Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 30 tháng 4, 1975 đem lại thảm hoạ cho hàng triệu gia đình và mở ra một trang sử đen tối cho dân tộc Việt đã kéo dài 36 năm qua. Hôm nay chúng ta nhìn lại quá khứ để không quên những người đã hy sinh thân mạng cho lý tưởng tự do, để không quên những gian truân của cuộc đời tị nạn, và để không quên gần 90 triệu đồng bào đang ngụp lặn trong một xã hội lạc hậu, bất công, đè nén ở Việt Nam.
Đồng thời chúng ta cần hướng đến tương lai để tìm lối thoát cho một dân tộc với lịch sử năm ngàn năm hào hùng. Trải qua 36 năm, chỉ là một chớp mắt trên giòng thời gian của lịch sử, tập thể ba triệu người Việt tị nạn đã nhanh chóng gầy dựng lại cuộc sống cá nhân và gia đình, đạt nhiều thành công trong mọi lãnh vực, và cống hiến tài năng và trí tuệ cho nhân loại. Đó là niềm hãnh diện chung cho cả giống nòi, là bức tranh tương phản với hiện tình ở Việt Nam.
Thời Pháp thuộc có người muốn canh tân đất nước bằng con đường đào tạo nhân tài. Thật chật vật những nhà yêu nước ấy mới gởi được vài chục người đi Nhật, đi Pháp để rồi mai một dần và cuối cùng chẳng còn lại mấy ai. Nay chúng ta có hàng triệu hạt mầm rải khắp thế giới, ở những quốc gia với nền dân chủ tiên tiến nhất, phú cường nhất hoàn cầu. Đó là vận hội lớn cho dân tộc Việt, mà nay đã vượt qua giới hạn của giải đất hình cong chữ S. Chúng ta có quyền hy vọng.
Và chúng ta có trách nhiệm, một trách nhiệm lịch sử, không để lỡ vận hội ngàn năm một thuở này. Chúng ta phải gom góp tất cả tài năng, tất cả vốn liếng, tất cả tâm huyết cho một đại cuộc: bảo đảm dân tộc sinh tồn và phát triển.
Đúng ngày 30 tháng 4 năm ngoái tôi lên đường chuyển tải “thông điệp hy vọng và trách nhiệm” ấy, nhằm dấy lên một quyết tâm chung nơi những người đồng tâm, đồng chí: tận dụng vận hội này để thăng tiến chính cộng đồng của mình, đóng góp cho xã hội và nhân loại, và thay đổi đất nước Việt Nam.
Trên con đường rong ruổi 12 tháng qua, nơi nào tôi cũng nhận được sự hưởng ứng đầy phấn khởi, và gặp gỡ những con người với trí tuệ tuyệt vời và tâm hồn còn tuyệt vời hơn nữa. Tất cả cùng chung một sở nguyện: dấn thân phục vụ để đưa cộng đồng đi lên, để đóng góp cho đất nước đã cưu mang mình, và để đem lại dân chủ và hạnh phúc cho đồng bào ở Việt Nam. Họ đúng là hào kiệt của cộng đồng, là vốn quý của dân tộc.
Ngày 2 tháng 7 tới đây hai trăm những con người ấy, từ mọi nẻo đường của đất nước Hoa Kỳ bao la, sẽ hội tụ về thủ đô Hoa Thịnh Đốn để cùng nhau đề ra kế hoạch mười năm thăng tiến cộng đồng một cách đồng loạt trong cả ba lãnh vực chính quyền, kinh doanh và xã hội. Cũng tại hội nghị này một số chuyên gia sẽ khởi xướng các công tác nghiên cứu về chính cộng đồng và đào tạo lãnh đạo cho thế hệ nối tiếp.
Chuyến đi khởi đầu ngày 30 tháng 4, một ngày tang thương, sẽ kết thúc với cuộc hội tụ của những người đồng tâm đồng chí vào đúng dịp Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, một ngày trọng đại kỷ niệm sự ra đời của nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới. Ngày khởi đầu và ngày kết thúc hành trình mang một ý nghĩa biểu tượng: những con người đi từ đau thương sẽ cùng đến với nhau trong hào khí để mở ra một thông lộ cho dân tộc trong thiên niên kỷ mới.
Có vậy, những hy sinh, mất mát và đau thương mới không trở thành lãng phí và vô nghĩa. Từ máu, nước mắt và mồ hôi, dân tộc Việt sẽ lại có vận hội để ngửng cao đầu tiến lên, nối tiếp hành trình năm ngàn năm lịch sử hào hùng của tổ tiên.
Chúng ta hãy dành ngày 30 tháng 4 để tưởng niệm một quá khứ u uất. Nhưng sang ngày 1 tháng 5, chúng ta hãy cùng hướng về và cùng vun xới cho một tương lai sáng lạn.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]