủng hộ từ tấm lòng bác ái của các mạnh thường quân lên đến $4,800 gia-kim. Bà chủ tiệm Phương Thảo có nhã ý tặng thêm $200 cho tròn $5,000. Sau đó, để cân xứng với số tiền mà đồng hương Ottawa đã ủng hộ trước đó khoảng $5,500, một vị khách cũng ủng hộ thêm $500. Như vậy, qua hai lần tổ chức tại Ottawa và Montréal, và số tiền Liên hội quyên được sau chuyến đi Đông Nam Á của Ts. Cấn (ghi chú của LHNVC), quỹ CAMSA đã thu được khoảng $11,000 gia-kim. Liên hội sẽ có bản tường trình tài chánh đầy đủ sau khi một loạt các sinh hoạt của Liên minh CAMSA tại Ottawa, Montréal, Toronto, Calgary, và Vancouver kết thúc.

Sau đây là một vài thành quả của Liên minh CAMSA: Giải quyết cho 2,600 công nhân, trong đó có 1,300 người Việt, ở Mã Lai được công ty liên quan bồi thường gần 1 triệu Mỹ kim; Cứu thoát nhiều gia nhân Việt khỏi cảnh giam lỏng và bóc lột trong gia đình ở Mã Lai; Thiết lập đường dây điện thoại nóng toàn quốc ở Mã Lai; Trợ giúp hàng trăm trường hợp công nhân Việt gặp khó khăn; Thiết lập trang blog thông tin cho công nhân lao động Việt ở Mã Lai; Tổ chức các lớp Anh ngữ, huấn luyện kỹ năng và mở rộng kiến thức đời sống cho công nhân Việt ở Mã Lai; Tổ chức nhiều chương trình thực tập sinh tạo cơ hội cho người trẻ ở Hoa Kỳ tham gia phòng chống buôn người.

Trong phần phát biểu, Gs. Lê Văn Mão – Chủ tịch Trung Tâm S.AI.M (Service aux Aîné(es)  de Montréal) – có đề nghị CAMSA liên kết với các tổ chức trực thuộc Liên-hiệp-quốc. Theo Ts. Thắng, CAMSA đã làm việc trực tiếp với quốc hội Mỹ, qua đó thỉnh nguyện cũng như áp lực về cải cách luật pháp đến những quốc gia liên quan như Mã Lai, Đài Loan, và Việt Nam có thể được thực thi cụ thể. Bs. Nguyễn Như Thành – thành viên Ban Giám sát Cộng đồng – đề nghị CAMSA đưa tin tức và hình ảnh, tài liệu lên internet. CAMSA đã có trang mạng ngay từ khi thành lập, và rất nhiều video được đưa lên mạng cũng như Youtube (http://www.camsa-coalition.org/vi/). Ts. Lê Minh Thịnh chia sẻ những câu chuyện đường dây “bán phụ nữ Việt với giấy chứng nhận còn trinh tiết” từ Việt Nam, sang Cambốt, Thái Lan, Mã Lai đến Singapore khi Ts. còn làm việc tại Singapore. Vì thế, nhiều khi nữ sinh Việt không dám nhận mình là người Việt vì sợ dân bản xứ xem thường là đĩ điếm từ Việt Nam. Cách giải quyết là thông báo rộng rãi cho đồng bào trong nước những tài liệu cần thiết, hữu hiệu nhất là qua những hội sinh viên, diễn đàn sinh viên.

Quý đồng hương có thể tiếp tay với CAMSA bằng cách: Cung cấp tin tức về các vụ buôn người để bóc lột sức lao động; Phổ biến tin tức về Liên minh CAMSA đến giới truyền thông địa phương; Tham gia các buổi huấn luyện về phòng chống buôn người; Giới thiệu hoạt động của Liên Minh CAMSA đến địa phương mình; Tham dự chương trình tình nguyện viên; Tổ chức gây quỹ và đóng góp tài chánh. Để biết thêm chi tiết, xin quý vị liên lạc: CAMSA, c/o BPSOS, 6066 Leesburg Pike, Suite 100, Falls Church, VA, 22041, USA, điện thoại: + 1 -703-538-2190, điện thư: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

==============================

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 40 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.

Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:

BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA

Viết một bình luận