Kỵ Huý

Hưng Yên

Mới sang Mỹ được hơn 2 tháng đã kiếm được việc làm, mà lại job thơm nữa, lương những 5 đồng rưỡi một giờ, thế thì các cụ bảo số tôi có hên không cơ chứ? Sau hơn sáu năm tù cải tạo, ăn toàn bo bo hoặc khoai lang, khoai mì khô, nhiều khi mệt, đói muốn lả người, tưởng như phải bỏ xác ở trong trại mới được Ðảng và Nhà Nước bảo là đã tiến bộ, thả cho về. Lại thêm 9 năm sống dưới chế độ XHCN ưu việt, thượng vàng hạ cám làm đủ mọi nghề, từ anh xích lô đạp đến anh chủ thầu xây cất những công trình cò con và cuối cùng trước khi qua Mỹ là chủ mấy bàn bi da.

Tôi sang Mỹ theo diện HO và được thằng cháu kêu bằng cậu nó “bông so” cho về Morgan City, một thành phố nhỏ xíu của tiểu bang Louisiana. Nơi đây, đa số bà con Việt Nam ta đàn ông thì làm nghề thợ hàn, đàn bà làm nghề cắt ghẹ. (Cắt ghẹ là cắt những con ghẹ đã được hấp chín ra moi lấy thịt). Sau hơn một tháng, khi đã ổn định chỗ ăn chỗ ở, tôi theo các bà đi đập càng ghẹ. (Cũng là đập những cái càng đã được hấp chín ra moi lấy thịt, đập càng dễ hơn cắt ghẹ). Ngày đầu tiên tôi kiếm được 13 đồng tiền công mà phải thức dậy từ 3 giờ sáng theo xe người ta đi làm đến 3-4 giờ chiều. Toàn hãng có chừng hai mươi mấy người làm, 4-5 bà Mỹ trắng còn toàn là Việt Nam. Các bà hai tay cứ thoăn thoắt, miệng nói tay cắt chẳng để hở tay hở miệng một chút nào. Chuyện ở đâu mà các bà nhiều thế không biết. Chuyện chồng, chuyện con, chuyện hàng xóm… hết trong nhà ra đến ngoài phố, các bà thi nhau nói liên tu bất tận.

Riêng tôi là người mới từ Việt Nam qua, mà lại là Việt Nam Cộng Sản nữa, nghèo rớt mồng tơi, ngơ ngơ ngáo ngáo, có biết gì đâu mà tham gia câu chuyện, thành thử suốt ngày tôi cứ im như hạt thóc. Tôi theo các bà đi đập càng ghẹ đến gần một tháng, suốt ngày cắm cúi đập đập, moi moi đến chóng mày chóng mặt, nhiều khi mót tiểu cũng không dám đi vì sợ mất “phao” (đi lại nhiều thì làm được ít, đến khi đem cân thịt bị thua pound người ta, các bà bảo như thế là mất “phao”). Ðập càng ghẹ coi bộ khó sơi, đi sớm về trễ mà chẳng kiếm được bao nhiêu tiền vì tay chân tôi lóng ngóng chậm chạp, sau nhờ một ông hàng xóm làm thợ hàn giới thiệu, tôi kiếm được chân hép bơ (helper) trong hãng ông ta đang làm, lương cũng 5 đồng rưỡi một giờ, mà công việc lại dễ dàng, hép bơ thì cứ như ông Thiên Lôi chỉ đâu đánh đó, sai gì làm nấy chứ có gì là chuyên môn đâu mà khó khăn. Khi không có việc gì làm thì cầm cái chổi, vờ quét chỗ này, quét chỗ kia ra cái điều ta đây lúc nào cũng bận rộn. Công việc chỉ có thế mà cuối tuần nào cũng bợ cái check, trừ thuế má với những thứ linh tinh khác đi rồi cũng còn được gần 200 đồng, như vậy các cụ bảo không “job thơm” thì là gì? Thế nhưng mới làm được vài tháng lại bị lê óp (lay off) vì cuối năm ít việc hãng không cần nhiều hép bơ nữa; tôi là người vào làm sau cùng nên được ưu tiên ra đi trước tiên.

Mất job thơm hép bơ, tôi lại may mắn được một người mới quen khác đang làm cho một nhà hàng ăn ở New Orleans giới thiệu cho được chân rửa chén, tiếng Mỹ gọi là đít oắt sơ (dish washer). Từ Morgan City lên New Orleans đường xa trên 90 miles, tôi lái xe phải mất gần hai tiếng đồng hồ nên không thể “sáng vác ô đi tối vác về” được. Những ngày đầu chưa mướn được nhà ở New Orleans tôi phải ở tạm nhà ông bạn đã giới thiệu việc làm cho tôi đến mấy tuần lễ, đến khi mướn được nhà tôi chuyển cả gia đình lên theo, thế là từ giã Morgan City từ đấy!

