TS. Nguyễn Đình Thắng nói về các đề nghị chế tài quan chức Việt Nam

Bản đồ các quốc gia đã thông qua Luật Magnitsky (nguồn: Wikipedia). 

Gần đây Mạch Sống đã có vài bài viết thông báo BPSOS đang đề nghị một số quốc gia chế tài quan chức Việt Nam theo nhiều điều luật khác nhau.

Đó là những điều luật gì? Có gì khác nhau? Sẽ có hiệu lực gì nếu áp dụng? Sau đây là phỏng vấn của Mạch Sống với TS. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS.

 

Mạch Sống: Thưa TS. Nguyễn Đình Thắng, gần đây BPSOS có thông báo đã đề nghị Hoa Kỳ chế tài một số quan chức Bộ Công an Việt Nam theo Luật Magnitsky chiếu theo Quyết định của Tổng thống số 13818, theo điều §7031(C) của Luật Ngân Sách Đối Ngoại, và chế độ hạn chế visa Khashoggi. Ông có thể giải thích thêm về những luật này được không?

TS. Nguyễn Đình Thắng: Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act, viết tắt là GloMag), được Quốc Hội thông qua cuối năm 2016, là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Phương Tây nhằm đối phó tình trạng đàn áp nhân quyền nghiêm trọng. Thay vì chế tài cả một quốc gia như trước đây, luật này nhắm vào cá nhân các thủ phạm vi phạm nhân quyền và các quan chức chính quyền tham nhũng – cấm nhập cảnh vĩnh viễn cũng như đóng băng tài sản nổi và chìm của họ, nếu có. Trong các thể chế độc tài, quan chức lạm dụng quyền hạn để vi phạm nhân quyền cũng thường lạm dụng quyền lực để tham nhũng.

Tháng 12 năm 2017, Tổng Thống Trump dùng đặc quyền ban lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia để ban hành Pháp Lệnh 13818 để nới rộng phạm vi của Luật GloMag để: (1) hạ thấp mức nghiêm trọng của đàn áp nhân quyền hoặc tham nhũng để bị chế tài; (2) cho phép chế tài cấp lãnh đạo dù không trực tiếp bắt tay vào hành vi vi phạm; (3) cho phép chế tài những người đồng loã dù không là giới chức chính quyền. Tháng 12 năm 2023, Tổng Thống Biden quyết định tiếp tục lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia này.

Điều §7031(C) của Luật Ngân Sách Đối Ngoại tương tự GloMag nhưng khác ở chỗ: (1) không đóng băng tài sản; (2) cấm nhập cảnh cả thân nhân trực hệ của đối tượng bị chế tài.

Biện pháp chế tài Khashoggi dựa vào điều §212(A)(3)(C) của Luật Di Dân và Quốc Tịch, được Hành Pháp Biden tháng 2 năm 2021 đề ra để trừng phạt thủ phạm đằng sau các hành vi “đàn áp xuyên quốc gia”, như bắt cóc hoặc thủ tiêu, đe doạ, sách nhiễu những người bất đồng chính kiến ở ngoài lãnh thổ của quốc gia gốc, hoặc nhắm vào thân nhân của những người này còn ở quốc gia gốc.

Bài viết sau đây giải thích chi tiết hơn 3 biện pháp đầu – không có biện pháp Khashoggi vì ở thời điểm viết bài biện pháp này chưa được ban hành. 

 

MS: BPSOS đưa ra những lập luận và bằng chứng gì trong hồ sơ đề nghị chế tài?

TS. NĐT: Chúng tôi đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài kể trên đối với người hiện đứng đầu Bộ Công An và một số thuộc cấp tượng trưng dính líu đến: bắt cóc người ở Đức và ở Thái Lan; đàn áp đẫm máu hàng nghìn tín đồ Tin Lành Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên; tấn công Làng Đồng Tâm; đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình ôn hoà; và bỏ tù những người lên tiếng phản đối các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này.

 

MS: Theo ông, việc BPSOS đứng ra đề nghị chế tài và công khai tên những quan chức này có thể có rủi ro gì không? Vì sao BPSOS quyết định làm điều này?

TS. NĐT: Các đề nghị chế tài kể trên đã được chúng tôi nộp cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ cuối tháng 9 năm ngoái, với sự hậu thuẫn của một tổ chức nhân quyền hàng đầu ở Hoa Kỳ. Sau đó chúng tôi đã có buổi họp riêng với bộ phận chuyên về chế tài của cả 2 Bộ này.

 

MS: Những điều luật này có hiệu lực ở các quốc gia khác không? Thông báo có nói BPSOS cũng đang làm việc với một số tổ chức để đề nghị chế tài những nhân vật này theo luật chế tài của Canada, Anh Quốc, và Liên Âu, vậy đó là những luật gì? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia này quyết định chế tài họ?

TS. NĐT: Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với một số tổ chức đối tác để nộp hồ sơ chế tài này cho chính phủ Canada, chính phủ Anh Quốc và chính phủ Liên Âu. Sau Hoa Kỳ, hàng loạt quốc gia đã thông qua luật mới hoặc bổ sung luật hiện hành với các điều khoản chế tài tương tự luật GloMag ở Hoa Kỳ. Khối Liên Âu cũng có luật Magnitsky và nhiều quốc gia trong khối cũng có luật chế tài riêng, như Estonia, Lithuania, Latvia, và Cộng Hoà Séc. Úc cũng đã có luật Magnitsky.

Trong thời gian 2 năm qua, nhiều quốc gia bắt đầu phối hợp với nhau trong việc áp dụng chế tài – như thế, thủ phạm hầu như không còn cửa để xuất ngoại hoặc chuyển của đến các quốc gia Phương Tây.

 

MS: Vì sao BPSOS kêu gọi Hoa Kỳ chế tài Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động Việt Nam theo Luật Leahy?

TS. NĐT: Luật Leahy, do cựu Thượng Nghị Sĩ Patrick Leahy là tác giả, cấm Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ viện trợ các đơn vị thuộc cơ quan an ninh của một quốc gia độc tài nếu dính líu đến các vụ đàn áp nhân quyền thô bạo. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Cơ Động mà trước đây là Lực Lượng Cảnh Sát Vũ Trang đã đóng vai chính trong nhiều vụ đàn áp đám đông, như vụ Mường Nhé, vụ Đồng Tâm, vụ biểu tình đòi Formosa bồi thường, vụ biểu tình chống Luật An Ninh Mạng và dự thảo Luật Đặc Khu Kinh Tế, vụ cưỡng chiếm đất của Giáo Xứ Cồn Dầu, v.v.

Khác với các biện pháp chế tài đã nói đến trước đây, vốn nhắm vào các cá nhân, Luật Leahy nhắm vào cả một đơn vị chính quyền.

 

MS: Từ trước đến nay, đã có chính trị gia, quan chức, hoặc cơ quan nào của Việt Nam bị Hoa Kỳ chế tài chưa?

TS. NĐT: Chính sách của Hành Pháp Hoa Kỳ thường là không công bố những người bị chế tài. Chỉ khi nào đương sự xin visa nhập cảnh và bị từ chối thì lúc dấy mới biết mình bị chế tài. Tình cờ, tôi được biết một cán bộ nhà nước Việt Nam than thở đã bị cấm nhập cảnh Hoa Kỳ.

Một cách chính thức thì đến nay Bộ Ngoại Giao chỉ cho biết đã chế tài một sĩ quan công an vì hành vi tra tấn.

BPSOS đang vận động các dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ quan tâm đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam thúc đẩy Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố áp dụng biện pháp chế tài thường xuyên hơn lên các giới chức Việt Nam.

 

MS: Ngoài ra, Hoa Kỳ và quốc tế còn có những luật nào khác người Việt hoặc người gốc Việt có thể áp dụng cho những hành vi vi phạm nhân quyền và vi phạm luật quốc tế của nhà nước Việt Nam?

TS. NĐT: Luật di dân ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh Quốc, Liên Âu… có các điều khoản trong luật di dân cấm nhập cảnh các thành phần bất hảo nhập cư, kể cả thủ phạm đàn áp nhân quyền, giới chức tham nhũng, băng đảng tội phạm…

Riêng Hoa Kỳ thì Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người cũng có biện pháp cấm nhập cảnh đối với các thủ phạm đàn áp tôn giáo hoặc can dự vào đường dây buôn người.

Viết một bình luận