Hưởng ứng chiến dịch Cứu Cồn Dầu, ngày 26 tháng 8, 2010 tổ chức International Christian Concern (ICC) chính thức lên tiếng kêu gọi sự quan tâm và can thiệp của quốc tế.
“Năm 2006, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã rút Việt Nam ra khỏi danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC), trưng dẫn sự tiến bộ về tự do tôn giáo. Biến cố vừa rồi chứng minh rằng Bộ Ngoại Giao không thể sai lầm hơn”, Ông Logan Maurer, Giám Đốc Vùng của ICC, tuyên bố.
Tổ chức này kêu gọi ủng hộ viên của họ ở Hoa Kỳ, Canada và Anh Quốc đồng loạt vận động chính quyền cũng như gọi vào các toà đại sứ Việt Nam ở ba quốc gia này để nêu mối quan tâm.
Tổ chức ICC biết về cuộc đàn áp đẫm máu ở Cồn Dầu qua buổi phúc trình của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos ngày 18 tháng 8 vừa qua. Sau đó ICC đã cử người đến họp tại trụ sở trung ương của BPSOS để thảo kế hoạch phối hợp hành động. Trung bình, ICC có thể huy động 10 ngàn ủng hộ viên cùng lên tiếng trong mỗi cuộc vận động.
Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, sự tiếp ứng của tổ chức ICC rất cần thiết trong giai đoạn này của chiến dịch Cứu Cồn Dầu.
“Chúng tôi đã đạt được mục tiêu đầu: tạo sự chú ý của dư luận quốc tế. Mục tiêu kế tiếp của chiến dịch là vận động sự can thiệp của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia tự do”, Ông nói.
Phối hợp cùng với nhiều tổ chức trong cộng đồng Việt cũng như với nhóm thân nhân ở Hoa Kỳ của các nạn nhân Cồn Dầu, BPSOS đã phát động chiến dịch gởi thỉnh nguyện thư hàng loạt đến các vị dân cử Hoa Kỳ.
“Chúng tôi đang làm việc với một số tổ chức nhân quyền quốc tế và họ sẽ tuần tự lên tiếng trong thời gian tới đây, nhằm ngày càng gia tăng áp lực của dư luận quốc tế”, Ts. Thắng cho biết.
Ông giải thích sách lược của chiến dịch là tập trung dài hạn vào vấn đề Cồn Dầu cho đến khi đạt mục đích: đẩy lùi sự đàn áp của chính quyền Đà Nẵng, giải cứu cho nạn nhân, và bảo vệ sự vẹn toàn của Xứ Đạo Cồn Dầu.
“Chúng tôi sẽ đeo đuổi các mục đích này đến cùng, dù là 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn”, Ts. Thắng nói.
Từ những ngày đầu, BPSOS đã nỗ lực giúp đỡ và bảo vệ cho nhiều chục nạn nhân ở Cồn Dầu sang lánh nạn ở Thái Lan. Theo Ts. Thắng, tổ chức BPSOS đã giữ im lặng cho đến nay vì muốn bảo vệ an toàn cho họ. Đầu tháng 7 Ts. Thắng đã đến Thái Lan tiếp xúc với số nạn nhân này để thu thập dữ kiện về cuộc đàn áp ở Cồn Dầu cũng như để chuẩn bị hồ sơ ti nạn cho họ. Sau đó Ông đã báo động với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và Toà Đại Sứ Hoa Kỳ.
Cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees, Cố Vấn Cao Cấp của BPSOS về các Đề Án Quốc Tế, cũng đã gặp một số nạn nhân trong chuyến công tác ở Thái Lan vào trung tuần tháng 8 vừa qua.
Tin tức đọc thêm:
Diễn tiến của cuộc phúc trình ngày 18 tháng 8: http://machsong.org
International Christian Concern: http://www.persecution.org/suffering/index.php
Thỉnh nguyện thư gửi các vị dân biểu: http://www.bpsos.org/en/save-condau
======
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]