Tôi lãnh chân rửa chén cho một nhà hàng ăn mà chủ nhà hàng là người Ý, bán thức ăn Ý, lương một giờ năm đồng. Cùng làm chung nhà hàng với tôi, ngoài ông bạn đã giới thiệu tôi vào làm còn có thêm bốn người Việt Nam nữa, như vậy cả thẩy là sáu vị. Hai vợ chồng một ông cựu Quan Ba làm ca hai từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm, vợ cook, chồng cũng dish washer. Ca một từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tôi rửa chén còn 3 vị kia dọn bàn. Mỹ họ gọi là bất boi (bus boy). Các vị ấy bảo theo đẳng cấp thì bất boi trên rửa chén một bậc vì tuy lương giống nhau nhưng bất boi phải mặc đồng phục chứ rửa chén thì không cần. Trong 3 vị bất boi này tôi chỉ ngán có một vị vì nghe đâu ông ấy đã có quốc tịch Mỹ, có tên Mỹ lại nói tiếng Mỹ làu làu. Làm cái anh rửa chén, suốt ngày chỉ tiếp xúc với chén dĩa, ly tách, muỗng nĩa, soong chảo, nước và xà bông thì đâu có cần nói tiếng Anh giỏi để làm gì? Hầu hết thời gian tôi chỉ lúi húi ở khu rửa chén nên ít có dịp chuyện trò với mấy vị đồng hương kia vì thế tôi cũng chẳng biết ông Mỹ gốc Việt kia nói tiếng Mỹ làu làu như thế nào, nhưng chỉ một điều ông ấy đã có quốc tịch Mỹ và có tên Mỹ đã là đáng phục lắm rồi. Cách đây gần 20 năm, ngày mới qua Mỹ tôi còn nghe kể có vị chủ báo tiếng Việt kia ở New Orleans thi đậu quốc tịch Mỹ về mở tiệc khao khoán linh đình còn hơn người ta thi đậu Tiến Sĩ nữa, như thế đủ biết cái quốc tịch Mỹ nó quý là nhường nào!
Tài nói tiếng Anh của ông bất boi Mỹ gốc Việt kia tôi chưa được nghe, chứ còn tên Mỹ của ông thì tôi biết rồi. Một hôm đang khệ nệ bưng một chồng dĩa dơ của khách vừa ăn xong xuống cho tôi rửa thì nghe tiếng Managiơ (Manager) gọi:

-Washington!
Ông ấy vội thưa:
– Yes Sir!
– Come here!
– Yes Sir!

Ông ta vội bỏ chồng dĩa dơ xuống bàn rồi chạy đi. Tôi nghĩ bụng ông này có tên Mỹ oai gớm nhỉ! Nhưng rồi lại nghĩ: Mấy người lớn tuổi khi nhập tịch, nếu muốn có tên Mỹ họ thường lấy mấy cái tên nhàng nhàng như Joe, John, Mike hay Micheal chẳng hạn chứ ít ai lại chọn một cái tên quá nổi như thế. Vẩn vơ suy nghĩ tôi lại tự bảo hay là vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ ngày còn trẻ đã có thời làm bất boi như ông này? Bây giờ học lịch sử Mỹ để thi quốc tịch ông ấy biết được nên cũng lấy tên Mỹ là Washington để vinh danh cho cái công việc là bất boi của mình chăng? Mấy năm sau tôi cũng học 100 câu hỏi về lịch sử và tổ chức chính quyền Mỹ để thi quốc tịch, có thấy câu nào nói là Tổng Thống Washington ngày còn trẻ đã có thời làm bus boy đâu!

Mỹ là một nước tự do thật sự nên ai muốn làm gì thì làm miễn không phạm pháp là được. Ðẻ con ra, ông muốn đặt tên con ông là gì thì đặt. Thương hoặc thích ai cứ việc lấy tên người đó đặt cho con cháu mình, người ta đã chẳng trách mà còn rất lấy làm queo cầm (welcome) nữa. Việt Nam mình thì đừng có dại như thế. Không kể vào thời phong kiến xa xưa, sĩ tử đi thi, làm bài cấm không được phạm huý, nếu phạm huý nhẹ thì bị đánh rớt dù bài làm hay mấy cũng mặc, còn nặng có khi phải tù, phải tội không chừng!

Ngày nay tuy không còn sợ phạm huý nữa nhưng người ta lại sợ phạm thượng. Tuy không có luật nào cấm nhưng chẳng ai dại gì lấy tên Ngô Ðình Diệm hay Hồ Chí Minh mà đặt cho con cháu mình. Thời cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm còn sống, người ta không lấy tên ông đặt cho con cháu mình vì: Một là do lòng tôn kính, sợ làm như thế là phạm thượng, hai là sợ kẻ xấu tìm cách xuyên tạc hãm hại. Còn cái tên Hồ Chí Minh thì lại càng kỵ hơn nữa. Tuy bác nói “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhưng đừng có nghe thế mà tưởng bở; mấy ông Việt Cộng chỉ cần gán cho cái tội bôi bác, khinh thường lãnh tụ là cũng đủ để được đi cải tạo mút mùa lệ thuỷ rồi. Chả thế mà ngày ông Nguyễn Văn Thiệu còn làm tổng thống đã có được một câu nói bất hủ là: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”!

Không phải người ta chỉ sợ những vị quyền cao chức trọng mới không dám phạm huý, ngay trong giới bình dân người ta cũng tránh không đặt tên con, cháu mình trùng với những người bằng vai phải lứa với mình, hoặc trùng tên với ông bà, cha mẹ những người hàng xóm láng giềng dù cho ông bà, cha mẹ họ đã về với Chúa hay về với Phật từ đời nào rồi! Nơi thành thị, chỗ tụ tập dân tứ xứ chẳng nói làm gì, chứ còn ở làng quê mọi người đều biết nhau, biết cả tên cha, tên mẹ, tên ông, tên bà nhau nên mỗi lần sinh con người ta chọn tên kỹ lắm. Chỉ cần vô tình một chút cũng có thể đang từ chỗ thân tình trở thành kẻ thù của nhau ngay. “Anh lấy tên cha tôi đặt cho con anh thì tôi cũng lấy tên ông nội anh đặt cho cháu tôi, tôi chửi cháu tôi chứ có chửi ông nội anh đâu mà anh động lòng?!” Thế đấy!

Người miền Nam khác với người miền Bắc ở chỗ người miền Nam thường dùng “thứ” để gọi nhau như: chú Hai, chú Ba, chú Tư, chú Năm, v.v. Còn người miền Bắc lại dùng tên thật để gọi như: ông Kèo, ông Cột, ông Ất, ông Giáp chẳng hạn. Và người dân quê miền Bắc nhiều nơi coi trọng sĩ diện ghê lắm, đứng trước cái tên phải có một cái chức hay cái tước mới được. Tỷ như ông Xã Kèo, ông Lý Cột, ông Thông Giáp, ông Phán Ất, v.v. Thậm chí anh cu Tèo đi lính chỉ đóng đến chức binh nhì thôi mà cũng được dân làng gọi là anh Binh Tèo. Không có chức hoặc tước đứng trước cái tên, thì người đó chỉ là anh bạch đinh thôi, ẹ lắm!

Bà xã tôi có mấy ông cậu, mấy bà dì thì người tên Mão, người tên Thân, người tên Tuất, người tên Hợi, v.v. Như vậy có nghĩa là các cụ ta ngày xưa cứ hễ sinh con năm nào thì thường cứ lấy Chi hoặc Can của năm ấy mà đặt tên con cho nó tiện. Cũng chính vì vấn đề này mà sinh ra lắm chuyện tức cười lại cũng không kém phần phiền toái:

Hàng xóm láng giềng, hai nhà chỉ cách nhau một bờ dậu duối, con gà của nhà bên này sang bươi liếp rau của nhà bên kia, trẻ con nhà bên kia lấy đá chọi làm què chân con gà của nhà bên này, thế là hai nhà sinh ra thù oán nhau. Chả biết có ai xúi biểu hay không mà một buổi trưa hè nóng nực, đám trẻ con nhà bên này rồng rồng rắn rắn vừa chạy quanh nhà vừa hát:

Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo
Con mèo mà trèo cây cau.
Hỏi thăm chú…

Cứ thế nó đọc, hàng xóm động lòng: “Tổ cha nó, thế này thì quá lắm rồi, có hiền như Bụt cũng không thể nhịn được, gà nhà nó sang bươi nát rau nhà mình, mình đã không nói thì chớ, nó lại còn xúi con nó kêu tên bố mình ra mà chửi”. (Chả là ông thân sinh ra nhà bên kia tên Mão, Mão là mèo, mèo là Mão nên mới động lòng là thế). Tức lộn máu, đàn bà bên kia ra lời:

– Tiên sư cha cái đám chó con này, trưa hè nóng nực không để cho người ta nghỉ ngơi, làm gì mà cứ oăng oẳng nhắng lên thế? Con Tý đâu, em ị ra đầy nhà thế này sao không gọi chó vào cho nó dọn sạch đi? Ê… u, cúc, cúc, mực! Không vào dọn cho sạch, mai bà cho mày vào nồi nhựa mận bây giờ!

Ðàn bà nhà bên này đang nằm võng ru con, khi nghe đám trẻ hát đến câu “giỗ cha chú mèo” thì thích ý mỉm cười, lẩm bẩm: “Tục ngữ ca dao, trẻ con nó thích nó hát thì mày làm gì được nó nào?” Thế nhưng khi nghe bên kia ra lời thì chị không còn cười được nữa, chị ngồi bật dậy, chõ miệng sang nhà hàng xóm chửi:

– Cha con đẻ mẹ bố nhà mày, đồ mèo già hoá cáo, chuột không bắt, chỉ được cái nước ăn vụng, nghèo lõ đít ra nhưng có cái gì thì dấu dấu, đút đút cứ như mèo dấu kít!

Chị chửi thẳng tay như thế vì bà cụ thân sinh ra mẹ chị tên tục là Tuất, mà “Tuất” là chó, chó là Tuất. Bên nhà chị chỉ mới nói động tới bố nó thôi, thế mà nó lại kêu bà ngoại chị ra nó chửi thì hỏi ai mà chịu cho được? Lại nữa cách đây không lâu, khi hai gia đình chưa có chuyện xích mích với nhau, một hôm chị muốn làm dĩa rau muống sào tỏi nhưng nhà hết mỡ, chị sai trẻ sang nhà nó vay thìa mỡ, rõ ràng mỡ nhà nó còn mà nó lại bảo hết rồi. Chị giận ghim trong bụng từ đấy.

Hai người đàn bà trước còn nói xỏ nói xiên, chửi bóng chửi gió nhau, nhưng sau chịu không được, cả hai đều phóng ra khỏi nhà, mỗi người một bên bờ dậu duối, như hai kẻ điên nhảy lên chồm chồm, tay vỗ bành bạch vào chỗ ấy, người nọ cho người kia ăn đủ mọi thứ món ngon vật lạ trên đời. Hai gia đình chẳng những đoạn giao mà còn coi nhau như quân hằn, quân thù từ đấy. Người lớn cấm trẻ con không được chơi với nhau. Riêng hai ông chồng, tuy không tham gia vào câu chuyện chửi bới, cãi cọ nhưng cũng nhìn nhau hầm hầm!!!

***

Tôi lãnh chân rửa chén cho nhà hàng được ít lâu thì bỏ job. Trong thời gian còn là ông đít oắt sơ bà xã tôi thường đùa bảo: Mai mốt về thăm quê hương, làm anh Việt Kiều áo gấm về làng, nhỡ có ai tò mò hỏi sang Mỹ làm gì thì đừng có nói làm nghề rửa chén, mà nên nói là làm cho trung tâm không gian NASA phụ trách về khâu dĩa bay cho nó hách!

Tôi cũng đùa, trả lời:

Không cần phải làm cho NASA anh cũng chẳng đang phụ trách về khâu dĩa bay là gì đấy, hàng ngày anh đã chẳng bỏ đến mấy trăm cái dĩa… bay vào máy… rửa hay sao? Mà này, không kể những vị bằng cấp đầy mình hoặc trước kia làm thật lớn, bổng lộc nhiều, khi đi Mỹ đem theo được nhiều của cải, còn cái cỡ nhàng nhàng như anh, già không ra già, trẻ không ra trẻ, nghề nghiệp chuyên môn trước kia chỉ là lính, đa số khi mới qua đây hình như chỉ làm những công việc như: bưng phở, rửa chén bát hay quét dọn khách sạn là thích hợp nhất đấy mình ạ. Mai mốt, đủ năm đủ tháng, thi quốc tịch Mỹ đậu rồi, anh cũng sẽ chọn một cái tên Mỹ thật hách như tên một ông Tổng Thống nào đó chẳng hạn, để khi áo gấm về làng nhỡ có ai hỏi “Sang Mỹ làm gì?”, anh sẽ bảo sang Mỹ anh làm Tổng Thống Mỹ, không tin anh đưa passport cho mà xem, tên anh không phải là tên Tổng Thống Mỹ là gì?!

Ðùa vậy thôi, nhưng cho đến nay, dù đã nhập tịch Mỹ lâu rồi tôi cũng vẫn chỉ có một cái tên Việt Nam do cha mẹ đặt cho từ ngày mới mở mắt chào đời. Không lấy tên Mỹ vì tôi nghĩ rằng dù cho có ở bất cứ đâu và mang bất cứ quốc tịch nào thì tôi cũng vẫn cứ là người Việt Nam. Giòng máu tôi là giòng máu Việt Nam không thể nào thay đổi được và tôi cũng chẳng bao giờ muốn thay đổi.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Viết một bình luận