Ts. Nguyễn Đình Thắng
Muốn tạo sức mạnh, cộng đồng người Việt cần đạt ít ra một trong ba yếu tố: tài chánh, số đông, kiến thức.
Có hai cách để đạt các yếu tố này. Thứ nhất là dùng ý chí. Một nhóm người, với niềm tin mãnh liệt và bản lãnh thu hút, đứng ra đôn đốc, huy động quần chúng. Thứ hai là gầy dựng một cơ chế tự tồn để thúc đẩy và tạo phương tiện cho quần chúng tuỳ nghi tham gia.
Biểu hiện cho phương thức duy ý chí là những khẩu hiệu, những tấm gương anh hùng liệt nữ, những ca ngợi quá khứ vàng son và chiến công hiển hách, và hình ảnh lãnh tụ phi thường, bất khả xâm phạm. Tất cả với mục đích khích động ý chí của quần chúng.
Biểu hiện cho phương thức xây dựng cơ chế là hệ thống thưởng phạt công minh, những thực thể quyền lực đối tác với nhau, và đội ngũ chuyên viên hay cán bộ để duy trì hệ thống thưởng phạt và phát triển các thực thể quyền lực ấy.
Duy ý chí là khuynh hướng phổ biến dưới các triều đại phong kiến, quân chủ, và độc tài. Trong thế kỷ 20, người ta ngày càng nhận thức được những yếu kém của khuynh hướng này: Khi vị lãnh tụ nằm xuống thì cả xã hội xáo trộn. Khi tập đoàn lãnh đạo dở chứng thì cả dân tộc lầm than.
Cơ chế và ý chí thường tỉ lệ nghịch với nhau. Cơ chế càng vững bền thì càng ít phải dùng đến ý chí. Ngược lại nếu lúc nào cũng phải dùng ý chí thì có nghĩa là cơ chế chưa có hay còn phôi thai. Cứ hình dung, ở một xã hội mà trước khi ra đường người ta phải thu hết can đảm vì không biết có sống sót qua ngày thì rõ ràng là hệ thống lưu thông chưa bền vững. Ở một nước mà ra ngõ là gặp anh hùng thì là điều đáng lo chứ không phải niềm hãnh diện để mà khoe khoang.
Có phân biệt được hai phương thức này chúng ta mới hiểu được tại sao ở Hoa Kỳ người ta hài tội tổng thống không chút ngần ngại. Người Mỹ tin vào và tự hào về cơ chế chính trị và xã hội vững vàng của họ; việc hài tội tổng thống, nếu có lý do chính đáng, là điều cần thiết để bảo vệ và củng cố cơ chế ấy. Ở Việt Nam thì ngược lại, nói đụng đến lãnh tụ là phạm thượng. Việt Nam không có cơ chế xã hội vững vàng, nên phải thần thánh hoá lãnh tụ để biện minh cho sự phân bổ quyền bính hiện hành và che đậy sự yếu kém về năng lực và tư duy của thành phần lãnh đạo.
Người lãnh đạo sáng suốt và giỏi giang đổ công xây dựng một cơ chế trường tồn cho quốc gia. Mẫu mực đó có thể ví với người chế tạo đồng hồ. Chiếc đồng hồ chạy tốt thì ai cũng có thể tự mình xem giờ, chẳng phải phụ thuộc hay cả biết đến ai là người đã chế tạo ra nó.
Người lãnh đạo thiển cận với khả năng tư duy yếu kém thì chỉ biết áp đặt ý chí của mình lên mọi người. Mẫu mực ấy có thể ví với kẻ giữ giờ, bắt mọi người phải sắp hàng để hỏi giờ.
Đó là sự khác nhau giữa Thomas Jefferson của Hoa Kỳ, một người âm thầm đặt nền móng cho một thể chế dân chủ trường tồn, và Hồ Chí Minh của Việt Nam, một người tự đánh bóng và chỉ huy bằng những khẩu hiệu qua bữa.
Đa phần trong chúng ta có cơ may sinh sống ở cả hai xã hội Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta có cơ hội so sánh và học hỏi để tránh vết xe đổ. Trong vấn đề xây dựng cộng đồng chúng ta cần nhanh chóng thay thế những lời hô hào suông bằng những viên gạch rắn chắc làm nền móng cho một cơ chế bền vững để cộng đồng có thể phát triển và thăng hoa.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]