Chuyện Đời Tôi

Trần Hòa

LTS. Đây là chuyện đời thật sự của tác giả. Trần Hòa bị người chồng bạo hành về nhiều phương diện từ khi cô đến Hoa Kỳ chung sống với chồng. Cô Hòa đã tìm đến nhân viên phụ trách chương trình Cộng Đồng Chống Bạo Hành Gia Đình của BPSOS từ tháng 10 năm 2009 để được hướng dẫn và giúp đỡ.

Tôi theo chồng qua Mỹ từ tháng 7 năm 1999.  Tưởng rằng qua một nước hùng mạnh nhất thế giới này tôi sẽ có cơ hội để học tập. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược với hy vọng của tôi. Trong hơn mười năm chung sống, cuộc đời tôi bị giam hảm, hành hạ về tinh thần cũng như thể xác. Chồng tôi bóc lột sức lao động và tuổi thanh xuân của tôi, kềm hảm sự phát triển trí thức và mọi ước vọng của tôi trong cuộc sống. Ông không hề giúp tôi tiến bộ mà ngày càng làm cho tôi ngu muội đi.

Từ khi sống chung, tôi luôn cố gắng chịu đựng và muốn có con để mong cải thiện cuộc sống vợ chồng. Vì ông ta khó có con nên chúng tôi phải tới viện GENETIC & IVF để thụ thai nhân tạo. Tôi đã phải trải qua một quá trình chịu đựng kiên nhẫn liên tiếp trong hy vọng và tuyệt vọng. Qua năm lần cấy trùng, tôi phải chịu nhiều đau đớn của mấy trăm mũi kim tiêm và thử máu. Lần nào cấy trùng, ông ta cũng yêu cầu bác sĩ nữ cho tôi. Lần cuối cùng, bệnh viện tự quyết định đòi bác sĩ nam và đã thành công. Ngày 09 tháng 12, 2004 con gái tôi chào đời. Từ đấy, tôi không còn cô đơn nữa vì đã có con gái tôi, người thân duy nhất và cũng là tài sản quý giá nhất của tôi trên đất nước mới này. Tôi dọn hết sức mình để chăm sóc con còn ông ta thì lại ghen tuông với cả con gái của mình. Tôi đang cho con bú bình sữa, ông ta la mắng tôi, đập mạnh tay vào tường phía đầu giường làm thủng một lỗ trên tường và nói: “Tại sao không giặt quần áo cho tôi mà suốt ngày cho con bú?”. Ông ta giật bình sữa khỏi miệng con và ném bình sữa vào cửa phòng tắm. Rồi ông ta kéo tôi xuống bếp, xông tới bóp mạnh hai vai tôi, dí mặt ông ta vào mặt tôi.  Tôi sợ quá đẩy mặt ông ta ra và như thế trên mặt ông ta có vết xước móng tay của tôi.  Tôi gọi 911 nhưng vì không biết tiếng Anh nên không thể nói cho họ hiểu chính xác mọi việc được. Điều này thật buồn cười vì tôi có bằng cử nhân Anh Văn tại Việt Nam nhưng vì không được tiếp xúc học hỏi thêm gì tại Hoa Kỳ nên tôi mất hết khả năng đàm thoại Anh ngữ.

Ông ta kiểm soát tiền bạc của tôi, cấm đoán tôi đi học hay đi làm, hung bạo cản trở những sự việc liên quan đến tài chánh và kinh tế của gia đình. Tháng 4 năm 2007, giận dữ vì tôi đã xin được việc làm, ông ta cầm loại dao dùng để ăn bít tết rạch hỏng sáu chiếc ghế mới ở phòng khách. Rồi lại dùng dao đó rạch vào ống chân của ông chảy máu và rách cả quần jean. Ông ta nhảy xổ vào người tôi, giật đứt sợi dây chuyền mẹ tôi cho ngày cưới. Tôi vùng vẫy chạy ra ngoài. Trong cơn hoảng sợ, tôi băng nhanh qua đường, suýt bị xe tông. Tôi bị vấp ngả, rách cả ống quần và trầy sướt giày bên trái. Ông ta còn tìm cách cô lập tôi với cộng đồng Việt Nam, nói tôi là Cộng Sản từ miền Bắc Việt Nam tới, khiến tôi tủi thân và sợ hãi vô cùng. Ông ta đã ngược đãi vợ về tâm lý lẫn tình cảm vì thực ra tôi chỉ là một người vợ mới nhập cư, hoàn toàn xa lạ với nếp sống mới tại Hoa Kỳ. Ông ta không cho tôi học tiếng Anh, không cho học lái xe, không cho gặp gỡ bạn bè, cũng không muốn tôi sống hòa nhập với cộng đồng Việt Nam. Ông ta nghe lén điện thoại gọi từ Việt Nam sang Mỹ của tôi và đọc trộm điện thư từ Việt Nam gởi qua cho tôi. Thậm chí ông ta còn trả lời thư tín cho bạn tôi mà không hề cho tôi hay. Sau này bạn tôi kể lại tôi mới biết. 

