Cõi Tiên

Hưng Yên

Dĩ nhiên “CÕI TIÊN” phải khác và tốt đẹp hơn cõi trần nhiều, chả thế mà người ta bảo: đẹp như tiên, sướng như tiên, được lên tiên, v.v. Thấy một người đàn bà đẹp ta trầm trồ khen ngợi: Cứ như là tiên ấy. Gặp một cảnh đẹp ta bảo: Thật là cảnh “non bồng, nước nhược”! Đàn ông anh nào chả thích có vợ đẹp, lấy được vợ đẹp thì cứ là sướng như tiên. Thế nhưng thực sự thì đã có ai thấy tiên hoặc đã được sống với tiên chưa? Còn có bà xã đẹp thì thích thật, nhưng sướng thì chưa chắc, có khi còn lo ngay ngáy. Vào thời buổi bây giờ mà không đủ tiền, không đủ tình thì có vợ đẹp cũng dễ mất… ngủ lắm!

Đọc những truyện cổ tích như: Chử Đồng Tử và Tiên Dong, Tú Uyên, Lưu Thần, Nguyễn Triệu, Từ Thức, v.v., truyện nào đọc cũng thấy “sướng ơi là sướng”. Một anh nghèo rớt mồng tơi, cái khố cũng không có suốt đời trần như nhộng, phút chốc lấy được công chúa con vua. Một anh học trò tứ cố vô thân, nghèo kiết xác, đi lêu bêu, mua rẻ được bức tranh có hình người đẹp mang về treo trong nhà, thế rồi lấy được vợ tiên. Đặc biệt nhất là hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu, chả chịu làm ăn gì, cũng chỉ bét nhè với bầu rượu túi thơ, thế rồi chả biết lêu bêu thế nào mà lạc ngay tới đào nguyên:

“Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới đào nguyên,
Kìa đường lên tiên, kìa đường lương duyên…
Thiên thai chúng em xin dâng hai chàng trái đào tiên…” (Thiên thai của Văn Cao)

Hai ông này sướng thật, “đào tiên” chắc phải ngọt và thơm hơn “đào trần” nhiều! Nhưng truyện “thực” nhất có lẽ là truyện ông Từ Thức, cũng lêu bêu thế nào mà lạc ngay vào cõi thiên thai, vớ được nàng Giáng Hương vừa thơm vừa xinh như mộng, hưởng mọi thứ sung sướng nơi tiên cảnh đến mấy năm, nhưng sau vì nhớ quê hương quá, chàng mò về thì những người cùng thời với mình đều đã ra người thiên cổ, vì một năm ở cõi tiên dài bằng những bao nhiêu năm ở cõi trần. Hỏi người làng thì chả ai biết Từ Thức là ai, chỉ nghe các cụ kể lại chuyện từ đời xửa đời xưa, trong làng cũng có một anh tên là Từ Thức uống rượu say rồi đi đâu mất. Từ Thức vừa chán nản vừa cô đơn quá nên lại bỏ ra đi, nhưng chẳng biết có còn quay lại được cõi tiên nữa hay không.

Chuyện kể chỉ có thế, nhưng nếu cứ ngồi mà suy nghĩ thì hình như tất cả chỉ là phịa, chỉ là chuyện tưởng tượng, chứ chả lẽ ngày xưa có tiên mà ngày nay không có tiên? Có khi ông Từ Thức ông ấy “nổ” cũng nên. Đi tha phương cầu thực, may mắn lọt được vào một địa phương cảnh đẹp, người đẹp, ăn uống sung sướng, đến khi trở lại quê hương thì một tấc lên đến trời, như một số mấy ông Việt Kiều bây giờ, về Việt Nam nổ (ra phan) còn hơn đại liên M 60 của Mỹ.

Ngày còn trẻ, đọc mấy toa thuốc Bắc ngâm rượu đại bổ, thấy nói là của Vua Minh Mạng như toa “Cửu chiến…” và toa “Nhất dạ…” chẳng hạn, thì thấy ngoài những vị bổ béo như là sâm, quy, thục, v.v. còn có cả long nhãn và hạt sen khô. Như vậy chứng tỏ long nhãn và hạt sen là những thức ăn rất bổ, thế mà hai thứ này thì ở quê tôi ê hề các vị ạ. Nhãn lồng Hưng Yên là một cái tên quen thuộc với hầu hết mọi người, nếu nói theo kiểu kiếm hiệp Kim Dung thì đúng là loại “danh trấn giang hồ”. Đến mùa nhãn, đi đâu cũng chỉ thấy nhãn, những trái nhãn lồng chín mọng, to như ngón chân cái người lớn nhưng hột lại nhỏ, nhăn nheo chỉ như một hạt đậu khô, cắn vào một cái nước tứa ra thơm phức, ngọt lịm. Mùi nhãn chín ngọt ngào toả khắp không gian. Nhãn chín chở đi Hà Nội, Hải Phòng bán không xuể, ăn không hết bóc ra phơi khô làm long nhãn, bỏ vào chum, vào vại ăn quanh năm như ở bên Mỹ này ta ăn nho khô vậy. Mùa nhãn thì vậy, còn mùa sen thì bạt ngàn, hồ nối hồ, ao nối ao. Từ làng này sang làng khác toàn một màu xanh ngọc bích của lá sen chen lẫn với những bông sen đỏ hồng, cái còn đang búp, cái đã nở xoè, không gian ngào ngạt một mùi thơm của lá, của hoa sen. Thiên thai chính là đây chứ còn đâu nữa? Hạt sen còn non, ăn ngòn ngọt man mát. Hạt sen bánh tẻ, luộc chín ăn bùi như ăn củ ấu. Hạt sen già phơi khô, bóc vỏ, lột màng, thông tâm, dùng để nấu chè, nấu cháo… Đàn bà mới sanh mà được ăn cháo “gà ác” hầm với hạt sen thì còn gì bổ cho bằng?

Nói về hạng người tài tử, phong nhã, các cụ ta ngày xưa có câu:

“Làm trai biết đánh tổ tôm,
Uống trà Chính Thái xem nôm Thuý Kiều”

Thế nhưng trà Chính Thái mà lại ướp sen nữa mới là tuyệt hảo. Ngày tôi còn nhỏ, đã có lần được theo ông nội ngồi thuyền nan bơi ra hồ sen, để xem cụ bỏ vào mỗi bông sen một nhúm trà. Sáng hôm sau cụ lại bơi thuyền ra thu lại những cánh trà đã ướp qua đêm, đồng thời còn hứng cả những hạt sương còn đọng trên lá sen đem về nấu nước pha trà. Cách uống trà của các cụ ta ngày xưa vừa thanh nhã vừa thật công phu. Chẳng những nó làm cho tinh thần sảng khoái, thanh thản mà còn bổ, khoẻ, chả thế mà ông nội tôi đã sống đến 93 tuổi mới qua đời. Thời bây giờ người ta sống đến 70-80 tuổi là chuyện thường, thậm chí 90-100 tuổi cũng không phải là hiếm, thế nhưng ngày xưa mà thọ đến 70 tuổi đã là hiếm lắm rồi: “Nhân sinh thất thập cổ lai hi.” Bố mẹ sống đến 60 tuổi, con cái đã tổ chức mừng lục tuần, đại thọ. Có địa phương 50 tuổi đã được lên lão, được miễn mọi sưu dịch, còn bây giờ 50 tuổi, thậm chí 60 tuổi mà nhất là lại ở bên Mỹ này thì vẫn cứ còn phải đi cầy như điên!

Lâu quá rồi không còn nhớ truyện có kể rõ ông Từ Thức quê quán ở đâu không, nhưng theo tôi nghĩ quê ông có lẽ cũng không được xung túc cho lắm, bởi thế ông mới bỏ ra đi “tha phưong cầu thực”, thế rồi may mắn lạc đến quê tôi: Huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, gạo trắng, nước trong, ngoài ra còn mùa nào thức nấy:

“Thu ăn măng trúc đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”. (Thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm)
 
Ăn sen, ăn nhãn, rồi còn lắm ao thì nhiều cá. Ăn uống bổ khoẻ nên ông Từ Thức ông ấy sống “thọ” lắm, trên 70 tuổi mà vẫn còn đỏ da thắm thịt, thế rồi tình quê hương nặng trĩu một bên lòng (cũng như tôi bây giờ ấy mà)!

