Mạch Sống trích đăng từ đài VOA.
Thưa quí vị, với thông tin do Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Châu Á cung cấp, Cảnh sát Malaysia vừa giải cứu 8 nữ công nhân Việt Nam bị người chủ giam giữ và bóc lột lao động ở ngay thủ đô Kuala Lumpur. Hiện tại cảnh sát đang tiếp tục điều tra xem những phụ nữ này được đưa sang Malaysia qua con đường nào và liệu có còn thêm nạn nhân nào của đường dây này hay không.
Cuối tháng 9, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới ở Á Châu, gọi tắt là CAMSA đã nhận được một cuộc điện thoại kêu cứu, đó là cuộc điện thoại của người nhà một nữ công nhân Việt Nam đang làm việc ở Malaysia. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển Hoa Kỳ (BPSOS), là tổ chức đồng sáng lập Liên minh CAMSA cho biết thêm:
“Chúng tôi nhận được lời kêu gọi cầu cứu của một người ở tại Hoa Kỳ, người đó có thân nhân nằm trong số 8 chị em phụ nữ bị bóc lột lao động ở Malaysia. Một trong số 8 người đó đã lén ra ngoài gọi được điện thoại sang Hoa Kỳ để nhờ thân nhân cầu cứu, và khi chúng tôi nhận được lời cầu cứu đó, chúng tôi đã liên lạc ngay về bên Malaysia để có nhân viên của liên minh CAMSA liên lạc trực tiếp với các nạn nhân, lúc đó đang còn bị giam giữ tại thành phố Kuala Lumpur.”
Ông Daniel Lo, Giám đốc Quốc gia của CAMSA tại Malaysia, cho biết sau khi nhận được mô tả về địa điểm mà các nạn nhân bị giam giữ, CAMSA đã liên hệ với một đối tác ở địa phương và đối tác này đã trực tiếp liên hệ được với cảnh sát để phối hợp giải cứu các nạn nhân.
Ông Lo nói thêm khi được cảnh sát giải cứu và đưa đến nơi tạm trú thì những người phụ nữ này khá hoang mang:
“Họ khá lo lắng, họ không hiểu tại sao mình bị cảnh sát giữ, họ muốn được trở về nhà và được tự do”.
Tiến sĩ Thắng nói rằng theo những thông tin mà CAMSA được biết, cho tới thời điểm này, thì kể từ khi đến Malaysia, những người phụ nữ này đã phải làm việc nhiều giờ một ngày mà không hề được trả lương:
“Họ bị bắt làm việc từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng, và hiện nay chúng tôi cũng đang điều tra xem đây là vấn đề thuần túy buôn lao động hay có dính líu đến vấn đề buôn tình dục. Họ làm việc rất khuya và không được đi ra ngoài, họ cũng không được trả lương bởi bà chủ đưa họ sang tuyên bố rằng bà ta đã phải trả rất nhiều tiền để đưa họ từ Việt Nam sang Malaysia và do đó bây giờ họ phải làm để trả nợ. Thành ra, trong suốt thời gian từ hơn 3 tháng, từ ngày họ đặt chân đến Malaysia, họ không hề được lãnh lương, họ không hề được giữ tất cả các giấy tờ tùy thân, họ cũng không có cách thức nào để gọi điện ra ngoài cầu cứu. Rất may mắn một trong số những chị em đó đã lấy được điện thoại và gọi lén ra cho thân nhân ở Hoa Kỳ.”
VOA cũng đã tìm cách liên hệ trực tiếp với những nạn nhân này, tuy nhiên ông Daniel Lo cho hay theo luật pháp của Malaysia thì trong thời gian chờ điều tra, những người phụ nữ này không được tiếp xúc với các cá nhân hay tổ chức bên ngoài:
“Rất không may là hiện chưa rõ các chi tiết về tình hình hiện tại của những phụ nữ này. Theo Đạo luật Chống buôn người của Malaysia thì sau khi nạn nhân được “giải cứu”, họ được đưa đến ở nơi tạm trú của chính phủ, và khi còn ở trong nơi tạm trú này thì họ không có cơ hội được tiếp xúc với những người ngoài khu tạm trú này, kể cả các tổ chức phi chính phủ, luật sư, v.v.”
Liên minh CAMSA cũng cho biết thêm rằng người chủ sử dụng những lao động này cũng là một người phụ nữ gốc Việt lấy chồng ở Malaysia. Hai vợ chồng làm chủ một phòng trà và tiệm massage ngay tại trung tâm của Kuala Lumpur và tuyển dụng các phụ nữ trẻ từ Việt Nam sang làm việc với nhiều hứa hẹn về lương bổng và điều kiện lao động. Tiến sĩ Thắng nói hiện tại cảnh sát đang điều tra xem liệu những người phụ nữ này đã được đưa qua Malaysia theo con đường nào.
“Đó là điều chúng tôi đang cùng cảnh sát Malaysia điều tra, để tìm hiểu xem cái đường dây của họ đi như thế nào, không biết đó là đường dây cá nhân lẻ tẻ từng người một hay có cả một tổ chức tội phạm can dự vào vấn đề này. Người phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia đã đưa rất nhiều người sang, và chúng tôi được biết có 8 phụ nữ Việt Nam bị giam ở một chỗ. Chúng tôi không biết có những tụ khác được người phụ nữ này đứng ra tổ chức hay không. Vụ việc đang trong vòng điều tra của cảnh sát Malaysia, chính bởi vậy các nạn nhân hiện nay vẫn tiếp tục ở trong nhà tạm trú của cảnh sát để được bảo vệ và sẽ có thể mất từ 2 đến 3 tháng để lấy khẩu cung nhằm điều tra đến tận gốc rễ đường dây buôn người từ Việt Nam sang Malaysia này.”
Qua vụ việc này ông Lo lưu ý những phụ nữ muốn sang làm việc tại Malaysia thì nên hết sức cẩn thận, đặc biệt là nếu họ được tuyển dụng thông qua một công ty môi giới.
“Nhiều khi họ được tuyển dụng thông qua một số công ty môi giới và họ không hề biết gì về nơi họ sẽ đến, họ sẽ làm việc cho ai, điều đó là khá nguy hiểm. Khi họ đi ra nước ngoài hay đến Malaysia, có một số điều cơ bản mà họ phải nắm được đó là: theo luật pháp họ được quyền giữ hộ chiếu của mình, họ nên biết giấy phép làm việc của họ có còn thời hạn hay không, đó là những điều thuộc quyền của người lao động. Họ cũng nên có hợp đồng lao động bằng văn bản. Họ không nên để bị ép buộc phải ký nhiều bản hợp đồng hay ký nhiều loại hợp đồng khác nhau, đây là những thủ đoạn mà các công ty buôn người hay những công ty bóc lột lao động thường sử dụng. Và trong trường hợp họ thấy bị bóc lột thì họ phải trình báo ngay với các tổ chức phi chính phủ hay cảnh sát về trường hợp của mình.”
Trong khi đó, ông Thắng cũng kêu gọi những phụ nữ muốn ra nước ngoài làm việc thì nên tìm hiểu kỹ về công ty tuyển dụng lao động để tránh trở thành nạn nhân của tình trạng bóc lột và buôn bán lao động:
“Chúng tôi kêu gọi rằng tất cả các chị em phụ nữ Việt Nam còn ở trong nước khi nghe hứa hẹn về công ăn việc làm tốt đẹp về đồng lương tươm tất, khá cao, về điều kiện lao động tốt thì hãy tìm hiểu kỹ lưỡng. Chúng tôi có đường dây để có thể gọi sang để chúng tôi phối kiểm. Trước đây cũng đã có người được nhận làm việc và có liên lạc với chúng tôi, và khi chúng tôi phối kiểm thì phát hiện ra rằng địa chỉ đó là địa chỉ giả và chúng tôi đã báo động lại. Đó là một cách thức để đề phòng. Thứ hai, cũng cần phải thủ lưng những số điện thoại để phòng trường hợp bị rơi vào cảnh bị bóc lột hoặc bị giam cầm thì có thể lén ra ngoài để mà có thể gọi điện thoại cầu cứu.”
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu, CAMSA, được thành lập vào tháng Hai năm 2008 và hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Malaysia). Tính tới nay Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ bóc lột và buôn bán lao động, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân.