Ngoài các hoạt động xã hội dân sự và vận động quốc tế về tự do và nhân quyền ở Việt Nam nhiều người đã biết đến, tổ chức BPSOS (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển) cũng thực hiện nhiều chương trình ở Hoa Kỳ, đặc biệt cho cộng đồng người Việt, ở 6 tiểu bang là Alabama, Mississippi, Georgia, California, Texas, và Virginia.
Văn phòng Falls Church, Virginia là văn phòng đầu tiên của BPSOS, thành lập từ thập niên 1980. Bên cạnh phục vụ đồng hương về chương trình sức khỏe, vấn đề nhập tịch, BPSOS-Falls Church còn có hai chương trình đặc biệt mà các chi nhánh khác không có: phân phát thực phẩm và hướng dẫn phương tiện giao thông.
Thực phẩm
Bà Phượng (sinh năm 1959), rơm rớm nước mắt, kể “Tôi không đi làm mấy năm nay. Tôi bịnh, tôi sống nhờ bạn. Hồi xưa tôi đi làm, tôi còn chút đỉnh. Từ đó tôi sống nhờ bạn, bạn giúp mấy năm, rồi bạn cũng có lên tiếng là tôi phải lo. Tôi không đủ khả năng. Tôi gặp [BPSOS-Falls Church], tôi mới kể hoàn cảnh cho họ nghe.”
Trong 6-7 năm, bà phải sống nhờ bạn vì bị đau khớp, không thể đi làm nhưng cũng không có bảo hiểm. “Bạn cho tôi chỗ ở. Lương thực tôi mua được cái gì, tôi mua. Còn lại bạn mua về, tôi nấu, giống như là tôi đổi lấy công gìn giữ, lau chùi [trong nhà].”
“Trong khoảng thời gian đó, tôi đi về Việt Nam một lần mấy tháng. Về bên gia đình. Với lại ở Việt Nam, thuốc men rẻ hơn. Lúc đó tôi không có bảo hiểm.”
Bà Phượng đầu tiên biết đến BPSOS-Falls Church qua chương trình tiêm ngừa Covid, và họ “giúp xin bảo hiểm, xin cho tôi được tiền SSI [supplemental security income, tức trợ giúp an sinh], xin cho tôi [phiếu thực phẩm], và mỗi hai tuần ở đây phát lương thực.” Bà nói “Cuộc sống của tôi hiện giờ tạm ổn.”
Cô Mai Tâm Nguyễn, nhân viên của BPSOS-Falls Church cho biết họ đã cung cấp thức ăn miễn phí, hai tuần một lần, cho người có thu nhập thấp từ năm 2015, ban đầu hoàn toàn nhờ vào mạnh thường quân. Đến năm 2023, họ có sự tài trợ của quận Fairfax và hiện nay đang giúp 150 người ở quận Fairfax, 20 người ở quận Arlington. Hai tuần một lần, mỗi người khoảng 11-12 loại thực phẩm phù hợp với người Việt.
Phương tiện giao thông
Cô Mai Tâm Nguyễn cho biết BPSOS-Falls Church có chương trình phương tiện giao thông công cộng cho người cao niên (50 tuổi trở lên) có thu nhập thấp hoặc cho người khuyết tật, do một tổ chức từ tiểu bang Washington, D.C. tài trợ cho cộng đồng người Việt. Chương trình này bao gồm vài chương trình nhỏ và BPSOS-Falls Church hiện làm việc với nhiều tổ chức địa phương khác nhau để thực hiện:
Một là chương trình TOPS (Transportation Options, Programs & Services) ở quận Fairfax: khách cho vào thẻ 80 USD, quận Fairfax hỗ trợ thêm 320 USD, tổng cộng thành 400 USD/ năm để dùng cho Uber, Lyft, hoặc taxi.
Cư dân quận Arlington có chương trình STAR (Specialized Transportation for Arlington Residents): thẻ để đi xe buýt hoặc taxi.
Một chương trình khác là MetroAccess, giúp cho người khuyết tật và không giới hạn độ tuổi có phương tiện đi nhiều nơi khác nhau. Cô Mai Tâm nói “Ví dụ họ có thể đi bác sĩ, đi nhà thờ, đi chùa, đi chợ, đi thăm gia đình, bạn bè, người thân, v.v.”
