Huỳnh Ngọc Nga
Bây giờ thì mọi người đã tin là ông ta chết thật rồi dù chẳng ai nhìn thấy xác ông ta cả. À không, có chứ, đó là những người hạ lệnh và thi hành lệnh giết ông ta. Họ xác nhận là công lý đã thực thi và biển cả là nơi ông ta yên giấc ngàn thu. Tin ông ta chết làm chấn động địa cầu, cao độ không thua gì cơn chấn động của sóng thần và động đất ở Nhật ngày 11/3/2011. Sóng thần ở Nhật tiêu hủy gần như toàn vùng Sendai và Tohoku, gây bao nhiêu thảm nạn và nhiều thiệt hại, lo lắng chẳng những cho Nhật mà còn cho cả những quốc gia liên quan. Nhưng những thiệt hại đó chỉ đến sau cơn chấn động và hiện đang được mọi người chung tay xây dựng lại. Còn cái chết của ông ta, trước và sau biết bao điều tang thương xuôi, ngược…
Ông ta là ai? Cuộc đời thế nào mà kết cuộc lại thảm thương như vậy?
Người ta bảo ngày 10/3/1957 tại Ryadh (Arabia Saudita) cậu bé Osama bin Mohammed bin Awad bin Laden (hay còn được gọi tắt là Osama Bin Laden) mở mắt chào đời trong một gia đình giàu có của một doanh nhân người miền nam Yemen tên Muhammad bin Awād bin Lāden và bà Hamida al-Attas, người vợ thứ mười của ông. Cậu bé Osama có tất cả năm mươi hai anh em của hai bên cha mẹ vì cha mẹ cậu đã ly dị không bao lâu sau khi cậu chào đời. Cậu sống với mẹ cùng cha dượng và bộc lộ thiên hướng tôn giáo khá rõ rệt ngay từ thuở nhỏ. Ai từng biết chàng thời niên thiếu thường bảo rằng đó là một thiếu niên hiền lành, tính rụt rè với đôi mắt của một nhà tu. Chưa đến tuổi trưởng thành, năm mười bảy chàng đã kết hôn với Najwa Ghanem, con của cậu chàng và lớn hơn chàng hai tuổi. Đây là một trong năm người vợ của chàng và có với chàng 11 đứa con.
Nhưng người ta quan tâm đến cuộc đời chính trị, sự nghiệp của chàng hơn chuyện vợ con, dù rằng trên phương diện này chàng cũng không đơn giản chi lắm: năm bà vợ với hai bà chính thức ly dị và hàng chục đứa con mà một trong số đó có Hamza bin Laden (Hamza bin Osama bin Muhammad bin ‘Awad bin Laden) sinh năm 1991, được cho là người có tham gia vào vụ ám sát bà Benazir Bhutto, cựu thủ tướng Pakistan. Trong tiểu sử của Osama Bin Laden, chuyển biến cuộc đời chàng có thể tính từ giai đoạn trưởng thành vào khoảng năm chàng 20 tuổi. Lúc đó Osama theo học Đại Học King Abdul Aziz ở Jedda, ngành quản trị và kinh tế. Tại đây, Osama đã gặp Sheik Abdallah Azzam là người đã hướng Osama vào con đường tôn giáo và chính trị phức tạp của cộng đồng Ả Rập sau này.
Như có nợ duyên với vùng đất chiến tranh Afghanistan, khoảng cuối năm 1979, Osama sang Pakistan, bắt đầu từ công việc hậu cần, tài trợ tiền, xây dựng trường học, nhà ở cho dân tị nạn Afghanistan ở Pakistan lúc đó đang chống lại cuộc xăm lăng của Liên Xô cũ, đồng thời khuếch trương hình ảnh, uy tín để từ đó nổi tiếng là người lương thiện và khả kính trong cộng đồng Afghanistan.
Khoảng giữa thập niên 1980, Osama chuyển sang sống tại Afghanistan, điều hành việc xây dựng đường xá, đào hệ thống hầm trú ẩn cho các phiến quân Hồi giáo hay còn gọi là các mujahadeen – những người đang chống lại Liên Xô. Tại đây, Osama cho phát triển tổ chức Maktab Al-Khidamat (MAK), tuyển dụng nhân sự nhằm kiếm tài chính cho Lữ Đoàn Hồi Giáo Quốc Tế chiến đấu tại Afghanistan.
