Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Đêm 20 tháng 4 năm 2010, trong khi mũi khoan đang đâm sâu xuống lòng biển thì một tiếng nổ phát ra trên giàn khoan, một ngọn lửa bốc cháy có thể nhìn thấy từ xa 35 dặm hoặc 56 cây số. Mười một công nhân thiệt mạng, nhiều người bị thương được di tản cấp cứu tại bệnh viện.
Hai ngày sau, trong khi hỏa hoạn vẫn tiếp tục thì giàn khoan Deepwater Horizon từ từ sụm chìm vào lòng biển. Dầu từ giếng phụt lên, lan tràn cả một vùng biển rộng lớn dọc vịnh Mễ Tây Cơ. Đây là tai nạn tràn dầu lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với nhiều hậu quả trầm trọng, lâu dài.
Để đối phó với tai nạn này, chính phủ Hoa Kỳ đã giao trách nhiệm cho các cơ quan liên bang như Bộ Nội An, Quốc Phòng, Nội Vụ, Lao Động, Cơ quan Bảo vệ Môi Trường, FDA, Lực Lượng Bảo vệ Duyên Hải. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng tiếp tay. Trong khi đó công ty khai thác dầu British Petroleum (BP) đã dành ngân khoản 20 tỷ Mỹ Kim trong quỹ Oil Spill Liability Trust Fund để bồi thường thiệt hại cho nhân mạng, tổn thất vật chất, việc làm cho cá nhân và cộng đồng, việc dọn dẹp dầu tràn trên biển, trên bãi… Ngày 13/7, công ty đã thành công gắn một nắp chụp tạm thời trên miệng giếng hy vọng có thể giảm thiểu dầu thoát ra từ giếng. Đồng thời hai mũi khoan cấp cứu (relief well) đang được tiến hành, dự trù sẽ hoàn tất vào giữa tháng 8 để ngăn/hút dầu lan.
Từ ngày 20 tháng 4 tới nay, số lượng dầu thô từ mỏ tràn ra vùng vịnh được ước lượng là từ 90 triệu tới 180 triệu gallons. Số dầu này đã lan vào mặt biển dọc theo vịnh Mexico từ Mississipi, Louisiana tới Albama, Florida và gây nhiều thiệt hại đáng kể. Cả ngàn chim muông, vô số thủy sản, cây xanh bị ảnh hưởng, hủy hoại. Cả trăm ngàn ngư dân không hành nghề được. Các dịch vụ thương mại, kỹ nghệ địa phương hầu như ngưng trệ. Dân chúng sống trong nỗi lo ngại hậu quả của dầu đối với sức khỏe, đời sống. Ngoài ra sức khỏe của cả chục ngàn người tình nguyện làm công việc dọn sạch dầu lan cũng là điều đáng ngại.
BP cho hay đã vớt lại khoảng 30 triệu gallons dung dịch nước lẫn dầu với tỷ lệ dầu thô từ 10% đến 20%; đốt khoảng 10 triệu gallons dầu nổi trên mặt biển. Để hoàn tất việc dọn dẹp này, một lực lượng 46,000 người, cả ngàn tàu lớn nhỏ và cả 100 máy bay đã được huy động.
Trên biển, một hệ thống hàng rào mềm dẻo được thả trên mặt nước để khoanh tròn dầu rồi dùng máy hút ra. Dầu lẫn nước được phân tách để lấy lại dầu.
Trên bờ biển, các mảng dầu đã bị phân hóa rải rác trên bãi cát sẽ được xúc bỏ bằng xẻng.
Người dọn sạch đều được huấn luyện ba ngày để hiểu rõ công việc và biết cách phòng tránh rủi ro gây ra khi tiếp xúc với hóa chất của dầu thô. Họ được mang các trang thiết bị bảo vệ, quần áo riêng để tránh dính dầu.
Việc dọn sạch này đã tạm thời cung cấp việc làm cho ngư dân đang trong tình trạng thất nghiệp cũng như những công nhân khác. Vớt dầu, công nhân sẽ được trả 200 đô mỗi ngày. Tàu sử dụng trong việc ra khơi vớt đầu được trả từ 2.000 đô tới 5.000 đô tùy theo tàu lớn hay nhỏ. Nhiều ngư dân đã khiếu nại là, thay vì dùng họ để vớt dầu thì công ty lại dùng các tàu giải trí, khiến cho họ mất cơ hội kiếm chút tiền độ nhật. Cũng có than phiền về “cò mồi”, tranh việc rồi phân phát lại cho người khác, ăn tiền hoa hồng.
Theo tài liệu của OSHA, dầu rò rỉ là một loại dầu thô chứa các hợp chất hydrocarbon có mùi, dễ bốc hơi và một số chất có thể gây ung thư như benzene, toluene và naphthalene. Đây là loại dầu đặc, trơn, khó mà dọn sạch khỏi từ đầm lầy. Hít phải có thể làm cho mắt, mũi, cổ họng, phổi bị kích thích hoặc va chạm lâu dài vào da có thể gây viêm da hoặc ung thư da.
Ngoài hiểm họa dầu thô rò rỉ, lại còn rủi ro do hơn 300,000 gallons hóa chất mà BP sử dụng để biến hóa mảng dầu trên mặt biển thành các hạt dầu nhỏ. Các hạt này có thể bốc hơi hoặc chìm xuống lòng biển, tiêu diệt tôm cá con, hoặc tiêu thụ bởi các vi khuẩn ăn dầu, đưa tới giảm dưỡng khí trong nước biển với hậu quả trầm trọng tới môi sinh.
Hậu quả lên sức khỏe con người
Hậu quả lên sức khỏe con người của dầu tràn đang là đề tài được các khoa học gia để tâm nghiên cứu. Trong hai ngày 22 và 23 tháng 6, 2010 vừa qua, một số bác sĩ y khoa và khoa học gia đã gặp nhau tại thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana để thảo luận và tìm cách đối phó với hậu quả của vụ tràn dầu tại vùng vịnh Mexixco đối với sức khỏe của dân chúng. Cuộc hội thảo do Viện Y Học Quốc Gia tổ chức theo lời yêu cầu của Bộ Y Tế Hoa Kỳ. Ảnh hưởng của dầu tràn đối với sức khỏe là điều dân chúng địa phương cũng như công nhân đều hết sức e ngại, muốn biết.
Bác sĩ Maureen Lichtveld. Đại Học Y Tế Công Cộng Tulane, New Orleans cho hay: “Chúng ta biết có nhiều ô nhiễm đã xảy ra và có nhiều người như các công nhân, tình nguyện viên và cư dân có mặt tại vùng này. Chúng tôi sẽ thảo luận về các cơ hội tiếp cận và khả năng gây bệnh ngắn và dài hạn của dầu tràn”.
Bác sĩ Lynn Goldman, giáo sư Y Tế Công Cộng của Đại Học Johns Hopkins cho biết: “Có một khối người không rõ là bao nhiêu đang tiếp cận với một hiểm nguy vô danh. Y tế công cộng chưa có một sự chuẩn bị nào để đối phó với tình trạng lớn lao này”.
Theo ký giả y khoa Mike Stobbe của hãng thông tấn AP, cả hai Cơ Quan Kiểm Soát Bệnh CDC và Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường EPA chưa có hệ thống nào theo dõi ảnh hưởng của dầu tràn đối với sức khỏe.
Thực vậy, theo bác sĩ Dịch Học Nalini Sathiakumar, Đại học Alabama, từ thập niên 1960 tới nay đã có trên 40 vụ dầu thất thoát từ tầu chuyên chở lan ra biển nhưng mới chỉ có 7 vụ được nghiên cứu về hậu quả lên sức khỏe.
Trong hai ngày hội thảo, các khoa học gia đã nêu ra những rủi ro có thể có của dầu tràn đối với sức khỏe con người và đề nghị các phương thức theo dõi, giảm thiểu hậu quả.
Một trong các đề tài ưu tiên là ai sẽ bị ảnh hưởng trước hết.
Theo bác sĩ Paul Lioy, Đại Học Y Khoa New Jersy, 17,000 Vệ Binh Quốc Gia tới để giúp đỡ dọn sạch là nhóm chịu ảnh hưởng trước hết. Sau đó là 27,000 thiện nguyện đã ghi danh rồi đến ngư phủ, dân chúng địa phương.
