Br. Huynhquảng
Xây dựng sự hiệp nhất là một công trình của mọi người chứ không dành riêng cho một ai. Xây dựng sự hiệp nhất được ví như là xây dựng một tòa nhà mà trong trong đó mỗi thành viên được ví như là một viên gạnh. Giá trị của mỗi viên gạch được biểu hiện trọn vẹn khi nó chấp nhận đứng chung với những viên gạch khác trong một bức tường, nhưng nếu chúng tự tách mình ra, mỗi viên gạch sẽ trở nên vô dụng, lẻ loi và không được dùng vào đúng chức năng của nó. Kỳ này, mục Sống Đẹp xin tiếp tục bàn đến chủ đề Xây Dựng Hiệp Nhất qua những câu chuyện sau đây.
Trong tập truyện Wisdom Tales có kể câu chuyện rằng, một đàn chim cùng sống bình an với nhau trong một khu rừng. Bỗng nhiên sự xuất hiện của người thợ săn đã làm cho đàn chim lo sợ. Cứ mỗi lần người thợ săn cất tiếng kêu, thải đồ ăn, thì chim tự sà xuống và người thợ săn chỉ cần tung chiếc lưới và bầy chim bị bắt. Dần dần, số chim bị bắt ngày càng tăng, và đàn chim ngày càng thưa thớt. Trước tình cảnh này, con chim đầu đàn liền bàn với toàn thể bầy chim rằng: Khi người thợ săn vừa tung lưới chụp chúng ta, chúng ta cùng nhau hiệp sức bay lên, thì lúc ấy chúng ta sẽ nâng chiếc lưới lên; sau đó chúng ta cùng nhau đậu vào bụi cây và chúng ta sẽ thoát thân.
Sau khi bàn bạc và nhất trí theo kế hoạch, bầy chim đã thành công. Người thợ săn không những đã không bắt được con chim nào, mà còn bị mất lưới; đàn chim thì vui sướng vì từ nay chúng không hề sợ người thợ săn nữa. Người thợ săn ngẫm nghĩ rằng: Tuy chúng là những con chim nhỏ, nhưng khi chúng cùng làm việc với nhau, hợp tác với nhau thì ta không làm gì được chúng cả.
Vài hôm sau, khi đàn chim dần dần quên đi sự chiến thắng, người thợ săn đã rải thêm những thức ăn ngon, thơm. Cũng như mọi lần, những chú chim sà xuống, nhưng vì mải lo ăn uống, và tranh giành với nhau những thức ăn ngon, nên khi bị tung lưới, chúng không còn nhớ đến nhau để cùng nhau nâng chiếc lưới bay lên. Tồi tệ hơn, chúng lại gây ẩu đả với nhau vì do sự đụng chạm và vấp vào nhau đang khi tìm thức ăn. Chính sự tranh cãi này đã giúp cho người thợ săn có đủ thời giờ để bắt toàn bộ đàn chim.
* * *
Quí bạn thân mến, câu chuyện ngụ ngôn trên nhắc cho chúng ta thấy giá trị của sự đoàn kết và tinh thần hiệp nhất trong một tập thể. Kinh nghiệm cho thấy, khi chúng ta gặp khó khăn, khi chúng ta lâm vào hoạn nạn, chúng ta dễ đồng cảm và hiệp nhất với nhau hơn là lúc chúng ta sống trong bình an và thịnh vượng. Hoàn cảnh này cũng dễ dàng được nhận thấy trong gia đình chúng ta, đặc biệt những gia đình đã từng sống tại Việt Nam. Nhiều người đã tâm sự rằng, khi họ còn sống tại Việt Nam, bữa ăn hằng ngày chỉ là củ khoai, củ mì, nhưng bầu khí gia đình đầm ấm, anh em thương nhau. Nhưng khi cuộc sống gia đình đã khá giả hơn, không phải đi cày cấy trên ruộng đồng vất vả hằng ngày nữa, thì cũng là lúc bầu khí hiệp nhất gia đình cũng bị phai nhạt và mất dần.
Như những chú chim trong câu chuyện, sở dĩ chúng bị bắt là vì chúng đã để cho hoàn cảnh bên ngoài làm chúng quên đi sức mạnh của tập thể. Sức mạnh của mỗi con chim là phải gắn liền với mục đích chung của tập thể, chứ không phải tùy thuộc vào sức mạnh hay khả năng của mỗi cá nhân. Cũng như những con chim, nếu chúng ta không nhận ra sự hiệp nhất là đặc tính căn bản của một tập thể, thì những hoàn cảnh bên ngoài dễ làm ta thay đổi lập trường xây dựng tập thể. Như thế chúng ta nhận thấy rằng, sự hiệp nhất trong một tập thể phải là mục tiêu và ưu tiên số một để mọi phần tử của tập thể theo đuổi và xây dựng, chứ không phải nó chỉ là một đặc tính, hay khái niệm nhằm tô điểm cho tập thể ấy. Nếu chúng ta không nhìn nhận sự hiệp nhất là mối ưu tiên hàng đầu trong một tập thể, thì những hoạt động, những sinh hoạt, những công việc mà chúng ta làm chỉ tạo thêm sự chia rẽ và ngăn cách giữa các thành viên với nhau.
Khi chúng ta nhìn nhận xây dựng sự hiệp nhất là mối ưu tiên hàng đầu cho tập thể thì chúng ta mới nhận ra rằng: Tập thể quan trọng hơn cá nhân của mình; sự hiện diện và tồn tại của mình là nhờ vào tập thể chứ không phải mình làm cho tập thể tồn tại. Trong tập thể, mình lớn lên, mình trưởng thành; vì thế sự đóng góp sức lực, khả năng của mình cho tập thể là cách để mình trả ơn cho tập thể và thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình với tập thể.
Tiến sĩ Martin Luther King phát biểu rằng: “Con người đã học cách bay như những bầy chim bay với nhau; họ đã học bơi như những đàn cá bơi với nhau, nhưng con người chúng ta lại không biết học cách sống với nhau như anh em.”
Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp xin mời bạn suy nghĩ về lý do gì và động cơ nào đã làm cho bạn gia nhập một tập thể. Bạn gia nhập là vì bạn muốn xây dựng tập thể ấy thêm mạnh và hiệp nhất hay vì lý do nào khác.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]