Thái Christie
American Elite Financial Planners
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, hàng triệu gia đình phải khốn đốn với nguy cơ bị mất nhà vì thu nhập bị suy giảm hoặc vì những chi phí đột xuất như bệnh viện, ly hôn, tai nạn v.v. Tuy nhiên, có một số giải pháp của ngân hàng và chương trình của chính phủ có thể giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách giảm tiền nhà đến mức tối đa tùy theo hoàn cảnh khó khăn và lợi tức của bạn. Thông thường, ngân hàng thường khuyên bạn nộp đơn vào chương trình tái tài trợ (refinance) nếu bạn hội đủ điều kiện trước khi bước vào giải pháp xin giảm tiền nhà (loan modification) này.
Chương trình “Giảm Tiền Nhà Của Chính Phủ” (Making Home Affordable Modification (HAMP)được đưa ra vào tháng 3 vừa qua sẽ giúp được nhiều gia đình cứu vãn được căn nhà yêu dấu của bạn nếu bạn hội đủ những điều kiện chung dưới đây:
1. Là ngôi nhà bạn đang ở có từ 1 đến 4 units
2. Bạn mua nhà trước ngày 1 tháng 1 năm 2009
3. Số tiền mượn không quá $729,750
4. Bạn đang có khó khăn tài chánh
5. Tiền nhà hàng tháng bao gồm cả thuế, bảo hiểm, lệ phí HOA cao hơn 31% tổng số doanh thu của gia đình bạn
Tuy nhiên, phần lớn nhiều người Việt mua nhà trong những năm gần đây, đã đi theo chương trình không chứng minh thu nhập hàng năm khi vay nợ. Do đó, đa số đồng hương không hội đủ điều kiện để thực hiện chương trình “Giảm Tiền Nhà Của Chính Phủ” vì hai công ty đầu tư địa ốc lớn nhất của Hoa Kỳ là Fannie Mae và Freddie Mac thông thường chỉ tài trợ cho những chương trình có chứng minh thu nhập hàng năm.
Nếu bạn không hội đủ điều kiện cho chương trình của chính phủ thì có những giải pháp khác mà ngân hàng có thể chấp nhận thương lượng giảm tiền nhà để giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì thông thường ngân hàng sẽ chấp thuận việc giảm tiền nhà nếu bạn hội đủ được điều kiện chính như sau: tỷ lệ của tất cả chi tiêu hằng tháng bao gồm tiền nhà không quá 80% tổng số thu nhập của bạn.
Để cho cuộc thương lượng với ngân hàng được nhanh chóng và có kết quả khả quan, bạn cần phải chuẩn bị một số giấy tờ như sau:
1. Một lá thơ trình bày nguyên do trình trạng khó khăn
2. Chứng minh thu nhập trong 30 ngày qua (hai tờ pay stub gần nhất)
3. Chứng minh tài khoản trong ngân hàng trong vòng 60 ngày qua (hai tháng bank statement)
4. Tờ tường trình chi phí hàng tháng (tiền xe, thẻ tín dụng, tiền chợ, điện thoại, v.v.)
5. Giấy khai thuế và W2 của 2 năm vừa qua (tùy theo ngân hàng)
Bạn có thể gọi trực tiếp cho ngân hàng để trình bày với họ về trường hợp hoặc hoàn cảnh khó khăn của mình, sau đó bạn xin mẫu đơn và số fax để gởi hồ sơ lại. Một điểm quan trọng mà bạn cần lưu ý khi gọi cho ngân hàng của bạn là nên yêu cầu tổng đài cho phép bạn được nói chuyện trực tiếp với chuyên viên trong “Ban giải quyết khó khăn của ngân hàng” (Loss Mitigation Department).
Để đạt được hiểu quả cao khi thương lượng với ngân hàng thì điều cần thiết là hãy giữ bình tĩnh. Vì ngân hàng có nhân viên chuyên môn để luôn dành phần có lợi cho ngân hàng, do đó sự thiếu bình tĩnh của bạn sẽ là nhược điểm để ngân hàng áp đặt những điều kiện không có lợi. Ngoài ra, bạn có thể làm việc với luật sư, hoặc chuyên viên thương lượng để bảo vệ quyền lợi của bạn khi thương lượng với ngân hàng. Tiện đây chúng tôi cũng xin nói thêm là bạn nên tìm những công ty có uy tín và không lấy tiền trước vì có nhiều dịch vụ gần đây đã lấy tiền trước nhưng không đem lại hiệu quả gì.
