Vì sao BPSOS đề nghị chế tài ông Tô Lâm, nay Tân Chủ tịch nước?

(Nguồn hình: xaydungchinhsach.chinhphu.vn)

 

Ngày 22/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước Việt Nam.

Trước đó, Tiến sĩ Bill Hayton đã viết trên trang web của Chatham House (Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) “Bất kỳ ai thắng trong cuộc đua trở thành Tổng Bí thư tiếp theo của ĐCSVN, Việt Nam cũng đang chuyển hướng trở thành một nhà nước công an trị đúng nghĩa đen.”

Ông Tô Lâm là một trong những người nằm trong danh sách BPSOS đề nghị chế tài với chính phủ Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Liên Âu—nhưng tại sao?

 

Chế tài theo những điều luật nào?

TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS, cho biết “Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act, viết tắt là GloMag), được Quốc Hội thông qua cuối năm 2016, là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Phương Tây nhằm đối phó tình trạng đàn áp nhân quyền nghiêm trọng. Thay vì chế tài cả một quốc gia như trước đây, luật này nhắm vào cá nhân các thủ phạm vi phạm nhân quyền và các quan chức chính quyền tham nhũng – cấm nhập cảnh vĩnh viễn cũng như đóng băng tài sản nổi và chìm của họ, nếu có.”

Ông cho biết “Tháng 12 năm 2017, Tổng Thống Trump dùng đặc quyền ban lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia để ban hành Pháp Lệnh 13818 để nới rộng phạm vi của Luật GloMag để: (1) hạ thấp mức nghiêm trọng của đàn áp nhân quyền hoặc tham nhũng để bị chế tài; (2) cho phép chế tài cấp lãnh đạo dù không trực tiếp bắt tay vào hành vi vi phạm; (3) cho phép chế tài những người đồng lõa dù không là giới chức chính quyền. Tháng 12 năm 2023, Tổng Thống Biden quyết định tiếp tục lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia này.”

Sau Hoa Kỳ, Luật Magnitsky đã được ban hành ở khối Liên Âu, Anh Quốc, Canada, Lithuania, Latvia, Cộng hòa Séc, v.v.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Đình Thắng giải thích “Biện pháp chế tài Khashoggi dựa vào điều §212(A)(3)(C) của Luật Di Dân và Quốc Tịch, được Hành Pháp Biden tháng 2 năm 2021 đề ra để trừng phạt thủ phạm đằng sau các hành vi “đàn áp xuyên quốc gia”, như bắt cóc hoặc thủ tiêu, đe dọa, sách nhiễu những người bất đồng chính kiến ở ngoài lãnh thổ của quốc gia gốc, hoặc nhắm vào thân nhân của những người này còn ở quốc gia gốc.”

 

Vì sao ông Tô Lâm đứng đầu danh sách đề nghị chế tài?

Dưới thời ông Tô Lâm, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công an đã chà đạp lên quyền con người theo nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có một số vi phạm nhân quyền đặc biệt trắng trợn và nghiêm trọng.

Thứ nhất, vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức năm 2017, nhà báo Trương Duy Nhất tại Thái Lan năm 2019, và blogger Đường Văn Thái tại Thái Lan năm 2023.

Riêng trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh, truyền thông và các cơ quan chức năng Đức cho biết ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức và chở sang Slovakia, trước khi bị bí mật chuyển sang xe hơi trong đoàn xe chính thức của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm—khi đó đang công du chính thức ở Slovakia—và chở tới phi trường Bratislava, đưa về Việt Nam. Văn bản đề nghị chế tài đưa ra một số lập luận và bằng chứng cho thấy sự liên quan trực tiếp của ông Tô Lâm.

Một số kênh truyền thông lớn như Reuters, The New York Times, Bloomberg, France 24… khi đưa tin ông Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước, cũng nhắc tới vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất diễn ra chỉ bốn ngày sau phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review) lần trước của Việt Nam.

Riêng blogger Đường Văn Thái, khác với ông Trịnh Xuân Thanh và nhà báo Trương Duy Nhất, đã có quy chế tỵ nạn chính thức từ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc khi bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan.

Thứ hai, vụ giết người phi pháp trong cuộc đột kích vào làng Đồng Tâm năm 2020. Người giết cụ Lê Đình Kình là ông Đặng Việt Quảng, khi đó là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Thành phố Hà Nội.

Vụ án Đồng Tâm có lẽ là vụ cưỡng chế đất gây chấn động nhất trong nhiều năm qua, và các nhà báo, nhà hoạt động lên tiếng về vụ án Đồng Tâm đều lãnh án tù đặc biệt nặng nề.

Thứ ba, các vụ đàn áp dã man với người biểu tình ôn hòa.

Chỉ 10 tháng sau khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an vào tháng 8/2010, ông Tô Lâm đã chỉ huy cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào 7 ngàn người H’mông theo đạo Tin lành ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên khi họ tập trung cầu nguyện và yêu cầu nhà nước ngưng chính sách ép bỏ đạo và cưỡng chế đất đai.

Dưới thời ông Tô Lâm ở chức Bộ trưởng, Bộ Công an càng đàn áp tàn bạo người biểu tình ôn hòa, như với người Công giáo lên tiếng vì thảm họa sinh thái do Formosa gây ra, hay các vụ biểu tình về Luật Đặc khu kinh tế và Luật An ninh mạng.

 

Liệu các quốc gia như Hoa Kỳ và Anh có chế tài ông Tô Lâm không?

Có thể thấy, hiện nay khi ông Tô Lâm đã nằm trong “Tứ trụ”, Liên Âu và các quốc gia như Anh Quốc và Hoa Kỳ sẽ không tiện áp dụng các biện pháp chế tài.

Tuy nhiên, họ vẫn có thể chế tài các quan chức dưới quyền (nếu muốn).

 

Thế giới sẽ cư xử thế nào, khi ông Tô Lâm là Chủ tịch nước?

Câu hỏi thú vị hơn là, các nước tự do dân chủ sẽ cư xử như thế nào với Việt Nam khi ông Tô Lâm hiện nay đã ngồi vào ghế Chủ tịch nước? Khi một người không những có thành tích vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà còn không tôn trọng luật pháp quốc tế trở thành người đứng đầu một quốc gia, quốc tế nói chung sẽ nghĩ gì về thực tâm của bộ máy nhà nước quốc gia đó về việc thực thi các điều ước quốc tế về nhân quyền?

Và ngay cả khi các nước khác vờ như không biết, như khi có các hoạt động ngoại giao với Tập Cận Bình, Putin, hay các lãnh đạo độc tài khác, các chính trị gia của Đức và Slovakia sẽ có thái độ thế nào với người đứng sau vụ bắt cóc trắng trợn ngay giữa Berlin và ngang qua Slovakia trong một chuyến công du chính thức, thậm chí trên máy bay của chính phủ Slovakia?

 

Bài liên quan: 

TS. Nguyễn Đình Thắng nói về các đề nghị chế tài quan chức Việt Nam

Các chính sách chế tài kẻ vi phạm nhân quyền trong luật Hoa Kỳ

Viết một bình luận