Ts. Nguyễn Đình Thắng
(Ghi lại nhân buổi họp bên lề cuộc gây quỹ cho Hội Người Việt Illinois, Chicago, 3/12/2010)
Trong chuyến đi Chicago vừa qua tôi gặp một nhóm người trẻ đang tình nguyện dấn thân để khôi phục một tổ chức giữa thời kỳ khủng hoảng.
“Động lực nào thúc đẩy các bạn?”, tôi hỏi họ.
“Vì không nỡ thấy bao công sức của những người đi trước bị phí hoài”, một bạn trẻ nói.
“Vì tổ chức này đã và có thể tiếp tục phục vụ đồng hương”, một bạn trẻ khác trả lời.
“Một người mà em xem như người anh đang dấn thân thì em hỗ trợ”, một thiếu nữ tâm tình.
Lắng nghe, tôi hiểu yếu tố chung là sự thôi thúc của tinh thần trách nhiệm và lòng vị tha. Vị tha và trách nhiệm tiềm ẩn trong mỗi con người, ở mức độ khác nhau từ nhợt nhạt đến sâu đậm.
Là sinh vật xã hội, chúng ta đều có hai bản năng sinh tồn song song, thường bổ trợ nhưng có khi chỏi nhau: cá thể và giống nòi.
Trong thế giới loài vật, bản năng sinh tồn cá thể rất mạnh mẽ nơi những loài sống đơn độc như cọp, beo, rắn, sấu. Các loài vật sống theo đàn thì còn thể hiện, cách vô thức, cả bản năng sinh tồn giống nòi, như ong, kiến, ngựa, sói.
Nơi con người, mức nặng nhẹ giữa hai bản năng này giàn trải từ ích kỷ đến vị tha: từ quyền lợi cá nhân, đến trách nhiệm đối với gia đình, giòng tộc, xóm làng và rộng hơn nữa là cộng đồng, dân tộc hay cả nhân loại.
“Mẫu số chung của các bạn là cảm nhận được trách nhiệm đối với cộng đồng, trực cảm được rằng sự thăng hoa cá nhân gắn liền với sự phát triển của tập thể”, tôi góp ý với nhóm người trẻ.
Đó là căn bản tốt để dấn thân.
Tuy nhiên, qua những lời tâm tình chân thật, các bạn trẻ biểu lộ mối ưu tư về những công kích, mâu thuẫn trong cộng đồng vốn làm nản chí không ít bạn bè của họ.
“Nhiều người thoạt đầu rất hăng hái nhưng rồi ngần ngại hay chán ngán để rồi chọn thái độ đứng ngoài cộng đồng”, một bạn cho biết.
Đây không phải là điều mới lạ hay chỉ đặc thù với Chicago. Ở rất nhiều nơi, đối với rất nhiều nhóm tôi tiếp xúc thì sự xa lánh cộng đồng này rất phổ biến trong giới trẻ.
Trước nỗi quan tâm ấy, tôi nhắn nhủ: “Không tránh việc khó. Hãy dấn thân chuyển đổi tình thế. Đó là tinh thần của người lãnh đạo.”
Những người trẻ sẵn sàng dấn thân cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ứng xử, đối phó và tìm giải pháp. Họ cần được cung cấp phương tiện, tài nguyên và cơ sở để bắt tay vào việc. Họ cần được yểm trợ tinh thần, khuyến khích và cổ võ.
Đó là trách nhiệm của thế hệ đi trước: dọn đường, xây cầu và trang bị cho thế hệ trẻ nối tiếp đi lên.
Trong 7 tháng qua, từ ngày 30 tháng 4, 2010, tôi bắt đầu một hành trình đến nhiều thành phố ở khắp Hoa Kỳ để kêu gọi cộng đồng đầu tư cho tương lai của chính cộng đồng ở mỗi nơi, với ba công tác cụ thể:
– Đào tạo lớp người trẻ lãnh đạo để tiếp nối thế hệ cha anh đang lùi dần vào bóng tối. Trọng tâm này được thực hiện qua dự án “500 lãnh đạo trong 5 năm” (500 leaders in 5 years).
– Phát triển quy củ và quy mô của những tổ chức sẵn có trong cộng đồng và thành lập thêm nhiều tổ chức mới trong nhiều lãnh vực. Trọng tâm này được thực hiện qua chương trình “lồng ấp cho các tổ chức bất vụ lợi” (non-profit incubator) trong 12 năm qua.
– Đưa cộng đồng vào dòng chính, để tạo thế đứng cho cộng đồng cũng như để cống hiến tài năng cho đất nước đã cưu mang mình. Trọng tâm này được thực hiện qua dự án “Uỷ Ban Hoạt Động Chính Trị” (political action committee, PAC).
Hành trình vòng quanh Hoa Kỳ này sẽ kết thúc vào tháng 5, 2011. Sau đó là giai đoạn để những người cùng tâm huyết cùng nhau bắt tay vào việc.
Ở Chicago, cũng như ở mọi nơi từng đi qua, tôi đều gặp nhiều người trẻ có tâm hồn, có ý thức, có bản lãnh và rất trong sáng. Họ là tài nguyên quý báu của cộng đồng Việt tị nạn và di dân, của đất nước Hoa Kỳ, và của dân tộc Việt Nam. Điều cần thiết là nối kết họ lại—“quy tụ quần hung—cho một kế hoạch lớn, đầy hứng khởi, của tập thể người Việt tị nạn.
“Chúng ta sẽ biến kinh nghiệm lịch sử đau thương thành vận hội cho giống nòi, để phát triển ở khắp địa cầu, để đóng góp tài năng cho nhân loại, và để thay đổi và phát triển Việt Nam.”
Qua nét mặt, tôi nhận thấy niềm cảm hứng nơi mấy người bạn trẻ.
Tôi mong rằng, qua thái độ bao dung và hướng thượng, những người đi trước sẽ luôn vun xới niềm cảm hứng ấy nhằm khuyến khích thế hệ nối tiếp dấn thân thay vì làm cho họ nản chí và rơi rụng đi. Đó là sự cân nhắc cần thiết về ý thức sự sinh tồn của tập thể.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]