Một đoạn trong Báo cáo Quốc gia do nhà nước Việt Nam gửi cho LHQ, trong đó nói “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin cho mọi người dân.”
Hải Di Nguyễn
Chỉ 2 tuần nữa, ngày 7/5/2024, tại Geneva, Thụy Sỹ sẽ diễn ra phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hay Rà soát Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) với Việt Nam.
Ngày 22/4/2024, LHQ đã công bố ba tài liệu:
- Báo cáo quốc gia từ nhà nước Việt Nam (24 trang)
- Tóm tắt thông tin từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ (11 trang)
- Tóm tắt thông tin từ các tổ chức XHDS (14 trang)
(Nếu các đường link trên không hoạt động, có thể mở ba báo cáo ở đây).
Riêng cho lần Kiểm định UPR lần này cho Việt Nam, các tổ chức XHDS (trong đó có BPSOS) gửi tổng cộng 45 bản báo cáo.
Không chỉ vậy, ngày 13/2 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền và các quốc gia thành viên cũng có phiên họp tiền kiểm điểm UPR với các tổ chức XHDS, trong đó có người đại diện của BPSOS và CAMSA (Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á châu, do BPSOS thành lập), để cập nhật thêm thông tin và đặt câu hỏi.
Từ những thông tin này, Hội đồng Nhân quyền LHQ và các quốc gia thành viên khác có thể chất vấn nhà nước Việt Nam về tình trạng nhân quyền.
Bình đẳng và không phân biệt
Ủy ban Nhân quyền khuyến nghị Việt Nam xem xét áp dụng luật chống phân biệt đối xử toàn diện, để chống mọi hình thức phân biệt đối xử, bao gồm màu da, chủng tộc, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, thành phần xuất thân, khuyết tật, tuổi tác, giới tính, khuynh hướng tình dục, v.v.
Quyền được sống, tự do và an toàn cá nhân, và không bị tra tấn
Tổ Công tác về Việt Nam thuộc Cao ủy Nhân quyền và các ủy ban của LHQ nhắc tới án tử hình; việc bắt giữ các nhà báo, nhà hoạt động về nhân quyền, dân chủ, quyền đất đai, hoặc tự do tôn giáo; điều kiện nhà tù; điều kiện trại cai nghiện; và tình trạng tra tấn trong đồn cảnh sát.
Các tổ chức XHDS cũng nói đến vấn đề tra tấn, sách nhiễu trong thời gian điều tra và tạm giam, và ép cung.
Nhân quyền và chống khủng bố
Tổ Công tác nhắc tới từ ngữ mơ hồ trong hệ thống luật chống khủng bố ở Việt Nam.
Pháp quyền và thực thi công lý
Tổ Công tác khuyến nghị Việt Nam bảo đảm hệ thống hành pháp có thể độc lập, minh bạch, và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế; và nói Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành hạn chế thủ tục tố tụng hợp pháp và cho phép biệt giam trong thời gian dài mà không cần xét xử hoặc không cho liên lạc với luật sư.
Các quyền tự do cơ bản và quyền tham gia vào đời sống công cộng và chính trị
Tổ Công tác nói tới vi phạm quyền tự do ngôn luận (bao gồm tự do trên mạng), tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, và các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam.
Các tổ chức XHDS cũng đề cập tới tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.
Quyền riêng tư
Các tổ chức XHDS nhắc tới đề xuất tháng 7/2023 nhằm thông qua luật yêu cầu người dùng mạng xã hội phải đăng ký tên và số điện thoại để đăng bài và chia sẻ quan điểm.
Quyền lập gia đình
Các tổ chức XHDS nhắc tới điều kiện bất bình đẳng căn cứ theo giới tính trong hôn nhân; quyền kết hôn chưa được Việt Nam công nhận của các cặp đồng giới; và tình trạng môi giới hôn nhân trái phép cho các phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng nước ngoài.
Cấm mọi hình thức nô lệ, bao gồm buôn người
Tổ Công tác của LHQ nói về nạn buôn người nói chung; các tổ chức XHDS nhắc trực tiếp đến nạn buôn người qua chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước.
Quyền lao động và được hưởng điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi
Các tổ chức XHDS nói về điều kiện lao động; việc một số công ty và nhà máy sử dụng hóa chất độc hại; quyền lập hội và thành lập liên đoàn cho người lao động.
Quyền được hưởng an sinh xã hội
Tổ Công tác nhắc tới chế độ lương hưu, đặc biệt chênh lệch giữa nam và nữ; và phúc lợi thai sản ở Việt Nam.
Quyền có mức sống thích đáng
Tổ Công tác nói Việt Nam có tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều giữa các khu vực và nhóm dân cư, và có tỷ lệ nghèo rất cao trong cộng đồng sắc tộc thiểu số hoặc các nhóm như trẻ em, người già, người khuyết tật, và người di cư không đăng ký.
Quyền được chăm sóc sức khỏe
Tổ Công tác nói về hệ thống y tế nói chung ở Việt Nam và đặc biệt nhắc tới tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và tỷ lệ nhiễm HIV.
Tổ chức ADF (Alliance Defending Freedom) nói về tình trạng phân biệt và lựa chọn giới tính, ưu tiên bé trai hơn bé gái.
Quyền được giáo dục
Tổ Công tác của Ủy ban Nhân quyền, Ủy ban Quyền Trẻ em, và UNESCO nói tới điều kiện học hành của trẻ em khuyết tật, trẻ em sống trong nghèo đói, trẻ em người bản địa hoặc thuộc các sắc tộc hoặc tôn giáo thiểu số, và trẻ em di cư.
Quyền văn hóa
Tổ chức UNPO (Unrepresented Nations and Peoples Organisation) khuyến nghị Việt Nam thúc đẩy sử dụng tiếng Khmer trong cộng đồng người Khmer Krom bản địa.
Phát triển, môi trường, kinh doanh, và nhân quyền
Báo cáo viên Đặc biệt về Quyền Phát triển khuyến nghị Việt Nam cần làm nhiều hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và mất đa dạng sinh học; và nhắc tới sự quan trọng của các nhà bảo vệ nhân quyền và tổ chức XHDS để bảo đảm chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế xanh.
Quyền phụ nữ
Tổ Công tác nói về sự vắng mặt của phụ nữ trong Bộ Chính trị và các vị trí lãnh đạo ở Việt Nam, và đề cập tới bạo lực về giới, bao gồm bạo hành gia đình.
Các tổ chức XHDS nói Việt Nam thiếu dịch vụ cho nạn nhân bạo hành, và không có định nghĩa rõ ràng trong Bộ luật Hình sự về các hành vi quấy rối tình dục, tấn công tình dục, và cưỡng hiếp.
Quyền trẻ em
Tổ Công tác và Ủy ban Quyền Trẻ em kêu gọi Việt Nam đổi định nghĩa trẻ em là “dưới 16 tuổi” thành “dưới 18 tuổi” theo luật quốc tế. Ủy ban Quyền trẻ em cũng nhắc tới đến vấn đề trừng phạt thân thể với trẻ em tại nhà hoặc trường lớp; nạn dụ dỗ trên mạng, lạm dụng, buôn bán, bóc lột tình dục trẻ em; và tình trạng tảo hôn, bao gồm hôn nhân cưỡng ép.
Các tổ chức XHDS nhắc tới điều kiện học hành của trẻ em sắc tộc thiểu số, và thực tế nhiều trẻ em bị rơi vào tình trạng vô quốc tịch.
Quyền người khuyết tật
Tổ Công tác và Ủy ban Nhân quyền LHQ bày tỏ quan ngại về sự phân biệt đối xử với người khuyết tật ở Việt Nam, như khả năng tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, việc làm, giao thông công cộng.
Quyền người bản địa và sắc tộc thiểu số
Ủy ban Nhân quyền LHQ kể đến những quyền về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, điều kiện kinh tế, khả năng tiếp cận dịch vụ công… của người bản địa và sắc tộc thiểu số. Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc cũng kêu gọi Việt Nam chấm dứt hành vi bạo lực, giám sát, đe dọa, sách nhiễu, và trả thù một cách có hệ thống với các nhà hoạt động quyền người bản địa và người sắc tộc thiểu số.
CAMSA khuyến nghị nhà nước Việt Nam công nhận người bản địa, chẳng hạn như người Khmer Krom, người Thượng, người H’mông.
Người đồng tính, song tính (bisexual), chuyển giới, và lưỡng tính (intersex)
Ủy ban Nhân quyền nhắc tới những vấn đề như quyền được công nhận chuyển giới; quyền lợi các cặp đồng giới; và tình trạng can thiệp y tế không cần thiết và không thể đảo ngược với các trẻ em lưỡng tính.
Người di cư, người tỵ nạn và xin tỵ nạn
Cao ủy Nhân quyền khuyến nghị Việt Nam ra luật và chính sách cho người tỵ nạn, theo luật quốc tế.
Các tổ chức XHDS nhắc tới quyền lợi người lao động nhập cư, đặc biệt phụ nữ.
Người vô quốc tịch
Cao ủy Nhân quyền khuyến nghị Việt Nam phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn quốc tế về việc xác định, ngăn ngừa, và giảm bớt tình trạng không quốc tịch; và bảo vệ người không quốc tịch.
Đó là những vấn đề nhân quyền được đề cập trong bản báo cáo tóm tắt của Cao ủy Nhân quyền LHQ và tóm tắt thông tin từ các tổ chức XHDS về Việt Nam.
Bản thân nhà nước Việt Nam đã gửi một bản báo cáo quốc gia dài 24 trang, khẳng định mình tôn trọng nhân quyền và tôn trọng các công ước quốc tế.
Phiên rà soát Việt Nam lần này sẽ diễn ra ngày 7/5/2024 – theo thông tin hiện nay, sẽ là 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa theo giờ Thụy Sỹ (2 giờ chiều tới 5 giờ chiều theo giờ Việt Nam). Buổi rà soát sẽ được phát sóng trực tiếp trên trang web của LHQ.