Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia

Thiên Thơ
Phụ trách Chương Trình CADV
 
Trong tháng 7, 2010 vừa qua, Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia đã tổ chức tuần lễ huấn nghiệp tại Đại Học Richmond cho luật sư, quản lý viên, nhân viên hỗ trợ nạn nhân, cảnh sát, v.v. đến từ các cơ quan phi lợi nhuận trong nước phục vụ cho các chương trình giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành. Trong 100 lá đơn xin tham dự Tuần Lễ Huấn Nghiệp này, 33 cơ quan đã được Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia chấp thuận trong đó có BPSOS. Chúng ta có thể tự hào BPSOS của người Mỹ gốc Việt là một trong những cơ quan phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ đã phục vụ tốt đẹp cộng đồng Việt Nam và ngoại quốc qua chương trình Chống Buôn Người và Chống Nạn Bạo Hành. Không những được cộng đồng người Việt yêu mến, quí chuộng, BPSOS còn được sự yểm trợ đắc lực của các cơ quan luật pháp, giáo dục của người Mỹ, người Á Châu Thái Bình Dương và các quốc gia khác tại Hoa Kỳ.

Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia là cộng sự viên của Department of Criminal Justice Services (Bộ Dịch Vụ Tư Pháp cho Tội Nhân) và Viện Đại Học Richmond. Trong tuần lễ Huấn Nghiệp này, nhiều luật sư, cảnh sát, giáo sư đại học, thanh tra, quản lý viên, điều phối viên, những người ủng hộ, v.v. đến tham dự, học hỏi, đóng góp ý kiến trong các cuộc hội thảo chuyên ngành để giải quyết các tình huống phức tạp về bạo hành gia đình. Ban giảng huấn và huấn luyện viên của Học Viện gồm 22 người có rất nhiều kinh nghiệm trong các ngành y tế, giáo dục, tư pháp, thanh tra…

Bà Debbie Smith là thuyết trình viên nổi bật trong thời gian huấn nghiệp cho các nhân viên hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành. Bà kể lại trong năm 1989, một kẻ lạ mang mặt nạ xâm nhập vào nhà bà, bắt cóc, cướp của và hãm hiếp bà nhiều lần trong rừng cây sau nhà tại Williamsburg, Virginia. Tội lỗi này của kẻ cưỡng hiếp đã không được giải quyết trong sáu năm rưỡi sau đó. Bà Debbie vẫn kiên trì tiếp tục chống án đến cùng cho đến khi tội nhân vi phạm những tội lỗi khác và bị bắt giam. Sau khi cuộc xử án kéo dài kết thúc, bà Debbie tham gia vào các cuộc vận động lớn nhằm giúp đỡ những nạn nhân khác, cố gắng giúp mọi người không trở thành nạn nhân bị cưỡng hiếp đáng thương như bà. Bà đã nói chuyện với toàn thể học viên tham dự, khóc sướt mướt nhiều lần như trẻ thơ mỗi khi nhắc lại quá trình bị hành hung và dai dẳng kiện tụng, chống án này.

Sự kiên quyết của Bà Debbie quả thật phi thường, hiếm có. Bà đã hy sinh cá nhân và cuộc sống riêng tư của bà để bênh vực và bảo vệ phụ nữ trên khắp thế giới chống lại bạo hành và cưỡng hiếp cho đến cùng. Bà Debbie Smith đã xuất hiện trên những phim ảnh truyền hình của các công ty 60 Minutes, Oprah, John Walsh, Jane Pauley, v.v. Bà đã được nhiều tạp chí, báo chí trong nước phỏng vấn và đã viết nhiều bài vở cho họ.

Tất cả đạo luật liên bang năm 2004 về hiếp dâm và bạo hành trong gia đình mang tên Debbie Smith đã được thông qua và được Tổng Thống G.W. Bush phê chuẩn. Sự ban hành luật pháp này cung cấp ngân quỹ để huấn luyện cho cảnh sát, y tá, giải quyết những khâu xét nghiệm còn ứ đọng trong những vụ án hãm hiếp, và đồng thời tiêu chuẩn hóa những loại dụng cụ xét nghiệm này.

Bà Debbie nói chuyện về đời tư của bà trong những hội nghị khắp thế giới với nổ lực giúp đỡ tha nhân. Bà là sáng lập viên và cũng là ủy viên quản trị chánh yếu của cơ quan HEART, một cơ sở phi lợi nhuận được thiết lập để hỗ trợ các nạn nhân bị tấn công tình dục. Bà Debbie là thành viên Hội Cảnh Sát Trưởng Quốc Tế (International Association of Chiefs of Police) và cũng là Uỷ Viên Tư Vấn Quốc Gia thuộc Văn Phòng Nạn Nhân Tội Ác để thiết lập mô hình thi hành luật lệ mới phục vụ nạn nhân. Bà còn là quản trị viên Chương Trình Bằng Chứng Hiếp Dâm Trong Nước (National Rape Evidence Program) gây quỹ tài trợ cho chi phí trang bị dụng cụ thử nghiệm cho những vụ án hãm hiếp. Bà lại là thành viên Uỷ Ban Hướng Dẫn Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia. Đài truyền hình Lifetime đã chiếu phim “Cuộc Đời Ngang Trái: Câu Chuyện Debbie Smith” vào ngày 23 tháng 4, 2007. Bà còn là cán bộ giảng dạy một phân khoa tại Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia năm 2008 và 2009.

Qua cuộc đời và sự nghiệp của bà Debbie Smith, chúng ta nhận thấy từ quá khứ đau thưong, bị bắt cóc, cướp bóc lại bị hãm hiếp nhiều lần mà bà vẫn phấn đấu không ngừng suốt quảng đời còn lại để tội phạm phải đền tội sau sáu năm rưỡi sống ung dung ngoài vòng pháp luật. Chúng ta thật cảm động vô cùng trước tấm gương can đảm, dũng cảm của bà, không ngại phơi trần sự thật về đời tư thảm thương của mình để buộc kẻ cưỡng dâm phải bị tống giam trước pháp luật, làm gương cho những kẻ khác không dám coi thường phụ nữ và luật pháp quốc gia. Chúng ta cảm phục sự tranh đấu, hy sinh tột cùng này của bà Debbie Smith để bênh vực, bảo vệ cho phụ nữ không bị đày đọa vào thảm cảnh bị cưỡng hiếp nhục nhã rồi ém nhẹm tội lỗi tày trời này trước pháp luật và công chúng. Nếu tự đặt mình vào hoàn cảnh tủi nhục này, chúng ta sẽ phản ứng ra sao?

Chúng ta sẽ giấu nhẹm chuyện này chăng? Không cho chồng con, bạn bè biết chuyện xấu xa này để nó chìm đi trong quên lãng? Phụ nữ Việt Nam có thể làm như vậy, ém nhẹm hết là xong, là nhẹ nhất, không cần phải làm gì cả, bỏ qua tội lỗi của nạn nhân, và ngay cả không muốn nghĩ tới việc hắn có thể tiếp tục hãm hiếp người khác hay không?

Nay phụ nữ Việt Nam sống trên đất Mỹ, nhìn tấm gương và sự hy sinh tuyệt vời của bà Debbie Smith, chúng ta thử nghĩ chúng ta có thể thay đổi quan niệm để sống quên mình, sống vị tha, làm việc suốt đời phục vụ cho công lý và sự an toàn của phụ nữ khắp thế giới như bà hay không?

Chúng tôi lại có thêm một kỷ niệm đáng ghi nhớ khác trong tuần lễ huấn nghiệp tại Học Viện Hỗ Trợ Nạn Nhân Virginia tại Viện Đại Học Richmond. Toàn ban giảng huấn của Học Viện Richmond đã trình diễn một vở kịch điển hình về một phiên tòa trong đó nạn nhân bị bạo hành hoàn toàn thay đổi lời cung khai trước tòa án. Khi nạn nhân bị chồng đánh đập tơi bời trên xe hơi mà người chồng đang đậu trên lề đường. Sợ chết, nạn nhân rút vội điện thoại cầm tay trong túi áo, gọi ngay 911, số của cảnh sát rồi ngất xỉu trên xe. Cảnh sát theo dõi xe kẻ hành hung ngay, gọi xe cứu thương đến đưa bà vào nhà thương. Sau đó, họ lấy khẩu cung của nạn nhân, chụp hình những vết thương trên mặt và cơ thể, rồi làm báo cáo và xin Tòa Án cấp cho nạn nhân Lệnh Bảo Vệ Tạm Thời có hiệu lực trong hai tuần lễ. Người chồng phải dọn ra sống riêng theo đúng tinh thần của Lệnh Bảo Vệ này.

Đến ngày nạn nhân và kẻ hành hung ra tòa để làm Lệnh Bảo Vệ hai năm, sau khi tuyên thệ sẽ cung khai sự thực, thì bà vợ đổi ý hoàn toàn, bảo là chồng bà chưa hề đánh đập hay hành hung bà gì cả, chỉ là dọa nạt và hiểu lầm nhau mà thôi. Luật sư đã biện hộ hết mình cho kẻ bạo hành được trắng án. Bà vợ xin bãi nại, rút đơn, không xin lệnh bảo vệ hai năm để vợ chồng trở lại sống chung như trước. Nhưng luật sư đại diện nạn nhân đã không đồng ý với lời khai man của bà vợ và sự biện hộ của luật sư cùng nhân chứng của kẻ hành hung. Luật sư của nạn nhân xin tòa cho nghe lại CD mà cảnh sát đã thâu được khi nạn nhân gọi đến cho biết đang bị chồng hành hung dữ dội và xin cảnh sát đến can thiệp gấp. Sau khi nghe xong tiếng bà vợ kêu khóc, la thất thanh cầu cứu, và tiếng người chồng chửi rủa, đập đánh người vợ tàn bạo trong CD của cảnh sát, luật sư của nạn nhân đã trân trọng xin tòa cấp lệnh bảo vệ hai năm cho nạn nhân. Và quan tòa đã đồng ý chấp thuận lệnh bảo vệ hai năm này.

Điều này cho thấy luật sư làm việc đúng theo luật pháp chứ không theo ý kiến riêng của nạn nhân bị bạo hành. Nhân viên phụ trách giúp đỡ nạn nhân nếu lờ đi, không báo cáo khi thấy biết nạn nhân bị hành hung cũng có thể bị truy tố trước pháp luật. Huống chi là quan tòa, luật sư, những người đại diện luật pháp không thể không quan tâm đến sinh mạng và sự an toàn của nạn nhân. Luật sư có quyền từ chối không đại diện cho nạn nhân nếu nhận thấy nạn nhân đang sống trong tình trạng nguy ngập mà không chịu xin lệnh bảo vệ thường trực hai năm. Có nhiều nạn nhân bị hành hung nhiều năm mà vẫn không xin lệnh bảo vệ hai năm vì bị quá nhiều ràng buộc, khó khăn về chỗ ở, việc làm, tiền bạc, tài chánh. Có khi nạn nhân bị mất mạng thì mọi việc đã quá muộn màng, không thể cứu vãn được nữa. Vì vậy, quý vị phụ nữ cần mạnh dạn, cương quyết, sáng suốt hơn lo cứu tánh mạng của mình trước, lo xin lệnh bảo vệ trước khi những án mạng đáng tiếc có thể xảy ra.

Nếu có câu hỏi hay thắc mắc gì về Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành của BPSOS, kính xin quí vị liên lạc với chúng tôi như sau: tại VA: 703-538-2190; tại MD: 301-439-0505; tại TX: 281-530-6888.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận