Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR): Nhìn lại 2019-2024

Phái đoàn nhà nước Việt Nam tại Kiểm điểm UPR năm 2019 (chụp màn hình từ UN Web TV). 

 

Hải Di Nguyễn

Trong một bài phỏng vấn đăng trên Báo Điện tử Đảng CSVN về phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR), Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, người dẫn đầu phái đoàn nhà nước Việt Nam, nói tới “chủ trương nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.”

Ông nói “Việt Nam đã rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR mà chúng ta đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và bảo đảm các quyền con người trên thực tế, mang lại những kết quả rất thiết thực cho người dân.”

Nhưng nhà nước Việt Nam đã thực hiện các khuyến nghị lần trước ra sao?

 

Bao nhiêu khuyến nghị năm 2019?

Tại UPR năm 2019, nhà nước Việt Nam nhận được tổng cộng 291 khuyến nghị và chấp nhận 241, tức là gần 83%. 

Trong số những điều Việt Nam không chấp nhận có khuyến nghị từ Pháp, “Thực hiện các bước để bảo vệ người bảo vệ nhân quyền, đặc biệt bằng cách bãi bỏ hoặc sửa đổi những quy định trong Bộ luật Hình sự liên quan đến khái niệm an ninh quốc gia,” hay từ Phần Lan “Bãi bỏ hoặc sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng để định nghĩa rõ ràng hoặc loại bỏ các quy định liên quan đến an ninh quốc gia, bảo đảm những điều này không bị áp dụng một cách tùy tiện nhằm gây hại cho các hình thức tự do ngôn luận, bao gồm tự do internet.”

Họ cũng từ chối các khuyến nghị thả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền và hoạt động về tự do tôn giáo.

Tuy nhiên, Việt Nam chấp nhận hoàn toàn 220 điều và chấp nhận một phần 21 điều, về những khía cạnh nhân quyền khác nhau như: bảo đảm tòa án độc lập; thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới; đưa vào Bộ luật Lao động định nghĩa về quấy rối tình dục; giải quyết vấn đề phát triển không đồng đều giữa các khu vực; giới hạn án tử hình chỉ cho những tội nghiêm trọng nhất theo luật quốc tế; bảo đảm là bằng chứng có được vì tra tấn là không được chấp nhận tại tòa; ngăn chặn tra tấn trong thời gian điều tra và giam giữ, trừng phạt người vi phạm; bảo đảm xét xử công bằng và các quyền theo thủ tục tố tụng hợp pháp (due process); bảo đảm tự do quan điểm và tự do ngôn luận, bao gồm trên internet, và tự do báo chí, v.v.

Vì điều kiện không cho phép xem xét từng khuyến nghị—cái nào Việt Nam đã thực hiện, cái nào chưa thực hiện—tôi sẽ chỉ tập trung vào hai khía cạnh là vấn đề buôn người và tự do tôn giáo.

 

Vấn đề buôn người

Việt Nam chấp nhận một loạt khuyến nghị về phòng chống buôn người, bao gồm lao động trẻ em; giúp đỡ nạn nhân phục hồi; và trừng phạt thủ phạm buôn người (khuyến nghị 218-228).

Trong báo cáo quốc gia và tại phiên Kiểm điểm UPR năm 2024, nhà nước Việt Nam khẳng định mình “tiếp tục nỗ lực phòng, chống nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng” và đưa ra vài thống kê về số trường hợp, số nạn nhân và thủ phạm.

Dấu vết bị đánh đập trên một phụ nữ (sinh năm 1989) lao động xuất khẩu ở Ả Rập Xê Út. 

Thế nhà nước Việt Nam nói thế nào về những trường hợp như H Nit Niê, bị lừa sang Campuchia năm 2022 nhưng cảnh sát Đắk Lắk không làm gì và gia đình phải bán nhà để chuộc con về? Hay những trẻ vị thành niên như em Y Oi Niê, khi đó 15 tuổi, phải trả tiền chuộc bằng tiền bán đất để về Việt Nam năm 2022, nhưng phải nộp phạt 6 triệu đồng ở cửa khẩu vì “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, dù là nạn nhân buôn người sang Campuchia? Hay em H Xuân Siu, được đổi năm sinh trong hộ chiếu từ 2003 thành 1996 để đi xuất khẩu lao động, và chết ở xứ người ở tuổi 17?

Nhà nước giải thích như thế nào về việc những nữ lao động mắc kẹt ở Ả Rập Xê Út năm 2021 bị chính sứ quán Việt Nam đe dọa khi đăng lên mạng video cầu cứu? Đặc biệt trường hợp chị H Thái Ayun, liên tục bị nhân viên sứ quán sách nhiễu vì báo cáo và thu thập bằng chứng về các nữ lao động đó, và hiện nay phải lánh nạn tại Thái Lan? Và những nạn nhân hồi hương không những không được hỗ trợ mà còn bị công an liên tục xét hỏi vì đã cầu cứu các tổ chức ở nước ngoài? 

Nhà nước nói thế nào về những trường hợp như chị Huỳnh Thị Gấm, sang lao động xuất khẩu ở Ả Rập Xê Út năm 2019, bị đẩy từ chủ này sang chủ khác—qua sáu người chủ khác nhau—liên tục bị hành hạ, đánh đập, quỵt tiền, thậm chí tấn công tình dục; cầu cứu ở xứ người thì bị sứ quán bỏ rơi; về Việt Nam thưa kiện thì bị chính quyền mặc kệ, công an sách nhiễu?

Và vô số các nạn nhân khác, đặc biệt những nạn nhân bị bóc lột trong các chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước?

 

 

Tự do tôn giáo

271462669 1608616582813385 1644291028111185382 n

323432540 1447285669013788 3660197121978203072 n

Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế năm 2019, tới nay cư dân vẫn chưa có công lý. 

Việt Nam chấp nhận khá nhiều khuyến nghị về tự do tôn giáo: bảo tồn và phát huy các tôn giáo và niềm tin; đối phó với sách nhiễu và bạo lực vì lý do tôn giáo; thay đổi luật về tự do tôn giáo để hợp với luật quốc tế; bảo đảm tự do tôn giáo và giảm các trở ngại hành chính với các hoạt động tôn giáo ôn hòa; thực hiện nhất quán các điều luật về tôn giáo, bao gồm luật liên quan đến việc đăng ký các nhóm Tin lành ở Tây Nguyên; bảo vệ các nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số, tránh áp đặt hạn chế pháp lý với họ, v.v.

Vậy nhà nước Việt Nam trả lời thế nào về việc tiếp tục sử dụng hệ thống đăng ký tôn giáo và các tổ chức tôn giáo thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kiểm soát các hoạt động tôn giáo? Hay việc các chính quyền địa phương ép buộc người Thượng và người H’mông từ bỏ đạo Tin lành, như tỉnh Nghệ An đuổi ba chị em Lầu Y Tòng, Lầu Y Lỳ, Lầu Y Hua khỏi làng năm 2022 và 2023 mặc dù họ thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Bắc? Hay việc các tỉnh miền Bắc cưỡng ép bỏ đạo khiến hàng loạt người H’mông theo đạo Tin lành phải lưu lạc tới tận huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng và nhiều người H’mông ở Tiểu khu 178, 179, 181… hiện nay vẫn sống trong tình trạng không giấy tờ tùy thân?

Nhà nước nói thế nào về việc tỉnh Vĩnh Long gần đây bắt giữ chư tăng và Phật tử người Khmer Krom ở chùa Đại Thọ, đập phá giảng đường, và đưa sư khác vào làm sư trụ trì? Hoặc việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đưa ra văn bản không chỉ nói sư Thích Minh Tuệ không thuộc Giáo hội mà còn khẳng định “người đàn ông này không phải là tu sỹ Phật giáo” và đưa tên tuổi, nơi sinh, nghề nghiệp trước đây?

Nhà nước giải thích thế nào về Quyết định 960/QĐ-TTg, năm 2020, trong đó nhắc tới “người trong các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được cấp có thẩm quyền lựa chọn, bố trí, tranh thủ” và “Kinh phí thực hiện công tác tranh thủ đối với người trong tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc”? Hay Quyết định 1722/QĐ-TTg, cũng năm 2020, trong đó nhắc tới “đảng viên được cấp có thẩm quyền lựa chọn, bố trí, tranh thủ trong tôn giáo” và việc “lựa chọn, bố trí, tranh thủ lực lượng cốt cán đặc thù, cốt cán phong trào trong tôn giáo”, tức là thừa nhận cài cắm người của Đảng và Nhà nước vào các tổ chức tôn giáo? Và xếp những thông tin này là “bí mật nhà nước”?

Và rất nhiều hình thức khống chế và đàn áp tôn giáo khác, trong Công giáo, trong Phật giáo Hòa Hảo, trong đạo Cao Đài, v.v?

 

Có thể thấy được gì về Kiểm điểm UPR lần này?

Hiện nay chưa có thông tin nhà nước Việt Nam đã chấp nhận hay không chấp nhận các khuyến nghị nào tại Kiểm điểm UPR lần này.

Tuy nhiên, mọi người đều có thể đoán được họ sẽ tôn trọng các khuyến nghị của quốc tế như thế nào.

Viết một bình luận