Những vấn đề quan tâm của Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Quyền Phát Triển khi thị sát Việt Nam

  • Cơ hội đưa thêm vấn đề nhân quyền vào nghị trình của LHQ

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 16 tháng 11, 2023

http://machsongmedia.com

Từ ngày 6 đến ngày 15 tháng 11 vừa qua, Ông Surya Deva, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Quyền Phát Triển, đã có chuyến thị sát tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Sài Gòn và Bến Tre. Ngày 15 tháng 11, Ông Deva công bố bản báo cáo sơ khởi tại buổi họp báo ở Hà Nội. Bản báo cáo chính thức sẽ được trình bày tại khoá họp tháng 9 năm 2024 của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ mà Việt Nam đang là thành viên. Xem bản báo cáo sơ khởi tiếng Việt: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/11/20231115-eom-statement-viet-nam-sr-dev-vn.pdf

Hình 1 — Ông Surya Deva tại buổi họp báo ở Hà Nội, ngày 15/11/2023 (ảnh tử trang X)

Các vấn đề được quan tâm

Ông Deva đặc biệt quan tâm đến 3 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goal, SDG): SDG 5 (bình đẳng giới), SDG 10 (sự bất bình đẳng), và SDG 13 (biến đổi khí hậu) ứng dụng cho các thành phần bị yếu thế và dễ tổn thương sau đây:

Các cá nhân không giấy tờ tuỳ thân:

“Tôi cũng nhận được thông tin rằng hàng nghìn người dân tộc thiểu số không có sổ hộ khẩu và căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, do đó họ không tiếp cận được với nhiều phúc lợi và dịch vụ công. Chính phủ nên thực hiện các biện pháp hiệu quả để giải quyết những bất bình đẳng này, cũng như giải quyết việc người dân tộc thiểu số chưa được tham gia các chương trình phát triển và quyền con người.”

Các cộng đồng bản địa:

“Tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam không chấp nhận khái niệm người dân bản địa, mặc dù Chính phủ đã ủng hộ Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về quyền của người bản địa (UNDRIP)… Vì tự xác định/tự nhận dạng là nguyên tắc cơ bản của UNDRIP, tôi khuyến nghị Chính phủ xem xét cho phép các cá nhân riêng lẻ, hoặc kết hợp với những cá nhân khác, lựa chọn danh tính, bản dạng của họ, gồm cả quyền được [tự] xác định là người bản địa. Chính phủ cũng nên xem xét phê chuẩn Công ước ILO [Tổ Chức Lao Động Quốc Tế] số 169 về Người bản địa và Bộ lạc.”

Nạn nhân của Nhà Máy Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh:

“Ngoài ra, có vẻ như mặc dù luật yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường (hoặc xã hội) trước khi phê duyệt các dự án phát triển mới, nhưng quy trình này thường như là việc tuân thủ ‘mang tính hình thức’, vì trên thực tế thường thiếu đánh giá tác động một cách tổng thể, có ý nghĩa, có sự tham gia, và minh bạch… Formosa cũng nên thực hiện biện pháp khắc phục thỏa đáng, gồm cả việc bồi thường, cho hàng nghìn cá nhân bị ảnh hưởng do đợt xả thải độc hại năm 2016 của mình.”

Nạn nhân của chính sách thu hồi đất:

“…tôi được biết rằng trong một số trường hợp, các cá nhân và cộng đồng sống dựa vào đất qua nhiều thế hệ có thể đã bị di dời mà không được bồi thường và/hoặc tái định cư thỏa đáng. Tôi cũng nhận được thông tin là đất thường được bán cho các công ty với giá cao hơn nhiều so với số tiền bồi thường cho cá nhân… Đồng thời, cũng nên cân nhắc thỏa đáng quyền [tự quyết, và đồng thuận tự nguyện, trước và được thông tin đầy đủ] của người dân tộc thiểu số.”

Các người khuyết tật:

“Chính quyền các cấp cũng nên đối thoại liên tục với các tổ chức phi chính phủ và hội người khuyết tật với các dạng tật khác nhau, để hiểu rõ hơn về nhu cầu cụ thể của họ và đưa họ vào trong quá trình chuẩn bị/xây dựng các chương trình và chính sách phát triển…”

Nạn nhân buôn người:

“Tôi cũng đã nhận được thông tin về những quan ngại liên quan đến kinh doanh ở Việt Nam về nạn buôn bán người… Tôi nhận được thông tin rằng người lao động di cư từ Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng bức lao động, buôn bán người, nợ nần, bị các cơ quan tuyển dụng lừa dối, và bị bóc lột ở các quốc gia điểm đến. Nên áp dụng ‘cách tiếp cận toàn Chính phủ’ để bảo vệ quyền của người lao động di cư, và nên phối hợp với các cơ quan hữu quan của quốc gia điểm đến để cung cấp hỗ trợ pháp lý cho họ.”

Cuối cùng, Ông Deva đã đưa ra một khuyến nghị tổng quát, áp dụng cho mọi thành phần người dân yếu thế và dễ bị tổn thương kể trên:

“Tôi sẽ khuyến nghị mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa của người dân vào mọi quyết định có ảnh hưởng đến họ, bao gồm cả những quyết định liên quan đến quyền phát triển và [các mục tiêu phát triển bền vững]. Nếu làm như vậy thì sẽ hỗ trợ xây dựng một xã hội hòa nhập và công bằng.”

Pic_2_-_Surya_Deva.jpg

Hình 2 – Ông Surya Deva tại Bộ Tư Pháp Việt Nam, ngày 13/11/2023 (hình từ trang X)

Quan trọng là những gì trước đó

Ông Deva lặp lại nhiều lần “Tôi đã nhận được thông tin về…”. Nguồn thông tin chắc chắn không là các cơ quan nhà nước và cũng chẳng là các tổ chức “phi chính phủ” do nhà nước dựng lên để qua mắt quốc tế. Nguồn thông tin là chính những người dân bị tác hại, thông qua một số tổ chức xã hội dân sự, trong đó có tổ chức BPSOS. Trước khi Ông Deva lên đường đến Việt Nam, BPSOS đã gửi văn thư 15 trang, đề nghị các thành phần bị ảnh hưởng cần quan tâm kèm với những khuyến nghị cụ thể:

  • Nhiều nghìn người Hmong và một số người Thượng từ thế hệ này sang thế hệ khác đã không có giấy tờ tuỳ thân vì không từ bỏ đạo Tin Lành, mà điển hình là hơn 600 đồng bào Hmong ở Tiểu Khu 179, Xã Liên Sronh, Huyện Đam Rong, Tỉnh Lâm Đồng. Nhà nước đã hứa hẹn cấp căn cước công dân và xây dựng cơ sở hạ tầng cho họ nhưng sau đó đã chuội lời và đàn áp những người đại diện cộng đồng; 2 người đại diện chính của cộng đồng gần đây đã phải lánh nạn sang Thái Lan.
  • Nạn nhân của việc chính quyền cưỡng chế đất để giao cho các doanh nghiệp khai thác, như trường hợp nhiều chục nghìn người Thượng đã bị di dời cho đề án khai thác bô-xít năm 2009; trường hợp 110 hộ dân K’hor ở Làng K’Rèn, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng bị ép phải di dời để nhượng đất lại cho công ty lâm trường; trường hợp cộng đồng Thượng ở buôn Ea Kiết và buôn Ea Kueh, Huyện Cư Mgar, Tỉnh Đắc Lắk bị rơi vào tình trạng làm công trên chính mảnh đất tổ tiên của mình; trường hợp khu Vườn Rau Lộc Hưng; v.v.
  • Nạn nhân của vụ nhiễm độc biển do Công Ty Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, dẫn đến tình trạng suy thái môi sinh, suy kiệt sinh kế, tỉ lệ ung thư và sảy thai tăng vọt; nhiều ngư dân thất nghiệp trở thành nạn nhân buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước. Các linh mục và giáo dân tranh đấu đòi công lý cho nạn nhân đã bị trấn áp bởi chính quyền và Hội Cờ Đỏ — nhóm quần chúng tự phát được nhà nước bảo kê, và nhiều giáo dân vẫn còn ngồi tù.
  • Các nạn nhân buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước, trong đó có 107 nạn nhân ở Ả Rập Xê Út, Oman, Romania, Campuchia và Miến Điện đã được BPSOS giải cứu, chưa kể 402 nạn nhân ở Serbia. Trong số nạn nhân này có nhiều người Thượng và người Hmong và nhiều trẻ vị thành niên. Cho đến nay, chưa một nạn nhân nào nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà nước, chưa một công ty xuất khẩu lao động nào bị truy tố hình sự, và cũng chưa một kẻ buôn người nào bị bắt phải bồi thường cho nạn nhân của chúng. Ngược lại, số ít nạn nhân đứng lên tố cáo kẻ buôn người thì bị đe doạ, bịt miệng.
  • Hàng chục nghìn thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà không những không được hưởng lợi ích từ các gói viện trợ của cơ quan USAID lên đến trên 100 triệu Mỹ kim mà còn bị sách nhiễu khi nhận sự hỗ trợ từ các nhóm người Việt ở hải ngoại. Chùa Liên Trì, nơi có chương trình trợ giúp TPB VNCH đầu tiên, đã bị đập nát; nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng phải ngưng chương trình trợ giúp TPB VNCH sau khi người phối hợp là Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt cóc năm 2017, rồi tuyên án tù 11 năm.

Bản báo cáo sơ khởi của Ông Deva có đề cập đến tất cả những thành phần bị ảnh hưởng được BPSOS nêu lên. Xem văn thư của BPSOS: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/11/Input-for-The-Special-Rapporteur-on-the-Right-to-Development.pdf

Trước khi Ông Deva chính thức thị sát Việt Nam, BPSOS đã thực hiện cuộc họp trực tuyến cho một số nhân chứng cung cấp thêm thông tin về các vấn đề kể trên. Do đó, tuy không gặp được họ trong chuyến thị sát, Ông Deva đã nhận được thông tin từ họ.

Quan trọng hơn nữa là những gì sau đó

Trong thời gian Ông Deva đang ở Việt Nam, công an ở nhiều nơi đã bủa ra để canh gác không cho những nhân chứng mà họ nghi ngờ sẽ tiếp xúc với vị báo cáo viên đặc biệt của LHQ. Thậm chí, công an Xã Čư Né, Huyện Krông Buk, Tỉnh Đắk Lắk đã bắt giam một nhà truyền đạo người Thượng thuộc một hội thánh Tin Lành tư gia độc lập và chỉ thả ra sau khi Ông Deva rời khỏi Việt Nam. Những hành vi ngăn cản, đe doạ của chính quyền như vậy vi phạm nghiêm trọng điều ước của họ khi chính thức mời một báo cáo viên đặc biệt của LHQ đến Việt Nam. BPSOS đang soạn bản báo cáo tổng hợp để chuyển cho Ông Deva và các cơ quan hữu trách của LHQ. Và cuối tháng 11, một phái đoàn 5 người của BPSOS sẽ gặp Ông Deva ở Geneva nhân dịp tham gia cuộc kiểm điểm Việt Nam về Công Ước Quốc Tế Xoá Bỏ Mọi Hình Thức Kỳ Thị Sắc Tộc.  Đó là việc trước mắt, sẽ được chúng tôi tường thuật.

Về lâu dài, chuyến đi của Ông Deva mở ra cơ hội để những ai quan tâm đưa 3 vấn đề mới vào nghị trình làm việc của LHQ: (1) nạn nhân của Nhà Máy Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, (2) nạn nhân của các vụ cưỡng chế đất, thường được gọi là “dân oan”, và (3) thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà.

Bài liên quan:

Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Quyền Phát triển đến Việt Nam
https://machsongmedia.com/vietnam/danchu/2056-bao-cao-vien-dac-biet-lhq-ve-quyen-phat-trien-den-viet-nam

Giới NGOs trong nước e ngại gặp mặt đại diện của Liên Hiệp Quốc
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ngos-fear-to-meet-un-special-rapporteur-11132023114852  

Viết một bình luận