Chúc Thuần
Lời BBT: Đây là kinh nghiệm sống lăn lóc, đọa đày có thật 100% của một người Mẹ Việt Nam âm thầm kiên trì nuôi con thờ chồng ở tuổi thanh xuân; một người vợ hiền, nhẫn nhục, thuỷ chung lặn lội thay chồng săn sóc Mẹ Cha, nuôi dạy các con và đã lèo lái gia đình đến bến bờ Tự Do, Hạnh Phúc tại Virginia, miến Đông Bắc Hoa Kỳ. Lần đầu tiên Chúc Thuần ghi lại tâm sự của Chị do sự thôi thúc, mời gọi của Lê Mộng Hoàng để chia sẻ cùng các chị em trang Kỷ Nguyên Mới.
Tôi sinh ra ở miền Bắc, nhưng lại lớn lên tại miền Nam, tuy tôi gốc là người Bắc nhưng tôi không hiểu gì về miền Bắc cả.
Thời đó, cha tôi là một thầu khoán làm việc cho người Pháp. Mẹ tôi thì sung sướng từ nhỏ tới lớn. Đến khi lập gia đình, bà sống trong sự giàu sang, không biết gì về mọi việc ngoài xã hội; đùng một cái trong một chuyến công tác, cha tôi từ trần đột ngột với tuổi đời bốn mươi chín.
Sau biến cố đau buồn nầy, mẹ tôi vì thiếu kinh nghiệm trường đời nên bao nhiêu tiền bạc của cải do cha tôi để lại từ từ hết sạch. Thế là mẹ con tôi sống rất lao đao khổ sở. Người anh cả của tôi đã bỏ mẹ đi theo cộng sản năm anh 8 tuổi, chỉ còn lại 3 chị em gái chúng tôi sống với người mẹ góa chồng khi bà tròn 28.
Sau hiệp định Geneve (1954) nước Việt Nam phải chia đôi, thế là mẹ con tôi bồng bế nhau di tản vào miền Nam để tìm tự do. Ôi hai chữ “tự do” sao tôi quý nó vô vàn, tôi phải đánh đổi nó với bao sự tủi hờn cay đắng…
Vào miền Nam, chị em chúng tôi còn rất nhỏ, chị lớn nhất 12 tuổi, chị kế 10 tuổi và tôi 8 tuổi. Tôi lớn lên nhờ sự đùm bọc nuôi dưỡng của người mẹ kiêm luôn người cha. Tôi rất thương yêu và quí trọng mẹ tôi. Mẹ tôi là một kho tàng quý báu. Cho đến bây giờ tôi không còn kiếm ở đâu ra được tình thương vô bờ bến của người mẹ đã dành cho tôi nữa.
Do sự cố gắng của mẹ tôi, tôi đã được học hết bậc trung học sắp đi vào ngưỡng cửa đại học, nhưng vì Mẹ tôi làm ăn thua lỗ nên tôi phải bỏ ngang sự học và rồi tôi lập gia đình, kết hôn với người bạn đời mà trong suốt thời gian trước chúng tôi không hề tìm hiểu và biết mặt nhau. Sau khi cưới, chúng tôi đưa mẹ về sống chung. Cuộc sống của mẹ con tôi tạm coi như ổn định.
Chồng tôi sau khi ra trường trừ bị Thủ Đức, anh được thuyên chuyển về miền Tây với binh chủng Biệt Động Quân. Một binh chủng đã lập được những chiến công lừng lẫy trên khắp các địa bàn chiến lược, đã làm cho Việt Cộng khiếp vía kinh hồn. Ai đã ở miền Tây năm 1962-1965 đều nghe danh 2 tiểu đoàn 44 và 42 Biệt Động Quân.
