LTS: Theo thông tin CAMSA nhận được thì vừa qua Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước của Việt Nam đã có chút quan tâm tới quyền lợi của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài bằng cách gửi công văn nhắc nhở các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) “nhớ” tới người lao động của mình.
Công văn của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước “quan tâm” đến công nhân Việt thế nào?
Trong công văn của Cục quản lý lao động ngoài nước có nhắc các doanh nghiệp XKLĐ phải nghiêm túc thực hiện công tác quản lý lao động của mình ở nước ngoài. Cũng theo như Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước thì thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa người lao động Việt Nam và chủ sử dụng lao động nhưng không được doanh nghiệp phát hiện và xử lý kịp thời.
Cục quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phải cử cán bộ quản lý tại các nước có nhiều lao động do doanh nghiệp đưa đi, thường xuyên theo dõi, phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh đối với người lao động. Các doanh nghiệp cũng phải tăng cường công tác phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức công dân cho người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Lỗi xảy ra tranh chấp là do doanh nghiệp XKLĐ
Cục quản lý lao động ngoài nước cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan, chính cách làm XKLĐ không tốt của doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng trên. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi đưa người ra nước ngoài đã “đem con bỏ chợ”; công ăn, việc làm, thu nhập của người lao động không như cam kết trong hợp đồng.
Tại công văn gửi các doanh nghiệp nói trên, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng thừa nhận các vụ việc xảy ra thường rơi vào những trường hợp tranh chấp mà doanh nghiệp không kịp thời xử lý.
“Góp phần” vào tình trạng trên là phần đông các doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng giáo dục nhận thức, ý thức công dân đối với người lao động khi ra nước ngoài làm việc.
Phổ biến trong các doanh nghiệp là trước khi xuất cảnh, người lao động chỉ được tập trung học giáo dục định hướng vài buổi chiếu lệ về đất nước, con người, phong tục tập quán, nội quy lao động ở nước sẽ đến làm việc… doanh nghiệp gần như không chú trọng đến nội dung tuyên truyền nâng cao ý thức công dân, cảnh báo, hỗ trợ người lao động.
CAMSA được CQLLĐ Việt Nam để ý đến
Công văn này cũng nói rằng chính vì các doanh nghiệp “lơ là” công tác quản lý lao động mà những tranh chấp của người lao động bị những “kẻ phản động” thông qua hình thức trợ giúp nhân đạo đã lợi dụng phá hoại, kích động người lao động có hành vi chống phá quan hệ lao động và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước tiếp nhận lao động. CAMSA được nhắc tới là một trong những tổ chức đặc biệt cần người lao động cần biết mà không tìm tới nhờ trợ giúp.
Cục Quản lý lao động ngoài nước có điểm qua những thành quả mà tổ chức CAMSA và Tenagita (Văn phòng Penang, Malaysia) đã đạt được qua 03 năm trợ giúp công nhân Việt Nam. Đó là vụ giúp cho 8 công nhân của vụ Speaktra Alucast đòi các quyền lợi về lương từ công ty; vụ giúp anh N.V.L kiện ra Toà án Malaysia để đòi lại số lương bị công ty quỵt nợ; vụ giúp 176 công nhân Việt làm việc ở Jordanni thoát khỏi cảnh đánh đập, giam giữ; vụ hang trăm công nhân Việt làm việc cho công ty Esquel được CAMSA trợ giúp đòi lại lương vào năm 2007…
Đây là những thành quả mà CAMSA rất tự hào và mong muốn qua đó các Cơ quan có chức năng ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp XKLĐ có sự chuyển biến trong hoạt động bảo vệ công nhân Việt ở nước ngoài. Mặc dù khi đọc nội dung Công văn có những đoạn nêu đích danh tổ chức CAMSA với các từ ngữ tiêu cực như một tổ chức phản động hoặc kẻ lợi dụng… thì CAMSA cũng không lấy đó làm bực nhọc hay thất vọng.
Nạn buôn lao động được cả cộng đồng quốc tế biết đến và ngày càng quan tâm. Việt Nam là quốc gia xếp vào một trong những nước có số lượng công dân làm việc ở nước ngoài nhiều nhất thế giới. CAMSA cho rằng Việt Nam cần thay đổi trong cách nhìn về trách nhiệm bảo vệ công nhân của mình cũng như vai trò trợ giúp từ các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng quốc tế. Cách nhìn đả phá, tiêu cực từ phía Việt Nam và các cơ quan chức năng đối với các tổ chức phi chính phủ như CAMSA không làm cho vai trò của CAMSA mờ nhạt đi. Người lao động là đối tượng cần bảo vệ, cần được trợ giúp pháp lý, văn hoá, xã hội, ngoại ngữ, nghề nghiệp… Họ cần đến sự trợ giúp của các cá nhân, tổ chức thiện nguyện hành động vì quyền lợi của họ, chứ không cần đến những hứa hẹn trên giấy, những bánh vẽ ngon lành chỉ để ngắm nhìn.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]