Minh Công
Nhiều gia đình tìm mọi cách để nhà không bị xiết vì không muốn bị hổ thẹn với người thân; không rõ về quá trình tịch thu nhà và cảm thấy lo sợ; lo rằng tín dụng sẽ bị ảnh hưởng sau khi mất nhà. Trước tình hình thị trường nhà cửa hỗn loạn như hiện nay, nhiều người nghĩ rằng bỏ nhà là một chọn lựa sáng suốt và đúng đắn, nhất là khi giá trị căn nhà đã xuống quá thấp so với số tiền nợ nhà.
Nếu chỉ để duy trì khả năng trả tiền nợ nhà mỗi tháng mà phải cắt giảm hết các sinh hoạt và chi phí cần thiết khác thì ngưng trả tiền nhà và bỏ nhà cho ngân hàng (foreclosure) có thể mang lại những lợi ích tài chính trước mắt và lâu dài hơn. Dưới đây là một số lợi ích:
Lợi ích kinh tế và tài chính
– Sau khi bỏ nhà, hầu hết các gia đình đều có thể tiết kiệm được một số tiền mà đáng ra phải trả tiền nhà hàng tháng cho ngân hàng. Những gia đình mua nhà khi giá nhà thật cao, nhất là vào năm 2005 cho đến 2007, phải trả một số tiền lớn mỗi tháng. Nếu không giữ nhà, mỗi tháng họ có thể dùng số tiền đó để thuê một chỗ ở khác hay bỏ vào trương mục tiết kiệm. Dạo này tiền thuê nhà thường thấp hơn số tiền phải trả hàng tháng cho ngân hàng nếu giữ nhà.
– Thị trường nhà đất và giá nhà cần một thời gian rất dài để hồi phục lại như những năm trước đây (khi mà người bán nhà được trả giá cao hơn hoặc ít ra cũng bằng số tiền nợ ngân hàng).
– Bỏ nhà cho ngân hàng xiết không phải là mất tất cả: Bị xiết nhà là một việc hệ trọng, tuy nhiên nếu người chủ nhà biết cách quản lý tài chính và chi tiêu đúng mực trong tương lai thì sẽ phục hồi được tín dụng. Một người bỏ nhà sẽ không thể mượn tiền ngân hàng mua nhà ngay sau đó. Tuy nhiên sau ba năm, người này có thể ghi danh vào các chương trình cho mượn tiền nhà của chính phủ (Federal Housing Administration loans, gọi tắt là FHA). Sau 5 năm, đa số các ngân hàng sẽ cho người này vay tiền mua nhà.
– Việc ngân hàng thưa kiện người bỏ nhà rất hạn hữu: Nhiều tiểu bang không cho phép ngân hàng thưa kiện người bỏ nhà để đòi khoản nợ tiền nhà còn lại. Ngay cả trong các tiểu bang cho phép ngân hàng kiện, đại đa số ngân hàng không muốn kiện cáo vì các chi phí quá cao. Khi chủ bỏ nhà, quận sẽ không đòi chủ nhà thuế bất động sản hãy còn thiếu.
– Những vấn đề liên quan đến sự phục hồi chung của nền kinh tế: ngân hàng, chính phủ và giới truyền thông liên tục kêu gọi các chủ nhà cố gắng giữ nhà và trả tiền nhà hàng tháng để giúp nền kinh tế Hoa Kỳ mau khôi phục. Tuy nhiên điều trên không hoàn toàn đúng với sự thật. Trong khi liên tục kêu gọi người dân cố gắng, các ngân hàng không hề hay rất chậm chạp trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ để giảm tiền nợ nhà. Ngay cả chính phủ cũng không có biện pháp thiết thực để giúp dân khi nhà khắp nơi bị xuống giá ào ạt. Ngoài ra, để kinh tế mau khôi phục, người dân phải cảm thấy an dạ và tăng chi tiêu. Tuy nhiên, khi nhà của họ bị xuống giá và tiền nhà hàng tháng quá cao, người dân sẽ không có khả năng chi tiêu, mua sắm. Nền kinh tế cũng từ đó vẫn trì trệ. Nói một cách khác, việc duy trì các căn nhà có trị giá thấp hơn khoảng tiền nợ là một trong các nguyên nhân làm cho kinh tế của Hoa Kỳ phục hồi chậm hơn.
Nếu bạn hay người thân của bạn đang trong tình trạng nhà mất giá quá nhiều so với khoản tiền nợ thì cần chuẩn bị như sau trước khi quyết định bỏ nhà (foreclosure):
– Xin được giúp đỡ: hãy nói chuyện (ít nhất là một lần) với một chuyên viên tư vấn nhà cửa của HUD về hoàn cảnh khó khăn của bạn để họ giúp bạn tìm một giải pháp thích hợp và đi đến một số quyết định hợp lý. Buổi nói chuyện này có thể giúp bạn hiểu hơn nhiều thông tin liên quan đến tài chính cá nhân và nhà cửa.
– Chọn lựa cách short sale (bán nhà với giá thấp hơn với số tiền nợ và được ngân hàng chấp thuận giá bán đó): nếu chuyên viên tư vấn nhà cửa cho bạn biết rằng bạn không hội đủ điều kiện để xin giảm tiền nợ nhà thì bạn phải bán nhà. Bạn nên nói chuyện với ngân hàng về đề tài bán short sale nếu bạn không có khả năng trả tiền nợ nhà hàng tháng hoặc không có ý định giữ căn nhà đó. Bạn vẫn có thể ở trong nhà của mình trong suốt quá trình bán short sale này mà không cần phải trả tiền nhà. So với việc để ngân hàng xiết nhà thì short sale sẽ ít ảnh hưởng đến tín dụng của bạn hơn. Sau khi hoàn tất short sale được 2 năm, bạn có thể bắt đầu làm thủ tục mượn tiền mua nhà khác, so với 5 năm, thời gian phải đợi trong trường hợp bạn bỏ nhà. Ngoài ra, nếu bạn theo chương trình short sale mà chính phủ vừa đưa ra cách đây vài tháng (Home Affordable Foreclosure Alternative (HAFA)) thì ngân hàng không được phép thưa kiện bạn để đòi lại số tiền bị thiếu. Thêm vào đó, họ còn cho bạn thêm 3,000 Mỹ Kim để giúp bạn dọn đi nơi khác sau khi bán được nhà, với điều kiện duy nhất là bạn không làm hư hại nhà và giữ gìn nhà cửa cho sạch sẽ.
– Chuẩn bị tài chính trong vài năm tới: sau khi bị ngân hàng tịch thu nhà, bạn cần chuẩn bị đầy đủ và cân nhắc kỹ lưỡng mọi chi tiêu vì sẽ không thể xin vay nợ hay có thẻ tín dụng trong 3-5 năm. Tuyệt đối không nên vay thêm nợ trong khoản thời gian trước và sau khi bỏ nhà rồi khai phá sản (bankruptcy), ví dụ như lạm dụng thẻ tín dụng để mua xe mới, nữ trang, quần áo, v.v. rồi khai phá sản. Các hành vi trên được coi là phạm pháp nếu bạn có chủ ý khai phá sản.
– Hiểu rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua: cho dù phải khai phá sản và bị xiết nhà đi nữa, nếu sau đó bạn quản lý tài chính và chi tiêu đúng mực, chẳng bao lâu tài chính của bạn sẽ phục hồi và bạn sẽ lấy lại được những gì đã mất.
Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền tài chính vững vàng, nuôi dạy con cái nên người, và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038. Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.
[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com].