- Cần biết phận và thức thời để tự cứu
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 18 tháng 3, 2024
http://machsongmedia.com
Người muốn nhập cư tị nạn ở bất kỳ quốc gia nào bắt buộc phải chứng minh được tư cách tị nạn với bộ phận di trú của quốc gia đó. Phần lớn các cựu thuyền nhân đang kẹt lại Thái Lan khó đáp ứng đòi hỏi này để được tái định cư ở một quốc gia đệ tam.
Tại sao khó đáp ứng?
Tư cách tị nạn được định nghĩa theo Công Ước LHQ về Người Tị Nạn: đương sự phải chứng minh nỗi lo sợ có căn cứ là, nếu hồi hương, sẽ bị đàn áp vì lý do chủng tộc, tôn giáo, sắc dân, quan điểm chính trị hay thành phần xã hội đặc thù. Để chứng minh nỗi lo sợ có căn cứ thì phải nêu những sự kiện cụ thể chứ không thể chỉ suy diễn. Đối với các cựu thuyền nhân đã rời Việt Nam mấy chục năm trước, trưng dẫn sự kiện cụ thể làm căn cứ là một thách đố lớn. Hãy so sánh:
- Người A: Tháng trước, tôi bị công an gọi làm việc vì chỉ trích chế độ và có nguy cơ ở tù nên phải đi lánh nạn. Nếu phải hồi hương lúc này, chắc chắn sẽ bị nguy hiểm.
- Người B: Cách đây 30 năm, tôi rời khỏi Việt Nam trước nguy cơ ở tù vì chỉ trích chế độ. Bây giờ nếu phải hồi hương, tôi e rằng sẽ gặp nguy hiểm.
Khó khăn cho Người B là, sau 30 năm vắng mặt, nỗi lo sợ đi tù chỉ là suy diễn.
Hình 1 – Các cựu thuyền nhân tại buổi họp với phái đoàn của Ông Nam Lộc, Thái Lan, ngày 05/05/2023
Có cần quy chế tị nạn của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ?
Hoa Kỳ và các quốc gia nhận định cư, còn được gọi là “quốc gia đệ tạm”, đều đích thân thẩm định tư cách tị nạn trong tiến trình cứu xét tái định cư. Cuộc thẩm định này độc lập với việc cứu xét tư cách tị nạn của CUTN/LHQ. Về nguyên tắc, người không được công nhận tư cách tị nạn bởi CUTN/LHQ vẫn có thể được cứu xét định cư bởi Hoa Kỳ hoặc một quốc gia đệ tam.
Về thực tiễn ở Thái Lan (và nhiều quốc gia tạm dung không ký Công Ước LHQ về Người Tị Nạn), quốc gia chủ nhà chỉ cho phép tái định cư những ai đã được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn và giới thiệu đến quốc gia đệ tam. Các quốc gia đệ tam không được phép qua mặt quốc gia chủ nhà.
Trong một số trường hợp hiếm hoi và đặc biệt, chính phủ Thái Lan cho phép tái định cư người không quy chế tị nạn của CUTN/LHQ. Những trường hợp này vẫn cần có sự hợp tác và đồng thuận của CUTN/LHQ.
Chương trình Welcome Corps
Gần đây, có người hứa hẹn sẽ tìm nhóm bảo lãnh cho tất cả các cựu thuyền nhân kẹt lại Thái Lan, gồm 18 gia đình, theo chương trình Welcome Corps. Lời hứa hẹn này làm cho các cựu thuyền nhân đinh ninh sẽ được tái định cư Hoa Kỳ. Thực ra, tìm nhóm bảo lãnh không đồng nghĩa với tái định cư vì 2 cửa ải khó vượt qua.
Cửa ải thứ nhất: Ghi danh với CUTN/LHQ trước mốc điểm 30/09/2023
Mốc điểm 30/09/2023 được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặt ra để tránh “hiệu ứng nam châm”: nhiều người chạy sang các quốc gia tạm dung vì tin đồn sẽ được Hoa Kỳ tái định cư qua chương trình Welcome Corps. Nhưng mốc điểm này đã bị diễn giải sai để thuyết phục các cựu thuyền nhân rằng họ đủ điều kiện vì đã đến Thái Lan từ mấy chục năm trước.