Bác sĩ Cyrus Rangan, Phó Giám Đốc Cơ Quan Kiểm Soát Độc Chất California cho hay: “Tiếp cận ngắn hạn không gây khó khăn gì, nhưng nếu tiếp cận lâu dài và với nhiều dầu có thể gây bệnh. Nếu hít, nuốt dầu hoặc dầu ngấm vô da, chúng sẽ gây chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng.”
Theo bác sĩ Nalini Sathiakumar, các nghiên cứu về hậu quả dầu tràn cho thấy có tổn thương thần kinh, ngoài da, mắt miệng khi tiếp cận với hợp chất hữu cơ bay hơi trong dầu. Nạn nhân có thể bị rối loạn nhận thức, mất định hướng, suy yếu tứ chi. Dầu cũng gây ảnh hưởng ngắn hạn tới các chức năng của thận, phổi và gan.
Dầu thô mang nhiều rủi ro cho sức khỏe và những ai tiếp cận gần gũi nhất với chúng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu xâm nhập phổi, dầu có thể gây tổn thương như viêm phổi, bác sĩ Jeff Kalina, bệnh viện Methodist ở Houston, cho biết. Vị bác sĩ này cũng báo động rằng, có những rủi ro rõ ràng và không rõ ràng. Chúng ta không biết sáu tháng hoặc một năm sau, tổn thương nào sẽ xảy ra.
Vể rối loạn tinh thần, bác sĩ Howard Osofsky, Phân Khoa Tâm Trí Đại Học LSU cho hay vì hậu quả dầu tràn, nên số người dùng rượu gia tăng, và gây ra nhiều vụ bạo hành gia đình và bất an xã hội. Bác Sĩ Tâm Bệnh Keith Ablow, tác giả sách Living the Truth, đồng ý rằng vụ tràn dầu đưa tới nhiều rủi ro bị bệnh Hậu Chấn Thương Căng Thẳng (PTSD) và trầm cảm.
Về rủi ro ung thư, khoa học gia Blanca Lafflon, Đại Học A Coruna, Spain, đã nghiên cứu hậu quả dầu tràn năm 2002 từ tàu dầu Prestige tại quốc gia này. Bà ta nhận thấy dầu có thể gây thay đổi DNA trong nhân nhiễm thể, là bước đầu đưa tới ung thư. Nhưng kiểm chứng mấy tháng sau ở các nạn nhân này thì sự thay đổi không còn nữa.
Bác sĩ Scott Barnhar, Đại học Washington cũng cùng ý tưởng là tiếp cận với dầu có thể đưa tới rủi ro ngắn hạn như ngứa mắt, viêm da, ho, chóng mặt nhưng không có hậu quả lâu dài, như ung thư.
Một điểm cần lưu ý là trẻ em chịu ảnh hưởng của dầu tràn nhiều hơn người lớn vì:
– Chúng sống và thở gần với mặt đất, nơi mà khí nặng của dầu tụ hợp nhiều, đồng thời các cháu lại có nhịp thở nhiều hơn người lớn.
– Các cháu có bề mặt da rộng hơn người lớn, so sánh với sức nặng cơ thể, cho nên da sẽ dễ dàng hấp thụ dầu.
– Các cháu hay cố tình nhét vật lạ vô miệng.
– Các cháu không có hệ thống miễn nhiễm mạnh như người lớn.
Bác sĩ Brenda Eskenazi đại học California ở Berkeley cũng đưa ra ý kiến dè dặt với phụ nữ có thai sống ở vùng dầu tràn khi ăn cá bắt từ nơi đây, vì chúng có thể bị nhiễm dầu. May mắn là nhiều cơ quan nghiên cứu cho hay thức ăn hải sản đang bán tại vùng vịnh đều an toàn, vì nhập cảng từ các địa phương khác.
Bác sĩ Lawrence Palinkas, Đại Học Southern California, đã nghiên cứu hậu quả của tràn dầu tầu Exxon Valdez năm 2008 tại 22 cộng đồng ở tiểu bang Alaska. Ông cho biết là hậu quả khá trầm trọng. Dân chúng không nói chuyện với nhau, không tham gia, tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Bệnh trầm cảm, PTSD gia tăng, kèm theo lạm dụng rượu, thuốc cấm, quyên sinh, ly dị và từ đó tỷ lệ dân chúng bị cao huyết áp, tiểu đường, bệnh hô hấp cũng nhiều hơn. Đã có trường hợp một ngư dân Hoa Kỳ tự tử vì quá căng thẳng, thất vọng.
Bộ Trưởng Y Tế Louisiana Alan Levine đã yêu cầu BP chi ra 10 triệu đô la để cung cấp dịch vụ tư vấn, điều trị tâm thần cho dân chúng bị ảnh hưởng vì tràn dầu.
“Trước mặt là Bóng Tối”. Đó là lời của ông Lưu, một ngư dân tại Mississipi nói với chúng tôi. Gia đình ông trước đây đều trông cậy vào lợi tức từ những tuần lễ đánh cá ngoài khơi vịnh Mễ Tây Cơ. Bây giờ thì ông ở trong tình trạng thất nghiệp, đã đi xin làm công việc dọn sạch mà chưa được gọi. Gia đình đang gặp khó khăn kinh tế, với chi phí tiền nhà, tiền ăn uống, bảo hiểm xe cộ, nhà ở.
Bà Nguyễn T. cho hay trước đây sau vài tuần đi biển về thì chồng bà “hai tay bưng không hết tiền”, bây giờ không có đồng nào để trang trải chi tiêu hàng ngày.
Một phụ nữ khác, bà Trần thị H, cho hay là bà sẽ kiện công ty BP, vì từ ngày rò rỉ dầu, vợ chồng bà hết sức lo âu, căng thẳng vì không lợi tức đến nỗi không còn “ăn nằm” với nhau được.
Nói chung, tình trạng kinh tế của ngư dân, và ngay cả dân chúng ở các vùng này đều bị ảnh hưởng trầm trọng. Hàng quán lưa thưa khách vào ra. Ngư dân thất nghiệp lang thang, tới dự hết khóa hội thảo đối phó này, làm đơn xin bồi thường kia. Riêng ngư dân tại Louisiana trước đây đã thu lợi nhuận cả gần 300 triệu mỹ kim với cả tỷ ký hải sản hàng năm. Bây giờ là con số không to tướng. Theo bộ Lao Động, có khoảng 30,000 người Việt và Á châu sinh sống tại vùng vịnh Mexico và 80% trong số này bị ảnh hưởng trực tiếp do dầu rò rỉ gây ra.
Theo BP, cho tới ngày 10 tháng 7, đã có hơn 105,000 đơn đòi bồi thường và hơn 50,000 đơn được thanh toán với số tiền trên 165 triệu đô. Công ty sẽ trả cho các thương tích liên quan đến cơ thể hoặc bệnh tật, thiệt hại tài sản, mất thu nhập. Trong hai tháng 5 và 6, mỗi đơn được chấp thuận đã lãnh khẩn cấp mỗi tháng 5000 mỹ kim. Công ty tiếp tục xét đơn và người nộp phải chứng minh giấy tờ chứng minh thu nhập lợi tức, tổn thất. Đây có thể là trở ngại cho đồng hương mình, vì đa số trước đây làm công việc liên can tới ngư nghiệp, đều lãnh tiền mặt, không giấy tờ chứng minh, không đóng thuế lợi tức. Một trở ngại khác là nhiều bà con mình không thông thạo tiếng Anh cho nên xin việc, làm đơn đòi bồi thường, liên lạc với BP cũng rất vất vả.
Hiện nay, nhiều cơ quan thiện nguyện đã có mặt tại vùng vịnh để bảo vệ quyền lợi và tiếp tay góp ý với dân chúng gặp nạn, trong đó có các tổ chức của đồng hương mình như Asian American For Change, tổ hợp Vietnamese American Disaster & Emergency Consortium (VADEC) với các thành viên Boat People SOS, World Health Ambassador Program, National Alliances of Vietnamese American Services Agencies, Vietnamese American Television… Khó khăn còn kéo dài, vì 1/3 bờ biển Hoa Kỳ ở vùng vịnh đã bị đặt trong tình trạng “Đỏ”, cấm đánh cá, bắt tôm.
Và, như Tổng Thống Barrack Obama, tuyên bố: “Hàng triệu gallon dầu đã lan tràn khắp vịnh Mexico giống như một thứ bệnh dịch mà chúng ta phải chiến đấu trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để giải quyết”.
Cầu mong ánh sáng sớm trở về với ngư dân và dân chúng vùng vịnh.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]