Ls. BÙI ĐĂNG KHOA
Tại Hoa Kỳ, khi hai vợ chồng sống thuận buồm xuôi gió thì việc làm chủ một tài sản nào đó là việc rất đơn giản và dễ dàng. Tuy nhiên khi có chuyện tranh chấp xảy ra, thì vấn đề phân chia tài sản trở nên rất phức tạp. Vấn đề lại càng khó khăn hơn nữa vì mỗi tiểu bang lại có những điều luật khác biệt nhau. Tại các tiểu bang như California và Texas, luật phân chia tài sản chung được phân định theo nguyên tắc tài sản chung hay tài sản cộng đồng (community property).
1. Tài sản chung
Tài sản chung, tức “community property”, bao gồm tất cả những tài sản tậu mãi được trong thời gian hai vợ chồng có hôn phối với nhau. Những tài sản này bao gồm:
a. Lương bổng của mỗi người vợ hay chồng (spouse).
b. Các lợi tức sinh ra do tài sản chung của hai vợ chồng, ví dụ như tiền lời trong trương mục tiết kiệm chung hay tiền lời trong việc điều hành các cơ sở thương mại của gia đình v.v.
c. Các khoản tiền bồi thường trong một tai nạn liên hệ đến chi phí về y tế hay lợi tức.
Ngoài ra, tài sản chung còn bao gồm những khoản chính như nhà cửa, xe cộ, cơ sở thương mại, bản quyền sáng tác (intellectual hay copyright property), trương mục ngân hàng, bàn ghế, đồ đạc trong nhà, cổ phần công ty, giấy chủ nợ (promissory note), bảo hiểm nhân thọ, tiền về hưu (pension plan) hay tiền lương trả thay cho thời gian nghỉ phép hàng năm.
2. Ảnh hưởng của tài sản chung
Tài sản chung có nghĩa là tài sản do cả hai vợ chồng có quyền sở hữu với những quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Quyền sở hữu này được phân định bởi pháp luật và bất kể ai là ngươi có công tậu mãi được tài sản này. Khi ly thân, ly dị hay một người phối ngẫu qua đời, người kia được hưởng ít nhất là một nửa, tức 1/2 những tài sản này.
Sự phân định này được đặt trên căn bản của sự bình đẳng giữa hai vợ chồng và dựa trên nguyên tắc căn bản là người chồng hoặc vợ cho dầu không đi làm, nhưng vẫn đóng góp vào công việc nhà; do đó, họ phải được thừa hưởng một nửa phần hoa lợi của người phối ngẫu. Đây là nguyên tắc chung của luật phân chia tài sản chung tại Hoa Kỳ; nhiều người có thể không đồng ý, nhưng đó là nguyên tắc chung mà mọi người cần phải chấp nhận và tuân theo.
3. Tài sản riêng (Separate Property)
Tài sản riêng là tài sản tậu được trước khi có hôn thú hoặc sau khi ly thân hay ly dị. Những tài sản tậu mãi được trong thời gian có hôn thú có thể là tài sản riêng và tài sản này là di sản hay quà tặng. Những tài sản mà không xác định được nguồn gốc hay xuất xứ có thể được coi như là tài sản chung, trừ khi vợ hay chồng liên hệ, chứng minh được những tài sản riêng trong thời gian có hôn phối với nhau, đó là những trường hợp như sau:
– Tài sản có được trước ngày cưới. Thí dụ như cha mẹ cho người con gái một căn nhà trước khi lấy chồng, thì sau này căn nhà ấy vẫn được coi là của riêng của người vợ.
– Nhà cửa do vợ hay chồng đứng tên mua trước khi làm hôn thú là tài sản riêng của người đứng tên. Tài sản này vẩn tiếp tục là tài sản riêng nếu người vợ hay người chồng đứng tên không dùng tiền lợi tức hay tài sản chung để trang trải các chi phí cho căn nhà này như tiền nhà hàng tháng, tiền bảo hiểm, tiền thuế bất động sản, v. v.
– Tài sản tậu được trong thời gian có hôn phối gồm quà tặng, di sản do di chúc hay quyền thừa kế. Thí dụ như vợ hay chồng tặng cho nhau một tài sản nào đó làm của riêng, thì tài sản đó vẩn coi như là của riêng của người được tặng. Chẳng hạn như người chồng mua tặng người vợ một chiếc nhẫn hột soàn trị giá $10.000 thì đó là của riêng của người vợ.
– Những lợi tức phát sinh từ các quà tặng hay tài sản riêng cũng được coi là tài sản riêng.
– Tài sản được minh định bằng văn từ là tài sản riêng cho người vợ hay chồng (spouse) trong thời gian có hôn phối. Thí dụ như người chồng ký tên trên một giấy chủ quyền đồng ý rằng chiếc xe hơi mới mua đó, một mình người vợ đứng tên và là tài sản riêng của người vợ, thì đó là tài sản riêng của người này.
– Tài sản mua bằng tài sản riêng trong thời gian có hôn phối. Thí dụ, người chồng dùng tài sản riêng của mình mua một căn nhà cho chỉ một người chồng đứng tên thì đó là tài sản riêng của người chồng. Căn nhà này vẫn tiếp tục là tài sản riêng của người chồng nếu người chồng không dùng tiền bạc hay tài sản chung để trang trải cho các chi phí của tài sản riêng. Nếu như vậy, một phần của tài sản riêng sẽ được xem là tài sản chung vì có sự đóng góp của tài sản chung vào tài sản riêng.
4. Ảnh hưởng chủ quyền trên giấy tờ của tài sản đối với việc phân định tài sản vợ chồng
Tên của vợ hay chồng, hay cả hai trên giấy tờ chủ quyền của tài sản, không nhất thiết là yếu tố quyết định trong việc phân định tài sản vợ chồng. Cho dầu giấy chủ quyền có tên, hoặc của riêng chồng hay vợ, hoặc của cả hai vợ chồng, trên thực tế việc phân định này có khác đi, người vợ hay chồng liên hệ phải chứng minh được rằng giấy tờ đứng tên không đúng. Nếu không chứng minh được, toà án có thể có toàn quyền phán quyết theo nhận xét riêng hay theo sự công bình giữa đôi bên.
Nếu hai vợ chồng đứng tên chung trong giấy chủ quyền, luật lệ có thể coi như đây là tài sản chung, trừ khi có một văn kiện nào khác hay giấy tờ thoả thuận giữa vợ chồng, rằng đây là tài sản riêng của một trong hai người. Sự thoả thuận này cần phải được viết ra trên giấy tờ và có chữ ký của những người liên hệ.
Nếu vợ hay chồng đem tài sản riêng tặng cho tài sản chung, thì tài sản này coi như là tài sản chung. Nếu cần phải phân chia tài sản sau này, người chủ nguyên thuỷ có quyền đòi bồi hoàn giá trị của tài sản riêng đã sung vào tài sản chung trừ khi người này đã ký giấy từ bỏ quyền đòi bồi hoàn giá trị của tài sản này. Do đó, muốn cho việc chuyển nhượng không gặp rắc rối về sau này, mọi người nên có giấy tờ phân định hẳn hoi ý định của mỗi người.
Trên đây chỉ là một số luật lệ căn bản về luật phân định tài sản chung của vợ chồng áp dụng tại California hay Texas.
Phần sau này chúng tôi trình bày chi tiết hơn về những phức tạp khi các tài sản này liên quan đến những luật lệ khác biệt được áp dụng tại các tiểu bang khác.
A. Luật phân định tài sản tại các tiểu bang không áp dụng luật tài sản cộng đồng
Một số tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn áp dụng luật cũ theo những điều khoản thông thường, khác với luật tài sản chung được áp dụng tại California và Texas. Những tiểu bang này gọi là “tiểu bang theo luật truyền thống”, hay “common law states”. Luật liên hệ tại những tiểu bang này thường có những điều khoản như sau:
* Tiền lương của vợ hay của chồng là tài sản riêng của người ấy.
* Những tài sản do người nào đứng tên làm chủ thì tài sản ấy là của riêng của người ấy.
* Cho dù người ấy di chuyển đến tiểu bang khác, thì tài sản ấy vẫn được kể là tài sản riêng.
B. Ảnh hưởng của tài sản tậu mãi trong tiểu bang theo luật truyền thống, sau khi dời chỗ ở về tiểu bang theo luật tài sản chung
Một tài sản nào đó được phân định là tài sản riêng theo luật của tiểu bang theo luật truyền thống, tức common law states, nhưng được coi là tài sản chung tại tiểu bang theo luật tài sản chung. Ví dụ như tại California hay Texas, nếu hai vợ chồng di chuyển chỗ ở về những tiểâu bang luật chung, các tài sản này sẽ được phân xử “giống như tài sản chung,” hay “quasi-community property”. Việc phân định là tài sản chung chỉ có giá trị trong trường hợp người phối ngẫu qua đời, ly dị hay ly thân tại tiểu bang theo luật tài sản chung mà thôi. Trước đó, tài sản này vẫn được coi là tài sản riêng của vợ hay chồng liên hệ theo luật của tiểu bang xuất xứ.
C. Tranh tụng tề tài tản
Một khi có sự tranh chấp về quyền sở hữu, toà án sẽ căn cứ vào một số nguyên tắc căn bản luật định để phân biệt đâu là tài sản riêng và đâu là tài sản chung như sau:
a. Thời điểm tậu mãi được tài sản (Inception of title rule)
Nguyên tắc phân định tính chất của tài sản chú trọng vào thời điểm tậu mãi được tài sản liên hệ. Thí dụ như một ngươi trước khi lập hôn thú đã mua một bất động sản trị giá $20.000, đặt tiền cọc là $2.000, còn nợ lại $18.000. Sau này dùng tiền của chung trả nợ hàng tháng. Tài sản ấy vẫn được kể là tài sản riêng.
Tuy nhiên, người phối ngẫu không đứng tên vẫn được hưởng một phần theo luật tài sản chung tùy theo tỉ lệ mà tiền bạc của tài sản chung được dùng để trang trải cho tài sản riêng này đối với giá trị chung của tài sản. Đó là lý do tại sao một người vợ hay chồng có tài sản riêng, nhưng không muốn tài sản riêng trở thành tài sản chung thì không nên “pha trộn” hay dùng tiền hoặc tài sản chung đóng góp vào tài sản riêng.
b. Tài sản mang về từ tiểu bang khác
Thí dụ như hai vợ chồng ở tiểu bang New Jersey, áp dụng luật truyền thống hay common law. Hai người bán căn nhà do người chồng đứng tên thì tài sản ấy của chồng, sau đó hai người di chuyển đến tiểu bang Texas, mua một căn nhà trị giá $100.000 đã dùng tiền riêng của chồng là $40.000 để đặt cọc mua căn nhà ấy, và hàng tháng dùng tiền của chung để trả nợ nhà băng.
Theo luật của Tiểu Bang Texas thì $40,000 nêu trên vẫn được coi là của riêng của người chồng bởi vì áp dụng điều khoản thời gian tậu mãi (Inception of Title). Nhưng nếu sau này có sự tranh chấp về quyền sở hữu vì lý do ly dị hay từ trần thì tòa án sẽ giải quyết như sau:
* Trong trường hợp ly dị: $40.000 của riêng của người chồng được sát nhập vào của chung theo điều khoản gọi là Quasi Community Property và sự phân chia tài sản ấy tùy thuộc vào phán quyết của tòa án sao cho hợp lý (Just and Right).
* Trường hợp từ trần có di chúc: Tòa sẽ phân định số tiền $40.000 là tài sản riêng của chồng cùng với một nửa, tức 1/2 tài sản chung theo những điều khoản ghi trong chúc thư (Will).
* Trường hợp từ trần không có di chúc: Tòa sẽ phân định $40.000 ấy theo quyền thừa kế (Vợ, con, anh, chị em. . .).
c. Tài sản làm quà tặng:
* Thí dụ người chồng đã đồng ý để cho một mình người vợ đứng tên trên văn từ về bất động sản do người thân tặng cho bà ấy, thì tài sản đó sau này phải được kể là tài sản riêng của người vợ.
* Nếu hai vợ chồng dùng của chung để tậu một tài sản nào đó mà lại để người vợ hay người chồng đứng tên, và trong lúc làm giấy tờ có sự đồng ý của người kia, thì cho dù tài sản ấy có đứng tên vợ hoặc chồng, tài sản ấy vẫn phải kể là tài sản chung.
4. Kết luận
Người Việt chúng ta thường hay quan niệm, đã sống chung trong một gia đình thì mọi tài sản đều là của chung. Quan niệm như vậy thật là đơn giản và ít xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên ở xứ này, quý vị nên phân biệt rõ ràng tài sản chung và tài sản riêng để tránh những điều khó giải quyết liên hệ đế quyền thừa hưởng sau này.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]