Michelle Võ
Trên biển bóng dáng em
Một mình cô đơn lặng lẽ
Phiền não vây quanh
Nghìn nghìn sóng vỗ
Chợt ước mình tan thành bọt sóng
Tôi đọc đi đọc lại bài thơ của nhà thơ XTPHAM, rồi nhớ lại những bài thơ Thy đã từng viết cho tôi. Thy giỏi thơ và giỏi nhạc. Dòng chữ Thy viết có nét ngây thơ và lãng mạn. Tôi nhớ lại lần đầu tôi trở về Tây Ninh, nơi tôi sinh trưởng, thi tú tài và nộp đơn vào quân đội. Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan, tôi làm nghĩa vụ công dân thời chiến. Sau đó biến cố 1975 xảy ra và tôi đến Mỹ. Đã lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy được quê hương. Đó cũng là lần đầu tiên tôi quen Thy.
Mẹ Thy có quán cơm ở đầu đường gần nhà của cha mẹ tôi. Có lần tôi đến đó với cha tôi. Cha tôi dọ hỏi Thy cho tôi. Cụ nói: “Cha lớn tuổi rồi. Tao muốn thấy con cái được dựng vợ, gả chồng, yên bề gia thất, cho tao yên thân mà nhắm mắt”. Thật ra, nếu cha tôi không nói câu đó thì tôi cũng đã nghĩ đến, nhất là lần đầu tiên gặp Thy. Thy của tôi, phải! Thy của tôi ngày mới quen nhau với vẻ đẹp man dại, ngây ngô, đôi mắt nâu sâu thẳm đã chứa đựng cả trái tim tôi. Nàng hiền như một thiên thần. Giọng nàng quyến rũ đến độ không thể viết bằng lời. Nhan sắc nàng chỉ để cảm, để yêu, để nâng niu, để kiêu hãnh. Thy là một thiếu nữ tuyệt vời mà tôi yêu say đắm. Mỗi lần Thy cười khi hai chúng tôi gặp nhau thì mười lần như một, tôi bối rối, cảm thấy tay chân vụng về. Nụ cười của nàng làm cho tôi như loài cỏ được tưới nước. Trước khi sắp được gặp nàng thì tôi như loài cỏ chờ đợi một ngọn gió hẹn hò…
Rồi thời gian trôi qua, chúng tôi luôn quấn quit bên nhau hẹn thề, vui chơi như mối tình đầu mới lớn, mới biết yêu. Có phải tình yêu không có tuổi nên lúc ta bắt đầu yêu, ai cũng phập phồng, chờ đợi người yêu. Những kỷ niệm của buổi ban đầu luôn luôn phảng phất trong đầu tôi, trong tiềm thức. Có những trưa nắng hay chiều mưa, chúng tôi lang thang trong rừng, bước lên trên những xác lá để nghe nhịp tim mình thổn thức yêu đương. Tôi quyết định. Phải! tôi phải lấy được nàng. Mùa hè năm sau đó, tôi trở về để cưới Thy, để đưa tình yêu chúng tôi đến chỗ đăng hoa, mở hội. Sau khi Thy theo tôi sang Mỹ, chúng tôi sống hạnh phúc lắm, hạnh phúc đến độ bạn bè tôi ai cũng trầm trồ khen và thèm khát hạnh phúc đó. Sáng tôi đi làm – nghề của tôi chỉ là một người thợ xây cất nhà cửa. Từ ngày sang đây, tôi học được cái nghề này. Làm được ra tiền thì cứ bám víu để lo cho gia đình, nhất là cho Thy của tôi. Sống với tôi được 2 năm thì chúng tôi có một đứa con gái. Bé Tiên giống y như tôi, chứ nếu mà nó giống như mẹ nó thì đẹp lắm. Mỗi sáng đi làm là Thy dọn sẵn cơm nước cho tôi mang theo. Chiều về nàng dọn sẵn cơm chiều. Vợ chồng chúng tôi xem tivi hay nói một vài câu chuyện và chơi đùa với con. Cuộc sống êm đềm. Thiết nghĩ không một sức mạnh nào có thể làm đổ vỡ gia đình tôi vì mãnh lực tình yêu còn hàng ngày hiện ra trong mái ấm gia đình tôi.
Tôi tỉnh dậy. Chung quanh là bốn bức tường trắng. Người tôi được băng bó từ đầu đến chân. Đầu tôi nặng trĩu và thân thể như không cử động được. Tôi thấy bóng của cô y tá người da trắng vừa mới quay lưng đi. Tôi vội hỏi “Excuse me, Máam. Where am I?”.
Cô y tá quay lại cười và nói: “You’re in Memorial Hospital.” Tôi hỏi tiếp: “Where’s my wife?” Cô y tá trả lời: “She just left with your daughter. They’ll be back tomorrow”. Tôi thiếp đi vì những viên thuốc còn làm tôi ngây ngây. Sáng hôm sau, vợ và con tôi đến thăm tôi. Hỏi ra thì tôi mới biết rằng tôi đã rớt xuống lầu và gãy mấy cái xương. Tôi đã nằm trong bệnh viện gần 1 tháng. Họ sẽ cho tôi về nhưng phải nằm nhà một chỗ, không được đi làm vì xương sống, lưng, tay, chân, và đầu vẫn đang được chữa trị.
Tôi đã mất việc từ đó và lãnh tiền SSI dành cho những người bệnh tật, không trên một ngàn đồng mỗi tháng. Thy phải xin foodstamp của chính phủ. Tôi thấy Thy buồn vì nhà cửa bắt đầu thiếu trước hụt sau và nợ nần chồng chất. Thy có ý định muốn đi học nghề làm móng tay để kiếm tiền xoay xở trong gia đình. Thấy vợ mình cứ nhỏ to muốn đi học, tôi cũng chiều ý Thy. Tôi có thể cho Thy cả cuộc đời tôi thì tất cả những gì Thy muốn tôi cũng chiều theo dù trong lòng tôi buồn lắm. Trong khi Thy đi học, tôi ở nhà chơi với đứa con 4 tuổi, hâm đồ ăn cho con và trông nó. Chơi với con cũng bằng ngồi trên chiếc xe lăn. Đi tới đi lui thật là cả một vấn đề. Tôi thấy mình bất lực, bất tài, là một kẻ đàn ông vô tích sự. Nhưng làm sao bây giờ? Bác sĩ chưa cho phép, sức khỏe chưa cho phép, tôi đành bó tay.
Thy ra trường là đi làm ngay, Thy làm trong tiệm của một khu trung lưu nên tiền Thy đem về khá lắm. Thy trang trải nợ nần. Tôi cảm thấy hãnh diện hơn về vợ mình. Nhưng không lâu thì Thy thay đổi cách ăn mặc và trang điểm. Nàng đi sớm về trễ, có khi hai cha con tôi chỉ ăn mì gói thay cơm. Thy ít ở nhà. Thy cũng không gọi tôi là “anh” nữa. Nàng xưng hô với chữ “ông” và “tôi”. Thy nặng nhẹ, gắt gỏng với tôi hơn. Tôi khuyên: “Nếu em làm nhiều giờ và mệt mỏi quá thì đổi chỗ khác đi em”. Thy gắt: “Ông biết gì mà xía vô.” Nằm nhà như một thằng cùi, không biết thân phận mà cứ lên tiếng nói”. Tôi thấy mình càng nhục nhã hơn cho thân đàn ông nhưng tôi nói sao bây giờ ngoài nhịn vợ – “Ừ, thôi em nghỉ đi, ngày mai mình nói chuyện sau”. Thy ít trò chuyện, ít cười nói với tôi. Nếu có nói, thì nàng thường nói vài câu so sánh, đua đòi. Thy thường nói: “Thấy con Lan, chồng nó mua cho nó một cục đá to, nó đeo trong tay mà thấy ham” hay “Xe con Liên mới mua, xe hiệu mắc tiền, thấy mà mê”. Hay “Vợ chồng con Hoa sắp sửa mua cái nhà mới xây ở khi Galleria. Còn tôi, tối ngày phải ở trong cái địa ngục nhỏ xíu này.”
Trong bóng đêm, tôi nằm lặng thinh, tức tưởi và thấy nước mắt mình trào ra. Thy không còn ngủ chung với tôi nữa. Nàng ngủ bên phòng guest room. Chỉ có bé Tiên chạy qua ôm tôi thường xuyên. Có một ngày đẹp trời, Thy dẫn về một chàng thanh niên trẻ đẹp hơn tôi. Tên hắn là Dũng. Vợ tôi nói: “Dũng mới li dị vợ, không có nhà cửa, mới vào làm tiệm nail chung với tôi. Dũng cần chỗ ở và tôi dẫn về đây để share phòng. Dũng ngủ ở phòng khách tạm”. Tôi gật đầu: “Hi Dũng”.
Rồi ngày ngày tôi thấy Thy nấu ăn, săn sóc cho Dũng. Ban đêm 2 người ngồi xem tivi và cười thút thít ngoài phòng khách. Rồi có đêm tôi chẳng thấy Dũng ngủ ở ngoài ghế salon nữa. Tôi biết là Thy, người vợ kiều diễm, công, dung, ngôn, hạnh không còn là của tôi nữa. Tôi nằm im trong bóng đêm để nghe tiếng vợ mình gào thét yêu đương với kẻ khác. Mà thân tôi lê lết như thương phế binh, làm sao bây giờ? Trời ơi! Tôi kêu trời như gào thét van lơn. Tôi đang thương hại cho bản thân mình. Có phải đàn ông, đàn bà trói lẫn đời nhau, cột lẫn nhau, đời đời, kiếp kiếp họ phải giả vờ bên nhau vì 2 chữ bổn phận?? Sáng hôm đó, tôi đợi ngay cửa phòng Thy và tôi nói: “Dù em có làm gì đi nữa, thì em vẫn là em của anh. Em ghét bị ràng buộc với người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn như em ghét chiếc lá khô cố bám trên cành. Anh xin em hãy vì con, vì anh, trở về bên anh. Em hãy để cho Dũng ra đi tìm một người yêu khác.” Thy hét lên: “Ông không có quyền đuổi Dũng đi vì tôi trả tiền nhà và vì Dũng là của tôi!”. Tiếng nhạc trong phòng bản “Mắt lệ người tình” trổ lên. Tôi quay lưng đi trong u trầm như nức nở, nghẹn ngào, chất ngất. Một đời sinh ra để làm gì? Tôi hận bản thân mình, một người đàn ông nhu nhược, một người đã từng là sĩ quan trong quân đội. Tại sao tôi ra thế này?
Cô Michelle, cô có bao giờ thấy người đàn ông như tôi, trước một người đàn bà không quen biết mà khóc như một đứa con nít hay không? Michelle nói: “Đàn ông hay đàn bà, chúng ta đều là một con người, đều có một trái tim, chúng ta đều biết khóc, khóc được thì anh sẽ vơi đi một nỗi buồn anh ạ.” Sau đó, Michelle giới thiệu cho tôi một luật sư ở văn phòng BPSOS để họ giúp tôi với giấy tờ li dị. Nhiều khi trong cuộc đời mình, mình chỉ cần một người lắng nghe. Tôi tìm được sự an ủi đó nơi người đàn bà tôi không hề quen biết.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]