Phụ Nữ Việt Louisville, KY Phòng Ngừa Ung Thư Vú

Nguyễn Thuý Loan

Được sự trợ giúp của tổ chức Susan G. Komen for the Cure – Louisville Affiliate, với mục đích nâng cao hiểu biết phòng ngừa bệnh ung thư vú cho phụ nữ, BPSOS liên tiếp trong hai tháng 6 và 7 vừa qua hợp tác chặt chẽ với Kentucky Cancer Program để tổ chức buổi hội thảo về ung thư vú và có xe y tế lưu động đến ngay địa điểm văn phòng để chụp quang tuyến vú cho phụ nữ Việt.

Chương trình này rất cần thiết cho nữ giới; ở Hoa Kỳ, ung thư vú là căn bệnh thứ nhì thường xảy ra đối với phụ nữ Á Châu nói chung, và với phụ nữ Việt nói riêng. Theo bản phúc trình của Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), trong năm qua chỉ có 38% phụ nữ gốc Á Châu từ 40 tuổi trở lên đi khám vú so với 53% của người da trắng. Tỷ lệ phụ nữ Việt khám vú hàng năm còn quá thấp so với phụ nữ Mỹ, và riêng ở Louisville còn thấp hơn nữa. Sự nguy hiểm của loại ung thư này là âm thầm phát triển, không gây đau đớn; một khi cảm thấy đau, thì bệnh tình coi như đã trầm trọng và bệnh nhân khó thoát khỏi cái chết. Do đó, ung thư đã cướp đi rất nhiều mạng sống phụ nữ vì không khám vú hàng năm để sớm tìm ra triệu chứng mà chữa trị. Tuy nguy hiểm thế, nhưng nếu sớm tìm ra bệnh, thì ung thư có cơ hội chữa trị khỏi.

Buổi hội thảo lần này được tổ chức vào ngày 6 tháng 6 năm 2010; không những chỉ có các chị trong số tuổi ấn định từ 40-64 chụp quang tuyến vú, mà còn có chị em ít tuổi hơn tham gia. Không khí học vui vẻ lắm; sau khi chị Rachelle đến từ Kentucky Cancer Program giải thích rõ ràng với hình ảnh kèm theo, các chị em tỏ ra dạn dĩ và tự nhiên nêu lên những câu hỏi do kinh nghiệm của chính mình hoặc được bạn thân tâm sự về vấn đề liên quan đến vú. Chị Rachelle tận tình trả lời từng câu hỏi và coi đây là dịp tốt để chị em học lẫn nhau. Chị nhấn mạnh về việc khám vú đều hàng năm để theo dõi nếu có triệu chứng còn kịp thời chữa trị. Chị khuyến khích phụ nữ nói những điều ích lợi đã học cho các bạn không tham dự được.

Chị ý tứ tìm hiểu và tôn trọng phong tục tập quán Việt Nam trong lãnh vực này nên đã tạo được sự gần gũi với các chị em Việt vốn rất dè dặt và kín đáo khi nói đến vú trước đám đông hoặc trước người ngoại quốc như chị. Chị nhấn mạnh vì để bảo vệ sự sống, chúng ta không để bất cứ lý do nào làm cản trở. Buổi hội thảo kéo dài hai tiếng mà tưởng như ngắn hơn nhờ tinh thần vui vẻ của các chị em cũng như chị Rachelle. Chị còn nhắn nhủ mọi người đừng quên bảo vệ sức khỏe của chính mình. Các chị còn được nhắc nhở rằng có xe y tế đến ngay địa điểm BPSOS để chụp vú. Tại BPSOS, không những có địa điểm thuận lợi vì ở ngay trung tâm người Việt cư ngụ, mà còn có các bạn trẻ chuyên môn về y tế tình nguyện đến giúp cùng với nhân viên văn phòng từ việc lập hồ sơ, thông dịch, hướng dẫn cho đến khi khám xong. Thế là một số các chị mau mắn ghi tên ngay.

Ngoài ra văn phòng BPSOS còn phát tài liệu bằng tiếng Việt có hình ảnh dễ hiểu được phát cho chị em để dù không chuyên môn cũng có thể thực tập tự khám ở nhà và có thể biết được những gì bất thường xảy ra ở vú mình. Một số các chị mặc dù có bảo hiểm đài thọ nhưng từ trước tới nay chưa hề đi khám. Khi hỏi lý do nào khiến các chị không sử dụng bảo hiểm sẵn có của mình, các chị cho biết vì trở ngại về ngôn ngữ, phương tiện di chuyển và tìm địa điểm khám. Thì đây, BPSOS phục vụ đúng nhu cầu các chị cần.

Thế rồi cuối giờ hội thảo, BPSOS liền chuyển bảng thăm dò đến từng người để nhận ý kiến, vì muốn biết rõ thêm những trở ngại hoặc thuận lợi cốt để phục vụ quý chị em hiệu quả hơn. Chị Rachelle tế nhị lắm, ngoài lời cảm ơn chân thành của chị ngay sau buổi học, chị còn gửi thiệp bằng hai thứ tiếng Việt và Anh qua bưu điện đến từng người tham dự và nhắc nhở chị em đừng ngại liên lạc với BPSOS khi có vấn đề liên quan tới sức khỏe, cũng như giới thiệu với các bạn về chương trình này. Chỉ hơn một tháng sau buổi học tập là đến ngày khám vú; chị em gọi vào BPSOS ghi tên lấy hẹn. Nhờ thế, nên số chị em ghi tên đủ trong danh sách sớm hơn thời gian dự định. Ngoài ra, còn có nhiều chị ngoại quốc gọi đến lấy hẹn khám, nhưng vì số chị em Việt đã đủ nên không thể nhận được.

Rồi ngày khám vú cũng đã đến; mọi việc đều được chuẩn bị sẵn. Từng chị lần luợt tới theo giờ hẹn. Nhân viên BPSOS cùng các bạn trẻ tình nguyện sẵn sàng tiếp đón niềm nở rồi bắt tay vào việc. Tuy vậy, có chị dù đã hẹn trước nhưng không đến được nên BPSOS có dự trù sẵn danh sách chờ thế vào chỗ vắng vặt để không bỏ sót cơ hội.

Mọi việc tiến triển đều đặn cho đến người cuối cùng. Điểm đặc biệt nữa là chị em lần này rất tự tin và cùng hẹn nhau năm tới cũng vào tháng này nhớ rủ nhau đến BPSOS chụp quang tuyến vú. BPSOS đặc biệt cảm ơn hai bạn trẻ Kaylee Hiền Bùi và Vy T. Nguyễn đã nhiệt tâm phục vụ đồng hương trong lãnh vực chuyên môn của mình. BPSOS cũng không quên cảm ơn các chị đã giới thiệu chương trình hữu ích này đến các bạn.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com]

Viết một bình luận