Thiên Thơ
Hàng năm, các cơ quan phi lợi nhuận và các tổ chức chống nạn bạo hành trong gia đình tại Hoa Kỳ thường tổ chức những buổi hội thảo, những cuộc họp mặt rộng rãi trong các giới luật sư, quản lý viên, người ủng hộ, cảnh sát, v.v. vào tháng 10 để nhắc nhở mọi người tưởng niệm đến những người đã mất vì bị bạo hành trong gia đình và cùng nhau cảnh giác đề phòng nạn bạo hành xảy ra trong gia đình.
Không riêng gì phụ nữ Việt Nam, phụ nữ trong các quốc gia trên khắp thế giới như: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ấn, Đại Hàn… cũng đều có thể lâm vào hoàn cảnh éo le, ngang trái, bị người phối ngẫu hành hung và ngược đãi, thậm chí có khi đến mất mạng… Có kẻ bạo hành đành đoạn đem hết bốn đứa con thơ của mình từ hai tuổi đến sáu tuổi liệng xuống sông sâu khi bỏ nhà ra đi chỉ vì sợ bị chồng đánh đập, chửi bới hàng ngày. Cũng có trường họp người Mỹ cưới vợ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ rồi mỗi khi lên cơn giận dữ cứ dí súng vào đầu vợ hăm bắn. Còn biết bao nhiêu cảnh khổ khác không sao kể xiết xảy ra chỉ vì người chồng muốn hành hạ vợ con của mình một cách thô bạo.
Trong những buổi hội thảo về bạo hành trong gia đình vào tháng 10 hàng năm, các cơ quan tại Hoa Kỳ thường mời những nạn nhân còn sống sót đến nói chuyện trực tiếp với mọi người về hoàn cảnh riêng của mình. Các nạn nhân đã tình nguyện nói lên những phương cách họ đã sử dụng để vượt qua được những cơn đánh đập tàn bạo làm họ suýt mất mạng để quyết định mang con ra đi và bắt đầu sống tự lập và nuôi con cho đến khi lớn khôn.
Có rất nhiều phim ảnh về bạo hành gia đình tại Hoa Kỳ đã ghi lại những chuyện có thật đã xảy ra. Nạn nhân đã tình nguyện cho phép các nhà làm phim quay lại chuyện tình của mình từ những cảm xúc thơ mộng đầu tiên đến những cảnh gây gỗ, đánh đập thô bạo và cuối cùng phải trốn đi để sinh tồn và làm lại cuộc đời với một người khác.
Chính những phụ nữ còn sống sót sau những năm tháng bị đối xử hung bạo, bất nhân của người chồng đã không còn e ngại về việc đời tư của mình sẽ bị phơi bày cho tất cả mọi người biết. Họ đã trở thành những người xung phong, tình nguyện giúp đỡ, ủng hộ cho những ai đang bị bạo hành mà không ý thức được thế nào là bạo hành, cứ tiếp tục chịu đựng kẻ hành hung từ năm này sang năm khác. Cũng có nhiều người biết rằng mình đang sống với kẻ bạo hành nhưng tự nghĩ bỏ đi sẽ không ai nuôi nấng con cái nên cứ tiếp tục chịu đựng đau đớn, tủi nhục gần trọn cuộc đời mình.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ cũng cần ý thức được thế nào là bạo hành trong gia đình để từ đó tìm những biện pháp thích đáng giải quyết những sự việc tai hại trong gia đình càng sớm càng tốt.
Bạo hành trong gia đình là hành động thô bạo của một người đối với vợ hay chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em hay bà con quyến thuộc của mình dưới nhiều hình thức khác nhau. Nói năng xúc phạm, nặng lời, chửi rủa, hăm dọa là bạo hành về phương diện tình cảm hay xúc cảm (emotional violence) giữa những người thân. Không cho đi học hoặc đi làm, giấu nhẹm không cho biết gì về tiền bạc và tài chánh trong nhà khiến phụ nữ bị tủi thân, khó xử, tù túng, chán nản, quẫn trí là bạo hành về phương diện tài chánh (financial violence). Buộc vợ hay chồng phải giao hợp khi người đó không muốn, từ chối hay chống cự là bạo hành về phương diện tình dục (sexual violence). Cưỡng bức giao hợp giữa vợ chồng và gây thương tích nơi vùng âm hộ có giấy bác sĩ chứng nhận được xem là hiếp dâm trong hôn nhân (marital rape), một tội hình sự có thể bị kết án tù năm sáu năm tùy theo trường hợp nặng hay nhẹ. Gây thương tích trên cơ thể người thân của mình là bạo hành trên thân thể (physical abuse) có thể bị cảnh sát bắt giam ngay lập tức…
Nạn nhân có thể gọi ngay số khẩn cấp 911 cho cảnh sát nếu bị hành hung có thương tích. Cảnh sát sẽ đến giúp bạn ngay, bắt giam kẻ bạo hành, làm báo cáo cảnh sát và Lệnh Bảo Vệ Tạm Thời (Temporary Protection Order) cho bạn. Theo đó, kẻ bạo hành không được phép liên lạc hay đến gần nạn nhân trong hai tuần đúng theo qui định được ghi trong Lệnh Bảo Vệ. Sau hai tuần lễ đó, nạn nhân và kẻ hành hung phải ra tòa để làm Lệnh Bảo Vệ Thường Trực (Permanent Protection Order) có hiệu lực pháp lý trong hai (2) năm. Tuy Lệnh Bảo Vệ không có tính cách hình sự, kẻ hành hung nào vi phạm lệnh này có thể bị bắt giam.
Cảnh sát có thể đưa nạn nhân vào bệnh viện để chữa trị ngay sau khi nạn nhân gọi điện thoại và cảnh sát đến. Chi phí chữa trị hay chôn cất nạn nhân có thể được Quỹ Bồi Thường Nạn Nhân Bạo Hành Gia Đình hoàn trả. Ngoài ra, nạn nhân có thể được luật sư giúp tự đứng đơn xin thẻ xanh hai năm hay mười năm miễn phí. Các nhân viên quản lý hồ sơ có thể giúp nạn nhân tìm nhà tạm trú, lớp học nghề, lớp học Anh văn, lớp huấn nghệ, lớp học lái xe, v.v. để tạo điều kiện cho nạn nhân tự lực mưu sinh và nuôi nấng con cái. Các luật sư miễn phí cũng có thể giúp nạn nhân bị bạo hành hoàn tất các thủ tục giấy tờ cần thiết về ly thân hay ly dị.
Nạn nhân có thể dần dần tập sống tự túc, làm việc tự lập trong ý thức vững mạnh về một xã hội trong đó nhân phẩm, nhân quyền và tự do của con người luôn được tôn trọng. Tháng 10 là tháng để phụ nữ cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm làm vợ và làm mẹ của mình để bảo vệ hạnh phúc và sự an toàn của bản thân và gia đình. Nam giới cũng có thể tìm hiểu để ý thức sâu hơn về vấn đề bạo hành trong gia đình, tránh rơi vào lỗi lầm hay xúc phạm người thân của mình đưa đến hậu quả bị giam giữ, tù đày, mất việc làm, mất vợ con, và mất tất cả niềm vui và hạnh phúc của đời mình./.
Chương Trình Chống Nạn Bạo Hành của UBCNVB được sự tài trợ của Door of Hope, Fairfax County Consolidated Funding Pool (FY08) và U.S. Department of Justice, Office on Violence Against Against Women, Legal Assistance for Victims Grant Program (2006-WL-AX-0036).Xin gọi số 1-866-883-9556 để biết thêm chi tiết.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]