Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc có khuyến nghị gì cho Việt Nam?

Hải Di Nguyễn

Ngày 29-30/11/2023, Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, viết tắt là CERD) đã có phiên rà soát nhà nước Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ.

Trong một bài viết gần đây, tôi đã viết vài suy nghĩ, nhận định riêng về sự kiện này, từ góc nhìn một người có tham dự.

Vậy CERD nghĩ gì về tường trình và các câu trả lời của nhà nước Việt Nam? Và họ có những khuyến nghị gì?

Khía cạnh tích cực

CERD hoan nghênh một số điều luật như:

(a) Luật Cư trú (số 68/2020/QH14);

(b) Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án (Số 58/2020/QH14);

(c) Luật Xử lý vi phạm hành chính (Số 67/2020/QH14);

(d) Luật Thi hành án hình sự (số 41/2019/QH14).

 

Các khuyến nghị

Thống kê

CERD khuyến nghị nhà nước Việt Nam cần cải thiện việc thu thập, xác minh dữ liệu. CERD cũng yêu cầu họ cung cấp, trong báo cáo tiếp theo, số liệu thống kê toàn diện và chính xác về dân số phân chia theo giới tính, tuổi tác, tôn giáo, sắc tộc, quốc tịch, và các chỉ số kinh tế xã hội để đánh giá chênh lệch giữa các nhóm và tác động của các chính sách nhà nước.

 

Khiếu nại về kỳ thị chủng tộc

CERD nhắc nhở rằng ít có khiếu nại chính thức về nạn kỳ thị chủng tộc không có nghĩa là không có kỳ thị chủng tộc.

Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận công lý của người dân; bảo đảm cho người tham gia tố tụng tại tòa án có quyền dùng tiếng mẹ đẻ; đào tạo cho luật sư, cố vấn pháp lý, thẩm phán… về vấn đề phân biệt, theo luật quốc tế; nâng cao nhận thức của người dân; điều tra, truy tố, và trừng phạt những hành vi trả thù với nạn nhân làm đơn khiếu nại.

 

Án tử hình

Ủy ban khuyến nghị Việt Nam thu thập và cung cấp dữ liệu về các cá nhân bị án tử hình, phân chia theo sắc tộc và nguồn gốc quốc gia; rà soát, sửa đổi lại các luật và chính sách dẫn tới sự chênh lệch về sắc tộc trong việc kết án và tuyên án hình sự. 

 

Ngôn ngữ, tội ác thù hận

Ủy ban khuyến nghị Việt Nam thông qua luật cấm ngôn ngữ phân biệt chủng tộc và kích động hận thù hay bạo lực chủng tộc; bảo đảm phải điều tra, truy tố, và trừng phạt ngôn ngữ thù hận và các tội phạm có động cơ liên quan đến chủng tộc, bao gồm tội phạm của Hội Cờ đỏ; đào tạo cho các cán bộ thực thi pháp luật và cơ quan công quyền; thực hiện các biện pháp thúc đẩy đa dạng sắc tộc và văn hóa, khoan dung, và hiểu biết giữa các cộng đồng…

 

Phân biệt chủng tộc

Lo ngại về cáo buộc chính quyền địa phương phân biệt chủng tộc, ngược đãi, tra tấn… khi điều tra về vụ tấn công ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023, Ủy ban khuyến nghị Việt Nam phải điều tra, truy tố, và trừng phạt những cán bộ thực thi pháp luật phân biệt chủng tộc, lạm dụng quyền lực, và ngược đãi; bảo đảm nạn nhân được đền bù và không bị trả thù nếu báo cáo những trường hợp trên; đào tạo các cán bộ…

 

Bình đẳng về các vấn đề công cộng và chính trị

Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam cần có biện pháp thúc đẩy sự tham gia bình đẳng vào các vấn đề công cộng và chính trị, để các cộng đồng sắc tộc thiểu số có sự đại diện tương xứng ở các cấp chính quyền và có thể tham gia quá trình ra những quyết định ảnh hưởng đến họ.

 

Không gian dân sự

Ủy ban kêu gọi nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền của những người hoạt động vì quyền của người sắc tộc thiểu số, người bản địa, và người không phải công dân, và chấm dứt hành vi bạo lực, hăm dọa, giám sát, quấy rối, và trả thù một cách hệ thống với họ; điều tra, truy tố các vụ việc được báo cáo, và trừng phạt khi có kết án.

 

Tự do đi lại

Ủy ban khuyến nghị Việt Nam thực hiện các bước để bảo đảm mọi hạn chế xuất cảnh với các cá nhân thuộc sắc tộc thiểu số là cần thiết và phù hợp cho mục đích chính đáng; xem xét và sửa đổi Luật xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, đặc biệt điều 36(6) về những người bị đình chỉ xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia, vì quá rộng và mơ hồ.

 

Tự do tôn giáo

Nhận thấy sự đan xen giữa vấn đề tôn giáo và sắc tộc, Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người thuộc các nhóm sắc tộc – tôn giáo thiểu số được quyền sinh hoạt tôn giáo, công khai và riêng tư, dù có đăng ký hay không; ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và lạm dụng quyền lực của các cơ quan thực thi pháp luật; bảo đảm những hành vi quấy rốt, đe dọa, cưỡng ép bỏ đạo đều bị điều tra, truy tố, và trừng phạt; đào tạo các quan chức thực thi pháp luật…

 

Quyền kinh tế và xã hội

Ủy ban khuyến nghị Việt Nam tiếp tục các biện pháp giải quyết chênh lệch kinh tế xã hội giữa các nhóm sắc tộc và thường xuyên đánh giá mức độ hiệu quả để điều chỉnh.

 

Vấn đề người bản địa

Nhắc đến người bản địa ở Việt Nam, bao gồm người Thượng và người Khmer Krom, Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam công nhận người bản địa trên nguyên tắc tự xác định; bảo đảm sự tham gia của các cá nhân tự nhận mình là người bản địa trong toàn bộ quá trình soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi); bảo đảm, về mặt luật pháp và trên thực tế, quyền lợi của người bản địa, bảo đảm họ có thông tin đầy đủ, đồng ý, được đền bù thỏa đáng và được tham vấn trong suốt quá trình xây dựng kế hoạch tái định cư.

 

Nạn buôn người

Ủy ban bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng phần lớn nạn nhân cưỡng ép lao động và cưỡng ép hôn nhân là phụ nữ thuộc sắc tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc; và về việc thiếu thông tin về tình trạng buôn bán người vào các đường dây lừa đảo ở Đông Nam Á.

Họ khuyến nghị Việt Nam tăng cường nỗ lực xóa bỏ nạn buôn người; giải quyết những yếu tố khiến người dân dễ rơi vào tình trạng này, như nghèo đói và bị phân biệt; áp dụng nguyên tắc không trừng phạt cho nạn nhân buôn người; bảo đảm nạn nhân được hỗ trợ, giúp đỡ, không bị trả thù; điều tra, truy tố, và trừng phạt thủ phạm buôn bán người.

 

Nhân quyền

Ủy ban khuyến nghị nhà nước Việt Nam đẩy nhanh việc thành lập một tổ chức nhân quyền độc lập, với đủ tài chính và nhân viên, để thúc đẩy nhân quyền; xem xét lại chương trình đào tạo để thúc đẩy giáo dục về nhân quyền, đặc biệt về vấn đề phân biệt chủng tộc; bảo đảm chương trình học phản ánh chính xác lịch sử, văn hóa, cũng như sự đóng góp của các sắc tộc thiểu số và người bản địa trong việc xây dựng đất nước.

Ngoài ra là một số điều khác về luật và báo cáo.

Toàn bộ phần kết luận và khuyến nghị của CERD có thể xem ở đây: https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/SessionDetails1.aspx?SessionID=2660&Lang=en (Concluding Observations)

Viết một bình luận