Minh Công
Tình hình kinh tế hiện nay vẫn chưa hoàn toàn phục hồi và thị trường nhà đất vẫn còn trong cơn khủng hoảng nặng nề. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều chủ sở hữu nhà đang đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng tịch thu nhà. Theo như những số liệu khảo sát của Bộ Quản Lý và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ, dự kiến từ năm 2009 tới 2012, hàng triệu căn nhà trên toàn nước Mỹ sẽ bị tịch thu và thị trường nhà đất sẽ lâm vào khủng hoảng khi mà số lượng nhà bán nhiều hơn số người mua. Rất nhiều chủ sở hữu nhà không được trang bị những kiến thức cần thiết khi phải đối mặt với quyết định tịch thu nhà của ngân hàng. Do thiếu thông tin, rất nhiều người sau khi mất nhà đã không biết cách khôi phục lại điểm tín dụng, hay là không chọn ra được biện pháp tốt nhất vốn có thể giúp mình giữ lại căn nhà khỏi bị tịch thu.
Sau đây là những ngộ nhận thường thấy nhất mà các chủ sở hữu nhà thường mắc phải khi phải đối diện trước nguy cơ bị ngân hàng tịch thu nhà:
1. Hoàn toàn ngừng trả tiền nợ nhà hàng tháng ngay khi nhận thư cảnh báo về khả năng ngân hàng tịch thu nhà (thay vì cố gắng cắt giảm chi tiêu để trả tiền nhà). Để dành số tiền trên để chi tiêu cho các công việc khác cần thiết hơn.
Cách làm này có tên gọi là “chủ động bỏ nhà”, thường được mọi người truyền miệng nhau là cách tốt nhất để thoát khỏi những căn nhà mà giá trị của nó đã giảm sút thấp hơn tổng số tiền nợ khi mua nhà. Nhiều người cũng tin rằng cách này là cách nhanh nhất để nhận được giúp đỡ từ các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, cách làm này thực ra là một con dao hai lưỡi rất nguy hiểm, hại nhiều hơn lợi, mà rất nhiều chủ sở hữu nhà mắc phải.
Ngay khi mới chậm trễ trong việc trả tiền nợ nhà một hay hai tháng, nhiều người vì tin lời bạn bè đã quyết định không cố gắng tiết kiệm chi tiêu để tiếp tục trả tiền nợ nhà đầy đủ (dù hoàn toàn có khả năng). Thay vào đó, họ quyết định không trả tiền nhà với niềm tin là sẽ nhanh chóng xin vào được những chương trình hỗ trợ của chính phủ để có thể giảm số tiền nợ nhà hàng tháng phải trả. Họ không biết rằng thời gian thiếu tiền nợ nhà càng nhiều thì việc xin hỗ trợ và giúp đỡ càng khó khăn và phức tạp. Sau một thời gian dài chờ đợi và hy vọng, những người này thường không thể xin vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ do đã không trả tiền nhà quá lâu và ngân hàng đã tiến hành các thủ tục tịch thu nhà. Cho đến lúc này, cho dù họ có muốn giữ lại căn nhà thì cũng đã quá trễ.
Bất kỳ chủ sở hữu nhà nào, nếu gặp khó khăn trong việc thanh toán đầy đủ các khoản tiền nợ nhà hàng tháng đúng hẹn, họ hoàn toàn có thể ghi danh vào các chương trình điều chỉnh lãi suất, tiền vay hay xin vào các chương trình giúp đỡ tương tự. Tuy nhiên, họ vẫn cần cố gắng thanh toán trong khả năng của mình các khoản tiền nợ nhà hàng tháng. Việc này sẽ có những tác động và ảnh hưởng tốt tới khả năng thành công xin vào các chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, họ cũng có thể trực tiếp nói chuyện với ngân hàng chủ nợ nhà, hay liên lạc với Bộ Đầu Tư và Phát Triển Đô Thị Hoa Kỳ để được hướng dẫn thêm về các chọn lựa và giới thiệu tới làm việc với các chuyên viên tư vấn nhà đất được chính phủ chứng nhận.
2. Sau khi nhà bị ngân hàng tịch thu, bạn sẽ không bao giờ mượn được tiền ngân hàng để mua nhà. Chính vì nỗi lo này mà nhiều chủ sở hữu nhà đã tìm mọi cách để giữ căn nhà của mình. Bên cạnh đó, họ cũng tự biến mình thành những mục tiêu béo bở cho bọn lừa đảo luôn sẵn sàng trục lợi.
