Đi Làm Việc Nghĩa Như Là Đi Buôn

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Người đi buôn phải tính toán kỹ lưỡng để có lời, phải lập kế hoạch kinh doanh để biết được số vốn đầu tư, thời kỳ huề vốn, và những yếu tố tạo lợi nhuận.

Trong việc phục vụ xã hội, ảnh hưởng đến bao mạng sống, thì người ta lại thường qua loa, thích đâu làm đó, rồi tính sau. Lẽ ra người làm việc nghĩa phải tính toán chi li hơn người đi buôn. Nếu thương gia chủ trương “một vốn bốn lời” thì người cán bộ xã hội phải nghĩ “một vốn bốn mươi lời” mới phải.

Mỗi năm ở Hoa Kỳ chỉ 3% tài sản quốc gia được dành cho các tổ chức thiện nguyện và tôn giáo để đối phó với trùng trùng điệp điệp các vấn đề xã hội. Nếu không nghĩ theo kiểu đầu tư “một vốn bốn mươi lời” thì không khi nào chúng ta có đủ năng lực để giải quyết ngay cả một vài vấn đề xã hội chính yếu.

Muốn số vốn liếng trong tay nở ra, chúng ta phải tạo được một chu kỳ ưu việt, gồm ba khâu móc chặt với nhau.

Khâu thứ nhất là tạo giá trị. Khi chúng ta cung cấp một dịch vụ có phẩm chất, thì đó là giá trị. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giá trị biểu kiến. Còn rất nhiều giá trị tiềm ẩn khác mà chúng ta đã tạo ra nhưng thường không để ý đến. Đó là kinh nghiệm phục vụ, là kỹ năng tổ chức và điều hành. Đó là cơ cấu làm việc, là tập hợp của những người đồng tâm. Đó là dường dây quen biết, là hậu thuẫn của quần chúng. Và nhiều nữa.

Khi tổ chức một buổi văn nghệ thì giá trị biểu kiến là chương trình văn nghệ hấp dẫn làm khán giả hài lòng. Còn sự tụ tập của cả trăm người tại một chỗ cùng một lúc là giá trị tiềm ẩn vì nó cung ứng một cơ hội quý báu để quảng cáo hay thông tin.

Khâu thứ hai là nắm bắt giá trị. Hoa Kỳ có cả một chính sách quốc gia để nắm bắt giá trị… do các quốc gia khác tạo ra. Chính sách di dân của Hoa Kỳ biệt đãi những thành phần ưu tú như các khoa học gia, các chuyên gia kỹ thuật cao. Với chính sách này, Hoa Kỳ thu hút được nhân tài từ khắp các nơi trên thế giới. Điển hình là Phi Luật Tân đổ của ra để đào tạo nhân tài, rồi Hoa Kỳ phỗng tay trên lấy ráo. Phi Luật Tân tạo ra giá trị nhưng không giữ được, để Hoa Kỳ nắm bắt và sử dụng hộ.

Trong lãnh vực công tác xã hội, các giá trị tiềm ẩn thường hay bị thất thoát vì chính người tạo ra nó không ý thức được về các giá trị chính mình đã tạo ra để mà nắm bắt.

Trong ví dụ buổi văn nghệ kể trên thì giá trị tiềm ẩn là đám đông tập hợp tại một chỗ. Nếu ban tổ chức khôn khéo thì có thể mời chào các công ty điện thoại, các ngân hàng và ngay cả một số cơ quan chính quyền hay tổ chức dịch vụ tư nhân ủng hộ tài chánh cho chương trình văn nghệ; đổi lại, họ được căng bảng hiệu, phát tài liệu, hay có được một phút phát biểu. Nếu không biết khai thác, khi đám đông rã hàng thì giá trị cũng tan biến mất.

Khâu thứ ba là đầu tư giá trị nắm bắt được để sản sinh ra thêm giá trị. Chẳng hạn, ban tổ chức buổi văn nghệ dành dụm tiền quỹ gây được để mướn một người chuyên móc nối với các công ty để xin quảng cáo, chuyên tổ chức gây quỹ, và chuyên đi moi lục các cấp khoản của chính phủ và tư nhân. Với một người làm việc tận tuỵ, chắc chắn số thu nhập sẽ tăng lên đáng kể những năm sau đó.

Ví dụ kể trên, tuy bị đơn giản hoá đến trở thành thô thiển, cho thấy một nguyên tắc căn bản trong kế hoạch tăng trưởng: khi ba khâu kể trên (tạo giá trị, nắm bắt giá trị, và đầu tư trở lại) đóng lại, thì một chu kỳ ưu việt sẽ hình thành, tự tồn và ngày càng phát triển.

Mỗi thương gia thành công đều tạo được cho mình một chu kỳ ưu việt như vậy.

Người làm công tác xã hội hay người xây dựng quốc gia lại càng phải thấu đáo bài học này vì việc cứu giúp một con người hay một dân tộc trọng đại hơn gấp vạn lần việc kiếm tiền cho cá nhân.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com]

Viết một bình luận