Minh Công
Sẽ có ít nhất 4 trong số 10 câu hỏi sau đây luôn được hỏi bởi các nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Bạn có thể quá quen thuộc với chúng, nhưng hãy cẩn thận! Nếu không có cách trả lời phù hợp, bạn vẫn có thể bị loại ngay từ vòng đầu!
Câu hỏi 1: Hãy kể cho tôi nghe đôi điều về bạn.
Có đến 98% các cuộc phỏng vấn tuyển dụng bắt đầu bằng câu hỏi này. Đừng bao giờ kể “tràng giang đại hải” về tiểu sử bản thân ở đây! Cái mà người tuyển dụng muốn nghe chỉ là một đoạn mô tả ngắn gọn chừng 2-3 phút về bạn và những gì bạn đã chuẩn bị để có thể ứng tuyển vào vị trí mà họ đang mướn này, như bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, thành tích đã đạt được… Hãy chuẩn bị một vài điểm nhấn mạnh để quảng bá bản thân, nhưng phải phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển để tránh gây phản tác dụng. Chẳng hạn, bạn không nên nói: “Tôi vừa hoàn thành một khóa học thiết kế đồ họa với kết quả xuất sắc” khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh bán hàng!
Câu hỏi 2: Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?
Khi hỏi câu này, người tuyển dụng muốn kiểm tra xem bạn có nghiên cứu hay tìm hiểu gì về công ty của họ trước khi đến dự buổi phỏng vấn này hay chưa. Đương nhiên là bạn cần nói tốt về công ty của họ để chứng minh với họ rằng bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty của họ, nhưng đừng ca ngợi một cách sáo rỗng hay chỉ nói suông. Chẳng hạn, nếu bạn nêu lý do: “Tôi thích được làm việc trong những doanh nghiệp biết trân trọng người lao động như ở đây” thì nên giải thích thêm bạn dựa vào những thông tin, số liệu nào để đúc kết được điều này.
Câu hỏi 3: Bạn nghĩ lý do gì khiến chúng tôi nên tuyển dụng bạn?
Đây lại là một cơ hội tốt để bạn quảng bá cho bản thân. Hãy chuẩn bị 3 điểm mạnh để “tiếp thị” cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, chúng phải cụ thể và phù hợp với vị trí bạn nộp hồ sơ vì người tuyển dụng luôn muốn tuyển đúng người cho đúng việc. Chẳng hạn, nếu ứng tuyển vào vị trí bán hàng, bạn có thể trình bày như sau: “Với 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng và đã giúp công ty cũ tăng doanh thu 3% hàng năm hoặc hàng tháng, tôi rất là tự tin mình sẽ đóng góp được rất nhiều vào vị trí mới này nếu trở thành nhân viên của công ty”.
Câu hỏi 4: Tại sao bạn lại rời bỏ công việc cũ?
Đây là một câu hỏi vừa khó lại vừa dễ. Phần đông các nhà tư vấn nghề nghiệp khuyên bạn tuyệt đối không đề cập đến những điểm tiêu cực trong công việc cũ vì sẽ làm bạn mất điểm trong quá trình phỏng vấn. Thật ra, điều này còn tùy thuộc vào người tuyển dụng. Vì thế, cách tốt nhất là bạn đề cập một vài điểm không phù hợp ở công việc cũ nhưng dành phần lớn nhấn mạnh khía cạnh tích cực của lý do bạn ra đi như “Muốn thử sức ở một môi trường mới”.
Câu hỏi 5: Đâu là điểm yếu của bạn?
Cách hay nhất để trả lời câu hỏi này là thành thật thừa nhận điểm yếu của bạn, nhưng đồng thời phải chỉ ra được cách thức bạn đã khắc phục nó. Chẳng hạn nếu bạn từng yếu trong việc lập kế hoạch và quản lý thời gian thì hãy chỉ ra cách mà bạn đã khắc phục như lên lịch làm việc chi tiết vào đầu ngày rồi xếp mức ưu tiên cho từng công việc. Như vậy, người tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người luôn quyết tâm cải thiện năng lực bản thân.
Câu hỏi 6: Bạn đã bao giờ có mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa? Bạn giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
Lưu ý đối với câu hỏi này, nếu bạn trả lời: “Tôi chưa bao giờ có mâu thuẫn với đồng nghiệp”, người tuyển dụng sẽ nghi ngờ và tiếp tục hỏi sâu vấn đề cho đến khi tìm ra sự thật. Cách tốt nhất là bạn nên nói giảm, nói tránh một chút, đồng thời chỉ ra cách giải quyết của bạn, chẳng hạn: “Không đến mức gọi là mâu thuẫn. Tôi chỉ có một vài lần bất đồng ý kiến với đồng nghiệp. Khi chuyện xảy ra, tôi đề nghị được gặp trực tiếp họ và dành thời gian để lắng nghe quan điểm của họ. Sau đó, chúng tôi thảo luận cho đến khi tìm ra một giải pháp tốt cho đôi bên.”
Câu hỏi 7: Khả năng làm việc nhóm của bạn có tốt không?
Gần như tất cả mọi người đều trả lời “Tốt” hoặc “Khá tốt” đối với câu hỏi này. Tuy nhiên, chỉ trả lời như thế thôi thì chưa đủ để thuyết phục người tuyển dụng. Bạn nên nói thêm về lợi ích của làm việc tập thể so với làm việc cá nhân và những yếu tố giúp bạn làm việc nhóm tốt. Đồng thời, bạn cần cho ví dụ cụ thể về một dự án bạn đã tham gia thực hiện.
Câu hỏi 8: Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong 5 năm tới là gì?
Nếu bạn đã lập kế hoạch nghề nghiệp thì bây giờ chỉ việc sử dụng những thông tin trong đó để giới thiệu với người tuyển dụng.
Câu hỏi 9: Bạn đề nghị mức lương ra sao?
Đây là câu hỏi khó nhất trong tất cả các câu hỏi, đặc biệt với những người ít kinh nghiệm. Để trả lời tốt câu hỏi này, trước khi đi phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu mức lương phổ biến trên thị trường đối với vị trí bạn ứng tuyển. Sau đó kết hợp với mức lương bạn mong muốn và mức lương gần đây nhất của bạn để có thể đưa ra câu trả lời thích hợp nhất. Tốt nhất là bạn nên đề nghị mức lương kiểu “khoảng” hơn là một con số chính xác.
Câu hỏi 10: Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Hãy tận dụng cơ hội này để thể hiện sự nhiệt thành của mình đối với công việc! Hãy hỏi người tuyển dụng ít nhất một câu, có thể là về chế độ phúc lợi, điều kiện và thời gian làm việc, v.v. chẳng hạn: “Tôi có phải làm việc vào ngày thứ Bảy không?” Không nên nói: “Không, anh/chị đã trả lời tất cả các câu hỏi của tôi rồi” hoặc “Không, tôi không có câu hỏi nào cả”.
Trả lời phỏng vấn tuyển dụng vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Là nghệ thuật nên bạn cần sự chuẩn bị, nghiên cứu và thực hành mới biết cách trả lời. Tuy nhiên, do cũng là nghệ thuật nên bạn phải linh hoạt, khéo léo thì mới trả lời phỏng vấn tuyển dụng thật sự tốt được. Vì thế, những ví dụ trên chỉ đóng vai trò định hướng, gợi cảm hứng cho bạn sáng tạo và tìm ra những cách trả lời phù hợp nhất với bản thân. Chúc bạn may mắn!
Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền tài chính vững vàng, nuôi dạy con cái nên người, và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038. Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]