Tháng 6/2023, ba luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ khi đang bị công an tỉnh Long An truy tìm. Luật sư Đặng Đình Mạnh đã bào chữa cho nhiều nhà bất đồng chính kiến, trong vài năm gần đây thường được biết đến là một trong các luật sư cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Ngày 30-31/1/2024 vừa qua, ông có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế và phát biểu tại các hội luận do BPSOS tổ chức.
Sau đây là phỏng vấn với Luật sư Đặng Đình Mạnh, do Hải Di Nguyễn thực hiện.
Hình từ Facebook ông Đặng Đình Mạnh.
HDN: Ở Việt Nam, ông bị những thách thức và trở ngại gì khi làm luật sư bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến như Lê Đình Lượng, Huỳnh Thục Vy, Trương Duy Nhất…?
LS.ĐĐM: Trong một xã hội bình thường, thì luật sư chuyên nghiệp không từ chối các thân chủ chỉ vì họ bị cáo buộc với các tội danh chống lại chính quyền. Nhưng chúng ta đang sống trong một xã hội bất bình thường, đến mức độ, nếu nhận bào chữa cho các thân chủ ấy sẽ dễ bị đánh giá như là đồng tình với thân chủ.
Do vậy, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi nhận bào chữa trong các vụ án chính trị, từ việc lập thủ tục bào chữa, cho đến việc tiếp cận hồ sơ vụ án và tiếp xúc với thân chủ. Không chỉ vậy, tôi còn bị sách nhiễu bên ngoài phạm vi phiên tòa xét xử như thường xuyên bị theo dõi, bị đột nhập lục lọi hồ sơ trong khách sạn tại Hà Nội trong vụ án Đồng Tâm; Bị cướp hồ sơ và laptop tại Hà Nội trong vụ án bào chữa cho nhóm Hội Anh Em Dân Chủ; Bị ngừng xe với lý do gây tai nạn bỏ chạy trong vụ án bào chữa cho cô Huỳnh Thục Vy; Bị bắn vỡ kính xe ô tô trong vụ bào chữa cho 20 người biểu tình chống Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng; Bị các nhân viên an ninh đến nhà để ngăn cản đến làm việc với Quốc vụ khanh Đức mời (vụ này trở thành một sự cố ngoại giao vì Bộ ngoại giao Đức sau đó đã gởi kháng thư để phản đối)…
Cho nên, để yên thân, nhiều luật sư trong nước đã phải tránh né nhận bào chữa cho các thân chủ bị cáo buộc với các tội danh chống lại chính quyền.
HDN: Vì sao ông quyết định bào chữa cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/ Tịnh Thất Bồng Lai?
LS.ĐĐM: Từ đầu, khi tiếp nhận vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ/ Tịnh Thất Bồng Lai, thì tôi vẫn cho rằng đây là một vụ án hình sự bình thường mà thôi. Tôi không quá suy nghĩ về việc nên hay không nên nhận vụ án. Hơn nữa, tôi cũng không để những thông tin tiêu cực về họ đang lan truyền trên mạng khi ấy làm ảnh hưởng đến việc nhận bào chữa trong vụ án.
HDN: Ông có thể nói một chút về vụ Thiền Am được không, từ góc nhìn một luật sư? Họ hiện nay như thế nào?
LS.ĐĐM: Sau khi tiếp nhận vụ án, xem xét cẩn thận mọi mặt của hồ sơ cáo buộc họ do Cơ Quan An Ninh Điều Tra tỉnh Long An thực hiện, đồng thời, theo dõi tất cả các bước tố tụng của họ, tôi phát hiện ra rằng đây là một vụ án bị tạo dựng chứng cứ giả mạo một cách có hệ thống, xuyên suốt để đạt cho được mục tiêu xóa sổ Thiền Am tại địa phương. Có thể nói, đây là một vụ án oan và là một vụ đàn áp quyền tự do tôn giáo điển hình của chính quyền Việt Nam.
Sau khi phát hiện, tôi đã tố cáo sự việc đến tất cả các cơ quan bảo vệ pháp luật tại trung ương. Đáp lại là sự im lặng. Sau đó, các chi tiết tôi nêu trong các đơn từ đã trở thành chứng cứ để họ điều tra hình sự ngược lại đối với tôi.
Tình hình tại Thiền Am lúc này rất bi đát. Sáu người là lao động chính, trụ cột của Thiền Am đều đang bị giam giữ thông qua những phiên tòa xét xử một cách đầy bất công. Số còn lại, ngoài ông cụ Lê Tùng Vân hơn 90 tuổi đau yếu, bệnh hoạn và nằm một chỗ, thì đều là phụ nữ và trẻ con. Sau nhiều đợt tấn công, đàn áp một cách vô pháp vào Thiền Am, thì tất cả họ hiện nay đều rúm ró, sợ sệt… kể cả khi có khách đến thăm.
HDN: Ông có thể kể lại khoảng thời gian ông bị công an Long An truy tìm cùng các luật sư khác, cho tới lúc thoát sang Mỹ được không?
LS.ĐĐM: Năm 2021, tôi bị Bộ Công an ra quyết định cấm xuất cảnh. Tháng 02/2022, Bộ Công an ra văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Long An tiến hành điều tra hình sự với tôi và các đồng nghiệp về tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự.
Thời điểm ấy, đánh giá về những dấu hiệu đã xảy ra, tôi hiểu thân phận pháp lý của tôi đang rơi vào tình trạng rủi ro rất cao. Do đó, tôi buộc lòng phải lánh đi để tránh việc phải sa vào vòng lao lý hết sức bất công. Đến trung tuần tháng 06/2023, tôi được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho tỵ nạn chính trị và tôi đã ở Hoa Kỳ từ ấy cho đến nay.
Ông Đặng Đình Mạnh phát biểu trong hội luận về Các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
HDN: Vì sao ông quyết định tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế?
LS.ĐĐM: Khi được mời đến tham gia hội nghị để trình bày về sự đàn áp quyền tự do tôn giáo của chính quyền trong nước, tôi đã nhận lời ngay, vì biết mình có thể đóng góp nhiều cho hội nghị bằng những trải nghiệm thực tế, sống động mà tôi là nhân chứng đã chứng kiến trong quá trình hành nghề luật sư của mình.
Tôi chỉ tiếc rằng thời gian của hội nghị quá hữu hạn để tôi có thể trình bày thêm về nhiều vụ đàn áp tôn giáo khác.
HDN: Ông có suy nghĩ gì về các buổi hội luận của BPSOS tại Hội nghị Thượng đỉnh?
LS.ĐĐM: Phải nói rằng tôi thật sự ấn tượng về sự đóng góp của tổ chức BPSOS trong một hội nghị quốc tế lớn lao như vậy, khi tham gia với tư cách là nhà đồng tổ chức hội nghị. Tôi biết điều ấn tượng đó là thành quả từ sự vận động khéo léo của TS Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch và CEO của BPSOS, cũng như công sức của các cộng sự và nhiều thiện nguyện viên đến từ nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ.
Qua trao đổi ngắn ngủi với TS Nguyễn Đình Thắng, nghe các sách lược được hoạch định từ anh ấy, tôi tin rằng nhiều nan đề của Việt Nam sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn.
Xem lại các buổi hội luận của BPSOS tại đây.