“Quê hương nếu ai không nhớ,
Sẽ không lớn nổi thành người”

Ông ấy trở về thăm quê cũ, thì những người cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Chuyện cũng còn kể ông Từ Thức lấy được vợ tiên là nàng Giáng Hương, đẹp lắm. Nói các cụ bỏ lỗi, “Giáng Hương” ở quê tôi cũng không thiếu. Nếu bảo là nhiều lắm thì e rằng các cụ lại cho là chúng tôi cũng “nổ” như ông Từ Thức chăng, nhưng hàng chục thì có thừa. Các bà các cô người làng tôi đã được kể là đẹp, thế mà gái Tiên Chu (tục gọi là làng Bầu) còn đẹp hơn, chả thế mà đã có những câu hát như thế này:

“Giếng làng Bầu vừa trong vừa ngọt,
 Gái làng Bầu vừa đẹp vừa thơm…”

Hầu hết dân làng Bầu đều có nghề làm mũ và gọt nút chai bằng muồng. Làm mũ và gọt nút chai thì chỉ ngồi trong nhà, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, mà công việc lại cũng không vất vả nặng nề gì, nên con gái cô nào cô nấy trông cứ nõn nường: da trắng, tóc dài , má hây hây, mắt biếc… Cứ vào mỗi sáng Chúa nhật, sau Thánh lễ đứng nhìn các cô từ trong nhà thờ đi ra, chân mang guốc bông, quần đen áo dài trắng, vừa đi vừa nói cười tíu tít thì…  lậy Chúa tôi, thiên thai đây rồi chứ còn phải đi tìm ở đâu xa nữa.

Gần 16 năm làm lính, có thể nói là đã đi đủ 4 vùng chiến thuật, cảnh đẹp được thấy đã nhiều, nhưng tôi vẫn thấy không đâu bằng quê hương mình. Cho đến nay dù đang sống ở một nước vừa giầu có vừa văn minh nhất thế giới, vật chất dư thừa mà sao tình cố hương vẫn nặng trĩu một bên lòng. Tôi sinh ra ở một làng quê thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Quê tôi không giầu, đa số cũng chỉ nhàng nhàng đủ ăn, nhà tôi cũng thế, nhưng cảnh đẹp thì tôi nghĩ có lẽ ngày xưa ông Từ Thức ông ấy đã đi lạc đến quê tôi, sống ở quê tôi ít lâu, đến khi trở về quê cũ ông ấy “nổ” là đã lạc vào cõi thiên thai cũng nên.

Ông Từ Thức đi lạc đến quê tôi rồi chả biết được trở thành giai tế của làng nào, đến khi trở về thăm quê cũ bèn khoe mẽ bảo là lạc tới thiên thai chứ làm gì có. Thời bây giờ khoa học văn minh tiến bộ, máy bay phản lực, vệ tinh, hoả tiễn tùm lum, bay nhanh gấp mấy lần tiếng động mà đi vào thám hiểm không gian cả mấy năm trời cũng chả thấy đào nguyên với thiên thai ở đâu, còn ngày xưa chỉ có cuốc bộ thế mà bảo lạc tới thiên thai thì ai mà tin cho nổi.
Quê tôi đẹp lắm, tha thiết lắm, nhưng cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa về thăm lại quê hương lần nào, vì cứ mỗi lần định về thì lại nghĩ đến hai câu:

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Kiều)

Tôi lại không về nữa, tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ của quê hương ở trong lòng chứ không muốn như ông Từ Thức lại lặng lẽ ra đi mà lòng thổn thức: Cảnh cũ người xưa đâu ta.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận