Thương Nguyên
Tôi nhìn mùa thu đến trong cái đẹp dịu dàng, thật nên thơ của thiên nhiên. Mùa thu nên thơ từ những cơn mưa nhẹ, làn sương buổi sớm mai và những chiếc lá màu vàng đỏ rực rỡ. Gió thu chỉ thoảng lạnh chứ không buốt đến nỗi làm cho người ta phải rùng mình. Tôi thầm cảm tạ Thượng Đế đã cho nhân loại mùa thu thật ý vị. Dân tộc Hoa Kỳ đã khéo chọn ngày Lễ Tạ Ơn vào giữa mùa thu. Phải chăng đây là thời điểm mà tâm hồn con người và ngoại cảnh giao hòa, gợi lên tâm tình biết ơn như hương, như hoa muốn dâng về Trời cao để tri ân những gì Ngài đã ban cho con người.
Do một thoáng suy tư trong tâm tình tri ân, tôi nhìn lại những thành công của người Việt sau hơn 30 năm xa xứ. Tôi chợt nhận thấy người Việt chúng ta cũng chung tâm tình tạ ơn của người dân bản xứ. Năm 1620 khi đoàn người hành hương đầu tiên di cư từ Anh Quốc sang Mỹ, họ đã sống sót nhờ sự giúp đỡ của thổ dân da đỏ trong những năm đầu. Sau tháng Tư năm 1975, khi mới bước chân đến đất nước tự do này, phần lớn người Việt nhờ vào sự giúp đỡ của người dân bản xứ trong việc học hỏi ngôn ngữ mới, tìm nơi ăn chốn ở, ghi danh vào trường học, tìm những việc làm, dùng các sở y tế, các cơ quan xã hội, v.v. Theo năm tháng, với nhiều nỗ lực cố gắng vượt qua những khó khăn, hầu hết chúng ta đã được đền bù qua những thành đạt trong cuộc sống.
Xin hãy cùng nhau ôn lại đoạn đường chúng ta đã đi trong hơn ba thập niên qua, để nhận định những thay đổi, những thành công trong cuộc sống, và hướng lòng đến các vị ân nhân của chúng ta với tấm lòng biết ơn.
Những thay đổi về giá trị trong cuộc sống
Trong thập niên đầu của cuộc sống lưu vong, phần lớn những người Việt tị nạn đã được các gia đình người Mỹ bảo trợ đưa ra khỏi trại. Phải đợi một thời gian chúng ta mới nhận ra được lòng tốt của những người bảo trợ cũng như của các cơ quan thiện nguyện. Khi được người bảo trợ tìm cho một công việc để sinh kế, có thể nói mỗi người đều làm việc cật lực hầu đem lại cơm áo, chỗ ở, sự học hành cho mình và con cái, để giúp thăng tiến gia đình. Mặc dầu hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ và phong tục tập quán của đất mới, người Việt đã vượt qua những trở ngại, những khó khăn và thiếu thốn để hội nhập với xã hội mới. Trong cộng đồng gốc Việt có biết bao trường hợp thành đạt nhờ sự cần cù, chăm chỉ, quyết tâm của người tị nạn.
Hoàn cảnh thăng tiến của mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đồng của chúng ta là bằng chứng rõ ràng nhất về sự thay đổi của cộng đồng người Việt. Nhiều người đã mau mắn trở thành thương gia. Nhiều người khác đã thành công trong nhiều chức nghiệp: thợ giỏi trong công xưởng, giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên, quân nhân, v.v.
Nhiều học sinh Việt Nam nổi bật trong trường của mình. Phải chăng nhờ sự khuyến khích của phụ huynh, các em đã học hành siêng năng và có mục tiêu học hỏi rõ ràng hơn so với đa số các học sinh khác? Một số em bị trở ngại ngôn ngữ khi mới định cư, nhưng bù lại nhiều em lại nổi trội về toán và khoa học. Hẳn là các giáo chức đã nhận ra những học sinh nào ngoan ngoãn và học giỏi trong lớp. Người của nhiều công ty cũng đã có nhiều ấn tượng tốt đẹp khi phỏng vấn và chọn mướn các sinh viên gốc Việt.
Sau hơn ba thập niên, thế hệ người Việt đầu tiên lưu vong đến đất người hầu như đã thay đổi hẳn. Sạp hàng nhỏ trong chỗ buôn bán lộ thiên đã được thay bằng cửa tiệm khang trang. Nhiều cửa tiệm và khu thương mại do người Việt quán xuyến đã mọc lên ở các thành phố có đông người Việt. Nhiều hãng xưởng do người Việt khởi xướng đã thành công vượt bực. Đó là một ít nhận xét về sự thay đổi bên ngoài của người Việt và cộng đồng, nhưng những sự thay đổi về nội tâm có phần quan trọng hơn.
Trong cuộc sống hằng ngày, để có được những mặt hàng sản xuất với phẩm chất cao trên thương trường, chúng ta cần có kỷ luật tối thiểu như sinh hoạt đúng giờ, làm việc chân thật bằng trí óc hay chân tay. Sự công bằng, sự chân thật, tinh thần kỷ luật, sự kính trọng các đồng nghiệp và cấp chỉ huy hoặc chủ nhân đã ảnh hưởng và thấm dần vào nội tâm của người Việt. Phải chăng đó là những bí quyết thành công cho nhiều người trong cộng đồng hải ngoại của chúng ta? Khi nhìn những người bản xứ sinh hoạt, người Việt chúng ta hẳn cũng đã nhận thức được những điều luật cần phải theo và kỷ luật nào cần phải tuân giữ. Chính sự nhận thức, chấp nhận những luật lệ, và những cách sống này đã dần dần biến đổi tâm tính chúng ta thành những người Hoa Kỳ thuộc “main stream”, nghĩa là theo giòng chính của cuộc sống ở Hoa Kỳ. Thêm vào đó, khả năng thích ứng, sự thông minh và tính chịu khó đã đem lại những kết quả mỹ mãn. Những sự thành công này không phải là đột xuất, nhưng thường là kết quả của nhiều năm tháng gắn bó cùng công việc, sinh hoạt với những đồng nghiệp và đón nhận họ.
Khả năng hội nhập văn hoá của người Việt
Với tinh thần lãnh hội văn hóa cao, phần lớn người Việt đã thích ứng với môi trường chung quanh rất nhanh. Khả năng thích ứng đã giúp cho người Việt sống còn và phát triển. Họ còn biết dùng những vận hội để mau dẫn đến những thành công trong cuộc sống. Người ngoại quốc đã có những nhận định tốt về tinh thần cầu tiến của người Việt. Những trở ngại về ngôn ngữ cũng như những khác biệt về phong tục và tập quán đã không làm cho người Việt tị nạn chùn bước. Người Việt đã vượt lên trên những sự khác biệt và đã cống hiến cho xã hội trên khắp thế giới nhiều nhân vật tài ba lỗi lạc và nhiều thành quả trong lãnh vực văn hóa và xã hội.
Người xưa có câu “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc.” Phải chăng đây chính là khả năng thích ứng của người Việt khi chấp nhận một lối sống mới trong văn hoá mới? Và phải chăng người dân bản xứ đã thay đổi cái nhìn về cộng đồng người Việt sau khi họ thấy đa số dân tị nạn chúng ta là những công dân tự trọng và tháo vát?
Quý trọng nhân phẩm
May mắn thay, đại đa số người Việt hải ngoại làm ăn lương thiện, biết tự trọng và khuếch trương kinh tế bằng khả năng lao động chân chính của mình. Giá trị của một con người trong cộng đồng phần lớn do những suy nghĩ, tình cảm và hành động của người đó để đóng góp, giúp ích cho sự sinh sống và tồn tại của người khác trong cộng đồng.
Đa số người dân Việt lưu vong đã đặt nền tảng đạo đức làm giá trị căn bản. Nhiều người đã nổi tiếng bằng chính những giá trị của bản thân, được thể hiện qua sự cống hiến cho lợi ích cộng đồng, sự thừa nhận của xã hội, qua trình độ văn hóa, kiến thức, kỹ năng, và qua phẩm chất đạo đức.
Sự quý trọng nhân phẩm của người dân bản xứ không nhiều thì ít cũng đã theo thời gian thấm dần người Việt hải ngoại. Lòng nhân ái và sự cao thượng thầm lặng của một số người dân bản xứ, đã tự nguyện cống hiến cả đời mình cho việc lo toan giúp đỡ người nghèo khó, dìu dắt những kẻ kém may mắn hơn mình, đã gieo vào tâm hồn người Việt một ước muốn đáp trả những gì họ đã nhận được. Một số người Việt đã chọn một phương thức sống đẹp bằng cách phục vụ vô vị lợi. Một tấm gương sáng trong cộng đồng người Việt là đại thương Trần Đình Trường, một vị rất hào hiệp đối với các sinh hoạt từ thiện tại địa phương và các cộng đồng người Việt. Ông cũng đã tận tình giúp đỡ chính quyền Hoa Kỳ trong biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 khi hai tòa nhà của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới tại Nưỡu Ước bị bọn khủng bố tấn công. Tấm lòng nhân ái của thế hệ trẻ gốc Việt tại hải ngoại được biểu lộ qua nhiều nhóm hoặc cá nhân đã tìm tới những vùng quê xa xôi tại Việt Nam để chăm sóc sức khoẻ cho những người bất hạnh.
Tâm tình tạ ơn tích cực: Phục vụ nhân loại
Một phần nào đời sống hằng ngày của chúng ta là nhờ vào thành quả lao động của biết bao đồng loại, những người đang sống và cả những người đã ra đi. Qua những cảm nghiệm của cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể nhận thấy chúng ta sinh sống được là nhờ những đồng loại xung quanh ta. Hầu hết những dự tính, mong muốn, và hoạt động của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Ví dụ, chúng ta ăn thức ăn do người khác trồng, mặc quần áo do người khác may, sống trong nhà người khác xây. Đi xa hơn nữa, hầu hết những gì chúng ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác đem lại cho chúng ta qua các thông tin. Vì thế việc chúng ta mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người là một điều phải lẽ.
Có đôi lúc tôi bị dằn vặt bởi niềm suy tư là mình đang được hưởng quá nhiều từ đồng loại. Có đôi lúc tôi nghĩ mình phải nỗ lực làm một điều gì đó để cho đi một cách thỏa đáng mong đền bù lại. Những suy tư đó giúp tôi thấy chính mình, giúp tôi tìm được một chân lý trong đời sống. Khi cho đi và đáp lại tình người bằng tình người chân thật, chúng ta sẽ vui sống từng ngày với những người xung quanh. Lý tưởng này tạo nguồn sức mạnh trong tôi để sống vui vẻ trước những khó khăn của cuộc đời. Nếu không có tình bằng hữu với những người cùng chí hướng, không có những trăn trở nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra, không có những khao khát vươn tới một cuộc sống tốt đẹp về thể chất lẫn tinh thần thì cuộc sống với tôi quả là vô nghĩa.
Người xưa có câu “Nước chảy đá mòn”. Trong hơn ba thập niên qua, không nhiều thì ít, người Việt cũng đã có những thay đổi trong lối sống của mình. Bắt đầu từ nét đẹp tâm hồn của những người bảo trợ, rồi đến những tình nguyện viên và những tổ chức bất vụ lợi; tất cả những tấm gương sáng đó đã ảnh hưởng và đã thay đổi môi trường sống của người Việt lưu vong. Những thay đổi này là những bài học đầy sức thuyết phục đã nuôi dưỡng lòng thanh cao của thế hệ trẻ Việt Nam trên xứ người, qua đức tính biết tôn trọng tình nghĩa, tôn trọng lẽ phải, biết sống vì người khác, biết hy sinh vì việc nghĩa, và không tính thiệt hơn cho cá nhân mình. Trong tâm tình tạ ơn, tôi ghi xuống đây lòng tri ân sâu xa của tôi đối với Thượng Đế, với đất nước Hoa Kỳ, với các vị lãnh đạo tinh thần và các đấng sinh thành. Các ngài đã luôn đồng hành, nâng đỡ và chở che tôi. Tôi không quên cảm tạ những người đã làm ơn cho tôi, gia đình và bạn hữu, qua những tặng phẩm hoặc những cử chỉ ân cần. Tất cả đều biểu hiện một tình thương, đều mang ý nghĩa của một sự cho đi phần nào của chính mình.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.org.]