Ts. Nguyễn Đình Thắng
Trong đời sống cá nhân người ta phải cân nhắc giữa những nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống hàng ngày và những nhu cầu dài hạn để xây dựng tương lai. Của ăn, của để.
Của ăn là phát chẩn; còn phát triển là của để.
Sự cân bằng giữa phát chẩn và phát triển là điều cần thiết để vừa sinh tồn vừa tăng trưởng. Trong cảnh ngộ bức thiết sự cân bằng có thể nghiêng nhiều hơn về phát chẩn. Khi tình huống ổn định thì người ta có thể dành thêm vốn liếng, tài nguyên cho phát triển.
Như người đi bằng hai chân, không thể nào chỉ có phát chẩn mà không có phát triển, hay ngược lại. Nếu chỉ có phát chẩn thì là đổ hết thóc giống ra ăn; đến năm sau đâu lại hoàn đó và tình trạng phát chẩn sẽ kéo dài vô hạn định cho đến khi năng lực của người ấy hay gia đình ấy hoàn toàn kiệt quệ. Nếu chỉ có phát triển thì như kẻ biển lận không dám ăn, không dám uống; cơ thể sẽ còi cọt, bệnh hoạn và không thể phát triển.
Mất quân bình cách nào cũng dẫn đến chu kỳ lẩn quẩn không thoát ra được và ngày thêm trầm trọng, dẫn đến khủng hoảng hay huỷ diệt.
Cũng vậy, một xã hội cần sự cân bằng linh động giữa phát chẩn và phát triển.
Nếu không đạt được sự quân bình đó thì xã hội ấy ít triển vọng tồn tại.
Ở miền Nam trước đây vì nhu cầu chiến cuộc, mọi tài nguyên quốc gia đều phải dồn vào chiến đấu và sinh tồn trước mắt, không tích luỹ được mấy cho tương lai; xã hội mất dần khả năng đề kháng, ngày càng bạc nhược và thêm lệ thuộc vào nguồn viện trợ ngoại lai. Khi nguồn viện trợ bị đứt đoạn thì xã hội mất năng lực và nhanh chóng sụp đổ trước sự công kích từ ngoài. Đó là kết cục không tránh khỏi của một xã hội phát chẩn.
Trong thế kỷ 20 các chế độ cộng sản chủ trương nặng về phát triển và xem thường phát chẩn. Chính quyền rẻ rúng nhu cầu dân sinh, thắt siết đời sống cá nhân để dồn tài nguyên quốc gia vào việc xây dựng nền kỹ nghệ nặng cho một xã hội vô sản trong tương lai mộng mị. Thiếu thốn và bị bức chế, người dân bất mãn và bất phục. Xã hội bị dồn nén cho đến khi nổ tung, và chế độ sụp đổ, vỡ vụn.
Sau 27 ở năm Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt vẫn chỉ đi bằng một chân: phát chẩn, và do đó không tránh khỏi yếu kém, què quặt. Các hội đoàn trong cộng đồng nếu có hoạt động phục vụ thì cũng chỉ nhằêm đáp ứng các nhu cầu trước mắt của người dân, như dậy Anh văn, luyện máy vi tính, dậy Việt ngữ cho trẻ em, giúp khai thuế, phát thanh phát hình, ra báo, tổ chức hội hè. Rất thiếu là những hoạt động phát triển cá nhân về thực lực kinh tế, về vị thế chính trị, hay về khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
Tuyệt đại đa số các hội đoàn không những chỉ phát chẩn cho người mà cũng chỉ phát chẩn cho chính mình. Mọi tài nguyên thu góp được, họ đổ ra hết cho những công việc hàng ngày, và không còn gì để đầu tư cho mai sau. Ít tổ chức nào có một kế hoạch lâu dài, để qua đó ấn định cán cân giữa phát chẩn và phát triển cho hợp lý với từng thời kỳ một, để còn có thể tăng trưởng.
Do đó, tuy trên danh nghĩa cộng đồng chúng ta có rất đông các hội đoàn, nhưng về thực lực thì chẳng có mấy hội đoàn có được cơ sở, ngân sách và nhân viên toàn thời để việc phục vụ được hữu hiệu.
Có những người sinh hoạt trong các hội đoàn lấy làm hãnh diện là đã tất bật suốt hàng chục năm trời để chèo chống hội đoàn của mình, lúc nào cũng quần quật khai sơn phá thạch, và lúc nào cũng phải vượt khó trong hoàn cảnh thiếu thốn. Thực ra đấy là điều đáng lo hơn là đáng mừng.
Bởi vì nếu cũng một công việc ấy mà ngày hôm nay không dễ hơn ngày hôm qua thì rõ ràng năng lực đã không tăng trưởng. Có khác gì bác nông dân sau một chục năm vẫn chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu sào ruộng vì bao nhiêu thóc giống đều đổ ra ăn hết.
Muốn thăng tiến, cộng đồng người Việt cần phải khéo tính hơn bác nông dân kể trên. Trước hết chúng ta cần ý thức được tình trạng mất quân bình, gần như thuần tuý chỉ có phát chẩn, đã kéo dài trong cộng đồng từ 27 năm qua cho đến nay. Kế đến chúng ta cần một kế sách để nhanh chóng khởi xướng và đẩy mạnh sự phát triển cho các cá nhân, gia đình và tổ chức trong cộng đồng.
Muốn đứng thẳng, đi chắc, và tíến nhanh thì cộng đồng chúng ta phải dùng cả hai chân, phát chẩn và phát triển, một cách đồng đều.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com]