Chồng tôi còn muốn kiểm soát cả ý nghĩ của tôi, muốn hủy hoại tất cả giá trị hay sự tự trọng mà tôi còn có được trong cuộc sống này. Ông chỉ trích tôi liên tục, xem thường khả năng của tôi bằng cách độc quyền quyết định tất cả sinh hoạt và cả những việc chọn trường học hay chọn bác sĩ cho con. Ông ta nói ông ta là người làm ra tiền và trả tiền thì quyền quyết định là của ông ta. Chồng tôi đã không biết được Điều thứ 12 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền là: “Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy.”

Vào một ngày tháng 5 năm 2009, tôi qua phòng ông ấy lấy máy cho con gái tôi nghe nhạc để ngủ. Ông ta tức giận lấy búa đập vô mặt bàn bằng đá, và cầm ly rượu ném mẻ cây đèn ngủ. Sau đó mở phim đô vật ra xem, phim mà con gái tôi rất sợ hãi khi nhìn thấy. Trong lúc tôi cho con ăn, ông ta mở máy quay phim tự động. Tôi biết và đề nghị ông ta cất máy đi nhưng ông ta vẫn tiếp tục quay phim. Tôi không muốn ông ấy quay phim nên lấy lại cái máy. Ông ta giữ tôi lại, bóp mạnh cổ tôi và ấn đầu tôi xuống. Tôi sợ ông ta lấy máy đập vào đầu tôi nên cắn vào tay ông ta như một bản năng tự vệ để ông ấy buông tôi ra.

Ngày 5 tháng 6, 2009, tôi phải bước ra khỏi nhà vì ông ấy dùng vết răng tôi cắn tay ông để lấy Lệnh Bảo Vệ. Tôi đành phải dọn đến nhà của một cặp vợ chồng mà tôi quen biết để ở tạm hai tuần theo Lệnh Bảo Vệ mà chồng tôi đã xin, buộc tội là tôi đã tấn công ông ấy. Cặp vợ chồng này là hai khách hàng của TJ Max, nơi tôi làm việc, và là hai người duy nhất mà tôi quen biết được tại Hoa Kỳ. Nên tôi đành phải xin họ giúp đỡ cho tôi dọn đến nhà họ ở hai tuần. Họ đã tận tình giúp đỡ tôi. Trong khi đó, chồng tôi đã đối xử với tôi như một người nô lệ hay một con thú bị giam trong lồng. Đau đớn nhất là tôi không được phép gặp con gái nhỏ của tôi. Tôi không thể làm gì được lúc ấy vì Anh ngữ của tôi rất yếu kém. Tôi không tiền, không biết lái xe, không bà con, bạn bè nào cả tại Hoa Kỳ.