Năm 1989, Liên Xô rút quân ra khỏi Afghanistan, cũng trong năm này Sheik Abballah Azzam bị ám sát chết. Osama chính thức tách khỏi MAK để thành lập AL-QAEDA, tổ chức vũ trang khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, kích động phong trào Thánh Chiến (Jihad) chống Mỹ, chống phương Tây như cuộc chiến tranh Thập Tự Giá của thời Trung Cổ xa xưa. Tiêu chí hoạt động của nhóm này là thanh lọc ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ ra khỏi các quốc gia Hồi Giáo, đồng thời thiết lập lại luật Hồi Giáo. Al-Qaeda, theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “Cơ Sở” hay “Doanh Trại”. Điều đó ám chỉ Al-Qaeda là cơ sở nền tảng hoặc “đại bản doanh” để tiến hành cuộc cách mạng Hồi Giáo trên khắp thế giới, loại bỏ chủ nghĩa dân chủ thế tục (tức sự phân định giữa chính phủ và tôn giáo) để thay thế bằng giáo quyền mà Hồi Giáo là tiêu biểu, cho phép sử dụng cả bạo lực nếu cần thiết để đi đến kết quả. Có thể nói chàng thanh niên nhút nhát ngày xưa như con lạc đà hiền lành giữa sa mạc đã chết và đang biến hoá thành một con diều hâu độc dữ gieo khủng hoảng khắp năm châu. Ví von chính xác hơn thì đó là một gã đồ tể đẹp trai, cao dong dỏng, dáng thư sinh, nụ cười hiền, mắt mơ màng, biết làm những vần thơ nhẹ nhàng êm ái trong những tiệc cưới thân tình hay những buổi lễ chiêu nạp tân binh. Trong một bài thơ, thủ lãnh Al-Qaeda tự miêu tả mình như một “thi sĩ chiến binh” – kẻ sẽ dẫn dắt những người phục tùng đến một cuộc sống điền viên, hạnh phúc dưới các dãy núi Hindu Kush. Nhưng thời điểm thi ca chỉ diễn ra trong ngắn ngủi qua những cuộc vui gia đình, những ngày đại lễ, ngoài những giờ phút đó, Osama là hiện thân của bạo lực, của căm thù. Những hình ảnh thu video được đồng bọn ông ta gửi đi qua các đài truyền hình khắp nơi cho thấy lúc nào trên vai ông cũng kè kè một khẩu tiểu liên như chực chờ phát pháo.
Và pháo đã nổ thật. Sau khi Liên Xô rút quân, Afghanistan rơi vào tình trạng nội chiến với nhiều phe phái Mujahideen, cũng như sự nổi dậy của các lãnh chúa địa phương cộng với tham ô, nhũng loạn lan tràn khắp nơi là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của nhóm Taliban. Nhóm này phát triển thành một lực lượng chính trị tôn giáo, chiếm đóng Kabul (thủ đô Afghanistan) năm 1996 cùng 96% địa phận của nước này. Họ chỉ phải đương đầu với Liên Minh Bắc Afghanistan (nhóm này có sự yểm trợ của Mỹ và đồng minh). Taliban dùng giáo quyền để “chăn dân, trị nuớc” dựa vào bộ Luật Sharia của Hồi Giáo, hạn chế dân quyền, đàn áp phụ nữ. Họ dung dưỡng cho mạng lưới Al-Qeada của Osama Bin Laden.
Nương tựa vào nhau, Al-Qaeda dưới sự điều động của Osama đã thực hiện tổng cộng từ năm 1992 đến nay 6 cuộc tấn công khủng bố lớn trên toàn cầu và 4 trong số đó nhằm vào Mỹ. Những lần phá hoại như vậy ngoài sự đổ vỡ vật chất còn giết hại hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người. Không phải chỉ có dân Mỹ, lính Mỹ thiệt mạng như Osama hô hào mà còn có cả các sắc tộc trong khối Á Rập phải chết oan vì sự cuồng tín của ông ta.
– Bom nổ tại Yemen năm 1992 với ý định loại bỏ lính Mỹ đang trên đường đến Somalia tham gia vào các nỗ lực cứu trợ nạn đói quốc tế. Mỹ không bị hề hấn gì nhưng những nạn nhân đa số là người Yemen, đồng hương của Osama.
– Năm 1993, trung tâm thương mại thế giới tại thành phố New-York bị một xe tải bom tấn công chỉ làm rung chuyển tòa nhà. Mưu định cuớp đi sinh mạng 25.000 người Mỹ đã thất bại mặc dù đã có 1.042 người bị thương, tổn thất tài sản trên 300 triệu đô la nhưng chỉ làm 6 người chết.
– Và tiếp đó, năm 1996, tự tay Osama thiết kế dự định ám sát Giáo Hoàng John Paul II cũng như Tổng thống Bill Clinton đều không thành.
– Năm 1998, bom nổ tại Tòa đại Sứ Mỹ ở Đông Phi, hơn 300 người chết, đa số là dân địa phương.
– Tháng 10 năm 2000, Al-Qaeda đã dùng quân cảm tử tung bom vào chiến hạm USS Cole đang ở ngoài khơi hải phận Yemen, sát hại 17 thủy thủ. Từ vụ tấn công mà họ gọi là thành công này, Osama chuẩn bị một cuộc phá hoại quy mô có tính cách dữ dội hơn, đó là cuộc tấn công lịch sử của Al-Qaeda vào hai toà nhà chọc trời của Mỹ và các địa điểm trọng yếu khác.
– Ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã diễn ra vụ tấn công khủng bố tàn khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ, làm thiệt mạng khoảng 3.000 người. Hai máy bay thương mại đã bị uy hiếp đổi hướng đâm vào hai tòa nhà Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York, chiếc thứ ba đâm vào Ngũ Giác Đài và chiếc thứ tư được dự tính lao vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ nhưng sau đó lại bị rơi ở một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania. Tức khắc ngay sau đó, các thông điệp được gửi đi từ Bin Laden ca ngợi cuộc tấn công và xác nhận Al-Qaeda đã chủ mưu các cuộc tấn công này, hành động phù hợp với Đạo Luật Hồi Giáo 1998 đã ban hành nhằm chống lại Mỹ và đồng minh.
Theo phúc trình của Uỷ Ban 11/9, các không tặc đã biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử. Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 là một trong những sự kiện quan trọng đáng chú ý nhất trong thế kỷ 21, và là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về tất cả các mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, và quân sự của Hoa Kỳ cũng như những nơi khác trên thế giới. Uy tín Mỹ bị lung lay, trong nước người dân hoang mang giao động về tình trạng an ninh bất ổn; dấu vết sụp đổ của Tháp Đôi như vết thương ứa máu hằn sâu da thịt người dân Mỹ.
Các quốc gia trên thế giới có nhiều thái độ khác nhau, châu Âu lên tiếng biểu đồng tình cùng Mỹ. Tờ LeMonde của Pháp chia sẻ niềm đau với hàng tít lớn “Ngày Hôm Nay Tất Cả Chúng Ta Đều Là Người Mỹ”. Riêng khối Á Rập, ngoại trừ chính phủ các nước thân Mỹ hoặc có quan hệ ngoại giao với Mỹ như Araba Saudita, Ai Cập, Algerie, v.v. tỏ thái độ đồng cảm trong khi người dân các nước đó đa số hể hả reo mừng thấy “những tên cao bồi Mỹ bị Allah trừng phạt”. Hoa Kỳ chứng tỏ ngay uy lực đại cường. Chỉ một tháng sau ngày bị phá hoại, được sự biểu quyết chấp thuận của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Mỹ đã dẫn đầu một liên minh quân sự tiến vào Afghanistan để càn quét Al-Qaeda và lật đổ chính quyền Taliban với lý do họ chứa chấp quân khủng bố. Pakistan là láng giềng gần của Afghanistan nhưng lại đứng về phía Hoa Kỳ, ưu tiên cho Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự hậu cần cho chiến dịch tấn công vào Afghanistan.
Thời gian nhẹ nhàng trôi trong thù hận nặng nề giữa người với người. Mười năm đã bay đi, Mỹ vẫn không ngừng tìm kiếm dấu vết của Osama nhưng con diều hâu Trung Đông khôn ngoan biết tìm cách chơi trò cút bắt cùng con đại bàng Mỹ. Máu xương vẫn đổ, máu của những chiến sĩ vô danh mang nhiều quốc tịch (Mỹ và đồng minh) với chủ trương trừ gian diệt bạo, giải thoát xích xiềng cổ hủ cho phụ nữ, và máu của thần dân Ả Rập xả thân liều chết vì dòng kinh Coran, vì nhân danh Allah thần thánh, vì mối thù truyền kiếp giữa Palestine và Do Thái. Thủ cấp của Bin Laden được Mỹ treo giá 25 triệu dollars, cao giá như chiều cao dáng đứng của thủ lảnh Al-Qaeda, nhưng chưa ai có diễm phúc nhận phần thưởng này và mọi người vẫn chờ, chờ ngày diều hâu gãy cánh.
Và giây phút đó đã đến, bất ngờ với người dân thường nhưng là một kỳ công được soạn thảo chu đáo và ban hành từ vị Tổng Thống trẻ tuổi nhất của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Barack Obama, ngày 2.5.2011, trên TV, Obama chính thức tuyên bố cùng dân tộc ông và thế giới là Osama Bin Laden đã chết, công lý đã được thực thi, tội ác đã bị trừng phạt. Xác của thủ lảnh Al-Qaeda đã được thủy táng giữa đại dương theo nghi thức Hồi giáo.
Liên tiếp trọn ngày hôm đó, tin tức được loan truyền qua CNN, đi khắp địa cầu về cái chết của con diều hâu nguy hiểm nhất, duy có điều diều hâu không gãy cánh trên sa mạc Trung Đông hay núi đồi Trung Á mà lại chết ngay giữa lòng phố Abbottabad của thị trấn Balal thuộc Pakistan, sát cạnh học viện quân sự hàng đầu của Pakistan và cách thủ đô Islamabad của nước này 30 dặm. Người ta tường thuật về cái chết đó như tường thuật một trang tiểu thuyết nhiều màu sắc, tù ngục tra tấn của nhà ngục Guantanamo đến gián điệp, trinh thám theo dõi người thân tín của Bin Laden để tìm ra nơi ẩn trú của Osama bằng nhiều phương tiện tinh vi. Chiến thuật trực thăng đột nhập Pakistan chẳng ai hay và thả người thần sầu vào biệt thự của Bin Laden để giết ông ta bằng các phát súng vào đầu và ngực. Chỉ trong 40 phút, các biệt kích hải quân SEAL (thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân Hỗn Hợp Hoa Kỳ và Cục Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ) thi hành lệnh sát tử như một phim chiến tranh của điện ảnh Hollywood. Xác của Bin Laden được thử nghiệm DNA để chắc chắn là diều hâu đã hoàn toàn gãy cánh và được thuỷ táng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Tin Osama Bin Laden chết làm ngạc nhiên thế giới, kẻ tin, người ngờ, hoang mang bàn tán vì ngoài những người trong cuộc chẳng ai thấy xác ông ta đâu, người ta chỉ thấy trên màn ảnh nhỏ hay trên báo chí thân xác của Bin Laden với khuôn mặt đầy máu me khó nhận diện thực hư để xác định đâu là sự thật. Mặc tiếng ong ve bàn tán, tổng thống Mỹ nhất định không cho phổ biến thêm hình ảnh nào khác về thân xác của trùm khủng bố và giải thích tại sao lại thủy táng, chính phủ Mỹ nói họ đã hỏi các nước Hồi Giáo để giao xác Bin Laden nhưng chẳng nước nào chịu nhận. Họ cũng không muốn địa táng để trong tương lai nơi đó thành địa điểm hành hương của những kẻ cuồng tín.
Phản ứng đầu tiên của người Mỹ là sự reo mừng, hoan hô, cổ võ. Thị Trưởng Thành phố New York Michael Bloomberg nói rằng ông hy vọng cái chết của Bin Laden “sẽ an ủi cho những ai đã mất đi người thân” trong các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2011. Vết thương 10 năm trước đã được tháo băng, lành da, kín thịt. Và dù biết sẽ có sự trả thù của phe nhóm Talinban/Al-Qaeda nhưng họ vẫn sẵn sàng đón đợi và tin tưởng vào tài ba của vị nguyên thủ quốc gia mình, trong một sớm một chiều uy tín của Barack Obama tăng vượt như lời mời mọc hứa hẹn tốt lành cho cuộc tuyển cử tổng thống nhiệm kỳ tới vào năm 2013.
Tuy nhiên, nếu con sông có hai chiều nước chảy ngược, xuôi thì cuộc đời cũng có biết bao nhiêu chuyện đối nghịch với nhau. Bởi thế, khi bên kia trời Mỹ pháo hoa mở hội reo mừng một xác thù ngã xuống thì cũng thân xác đó ở trời Đông có bao nhiêu người khóc thương một thủ lãnh anh hùng, một kẻ tuẩn đạo để châm vào mối hận truyền kiếp thêm một ngọn lửa oan khiên với lời thề báo oán. Phát ngôn viên của nhóm Taliban tại Pakistan đã nói “Osama đã tử vì đạo, đó là chiến thắng chung vì tử đạo là mục tiêu chung của chúng ta”.
Người ta bảo tôn giáo sinh ra để xoa dịu trái tim con người, để thế nhân biết chuyện thiện, ác với thưởng, phạt của hiện tiền và cõi mai sau. Các đấng hiền nhân khi đem đạo vào đời chắc chẳng ai muốn vì đạo mà chúng ta sanh ra thù hận. Thế nhưng chứng minh lịch sử ngàn đời cho thấy sự thật không như thế, những cuộc chiến tranh tàn khốc xưa nay ngoài nguyên nhân tranh chấp quyền lợi vật chất, đa số khởi nguồn từ tín đồ các tôn giáo đã để u mê của cái Tôi ích kỷ không chấp nhận sự khác biệt của người khác mà gây chuyện tang thương. Có thiên đường nào đón nhận kẻ tử đạo với hai bàn tay vấy máu đồng loại, cho dù là đồng loại không cùng chung đức tin tâm linh. Các đạo hữu, chiến hữu của Bin Laden không biết dừng tay như Arafat1 thuở nào, không suy ngẫm tinh thần bất bạo động của thánh Gandhi và chắc cũng không thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma đang bình tâm đường đời, thanh an đường đạo đối phó với nghịch cảnh của một kiếp lưu vong tìm kiếm cho quê hương Tây Tạng mình một ngày mai tự trị thanh bình.
Tin mới nhất từ nhóm Taliban/Al-Qaeda vừa cho biết họ đã chọn được người thay thế chỗ trống của Bin Laden, đó là một người Ai Cập tên SEIF al-ADEL, ông ta sẽ tiếp tục chống Mỹ và Tây Phương. Ô hô, bánh xe trước đã gãy nhưng vẫn còn những bánh xe sau dẫm tiếp lối mòn. Lấy máu rửa máu, oan khiên chồng chất, thế giới này bao giờ hết chuyện giết nhau.
Osama Bin Laden lúc được sanh ra hẳn không nghĩ mình sẽ là thủ lãnh khủng bố. Con diều hâu lúc ăn xác người chắc cũng không biết sẽ có ngày mình nằm giữa biển sâu. Một thời ngang dọc, hùm hổ làm khiếp đảm bao người để cuối cùng phải đón chịu ngày chung cuộc đau thương, chứng nhận thêm lần nữa câu nhân quả, chữ nghiệp căn, ai bảo đó không phải là vô thường của thế gian này.
(1) Arafat: Thủ lãnh Palestine chống Do Thái, Mỹ và Tây phương, từng là thủ lãnh khủng bố Tháng Chín Đen, sau từ bỏ con đường khủng bố để theo chính sách hoà hoãn, đàm phán và trở thành Tổng thống đầu tiên của Palestine.
(2) Bài viết được tham khảo các chi tiết tin tức về Bin Laden trên internet.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]