Thiên Thơ
Trong cuộc sống gia đình làm sao chúng ta tránh được cảnh cơm không lành canh không ngọt? Nhưng nếu vợ chồng biết thương yêu thông cảm lẫn nhau, chúng ta sẽ giữ được hoà khí trong gia đình. Nhưng cũng có những gia đình không được may mắng, họ luôn sống trong bầu không khí nặng nề bởi lúc nào họ cũng tranh cải, thậm chí còn ẩu đả. Bạo hành trong gia đình không chỉ là vấn đề của người lớn, trẻ em chứng kiến cảnh bạo hành hoặc sống trong môi trường bạo hành cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề về tâm lý, thể xác lẫn tinh thần.
Bạo hành ảnh hưởng đến trẻ em ở từng độ tuổi khác nhau. Ở độ tuổi ẵm bồng, phần lớn thời gian của đứa trẻ là bú và ngủ. Ở lứa tuổi này, các em luôn phụ thuộc vào cha mẹ. Chăm sóc trẻ trong giai đoạn này rất quan trọng bởi chúng đang từng bước thích nghi với môi trường bên ngoài sau chín tháng nằm trong bụng mẹ. Nếu bạo hành xảy ra trong giai đoạn này, đứa trẻ sẽ thiếu hẳn đi sự quan tâm chăm sóc từ cha me. Kết quả là chúng bị xáo trộn trong vấn đề bú và ngủ, từ đó dẫn đến việc chậm phát triển, dễ mắc bệnh và hay khóc nhoè.
Có trường hợp đứa trẻ là vật thế thân trong các cuộc đánh nhau. Tôi nhớ lại khi còn ở Việt Nam, gia đình hàng xóm tôi có anh chồng thường say rượu. Khi hết rượu, anh sai vợ đi mua trong khi vợ anh đang bồng đứa con nhỏ trên tay. Bị vợ cằn nhằn mấy câu thì anh xông tới đánh vào mặt vợ tới tấp. Cô vợ vội đưa đứa con nhỏ đang bồng trên tay ra đỡ thế là đứa trẻ bị đòn lây. Khi được bạn bè ngăn ra thì cả bà mẹ lẫn đứa trẻ điều bị bầm tím và sưng cả mặt nên phải chở đến trạm y tế gần nhà.
Tôi cũng có một vị khách hàng. Cũng chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt trong việc dọn dẹp nhà cửa mà ông chồng đã xúc phạm đến chị. Ông nói chị là “đồ lười biếng” trong khi chị vừa đi làm vừa phải nấu nướng và chăm sóc con cái. Quá tức giận trong cách cư xử của chồng, chị liền trả lời lại thì bị chồng đè xuống nền nhà và bớp cổ. Chị tưởng mình sẽ không còn sống sót nữa. Trong lúc dằn co với chồng thì đứa con gái 14 tháng tuổi của chị chạy lăng xăng bên mẹ và khóc thật thảm thiết. Đây không phải là lần đầu tiên chị bị chồng đánh, nên chị đã quyết định rời anh chồng vũ phu này. Hiện tại đứa trẻ được 18 tháng tuổi nhưng mỗi khi ai giỡn ôm hoặc quật mẹ thì bé chạy lăng xăng và khóc in ỏi. Đó là triệu chứng về tâm lý mà bé đã trãi qua khi từng nhìn thấy người cha bóp cổ mẹ mình.
Còn ở độ tuổi chuẩn bị đến trường thì sao? Trong độ tuổi này, các em muốn tìm hiểu và không ngừng học hỏi những điều mới lạ chung quanh mình để tự phát triển bản thân. Các em hay thắc mắc và có tính hiếu kỳ. Trong giai đoạn này cha mẹ cần quan tâm và bỏ nhiều thời gian để chỉ dạy và nên mang trẻ ra ngoài thường xuyên hơn để chúng được tiếp xúc với môi trường và xã hội bên ngoài. Nếu sống trong gia đình luôn luôn xào xáo, cha mẹ hay gắt gỏng mỗi khi các em có câu hỏi hay thắc mắc làm cho các em trở nên sợ sệt, lo lắng và cảm thấy cô đơn. Tâm lý của các em sẽ bị xáo trộn. Các em không được học hỏi hay phát triển bình thường như những đứa trẻ sống những trong gia đình hạnh phúc.