Sau đó, cô này lên mạng tìm các tổ chức bất vụ lợi và luật sư miễn phí giúp tôi khi ra tòa.  Rất may mắn cho tôi là cô đã tìm đúng địa chỉ giúp người hoạn nạn. Cô đã tìm được BPSOS, cái tên bây giờ đã trở thành rất quen thuộc đối với tôi. Mỗi lần nhớ tới là lòng tôi luôn thầm cảm ơn những người đã làm việc ở đây và vô cùng cảm ơn tổ chức này. Người đầu tiên tôi gặp là cô Thiên Thơ, nhân viên làm việc trong chương trình Cộng Đồng Chống Bạo Hành Gia Đình của BPSOS. Cô rất hiền, chân tình hỏi thăm về vấn đề của tôi. Tôi có cảm giác rất bình an và không còn ngại ngùng trình bày hoàn cảnh của mình.  Cô giới thiệu tôi tới gặp ông Eric H. Moe tại Legal Services of Northern Virginia để tìm luật sư miễn phí cho tôi. Cô còn đưa tài liệu về bạo hành gia đình cho tôi để tìm hiểu thêm về luật pháp tại Hoa Kỳ. Tôi lại có cơ hội gặp chị Trang Khanh, Giám Đốc BPSOS trong buổi tiệc ủng hộ Dân Biểu Cao Quang Ánh. Chị Trang Khanh tận tình giúp đưa tôi về nhà chị ngủ qua một đêm. Sáng hôm sau, chị cho tôi đi gặp luật sư và thông dịch cho tôi. Trong khi đó chồng tôi đẩy tôi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng, lúc con gái nhỏ dại của tôi rất cần người mẹ chăm sóc. Trong lúc cô đơn lạc lõng giữa thế giới xa lạ này, tôi lại được những vòng tay yêu thương chia sẻ của các nhân viên BPSOS.

Sau hai tuần, luật sư Gil Sanchez đại diện cho tôi và tôi đã được giấy tòa cho về nhà. Vì con, tôi vẫn nhẫn nhục sống cuộc sống không hạnh phúc với người chồng vô nhân đạo đó. Nhưng ông ta vẫn không để yên cho tôi. Ngày 17 tháng 9 năm 2009, ông ta để lại một lá đơn ly dị và mang con tôi đi không hề bàn bạc gì với tôi. Không thể nào tả nổi sự hoảng hốt và lo âu của tôi lúc đó. Đau đớn, tuyệt vọng, tôi đi khắp nơi để tìm con. Tôi gọi điện thoại cho người chồng nhưng ông ta không bao giờ trả lời. Tôi gọi 911 nhưng cảnh sát nói phải có luật sư, và phải ra tòa. Nếu có lệnh tòa, họ mới có thể tìm con cho tôi. Tôi liên lạc với Asian Pacific Legal Help System thì họ giới thiệu tôi sang Maryland. Mất gần $300, họ lại nói tôi phải về Manassas, Virginia. Tôi tới Turning Point gặp bà Becky, bà lại giới thiệu tôi đến các nhân viên BPSOS.

Tôi liên lạc với cô Thiên Thơ lúc ấy đang làm việc tại văn phòng Maryland. Cô giới thiệu chị Thảo Võ tại văn phòng Virginia để nhận hồ sơ của tôi. Từ đó, chị Thảo Võ đã giúp tôi thêm đôi chân để đi tìm luật sư vì tôi không biết lái xe. Cuối cùng, tôi cũng tìm được luật sư. Ngày ra tòa, nhân viên BPSOS đồng hành cùng tôi ra tòa để hỗ trợ tinh thần cho tôi.  Tôi gặp lại cô Thiên Thơ tại văn phòng Virginia. Cô hướng dẫn tôi rất tận tình về cách đi xe buýt, cách để dành tiền, làm sao có thể sống tự lập và độc lập một mình. Tháng 7 năm 2010, tôi đã mua được thẻ bảo hiểm sức khỏe dành cho người có thu nhập thấp. Cô Thiên Thơ là người giúp tôi có được tấm thẻ để đi khám bệnh đó.

Giờ đây, mỗi lần ngồi trên xe buýt, tôi thấy phong cảnh hai bên đường thật đẹp vì đuộm hơi ấm tình người BPSOS. Có hai điều tôi xin gởi đến các bạn:

1/ Nếu bị rơi vào trường hợp như tôi, xin đừng giữ kín hay xấu hổ. Cần nói ra để được giúp đỡ ngay. Đừng nghĩ là mình đang “Vạch áo cho người xem lưng” hay “Xấu chàng thì hổ ai?”.  Mình là người bị bạo hành, cần mạnh dạn, can đảm đối diện với những khó khăn để thay đổi cuộc sống.
 
2/ Nếu gặp bất cứ khó khăn nào về Bạo Hành Gia Đình, xin gọi: Falls Church, Virginia: (703) 647-6480; Silver Spring, Maryland: (301) 439-0505; Houston, Texas: (281) 530-6888 để trình bày mọi khó khăn và được giúp đỡ hoàn toàn miễn phí.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận