Khó Hỗ Trợ Nạn Nhân Bị Buôn Bán: Nguyên Nhân Từ Nhiều Phía

CAMSA

LTS: Một trong những nội dung quan trọng thể hiện tính “nhân đạo” của nhà cầm quyền Việt Nam trong Dự Luật Phòng Chống Mua Bán Người (gọi tắt là Dự Luật) của Việt Nam là vấn đề bảo vệ và hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán. Xem xét các quy định của Dự Luật và đánh giá ý kiến của các đại biểu quốc hội thảo luận về Dự Luật này trong kỳ họp thứ 8 vừa qua, CAMSA nhận thấy nội dung hỗ trợ nạn nhân bị mua bán chưa thể hiện được tính nhân đạo từ nhà cầm quyền Việt Nam và khó thực hiện trong thực tế. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ đâu? CAMSA xin phân tích dựa trên các nội dung sau.

1. Định nghĩa hành vi mua bán người trong Dự Luật loại trừ một số nạn nhân bị mua bán.

Theo Điều 2 của Dự Luật định nghĩa hành vi mua bán người chỉ có hành vi chuyển giao, tiếp nhận. Đối với các hành vi như tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp chỉ được xác định là hành vi liên quan đến hành vi mua bán người. So sánh với Điều 3 trong Nghị Định Thư Palermo về khái niệm buôn bán người, các hành vi buôn bán người bao gồm 5 hành vi: tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao, tiếp nhận người vì mục đích bóc lột.

Như vậy, khái niệm hành vi mua bán người trong Dự Luật đã hẹp hơn so với khái niệm nêu trong văn bản quốc tế. Hệ quả của điều này sẽ tạo một khoảng trống giữa luật quốc gia và luật quốc tế điều chỉnh một số hành vi được xem là hành vi mua bán người. Dẫn theo kết quả là có một số nạn nhân bị mua bán ở ngoài nước khi về Việt Nam không còn được xem là nạn nhân bị mua bán nữa chiếu theo quy định của Dự Luật. Và như vậy, họ không được bảo vệ cũng như không được hỗ trợ các chế độ của nạn nhân bị buôn bán.

2.  Khái niệm nạn nhân chung chung, chưa rõ ràng

Theo tập hướng dẫn “Soạn Thảo Luật Chống Buôn Người” của cơ quan Chống Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc cho rằng: “Nạn nhân là đối tượng bị xâm phạm bởi hành vi mua bán người và được các cơ quan chính phủ có thẩm quyền hay những tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực phòng chống buôn người tin một cách hợp lý rằng họ là nạn nhân của nạn buôn người, bất kể lúc đó thủ phạm đã bị phát hiện, bắt giữ, truy tố và kết án hay chưa”.

Trong định nghĩa nêu trên, yếu tố chủ thể xác định nạn nhân là yếu tố quyết định một đối tượng bị xâm phạm bởi hành vi mua bán người có được coi là nạn nhân bị mua bán hay không. Chủ thể xác định đó không phải chỉ bó hẹp là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn là các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này. Điều này là hợp lý trong xã hội dân sự nơi các tổ chức xã hội có chuyên môn, nguồn nhân lực chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm được sử dụng cho mục đích xác định nạn nhân bị mua bán. Sẽ có rất nhiều các nạn nhân được phát hiện thông qua các tổ chức xã hội này, sẽ tránh được tình trạng bỏ lọt nạn nhân bị mua bán.

So sánh với Điều 2 Dự luật định nghĩa nạn nhân là đối tượng bị xâm phạm bởi các hành vi mua bán người quy định tại Điều 3. Trong định nghĩa này không có yếu tố chủ thể xác định đối tượng bị xâm hại có phải là nạn nhân hay không. Bên cạnh đó, Dự Luật vẫn có một quy định riêng về các loại giấy tờ, tài liệu xác định nạn nhân (Điều 27) là một rào cản hành chính thủ tục của vấn đề xác định nạn nhân trong thực tế.

3.  Mục tiêu xác minh nạn nhân chưa được hiểu thống nhất

Vấn đề xác minh nạn nhân nhắm tới nhiều mục tiêu khác nhau. Xác minh nạn nhân để giải cứu, bảo vệ nạn nhân ngay từ thời điểm phát hiện tình trạng mua bán người. Xác minh nạn nhân để hỗ trợ các chế độ hỗ trợ ban đầu cho họ cũng như hỗ trợ cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Xác minh nạn nhân cũng là một nhân tố quan trọng trong truy tố các tội phạm mua bán người. Các mục tiêu này có sự nối tiếp trong một quy trình về thời gian, trong đó mỗi cơ quan chức năng có thể nhắm tới một hoặc nhiều mục tiêu chủ yếu.

Hiện nay còn có những cách hiểu chưa thống nhất về các mục tiêu nói trên ngay trong hệ thống các cơ quan có chức năng trong phòng chống mua bán người của Việt Nam. Ngay như các cơ sở bảo trợ xã hội đã được thành lập trong thực tế cho rằng xác minh nạn nhân là để truy tố tội phạm mua bán người. Dẫn đến hệ quả là nhiều khi mục tiêu xác minh nạn nhân làm hạn chế một số đối tượng nạn nhân.

4.  Tâm lý nạn nhân

Tâm lý nạn nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗ trợ cho nạn nhân trở thành khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán tình dục. Đối với các nạn nhân bị buôn bán tình dục, họ mang tâm lý lo sợ và e ngại nên nhiều trường hợp họ không ra khai báo hoặc không hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, trong xã hội Việt Nam do các yếu tố về đạo đức xã hội có những cách nhìn khắt khe đối với các nạn nhân này, trong nhiều trường hợp sau khi nạn nhân bị mua bán tình dục ra khai báo, họ khó hòa nhập cộng đồng xã hội. Nhiều người sống khép kín hoặc phải bỏ đi nơi khác sinh sống vì quá nhiều nhiều điều tiếng, dèm pha từ họ hàng, làng xóm xung quanh.

5.  Cơ sở vật chất dành cho hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế

Việt Nam trong thời gian qua, dựa trên các chính sách về phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em đã thành lập ở một số địa phương các cơ sở bảo trợ xã hội nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán. Tình trạng hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội tại các địa phương còn nhiều bất cập do cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện phục vụ nơi ăn ở, sinh hoạt, y tế, các trang thiết bị sinh hoạt… không đảm bảo nhu cầu. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho các nạn nhân chưa thật sự bền vững, thu nhập chưa đảm bảo cho ổn định cuộc sống cho nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

6.  Pháp luật chưa vận động được sức mạnh xã hội trong việc hỗ trợ nạn nhân

Các nguyên tắc và chính sách phòng chống mua bán người của Nhà nước thể hiện trong Dự Luật có nhắc tới nội dung khuyến khích và vận động sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong xã hội cho mục tiêu phòng chống hiện tượng mua bán người. Cụ thể hóa nội dung này, Dự Luật cho phép thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân của các cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện công tác hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán. Đây là một nội dung mới, cho thấy một bước tiến trong nhận thức và xây dựng pháp luật nói chung, pháp luật về phòng chống mua bán người hướng tới xã hội, vận động sức mạnh xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luật Dự Luật tại Kỳ Họp VIII cho là một trong những nội dung không phù hợp với thực tế và ảnh hưởng tới mục tiêu chính trị của Việt Nam hiện nay. Hãy khoan xét tới mục tiêu to lớn về chính trị, thì việc thành lập các cơ sở hỗ trợ nạn nhân từ cá nhân hay tổ chức xã hội là sự phù hợp trong một xã hội dân sự, nơi mà sức mạnh từ cộng đồng xã hội được phát huy vai trò tối đa. Chúng ta đã từng thấy sức mạnh cộng đồng thể hiện trong chiến tranh, trong thời bình với phát triển kinh tế. Nhưng trong các vấn đề xã hội mà cụ thể là phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người thì sức mạnh ấy chưa được quan tâm đúng mức. Lý do là bởi vì ngay từ cơ sở pháp lý cho các hoạt động cộng đồng chưa được Nhà nước ghi nhận và thể hiện trong các văn bản pháp luật.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận