Tiểu khu 179 trong bản tin của Truyền hình Nhân dân

Hải Di Nguyễn

Tháng 11/2023, kênh Truyền hình Nhân dân đã có một bản tin, đăng trên kênh YouTube Đảng với Dân ngày 10/11 với tựa đề “Bản làng không tên của những người di dân”, về Tiểu khu 179.

Tiểu khu 179 là một bản làng của người H’mông ở Liêng Srônh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Nhưng bản tin này có gì đặc biệt?

Truyền hình Nhân dân nói gì?

Giới thiệu sơ về Tiểu khu 179, phát thanh viên nói “Những người dân nơi đây phải đối mặt với vô vàn khó khăn, là hệ quả của việc di dân tự do tới sinh sống ở vùng xa xôi hẻo lánh, chưa được phép định canh định cư, và cách xa những chính sách an sinh xã hội của nhà nước.”

Theo Truyền hình Nhân dân, Tiểu khu 179 hiện có 132 hộ dân, hơn 600 dân cư, và gần 150 trẻ em đang ở độ tuổi học tiểu học.

“Mặc dù địa bàn nằm trên huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, nhưng con đường duy nhất để dẫn vào 179 lại là con đường đi qua huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Từ con đường phải đi thêm 12 km đường đất, qua một cây cầu tạm do người dân 179 tự đóng góp xây dựng vào năm 2018. Trước đó cách duy nhất để vào khu vực này là dùng bè và xây thừng để băng qua lòng sông Sêrêpôk.”

Đời sống khó khăn và “trạm y tế của xã cũng cách xa hàng chục cây số.”

Quan trọng hơn, bản tin không chỉ nói về vị trí xa xôi hẻo lánh và điều kiện thiếu thốn của Tiểu khu 179, mà còn nhắc tới thực trạng nhiều người H’mông ở đó không có hộ khẩu và không có căn cước công dân, không thể làm giấy khai sinh, và không được dễ dàng đi khám bác sĩ.

 

Bản tin cho thấy điều gì?

Screenshot 2023 11 22 110035

Bản tin nói căn cước công dân của anh Sùng A Tủa là một “tài sản đặc biệt” ở Tiểu khu 179. 

Như có thể thấy trong bản tin, truyền thông nhà nước đã thừa nhận là đúng những điều BPSOS lâu nay đã đưa tin và viết trong báo cáo về Tiểu khu 179.

Trong bài viết về ông Ma Seo Cháng và ông Ma A Sính, hai người H’mông từng sống ở Tiểu khu 179 và từ năm 2023 tỵ nạn tại Thái Lan, tôi đã viết:  

“Ông Ma Seo Cháng cho biết, bắt đầu từ năm 2011, họ đã liên tục nhiều năm làm đơn xin quy hoạch đất để thành lập thôn và xin cấp giấy tờ hộ khẩu, nhưng không thành công.

Không có giấy tờ tùy thân, ông Ma Seo Cháng và ông Ma A Sính và vô số người H’mông khác phải sống trong tình trạng vô quốc tịch: không được làm thẻ ngân hàng, không thể đứng tên mua xe máy, không thể đăng ký kết hôn, không được có bảo hiểm y tế, con cái cũng không được đi học…”

Trong các báo cáo đã gửi lên LHQ, bao gồm các báo cáo gửi cho phiên rà soát ngày 29-30/11/2023 về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, BPSOS cũng viết về việc người H’mông theo đạo Tin lành phải sống trong tình trạng vô quốc tịch ở Tiểu khu 179.

Bản tin cũng thừa nhận là người dân đã sống ở đó 20 năm nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết, và cây cầu dẫn vào Tiểu khu 179 là do chính người dân góp tiền xây dựng.

 

Phản ứng về bản tin của kênh Truyền hình Nhân dân

Screenshot 2023 11 22 110153

Bản tin nói, trước khi cây cầu này được người dân tự góp tiền xây dựng, cách duy nhất để vào khu vực này là dùng bè và xây thừng để băng qua lòng sông Sêrêpôk.

Trả lời phỏng vấn ngày 15/11/2023, ông Ma Seo Cháng cho rằng bản tin của Truyền hình Nhân dân là một cách trả lời video của ông.

Theo lời ông, ngày 30/4/2023, chính quyền huyện Đam Rông và công an xã Liêng Srônh đến chụp hình cạnh cây cầu và lên báo “bảo là họ đến Tiểu khu 179 rồi, cùng nhân dân sửa cầu sửa trường”.

“Anh em tôi thấy điều đó hoàn toàn sai sự thật nên mình nói lại, cái đó hoàn toàn sai sự thật, chính quyền nói dối.”

Ông cho rằng phóng viên đã nhìn thấy lời chỉ trích đó nên mới tới “khảo sát tình hình trong đó”, và bản tin thể hiện đúng thực trạng của người H’mông ở Tiểu khu 179.

Luật gia Trương Minh Tam, một trong những người cố vấn pháp lý cho dự án Tiểu khu 179 do tổ chức ADF (Alliance Defending Freedom) tài trợ, nói ngày 17/11/2023:

“Báo chí Việt Nam đã buộc phải nhắc tới tình trạng vô quốc tịch của Tiểu khu 179. Tuy nhiên cách tiếp cận dễ làm người ta hiểu lầm bởi nguyên nhân căn cốt của sự tồn tại Tiểu khu 179 là hậu quả của một chính sách kỳ thị chủng tộc của nhà nước Việt Nam với những người H’mông theo đạo Tin lành.”

Bản tin nói “người H’mông di dân lên Lâm Đồng phát triển kinh tế” và “Từ miền núi đá Hà Giang, những người dân này đã về với những vùng xa xôi, hẻo lánh của Tây Nguyên cùng giấc mơ kiếm tìm, xây dựng nền kinh tế mới.”

Trên thực tế, ông Ma Seo Cháng, ông Ma A Sính, ông Vàng Đức Sơn, và rất nhiều người H’mông khác bị đàn áp khắc nghiệt ở Hà Giang vì là người H’mông theo đạo Tin lành, bị cưỡng ép bỏ đạo, bị đe dọa đến mức không thể sống nổi và phải trốn sang Điện Biên (khi đó vẫn thuộc tỉnh Lai Châu).

Ở Điện Biên, họ tiếp tục bị đàn áp về tôn giáo, tiếp tục bị sách nhiễu, tiếp tục bị cưỡng ép bỏ đạo hoặc sẽ bị đuổi đi. Trong khi một số người như ông Vàng Đức Sơn tiếp tục sống ở Điện Biên cho tới khi xảy ra vụ đàn áp Mường Nhé năm 2011 và sang Thái Lan tỵ nạn, ông Ma Seo Cháng rời Điện Biên đến xã Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. “Ở đây được hai tháng thì bị chính quyền đốt phá nhà”, từ đó tiếp tục lưu lạc và đến sống ở Tiểu khu 179.

Ông Ma A Sính cũng từ Điện Biên chuyển tới Tiểu khu 179.

 

Thực tế hiện nay của Tiểu khu 179

Theo ông Ma Seo Cháng, và cũng theo chính bản tin của truyền hình nhà nước, cư dân của Tiểu khu 179 đã ở đó 20 năm nhưng tình trạng vẫn gần như không thay đổi—phần lớn người H’mông ở đó vẫn sống trong tình trạng vô quốc tịch trên chính đất nước mình.

Như ông Giàng Sao Sính nói trong bản tin “Bà con mong muốn… gia đình mong muốn có giấy tờ tùy thân, căn cước công dân, để cho nó ổn định, sau này con đi học mới dễ.”

Viết một bình luận