Trang mạng của Welcome Corps mới đây giải thích rõ hơn để tránh hiểu lầm: người muốn tham gia phải có thẻ do CUTN/LHQ cấp trước mốc điểm và thẻ đó phải hiệu lực và hiện hành (valid and current) — người cầm nó đang được CUTN/LHQ cứu xét cho một giải pháp dài lâu. Xem: https://welcomecorps.org/refugee-eligibility-tool/
Hình 2 – Trang mạng Welcome Corps giải thích về “ghi danh” với CUTN/LHQ trước mốc điểm 30/09/2023
Ở Thái Lan, thẻ do CUTN/LHQ cấp có hiệu lực 1 năm cho những ai đang trong tiến trình cứu xét tư cách tị nạn và 1.5 năm cho những ai được công nhận tư cách tị nạn. Các cựu thuyền nhân không quy chế tị nạn đều không có thẻ hiệu lực và hiện hành do CUTN/LHQ cấp. Họ không qua được cửa ải thứ nhất.
Cửa ải thứ 2: Chứng minh tư cách tị nạn
Nếu qua được cửa ải thứ nhất, họ còn phải chứng minh tư cách tị nạn vì Welcome Corps vẫn là chương trình tái định cư tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ. Trang mạng Welcome Corps mới đây xác định là chỉ những ai hội đủ tiêu chuẩn tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ thì mới được tham gia. (Xem: https://welcomecorps.org/resources/sponsor-someone-you-know/).
Hình 3 – Trang mạng Welcome Corps giải thích về đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ để tham gia
Đường link “definition of a refugee under U.S. law” dẫn đến văn bản luật tị nạn của Hoa Kỳ với các tiêu chuẩn của nó: https://uscode.house.gov/view.xhtml?req=granuleid%3AUSC-prelim-title8-section1101&num=0&edition=prelim.
Nếu khai khống để được lọt vào chương trình Welcome Corps thì đương đơn vẫn sẽ bị Sở Di Trú Hoa Kỳ khảo hạch cặn kẽ theo các tiêu chuẩn này khi hồ sơ được cứu xét. Đó là những tiêu chuẩn dựa trên Công Ước LHQ về Người Tị Nạn mà CUTN/LHQ sử dụng.
Triển vọng duy nhất
Những cựu thuyền nhân không quy chế tị nạn của CUTN/LHQ hầu như không có cơ hội tái định cư theo chương trình tị nạn của bất kỳ quốc gia nào. Biết thế cho nên cuối năm 2012 chính phủ Canada ký Bản Ghi Nhớ (MOU) với Liên Hội Người Việt Canada (Vietnamese Canadian Federation, VCF) cho một chương trình định cư nhân đạo không đòi hỏi tư cách tị nạn. Các điều kiện để tham gia là:
- Đã từ Việt Nam và đến Thái Lan trong khoảng thời gian 1984 – 1991,
- Đang sống lưu lạc ở Thái Lan, và
- Đang không có quy chế hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào, và cũng không có quy chế tị nạn của LHQ.
Chương trình này bị đóng lại năm 2017 sau khi VOICE tuyên bố đã hoàn tất tái định cư tất cả các cựu thuyền nhân kẹt lại Thái Lan.
Giải pháp kép cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi
Cuối năm 2017, BPSOS đài thọ cho Ông Nam Lộc đến Thái Lan để cùng với LM Namwong và tôi bàn về giải pháp cho các cựu thuyền nhân bị bỏ rơi. Giải pháp này gồm 2 phần:
- BPSOS can thiệp pháp lý để yêu cầu CUTN/LHQ mở lại những hồ sơ có triển vọng được công nhận tư cách tị nạn.
- VOICE gây quỹ để tái định cư số hồ sơ còn lại theo chương trình nhân đạo của Canada.
Ông Nam Lộc thuật lại giải pháp kép này như sau:
“… lúc đó tôi có đi trong chuyến đi cùng với anh Nguyễn Đình Thắng sang Bangkok, Thái Lan, thì Cha Peter Namwong có yêu cầu gặp tôi và anh Nguyễn Đình Thắng — thì Cha có nói rằng đồng bào bên này mình còn nhiều quá cho nên chắc là nhờ 2 anh có cách gì giúp đỡ. Thì tôi với anh Thắng nói chuyện. Tôi còn nhớ hôm đó còn có cả ông Đại Sứ Joseph Rees — cựu Đại Sứ Joseph Rees — cũng có mặt. Thì anh Thắng với tôi có bàn với nhau là, anh Thắng thì anh ấy lo về legal assistance tức là trợ giúp pháp lý đó, cố vấn pháp lý. Còn anh Thắng nói là tôi sẽ nói với tổ chức VOICE để tìm người bảo trợ.” (Xem:
, phút 10:29 – 11:56)
Giữ lời, BPSOS đã can thiệp thành công cho 6 hồ sơ và tiếp tục can thiệp thêm 3 hồ sơ nữa về quy chế tị nạn – đấy là những hồ sơ mà luật sư của chúng tôi tìm ra căn cứ khả dĩ đáp ứng định nghĩa người tị nạn theo công ước LHQ. Các hồ sơ nào có quy chế tị nạn nay có cơ hội định cư theo chương trình tái định cư tị nạn của các quốc gia đệ tam, kể cả chương trình Welcome Corps của Hoa Kỳ.
Về phần VOICE thì Ông Nam Lộc tường thuật, cũng trong chương trình phỏng vấn kể trên:
“Về thì, thưa quý vị cũng như anh Dũng, là mỗi một đầu người khoảng 10 ngàn đô la cho nên đi gây quỹ tối đa đến gần được 500 ngàn tại vì nếu chúng ta bảo trợ đó thì chúng ta phải [có] 10 ngàn đô la một đầu người. Thì được 500 ngàn, chúng ta chỉ có thể bảo trợ cho 50 người mà thôi. Nhưng mà thôi, có bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.”
Phần lớn những cựu thuyền nhân mà lẽ ra VOICE đã phải tái định cư với số tiền gây quỹ vẫn còn lưu lạc ở Thái Lan đến ngày hôm nay.
Hình 4 – Chương trình gây quỹ của VOICE để tái định cư các cựu thuyền nhân
Cần thức thời
Các cựu thuyền nhân không quy chế tị nạn cần thức thời để hiểu rằng cơ hội tái định cư duy nhất của họ là chương trình định cư nhân đạo của chính phủ Canada vì nó không đòi hỏi tư cách tị nạn. Tiếc rằng, chương trình này đã đóng lại cách đây gần 7 năm.
Họ cũng cần hiểu rằng lời hứa hẹn “đứng ra vận động để tìm người bảo trợ cho toàn bộ 18 gia đình, gồm 45 thuyền nhân/bộ nhân thời thập niên 1990” chỉ là kế hoãn binh. Khi sự thật hiển lộ thì nước đã chảy qua chân cầu. Người hứa hẹn sẽ đổ lỗi, viện cớ và nói đôi câu cho qua chuyện. Lúc ấy cộng đồng người Việt ở hải ngoại chẳng còn quan tâm, chẳng còn thiết tha là xong chuyện.
Trước khi quá trễ, các cựu thuyền nhân này cần đặt câu hỏi với chính người hứa hẹn để phối kiểm:
- Có văn bản nào của Welcome Corps hoặc của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác nhận các cựu thuyền nhân không quy chế tị nạn vẫn hội đủ tiêu chuẩn tham gia Welcome Corps? Nói phải có sách, mách phải có chứng.
- Có chuyên gia độc lập nào giúp thẩm định hồ sơ của mỗi người về triển vọng đáp ứng tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ? Tuy chuyên gia này không có thẩm quyền quyết định, họ có thể cho ý kiến về xác suất vượt qua được cuộc khảo hạch của Sở Di Trú Hoa Kỳ.
Kết luận
Dựa vào câu trả lời, các cựu thuyền nhân không quy chế tị nạn của CUTN/LHQ sẽ biết mình phải làm gì.
Nếu xét thấy mình đủ căn cứ để chứng minh tư cách tị nạn thì hãy yêu cầu CUTN/LHQ mở lại hồ sơ xin tị nạn. Có quy chế tị nạn của CUTN/LHQ thì sẽ không tuỳ thuộc sự cho phép đặc biệt của chính phủ Thái Lan để được tái định cư.
Nếu xét thấy mình không đáp ứng được tiêu chuẩn tị nạn theo Công Ước LHQ về Người Tị Nạn thì hãy dồn sức kêu gọi chính phủ Canada mở lại chương trình đinh cư nhân đạo trước đây vì đó là lối thoát duy nhất.
Và cần làm ngay trước khi thân phận của mình chìm vào lãng quên đối với mọi người ở ngoài này.
Bài liên quan:
Khi người ta đổi giọng…
https://machsongmedia.com/vietnam/bao-ve-nguoi-ti-nan/2116-khi-nguoi-ta-doi-giong-2