Ngoài ra là chương trình Modivcare cho những người có bảo hiểm Medicaid: không có thẻ mà chỉ đặt hẹn cho taxi đưa đón đi bác sĩ, đi bệnh viện, đi xét nghiệm, hoặc đi lấy thuốc.
Ông Tuấn (sinh năm 1953) nói về chương trình TOPS “Khi vợ tôi bị [đột quỵ], chương trình này giúp tôi gần như hàng ngày, đi thăm vợ… Ban đầu bệnh viện cũng gần, chỉ cách 15-20 phút, không xa lắm. Sau đó khi vợ tôi đi rehab, đi khoảng 45 phút, lúc đó chương trình rất tốt.”
Cô Mai Tâm Nguyễn nói “Chúng tôi có một khách hàng là người khuyết tật. Cô sống với gia đình, gồm có mẹ và anh trai, và không bao giờ đi làm vì chồng cũ không cho đi làm.”
Người khách này phải phụ thuộc vào gia đình để đi lại và “ngay cả những buổi đi bác sĩ hay hẹn chích ngừa của cô cũng đều bị dời lại. Khi cô làm hẹn với chúng tôi để chích ngừa Covid, cô cũng phải [hủy] vài lần.”
Nhờ thẻ TOPS, không chỉ có thể tự mình đi bác sĩ, “cô cũng bắt đầu ra ngoài làm thiện nguyện viên cho nhiều hội đoàn khác nhau. Cô kể cho chúng tôi rằng cô cảm thấy như người bình thường. Cô làm việc được và cảm thấy có ích cho xã hội này. Ngoài ra, bệnh trầm cảm của cô cũng giảm… và cô cảm thấy rất hạnh phúc.”
Các chương trình khác
BPSOS-Falls Church cũng có chương trình giúp nạn nhân bạo hành gia đình, chương trình bảo hiểm y tế, chích ngừa Covid, chích ngừa cảm cúm. Bên cạnh đó là hai chương trình không được tiền tài trợ nhưng có thiện nguyện viên: dạy tiếng Anh và dạy thi quốc tịch hoàn toàn miễn phí.
Ông Tuấn cho biết đã được họ trợ giúp rất nhiều. “Chúng tôi đã được trợ giúp ghi danh SSI [an sinh xã hội]. Mới đây là food stamp [phiếu thực phẩm]. Sau đó chúng tôi được trợ giúp Medicare. Trước đó là [bảo hiểm sức khỏe], Obamacare. Sau đó thì Medicare, khi tôi đủ tuổi 65. Sau đó Medicaid.”
Medicare là bảo hiểm y tế cho người từ 65 tuổi trở lên và người khuyết tật, không tính đến mức thu nhập. Medicaid là bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp.
“Nếu không có Medicaid, khi bà xã tôi bị [đột quỵ], kinh khủng lắm. Có Medicaid, mình cảm thấy an tâm hơn,” ông Tuấn nói. Nếu không có Medicaid, “riêng phần bệnh viện đã gần 300.000. Mổ hai lần. Chưa tính chuyện chụp hình, thuốc men, nằm ở rehab…”
Vài số liệu
BPSOS-Falls Church cho biết trong năm vừa qua, họ đã giúp:
- 492 người cao niên có phương tiện giao thông.
- 38 người khuyết tật có phương tiện đi lại.
- Hơn 120 nạn nhân bạo hành gia đình.
- Hơn 1,500 người chích ngừa Covid.
- Hơn 170 gia đình có bộ xét nghiệm Covid miễn phí tại nhà.
Cô Mai Tâm Nguyễn nói mình từng làm việc ở BPSOS-Falls Church năm 2004-2008, sau đó chuyển sang làm cho trung tâm phục hồi chức năng tâm thần. “Làm ở đó 5 năm, tôi quyết định quay lại văn phòng BPSOS. Mình đi ra ngoài mới thấy người Việt Nam thiệt thòi hơn những sắc dân khác rất nhiều. Có những cái họ cần được giúp đỡ, nhưng không có người giúp đỡ.”
Cô cho biết chương trình giao thông công cộng có 100% là người Việt, còn khách hàng của BPSOS-Falls Church nói chung có khoảng 96% là người Việt.