Thời gian trước đó, tôi là một nữ sinh thường được bà cố vấn Ngô Đình Nhu đến trường bốc đi thăm các chiến sĩ ngoài tiền tuyến, từng khoác vòng hoa chiến thắng trên đại lộ Thống Nhất từ Dinh Độc Lập tới Sở Thú, nên tôi rất yêu mến những chàng chiến sĩ oai phong lẫm liệt của chế độ VNCH. Cho đến bây giờ những hình ảnh kiêu hùng đó khó có thể phai mờ trong tâm khảm của tôi.
Sau 1975, chồng tôi cũng như bao nhiêu chàng trai tuấn tú mà tôi đã ca tụng ở trên đều lần lượt bị chế độ Cộng Sản cưỡng bách đi “học tập cải tạo”; nói là học tập cho hoa mỹ vậy thôi, chính là đưa đầu cho chúng tóm vào tù. Tôi một mẹ 7 con với một bào thai trong bụng, không nhà, không tiền bạc, không hộ khẩu vì chúng tôi từ miền Trung di tản nên sản nghiệp chẳng còn gì ngoài 2 bàn tay trắng. Mẹ con tôi phải sống nương tựa vào 2 bà chị của tôi. Mỗi gia đình cưu mang một nửa. Cuộc sống của mẹ con tôi thật vất vả. Tôi chỉ còn một chút tiền nho nhỏ ra chợ trời tập buôn bán. Bụng thì càng ngày càng to, sức tôi trói gà cũng không chặt, có nghĩa là từ trước tới giờ tôi chỉ biết đi học. Sau lập gia đình thì làm nội trợ ngoài ra tôi chẳng biết gì ở ngoài xã hội cả! Lúc đó tôi cảm thấy cả một bầu trời sụp đổ. Chế độ tự do của miền Nam lọt vào tay cộng sản đã 2 năm mà tôi cứ tưởng như là giấc mơ. Đến lúc tôi béo mạnh vào bắp thịt non thấy đau mới sực tỉnh và tự nhủ lòng—thôi rồi… sự thật đây mà!
Vì di tản không hộ khẩu, không nhà cửa nên tôi gặp rất nhiều khó khăn với phường khóm, nhất là với tụi công an địa phương. Chúng làm khó dễ họp hành vợ con cải tạo riêng để lên lớp mắng chửi xua đuổi đi kinh tế mới. Có nhiều lúc chúng đòi gặp riêng để tán tỉnh, nhưng với lòng dũng cảm khắc phục chờ chồng và nhất là ngay trước hình ảnh oai phong của chồng tôi cũng như của các chiến sĩ VNCH vẫn còn ngự trị trong tôi, nên với tụi cán ngố, trước mắt tôi chỉ là phường ngu ngốc không xứng đáng sánh vai với tôi được.
Bẵng đi 4 năm sau ngày chồng tôi đi học tập, tôi mới được lá thư đầu tiên viết về báo là anh đang ở Yên Bái, Cao Bằng chỗ gần giáp giới với Việt Nam và Trung Quốc. Ngày đó tôi chỉ được gửi 5 kg cho người cải tạo, nhưng nhờ lanh trí, tôi đã gói ghém được một ít tiền bỏ vào trong hộp mắm ruốc xào sả ớt nên chồng tôi cũng đắp đổi qua ngày.
Tụi Cộng Sản chuyên ăn hối lộ nên tôi đã chạy được hộ khẩu và chính thức là thường trú nhân của TPHCM, tuy nhiên những gia đình vợ con của mấy người “tù cải tạo” chúng tôi vẫn bị sự kềm chế của chính quyền địa phương. Chúng bắt đi kinh tế mới, nào là: “Các chị cứ đi, đi đến đó thì các anh cũng đón các chị ở đấy rồi”. Tôi tưởng thật, có nhiều lúc thấy cực khổ, quá thiếu vắng chồng con với tuổi đời 32, đôi lúc tôi cũng muốn đánh liều đi đại cho rồi để có chồng phụ lực với tôi nuôi đàn con dại; nào ngờ chúng dùng toàn thủ đoạn dối trá. Nếu tôi không có người anh ruột đã theo đuổi chúng bao nhiêu năm cách mạng cho biết sự xảo quyệt của chúng, không biết chừng giờ này mẹ con tôi đã chết rục xương ở vùng kinh tế mới rồi.
Tôi là người đạo Phật nên rất tin tưởng vào các chư Bồ Tát. Có những lúc tận cùng của khổ đau, tôi đã âm thầm chắp tay hàng đêm cầu xin mẹ Quan Thế Âm cứu vớt gia đình tôi qua cơn hoạn nạn. Trong thời gian đó có rất nhiều gia đình vì quẫn trí đã uống thuốc chuột để tự tử. Tôi cũng đã vạch ra một chương trình như thế, nếu tôi không nuôi nổi đàn con của tôi, phút chót tôi cũng sẽ nấu một nồi cháo gà thật ngon, mẹ con ngồi quây quần ăn một bữa cho no rồi cùng qua bên kia thế giới!
Giòng đời cứ thế trôi đi, tôi cũng không thể cưỡng lại với định mệnh, con tằm vay nợ phải nhả tơ cho đến phút cuối. Tần tảo nuôi đàn con dại cộng thêm 2 vị song thân của chồng tôi. Vì ông bà có 2 người con trai đều phải đi “tù cải tạo” cuộc sống của 2 cụ gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian buôn bán chợ trời tôi gặp rất nhiều may mắn có quí nhân phù trợ. Họ đã giúp vốn cho tôi mua được hai cây vàng và ra chợ vàng chồm hổm Lê Thánh Tôn bán. Cũng mua vào bán ra; nhưng vì mới ra làm quen với chợ vàng nên ít người biết đến. Đi không rồi lại về không, rồi lỗ vốn tiền ăn mà chẳng té ra được đồng nào cả!
Có một hôm vì tiền cũ đổi ra tiền Hồ nhiều quá, kinh nghiệm đếm qua đếm về không có, tôi đã thâm thủng hết năm chục ngàn. Đi thì một triệu, về chỉ còn chín trăm năm chục ngàn mà thôi. Tôi rất lo lắng ngày đêm không thể ăn ngủ yên được, nhưng tôi vẫn gắng kiên trì đeo đuổi mãi rồi cũng đạt được đến đích. Nhờ buôn bán thật thà nên cũng được nhiều gia đình tín nhiệm. Lúc đầu thì cần vốn sau chỉ cần miệng nói, họ vẫn tin tưởng cho mình cầm vàng đi bán, sau đem tiền về cho họ.
Dòng thời gian cứ thế trôi đi, tôi cũng đã dành dụm được một số tiền mua được căn nhà nhỏ sống với bố mẹ chồng và người mẹ ruột–suốt đời bà đã hy sinh cho con cháu. Bà thấy tôi neo đơn nên từ chối về ở với 2 người con lớn. Mặc dầu 2 chị tôi cầu khẩn bà về để cho 2 chị tôi chăm sóc hưởng sự an nhàn, còn ở với tôi một đàn con dại hành bà chỉ còn nắm xương. Nhưng vì lòng mẹ thương con biển trời lai láng, nên bà không nỡ để mẹ con tôi sống bơ vơ. Cũng nhờ vậy mà tôi yên tâm, đi từ sáng đến tối, lặn lội kiếm sống nuôi con nuôi chồng cải tạo.
Năm 1979 chồng tôi viết thư về nhắn tôi ra Bắc thăm nuôi vì anh đã thấy lác đác có một vài cải tạo viên được thăm nuôi rồi. Tôi vội vã lên phường, nơi tôi cư ngụ xin ra Bắc thăm chồng. Họ từ chối bảo là: “Chưa có lệnh của cấp trên.” Tôi cãi lại và nói rằng: “Chồng tôi gửi thư bảo trong Nam đã cho lệnh thăm nuôi.” Họ trả lời: “Ở đâu không biết nhưng địa phương này chưa có!” Tôi thất vọng ra về mà lòng buồn bã khôn nguôi. Sau tôi nghĩ ra được một cách, vì tôi là người Bắc, dứt khoát phải còn thân nhân, chạy giấy tờ chi ra 5 chỉ vàng lấy được tờ giấy phép là công nhân viên ra Hà Nội thăm thân nhân. Từ đó tôi vào bộ nội vụ xin giấy được vào trại Ba Sao tức là trại Hà Nam Ninh thăm chồng. Nhờ có thân nhân, tôi được bà con giúp đỡ làm đủ mọi thứ nào xôi, nào cơm nắm, nào bánh chưng, mắm, thịt, sữa, đường… trọng lượng khoảng 200 ký. Đường đi từ Hà Nội tới Phủ Lý tương đối dễ nhưng từ Phủ Lý vào trại thì đường xá gập gềnh. Tôi thuê một chiếc xe bò với người phu xe. Những lúc trời mưa, ổ gà to lớn, bánh xe lọt thỏm xuống sình lầy, tôi phải tuột xuống đi chân đất, quần áo xăn lên tận đầu gối, đẩy ì à ì ạch. Đẩy mãi mà bánh xe cũng không làm sao lên được, mồ hôi ướt đẫm. Cuối cùng anh phu xe phải xuống phụ lực xe mới lăn được bánh. Đi trong rừng sâu muỗi bọ thật nhiều, chúng mà cắn phải thì sưng lên chù vù, to như hột bắp; sau cùng chúng tôi cũng tới được trại Ba Sao.
Gần tới cổng trại tôi đã gặp được những toán đi lao động trở về. Nhìn các anh lòng tôi quặn thắt, nước mắt đoanh tròng. Thật là tội nghiệp cho các anh, vì đất nước đổi thay mà người ngu lên lớp dạy người khôn.
Tôi cũng cố gắng mở mắt cho thật to xem có bóng dáng người chồng của tôi trong đó hay không, nhưng toàn là người xa lạ cả. Tôi vào trại trình giấy tờ lên bộ chỉ huy, được họ cho xuống nhà chờ đợi để ngày mai gặp chồng. Nhưng trớ trêu thay một ngày, rồi hai ngày, rồi ba ngày, tôi thấy những bà vợ của cải tạo viên vào sau mà họ đã được lần lượt gọi tên để đến phòng tiếp tân gặp thân nhân, riêng tôi thì chẳng thấy ai gọi cả. Tôi rất bực tức liền lên ban chỉ huy của trại khiếu nại để biết lý do. Sau cùng tôi được họ cho biết là tôi thăm 2 chồng, 1 chồng ở Hà Nội và 1 chồng là cải tạo viên. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ ra là chúng muốn kiếm chuyện cho có lý do giữ tôi ở lại để chúng nói chuyện tào lao. Tôi thật là thù hận bọn chúng nhưng chẳng làm thế nào được cả, đành theo lệnh của chúng mà thôi.
Đến ngày thứ tư, tôi được chúng gọi tên để qua phòng tiếp tân thăm chồng tôi. Lần đầu tiên sau 5 năm xa cách, tôi thật là bồn chồn chẳng biết hình hài anh bây giờ ra sao. Cuối cùng thì tôi cũng được nhìn thấy chồng tôi thấp thoáng xa xa, anh đang đẩy cái xe 2 bánh mà chúng gọi bằng một từ rất hoa mỹ là “xe cải tiến” với thân hình ốm yếu gầy mòn, quần áo rách mướp chỗ thì vá, chỗ hở da. Đau lòng thay! Nước mắt tôi chảy ra như thác, thương cho anh, thương cho đồng đội của anh, những chàng trai hùng dũng khi xưa nay vì vận nước đổi thay mà phải chịu nhục nhã, bị hành hạ bởi đám quỷ đỏ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy thương và yêu mến những con người ấy mặc dầu hình hài của các anh đã tiều tụy lắm rồi.
