Tuấn Nguyễn
Bắc Kinh đang muốn bành trướng về hướng Đông bằng cách lấn chiếm Biển Nhật Bản và về hướng Đông Nam bằng cách gây áp lực để làm chủ vùng Biển Nam Hải. Sự bành trướng này ngày càng lộ liễu. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam khăng khăng nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam nhưng vẫn không có một động thái gì để ngăn chặn và chống lại.
Bắc Kinh vẫn tiếp tục bắt bớ, làm khó dễ ngư dân Việt Nam và diễu võ dương oai. Chúng dùng lực lượng hải quân trang bị vũ khí tối tân để tập trận trong vùng lãnh hải Việt Nam với mục đích đe Việt Nam phải chấp nhận tình trạng bị Trung Quốc áp đặt.
Người dân trong nước và người Việt hải ngoại yêu nước đã cùng đứng lên chỉ trích và chống lại Bắc Kinh bằng những trang web và báo chí. Bắc Kinh vẫn tỏ ra xem thường dư luận, và Bắc Kinh bỗng nhiên hung hăng hơn mặc dù họ tỏ ra lo lắng vì Bà Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã lên tiếng trong Diễn Đàn An Ninh Á Châu, gọi tắt là khối ASEAN, rằng:
“Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông. Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển phía Nam Trung Quốc là một ‘ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ’. Và Washington sẵn sàng hậu thuẫn cho các sáng kiến hay biện pháp tạo niềm tin giữa các bên tranh chấp. Washington muốn quốc tế hoá vấn đề Biển Đông, giải quyết bằng thương lượng đa phương”.
Đã trên hai tháng trôi qua kể từ ngày Diễn Đàn Khu Vực ASEAN kết thúc mà Hồ Cẩm Đào cùng tập đoàn Cộng Sản Bắc Kinh vẫn tức giận vì cho là Mỹ cảnh cáo Trung Quốc.
Những ngày gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng phức tạp hơn khi Mỹ đưa chiến hạm John S. McCain đến Tiên Sa, Đà Nẵng để giúp khám và chữa bệnh cho dân chúng đồng thời hải quân Mỹ Việt tập trận trên Biển Đông. Sự hiện diện của chiếc Siêu Hàng Không Mẫu Hạm George Washington (lớn nhất thế giới) biểu dương sức mạnh thị oai trên Biển Đông, mà báo chí nước ngoài cho rằng đây là hành động thách thức đối với Trung Cộng.
Quan hệ Mỹ Việt và vấn đề Mỹ sẽ trang bị nguyên tử cho Việt Nam đã khiến cho Trung Quốc càng ấm ức hơn nên họ vội vàng phản bác vì rằng: “theo tài liệu của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế tính đến đầu năm 1994, trong số 33 nước trên thế giới có lò điện nguyên tử, không có nước nào trong Hiệp Hội ASEAN, mà nay Mỹ chấp thuận đỡ đầu cho Việt Nam trở thành thành viên chính thức của hiệp hội này”.
Sự kiện Mỹ có mặt trong vùng Biển Đông cũng như quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lãnh vực quân sự, nói lên cho Trung Quốc biết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là chủ quyền của Việt Nam và Mỹ coi Biển Đông là hải phận quốc tế, trái với ý định áp đặt của Trung Quốc qua những hành động đơn phương trong thời gian trước đây.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]