Trên thực tế, sau khi bị ngân hàng tịch thu nhà, một người sẽ không thể mượn tiền mua nhà trong vòng từ 5 tới 7 năm, nhưng không phải là mãi mãi. Nếu sau khi bị tịch thu nhà, người chủ hộ có một kế hoạch tài chính, chi tiêu cẩn thận nhằm xây dựng lại điểm tín dụng cá nhân. Đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên viên tư vấn tài chính đáng tin cậy để có thể xúc tiến quá trình phục hồi.
3. Mọi nỗ lực giữ nhà sẽ tiêu tan nếu một khi nhận được thông báo tịch thu nhà của ngân hàng.
Trên thực tế, bất kỳ ngân hàng nào cũng muốn chủ nhà giữ lại nhà và tiếp tục trả tiền nhà đều đặn hàng tháng. Các ngân hàng sẽ mất tiền một khi họ tịch thu nhà của một ai đó. Chính vì thế, cho dù nhận được thông báo tịch thu nhà của ngân hàng, chủ nhà vẫn còn thời gian để tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài thông qua các chương trình của chính phủ hay các tổ chức xã hội. Tuy nhiên các chủ nhà cần phải cố gắng trả tiền nhà hàng tháng trong khả năng có thể của họ.
4. Một khi nhận được thông báo tịch thu nhà của ngân hàng, chủ nhà cần phải rời khỏi căn nhà trong vòng 24 giờ sau đó.
Đây là một nhầm lẫn hoàn toàn sai sự thật. Quyết định tịch thu nhà chỉ là bước đầu tiên mà ngân hàng tiến hành. Để tịch thu nhà của một người nào đó, ngân hàng phải làm rất nhiều thủ tục, giấy tờ pháp lý theo luật của tiểu bang và liên bang. Quá trình tịch thu nhà thường kéo dài nhiều tháng, có khi cả năm. Chính vì thế nên khi nhận được thông báo tịch thu nhà của ngân hàng, chủ nhà phải liên lạc ngay với các tổ chức xã hội hay các chuyên tư vấn nhà đất đáng tin cậy để nhờ can thiệp, giúp đỡ.
5. Nếu trả chậm tiền nợ nhà hàng tháng, ngôi nhà sẽ bị ngân hàng tịch thu.
Điều này hoàn toàn đúng, nhưng chỉ khi chủ sở hữu nhà không trả tiền nhà trong suốt một thời gian dài, đồng thời không liên lạc hay tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ngay khi gặp khó khăn trong việc trả tiền nợ nhà hàng tháng, hay liên lạc với chủ ngân hàng hay các tổ chức chính phủ để tìm ra các biện pháp giúp đỡ phù hợp như: tạm hoãn việc trả tiền nhà trong một khoảng thời gian nhất định (với sự đồng ý của ngân hàng), điều chỉnh lãi suất tiền nợ, giảm số tiền nợ hàng tháng nhưng kéo dài thời gian trả nợ, v.v.
6. Tất cả các đề nghị giúp đỡ về nhà đất từ bên ngoài là lừa đảo.
Sự thật là có rất nhiều kẻ lừa đảo đang rình rập tìm cơ hội tiếp cận các chủ sở hữu nhà đang có nguy cơ bị ngân hàng tịch thu nhà để trục lợi. Tuy nhiên không phải tổ chức bên ngoài nào cũng có mục tiêu trục lợi từ các chủ nhà đang gặp khó khăn. Có những tổ chức xã hội và của chính phủ hoạt động với mục đích giúp đỡ các chủ sở hữu nhà. Bên cạnh đó, các ngân hàng chủ nợ cũng sẵn sàng làm việc với các chủ sở hữu nhà để tìm ra giải pháp tốt nhất, vừa giúp người chủ sở hữu không bị mất nhà mà vẫn có khả năng trả tiền nhà đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, việc liên lạc với các ngân hàng thường tốn nhiều thời gian, các chủ sở hữu nhà cần kiên nhẫn và thường xuyên giữ liên lạc với ngân hàng chủ nợ trong suốt quá trình làm việc.
* * *
Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền kinh tế vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038. Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.