Ngày 28 tháng 9 vừa qua, cảnh sát Mã Lai phối hợp với nhân sự của Liên Minh CAMSA để giải cứu cho 8 phụ nữ Việt bị giam cầm để bóc lột sức lao động ngay tại thủ đô Kuala Lumpur.
Thủ phạm là một phụ nữ Việt lấy chồng Mã Lai. Hai vợ chồng mở một phòng trà và tiệm đấm bóp ngay tại trung tâm của Kuala Lumpur. Họ tuyển dụng các phụ nữ trẻ từ Việt Nam với nhiều hứa hẹn về lương bổng và điều kiện lao động.
Nhưng khi các phụ nữ này vừa đến Mã Lai thì hai vợ chồng tịch thu giấy tờ của họ và giam họ ở nơi làm việc. Các công nhân này phải làm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng mà không hề được hưởng lương.
Sau ba tháng sống trong tình trạng bị bóc lột và giam cầm, một nạn nhân đã lén gọi điện thoại được ra ngoài cho người chị ruột đang sinh sống ở Hoa Kỳ. Tuy cầu cứu, nạn nhân này cho biết mọi người trong nhóm đều rất sợ hãi sẽ bị chủ nhân dùng băng đảng ở Mã Lai và Việt Nam để trả thù.
“Ngày 24 tháng 9 chúng tôi nhận được lời cầu cứu. Vì hôm đó đã là Thứ Sáu, chúng tôi chờ sang Thứ Hai tuần sau và ngay lập tức cảnh sát đã cử người đến giải cứu”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sang lập viên Liên Minh CAMSA, cho biết.
Dựa theo lời kể của một nạn nhân về cảnh vật chung quanh nhìn thấy được từ nơi bị giam giữ, Liên Minh CAMSA truy ra được khu vực trong thành phố: ở cạnh tháp đôi Petronas, một công trình xây dựng nổi tiếng ở Kuala Lumpur. Với thông tin này, lúc 6 giờ chiều ngày 28 tháng 9, ba nhân viên cảnh sát đã tìm đến được khu vực được nhận diện.
Qua trung gian của nhân viên CAMSA, một nạn nhân đã hướng dẫn từng bước để cảnh sát tìm đến đúng ngay nhà và căn phòng nơi cô ta và các đồng bạn đang bị giam giữ. Cảnh sát nhanh chóng giải cứu cho tám phụ nữ và đưa ngay họ đến một trung tâm tạm trú của cảnh sát để bảo vệ.
Nơi đây, cảnh sát đã lấy cung của các nạn nhân.
“Ngày 11 tháng 10, cảnh sát Mã Lai cho biết họ sẽ tiến hành truy tố hai vợ chồng thủ phạm về tội buôn người”, Ts. Thắng nói.
Qua ngày hôm sau các nạn nhân đã ra toà án để khai báo và lập hồ sơ truy tố.
Hiện nay cảnh sát Mã Lai đang tìm hiểu xem có những tòng phạm nào ở Mã Lai hay ở Việt Nam.
“Trở ngại lớn hiện nay là thủ tục truy tố có thể mất từ 2 đến 3 tháng trong khi các nạn nhân rất nôn nóng muốn sớm được trở về với gia đình ở Việt Nam”, Ts. Thắng giải thích.
Ls. Daniel Lo, Quản Trị Viên Toán Quốc của Liên Minh CAMSA ở Mã Lai, đang liên lạc với cảnh sát để yêu cầu cho các phái đoàn từ thiện thăm viếng và uỷ lạo các nạn nhân trong thời gian họ chờ đợi để được hồi hương.
“Chúng tôi kêu gọi đồng bào ở trong nước hết sức cẩn thận khi ghi danh đi lao động ngoài nước, để tránh bị trở thành nạn nhân”, Ts. Thắng nhắc nhở.
Ông cũng kêu gọi giới truyền thông Việt ngữ thường xuyên phổ biến thông tin của CAMSA vào trong nước cũng như ở hải ngoại. Theo Ông, trong thời gian qua có nhiều trường hợp nạn nhân được giải cứu nhờ thân nhân của họ ở Hoa Kỳ đã đọc tin và nhờ vậy biết cách liên lạc với CAMSA.
Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, viết tắt là CAMSA (Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia) trong tiếng Anh, hiện gồm năm tổ chức thành viên: BPSOS, Uỷ Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam, Liên Hội Người Việt Canada, Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Đức), và Tenaganita (Mã Lai). Sau một năm hoạt động, Liên Minh CAMSA đã can thiệp cho trên 30 vụ lớn nhỏ, ảnh hưởng đến ba ngàn công nhân. Liên Minh CAMSA cần sự yểm trợ của đồng bào để tiếp tục phát triển hoạt động nhằm can thiệp và trợ giúp nạn nhân, truy tố thủ phạm, và thúc đẩy những thay đổi về chính sách của các quốc gia.
Mọi đóng góp yểm trợ cho Liên Minh CAMSA, xin đề cho và gởi về:
BPSOS/CAMSA
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 – USA