Khi đến độ tuổi đi học, đầu óc trẻ em bắt đầu phát triển. Các em cảm nhận được sự thương và ghét. Các em bắt đầu bọc lộ ra những điều mình nghe và thấy. Các em có thể đối xử thô bạo với bạn cùng lớp như tính cách của cha hoặc chúng có thể học cách rụt rè và chịu đựng như mẹ. Cách cư xử của các em càng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các em trở nên lầm lì, tỏ ra chán nản và muốn xa lánh bạn bè cùng trang lứa. Các em không dám chia sẻ và thường xuyên dấu giếm những sinh hoạt trong gia đình. Thỉnh thoảng chúng nghĩ cha mẹ đánh nhau là lỗi của chúng và chúng cảm thấy xấu hổ về điều này.
Khi các em đến tuổi vị thành niên, các em bộc lộ cá tính càng rõ rệt và mãnh liệt hơn. Giai đoạn này, trẻ vị thành niên dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành bởi cá tính bất thường của mình. Thông thường một trẻ vị thành niên sống trong môi trường lành mạnh cũng bị xao động đôi chút bởi chúng thích lắng nghe và học hỏi từ bạn bè hơn là từ cha mẹ. Sống trong môi trường bạo hành, tâm lý các em luôn căng thẳng bởi hằng ngày phải chứng kiến cảnh bạo hành. Điều này tạo cho các em có tính trầm cảm, ít tâm sự hay chia sẻ cảm giác của mình với người thân. Các em luôn lo sợ không biết ai sẽ gây hại hay mang đến an toàn cho mình và dần dần các em mất niềm tin với cha mẹ. Đến trường đầu óc của các em không được tập trung hay sao lãng việc học hành hoặc việc bỏ học bắt đầu xảy ra.
Dần dần các em tìm cách xa lánh gia đình nơi mang đến cho các em những chuỗi ngày đau khổ. Ra ngoài các em dễ dàng bị lôi cuốn vào các băng nhóm, rượu chè và ma túy. Các em nữ dễ dàng mang thai ở độ tuổi vị thành niên bởi thiếu sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ và khi các em gặp ai đó mang tình thương đến cho thì các em trao ra hết mình. Mặc khác, các em nữ khi trưởng thành cũng khó đặt niềm tin vào những người khác giới. Họ có hoài nghi quá mức với đàn ông bởi vì họ chứng kiến hành vi bạo hành của cha đối với mẹ hay chính bản thân mình. Các bé trai thì bắt chước các hành vi bạo lực với vợ mình trong tương lai.
Còn có bi kịch xảy ra tại Việt Nam liên quan đến bạo hành trong gia đình. Đứa con vị thành niên đã cuớp đi sinh mạng của chính người cha ruột của mình bởi vì nhiều lần chứng kiến cha đánh đập mẹ. Đó cũng là một bằng chứng cho thấy bạo hành trong gia đình ảnh hưởng nguy hiểm đến trẻ em như thế nào.
Là cha mẹ, chúng ta cần bỏ nhiều thời giờ cho con cái hơn trước khi việc không tốt xảy ra. Khi trẻ em đã lầm đường lạc bước thì khó có thể quay lại. Nếu các em có những dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến những chuyên viên tâm lý để đuợc giúp đỡ. Trẻ em luôn luôn cần tình thương, sự chăm sóc và quan tâm của cha me khi mới lọt lòng và ngay cả khi chúng trưởng thành. Quan trọng nhất là các em phải được sống trong môi trường không bạo hành.
Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành Trong Gia Đình của UBCNVB được sự tài trợ của Door of Hope, Fairfax County Consolidated Funding Pool (FY08) và U.S. Department of Justice, Office on Violence against Women, Legal Assistance for Victims Grant Program (2006-WL-AX-0036).
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]