Trong suốt quá trình thương lượng với ngân hàng, bạn cần phải theo dõi và liên lạc thường xuyên với họ để hồ sơ của bạn không bị rơi vào “quên lãng” trong những khối hồ sơ dầy cộp. Có một số phương cách thường xuyên được áp dụng để đem lại hiệu quả cao khi thương lượng như “trả tiền nhà trễ, chỉ trả một phần tiền nhà hoặc không trả tiền nhà”. Tùy theo trường hợp của từng cá nhân cũng như tùy theo ngân hàng.
Dưới đây là những câu hỏi mà chúng tôi thường gặp phải khi tiếp xúc với khách hàng hàng ngày:
Tôi có nên trả tiền nhà trễ trước khi thương lượng với ngân hàng hay không?
Không cần thiết. Nhiều ngân hàng không bắt buộc điều đó. Tuy nhiên, có một số nợ do chính phủ tài trợ cần phải bị trả trễ ít nhất là 61 ngày trước khi ngân hàng chấp thuận để xem xét và thương lượng. Hầu hết trong những trường hợp khác thì đều được chấp thuận.
Làm sao tôi biết được tôi có hội đủ điều kiện để thương lượng với ngân hàng hay không?
Một số điều kiện căn bản sau đây mà bạn cần phải có trước khi tiến hành thủ tục là:
1. Bạn phải có việc làm hoặc đang lãnh tiền xã hội
2. Bạn muốn ở lại trong căn nhà và sẵn sàng tìm mọi cách để giữ lại căn nhà
3. Bạn phải chứng minh rõ hoàn cảnh khó khăn của mình như bị mất việc, giảm giờ làm, bệnh hoạn, v.v.. làm ảnh hưởng đến kinh tế và khả năng trả tiền nhà. Đồng thời, bạn phải chứng minh được rằng trường hợp kinh tế khó khăn này chỉ là tạm thời mà thôi.
Nếu giá trị căn nhà của tôi cao hơn so với số tiền tôi đang vay, tôi có hội đủ điều kiện để thương lượng không?
Có thể, nhưng chỉ khi nào bạn làm tái tài trợ (refinance) không được trước khi bắt đầu thương lượng.
Nếu tôi đã khai phá sản thì còn được hay không?
Hầu hết là được. Tùy theo trường hợp.
Tôi đang có chương trình lãi suất dài hạn, tôi có hội đủ điều kiện thương lượng hay không?
Hầu hết là được.
Tôi có hội đủ điều kiện nếu đây là nhà cho thuê không?
Tùy theo trường hợp, nhưng đa phần là được.
Nếu tôi đã bị trễ tiền nhà rồi thì sao?
Thông thường trong những trường hợp bị trễ trên ba tháng, ngân hàng chỉ đồng ý cho sắp xếp thời gian để trả nợ đang bị trễ nhưng không phải là thương lượng giảm tiền nhà. Bạn hãy cẩn thận, bị trễ càng lâu thì tiền chi phí luật sư, tiền phạt, tiền thuế, bảo hiểm, tiền lời càng thêm chồng chất có thể làm cho tiền nhà hàng tháng của bạn càng cao hơn hiện thời.
Khoảng bao lâu thì sẽ thương lượng xong?
Sớm nhất thì mất hai tuần và lâu thì đến mười sáu tuần khi tất cả các thủ tục được hoàn tất. Đây là một số yếu tố quyết định cho lâu hay mau: chính phủ có liên quan đến số tiền tài trợ hay không? Bạn có mua bảo hiểm tài trợ (PMI) hay không? Bạn đã trả trễ tiền nhà bao nhiêu tháng rồi? Ngân hàng của bạn là ngân hàng nào? Ngân hàng của bạn có tham gia vào Chương Trình Giảm Tiền Nhà của chính phủ liên bang hay không?
Chúng tôi mong rằng bài viết này giúp cho bạn sáng tỏ hơn một số vấn đề liên quan khi thương lượng với ngân hàng. Chúc bạn thành công trong quá trình thương lượng này.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]