Thanh Quang, phóng viên RFA
Chúng tôi được tin cảnh sát Malaysia vừa nộp đơn ở toà án nhằm truy tố hãng sản xuất đồ nhôm Spektra Alucast về tội buôn người có liên quan đến công nhân VN.
Diễn tiến này phần lớn nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Camsa, Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu trụ sở chính tại Virginia, Hoa Kỳ.
Thanh Quang tìm hiểu thêm về vấn đề qua cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc tổ chức Boat People SOS và là đồng sáng lập viên của Camsa. TS Nguyễn Đình Thắng trước hết cho biết vấn đề diễn tiến mới nhất:
Vấn đề hiện nay là ngay trong tuần lễ này, bên toà án ở Malaysia đang lấy cung, các lời khai của nhân chứng để xem có yếu tố nào buộc tội công ty Spektra Alucast hay không – 1 công ty làm nhôm cỡ trung của Malaysia. Trước đây có 31 công nhân VN làm cho hãng này và không được trả lương. Thậm chí đến độ họ bị đói. Khi chúng tôi gặp họ vào tháng 7 năm ngoái thì họ phải vào rừng đào những củ khoai rừng, hái rau rừng về ăn cầm hơi.
Do đó chúng tôi đã liên lạc ngay với nhân viên quản trị của công ty này, nói với họ rằng nếu quý vị không giải quyết ngay vấn đề, thì đây là vụ buôn người. Và họ đã đồng ý giải quyết, nhưng chỉ giải quyết vài tháng thôi. Sau đó sự việc thậm chí tệ hại hơn nữa.
Họ đã không chịu gia hạn chiếu khán làm việc cho những công nhân này. Đầu năm nay, có 8 công nhân trong số này bị bắt, và họ hồ nghi rằng chính chủ nhân hãng Spektra Alucast báo cảnh sát bắt để trục xuất họ, vì ngay lúc đó thì luật sư của chúng tôi đang thu thập bằng chứng để kiện dân sự đòi bồi thường cho các công nhân VN.
Vấn đề là khi không còn nhân chứng thì không còn vụ kiện nữa. Có lẽ vì vậy mà các công nhân này bị bắt vào ngày 18 tháng 6 vừa qua.
Thanh Quang: Thưa, Liên minh Camsa có giúp đỡ cho các nạn nhân này khi họ ra toà không ?
TS Nguyễn Đình Thắng: Vâng, khi đưa họ ra toà thì có luật sư của chúng tôi trình bày cho quan toà biết rằng đây là vụ buôn người, và những công nhân này không phải là phạm nhân, mà họ là nạn nhân. Còn phạm nhân chính là chủ hãng Spektra Alucast. Vị quan toà đồng ý và có chỉ thị cho cảnh sát Malaysia là phải điều tra và trình vụ sự cho toà. Nhưng cảnh sát làm việc rất chậm trễ. Chỉ mới đây họ mới bắt đầu thực hiện cuộc điều tra và truy tố mà thôi.
Chỉ là bề nổi
Thanh Quang: Trước khi trở lại tình cảnh của các công nhân như TS vừa trình bày ở phần đầu, thì một cách cụ thể, hành động khởi tố hãng Spektra Alucast của CS Malaysia có lợi cho số công nhân VN ở đó như thế nào?
TS Nguyễn Đình Thắng: Họ có lợi ở 2 điểm: Điểm thứ nhất là các công nhân biết được quyền lợi của mình, không riêng 8 người ở trong nhà tù vì không có giấy tờ hợp lệ do lỗi của hãng nhôm này không gia hạn giấy phép làm việc cho họ, mà tất cả công nhân VN ở Malaysia đều biết rằng có luật mới chống buôn người ở xứ này.
Và nếu họ là nạn nhân thì sẽ được bảo vệ. Có thể họ rơi trong tình thế bị vi phạm luật lệ, như không có giấy tờ để cư trú ở Malaysia, rồi bị bắt…thì tất cả những tội như vậy đều bị xoá hết. Bởi vì họ là nạn nhân của nạn buôn người. Như vậy chính các nạn nhân mới cảm thấy yên tâm để đứng ra truy tố, báo cáo với cảnh sát.
Thứ hai là vấn đề này tạo 1 tiền lệ cho cảnh sát Malaysia truy tố 1 công ty. Từ ngày Kualar Lumpur ban hành luật chống buôn người đến giờ, chưa hề có 1 công ty nào ở Malaysia bị truy tố cả. Mà cảnh sát và chính phủ Malaysia chỉ truy tố những cá nhân mà thôi để thoả mãn những đòi hỏi của quốc tế, đặc biệt là của Hoa Kỳ. Và họ muốn trưng dẫn ra đây rằng chúng tôi có truy tố.
Nhưng tất cả thủ phạm đã bị truy tố này đều là thành phần “cò con”, như nhân viên cảnh sát tham nhũng rất nhỏ bé trong cả 1 hệ thống buôn người đầy quyền lực, hoàn toàn không ai đụng đến.
Việc cảnh sát Malaysia truy tố hãng Spektra Alucast là vụ đầu tiên mà 1 công ty ở Malaysia bị đưa ra toà. Chúng tôi thấy có điểm hay là vấn đề có liên quan tới các công nhân VN. Và chúng tôi rất mừng là luật sư của Camsa đã dẫn đến việc truy tố 1 công ty Malaysia lần đầu tiên, chiếu theo luật chống buôn người của Malaysia.
Tình cảnh công nhân hiện nay
Thanh Quang: Như TS trình bày ngay từ đầu thì các công nhân VN làm ở công ty này từng bị ngược đãi, bị quịt lương, thậm chí bị giam giữ oan ước.v.v…Xin TS cho biết thêm về tình cảnh của công nhân VN ngay trong lúc này ra sao?
TS Nguyễn Đình Thắng: Họ bị trầm cảm nặng, họ rất bức xúc, mong muốn được về với gia đình. Vì sau thời gian ở tù rồi bây giờ đã được chuyển qua nhà gọi là Trung Tâm Bảo Vệ của cảnh sát, thì họ không có công ăn việc làm, không có thu nhập, đời sống của họ tiếp tục bị tù túng vô cùng, không được đi ra khỏi trung tâm đó. Do vậy họ bị trầm cảm. Hồi tuần rồi, có một trong 8 công nhân đó dự định tự sát.
May mà người ta cứu được và đưa anh vào bệnh viện cho đến ngày hôm nay. Đó là tình cảnh ngay trong lúc này của những công nhân, và cũng là điều mà chúng tôi đang vận động với chính phủ Malaysia phải đối xử các nạn nhân VN như là nạn nhân, chứ không phải đối xử với họ như là tù nhân. Nhưng cảnh sát Malaysia thì không quen đối xử với nản nhân một cách tử tế.
Do đó, cách đây 2 tuần, ông Đại sứ Luis Cdebaca, Giám đốc Văn phòng Quốc tế đặc trách theo dõi và bài trừ nạn buôn người thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng đã đến Malaysia và họp với luật sư Camsa và được biết về những trở ngại trong vấn đề chấp pháp liên quan luật chống buôn người. Nếu như nạn nhân thấy họ cũng bị đối xử tàn tệ như tù nhân, thì không mấy ai còn dám bước ra để báo cáo hay tố giác với cảnh sát.
Thanh Quang: Nói chung, trước tình cảnh khó khăn của công nhân VN như vậy thì Đại sứ quán VN ở Kuala Lumpur có can thiệp, trợ giúp gì không? Chúng tôi nghe nói viên chức quản lý lao động của sứ quán VN tìm cách thuyết phục các nạn nhân gọi là “nhận tội” để sớm được hồi hương ?
TS Nguyễn Đình Thắng: Vâng, Văn phòng Quản lý Lao động tại Đại sứ quán VN ở Kuala Lumpur có can thiệp, nhưng can thiệp, bênh vực cho thủ phạm. Họ luôn luôn đi đôi với luật sư của hãng Spektra Alucast hoặc nhân viên quản trị của hãng này để gặp công nhân.
Trong 1 phiên toà thì chính người của Đại sứ quán VN thuyết phục công nhân hãy nhận tội đi thì mới được cho về, và, theo quan chức này, khi họ về nước rồi thì nhà nước VN mới tìm cách đòi tiền giúp cho. Nhưng mọi người biết rất rõ là khi về nước rồi thì không còn căn bản pháp lý nào nữa để đòi tiền. Thành ra có rất nhiều sự khuyến dụ từ phía đại sứ quán VN.
Thay vì để bảo vệ và đòi quyền lợi cho công nhân và áp lực đúng theo luật lệ của Malaysia, thì họ lại tìm cách đi đường “tay trong” để một mặt ngấm ngầm áp lực công nhân nhận tội, mặc dù công nhân không có tội; mặt khác, họ làm việc chặt chẽ với phía thủ phạm thay vì làm việc với cảnh sát, với giới chức công quyền.
Và nhiều lần như vậy, chúng tôi thấy chính nhân viên Đại sứ quán VN lại đi đôi với đại diện của công ty xuất khẩu lao động từ VN – một thành phần có can dự vào vấn đề buôn người. Điều rất lạ lùng là họ chỉ liên lạc với thành phần thủ phạm mà thôi, trong khi nạn nhân và giới chức công lực của Malaysia thì không thấy họ hợp tác với những thành phần đó.
Thanh Quang: Cảm ơn TS Nguyễn Đình Thắng.
Mạch Sống trích đăng từ RFA.