Tôi được sắp đặt ngồi ở một cái bàn lớn đối diện với chồng tôi. Ở đầu bàn có một công an ngồi để quan sát, theo dõi chúng tôi nói gì. Chúng tôi chỉ được 2 tiếng đồng hồ để thăm nuôi, vừa nói chuyện vừa đưa quà, nhưng lúc đó vì quá xúc động, bao nhiêu chuyện muốn nói lại không nhớ gì để mà nói. Loay hoay hết giờ lúc nào tôi cũng không biết. Thế là phải đành xếp thức ăn vào xe cải tiến cho chồng tôi mang vô trại. Tôi chỉ còn dặn dò chồng tôi: “Anh đem vào xem các anh nào không thân nhân thăm nuôi, cần gì thì anh cho các anh ấy với nhé, và nhớ cho họ ăn một bữa đêm nay cho thật no.” Nói xong vợ chồng tôi từ giã để chia tay mà không biết bao giờ còn có thể gặp nhau lại!
Lúc sửa soạn để gặp chồng tôi, bao nhiêu chuyện nhà, chuyện cha mẹ, chuyện con cái, chuyện vượt biên sống chết, khi gặp thì lại quên hết. Khi về đến nhà tạm nghỉ thì mọi chuyện lại đến với tôi sáng rõ như ban ngày, luyến tiếc thì cũng đã muộn! Tôi đành đáp chuyến xe bò cuối cùng của trại để ra Phủ Lý đón tàu về Hà Nội rồi mua vé xuôi Nam. Ôm trọn nỗi buồn đau xót, đắng cay của một người vợ có chồng đi “tù cải tạo”.
Năm 1980, bọn chúng sợ Mỹ giải vây cho những người tù cải tạo. Chúng chuyển chồng tôi và một số anh em vô Nam. Về Long Khánh, cũng cái màn ăn hối lộ, tôi đã bắt được mánh chạy cho chồng tôi ra. Năm 1982, thế là vợ chồng tôi cùng 3 con nhỏ (5 cháu lớn tôi đã gửi bà con mang đi trước) vượt biên. Chúng tôi đến Mỹ cuối năm 1983. Hai vợ chồng với bầy con 8 đứa, các cháu còn rất nhỏ, chúng tôi phải vất vả lắm mới thích nghi được với cuộc sống của xứ người. Cũng may với số vốn Anh ngữ
trước kia đã là hành trang cho chúng tôi vươn lên.
Bây giờ ngồi nghĩ lại tôi thật hãi hùng, bao nhiêu chuyện đắng cay tôi đã phải trải qua, nhưng bù đắp lại là gia đình chúng tôi đã được chư Phật mười phương cứu giúp đến được bờ bến tự do, được sống trên một quốc gia tân tiến nhất thế giới. Tôi cảm thấy quá đầy đủ lắm rồi, không còn ước muốn gì nữa cả. Thiên đàng là đây! Niết bàn là đây, mình còn phải đi tìm ở đâu xa nữa. Các con tôi cũng đã thành nhân và trưởng thành hết rồi. Con đàn cháu đống, con cháu hiếu thảo. Vợ chồng chúng tôi bây giờ số tuổi đã cao nhưng còn sức khỏe, vẫn đi làm và có thu nhập chút đỉnh, không còn phải lo lắng cho các con như xưa nữa. Quãng đời còn lại vợ chồng tôi chú tâm vào con đường HÀNH THIỆN, nghĩ đến quê hương còn rất nhiều người đang còn khổ đau, tù đày giam hãm, rất cần sự giúp đỡ của chúng tôi, của mọi người. Tuy không được to lớn, nhưng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Chúng tôi nguyện cầu ơn Tam Bảo giúp sức và độ cho chúng tôi được sức khỏe để tiếp tục noi theo gương hạnh Bồ Tát của đức Như Lai hàn gắn những mảnh đời bất hạnh.
Tôi cũng cảm ơn nước Mỹ đã cho gia đình chúng tôi và đồng bào của tôi được dung thân nơi đây, hít thở không khí Tự Do.