Trở Lại Vấn Đề Biển Đông

Tuấn Nguyễn

Một lần nữa, Trung Cộng gây áp lực với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, bằng cách ra lệnh cấm bắt hải sản trong vùng biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Lệnh này có hiệu lực trong 2 tháng rưỡi kể từ ngày 16/5/10 đến 1/8/10.

Đây không phải là lần đâu tiên Trung Cộng đưa ra một lệnh cấm ngang ngược trên vùng biển Đông. Năm ngoái, lệnh cấm tương tự của Trung Cộng đã làm ngư phủ Việt Nam không dám ra khơi, đưa đến những sự thiệt hại nặng nề cho các tổ hợp ngành ngư nghiệp ven biển và ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu người dân sống gần biển. Nhiều ghe tầu chỉ ra khơi cách bờ biển vài hải lý, đánh bắt một ít cá tôm nhỏ để tạm sinh sống qua ngày. Một số ghe tàu khác ra xa bờ bị tầu Trung Cộng bắt, tầu bè bị thu giữ, ngư dân bị đánh đập và còn phải nộp phạt hàng tỉ đồng Việt Nam.

Với những hành động ngang ngược của nhà nước Trung Cộng như thế, mà nhà cầm quyền CSVN vẫn hững hờ, chỉ trổ ra vài lời phát biểu có lệ của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam.

Trung Cộng đang muốn nuốt trọn những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam? Đây là một vấn đề thời sự nóng bỏng, không những cho toàn dân Việt quốc nội và cộng đồng người Việt hải ngoại, mà còn cho cả cộng đồng quốc tế nữa.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu, tuy sổ sách có ghi chỉ cách đây khoảng 400 năm, thời Chúa Nguyễn Phước Nguyên cai quản Xứ Đàng Trong (1613-1635), do sử liệu quốc gia Hoà Lan ghi lại. Tàu bè Hoà Lan gặp nạn ngoài khơi Hoàng Sa đã phải nhờ Xứ Đàng Trong (Đà Nẵng hiện nay) giúp phương tiện để họ trở về xứ Batavia. Ngoài ra trong gần 100 năm nước ta bị Pháp đô hộ, chính quyền Pháp đã xác minh bằng những văn bản, kể cả dữ liệu do họ đo đạc và vẽ bản đồ các quốc gia có chủ quyền đất liền và các quần đảo thuộc vùng Đông Nam Á. Hiện nay Hàn Lâm Viện Pháp vẫn còn lưu trữ các tài liệu này.

Các vị Chúa và các vị Vua nhà Nguyễn đã thiết lập với các hải đảo nói trên những sự liên lạc thường xuyên có tính cách hành chánh, quân sự, chính trị và thuế quan, chưa kể việc xây dựng quân trại, miếu vũ, mộ bia, v.v. đã trở thành những di tích lịch sử và được giữ gìn liên tục cho đến ngày 19/01/1974. Vào ngày đó, Trung Cộng đã tấn công quần đảo Hoàng Sa do Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Trong trận hải chiến này, anh hùng Hạm Trưởng Thiếu Tá Ngụy Văn Thà cùng 73 chiến sĩ VNCH đã chiến đấu anh dũng cho đến chết. Họ đã làm tiêu hao khá nhiều lực lượng và tiêu hủy một chiến hạm địch.

Ngày 14/3/1988, Trung Cộng lại tấn công Trường Sa. Mặc dù chính quyền của hai quốc gia đều nằm dưới chế độ Cộng Sản, nhưng vẫn sẵn sàng giết hại lẫn nhau. Ngày ấy, 64 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam hy sinh vì bảo vệ tổ quốc.

Để thách đố CSVN nói riêng và quốc tế nói chung, ngày 19/1/2010 (tròn 36 năm sau ngày Bắc Kinh đánh chiếm Hoàng Sa), họ đã cho chiến hạm hạng nặng với những loại vũ khí tối tân tập trận trên biển Đông.

Trung Cộng quên rằng dân tộc Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm rất kiên cường, vì trong hơn một nghìn năm, ông cha chúng ta đã từng chống Bắc Xâm nhiều phen, làm địch kinh hoàng. Mong rằng tình hình đất nước sớm thay đổi để mọi thành phần người Việt yêu nước cùng nhau chặn đứng chính sách bành trướng của Bắc Kinh.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận