Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Việt Nam: Quyền trẻ em

Hải Di Nguyễn

Sắp tới vào tháng 4/2024, Việt Nam sẽ có phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR). Để chuẩn bị, trong tháng 10/2023, BPSOS đã cùng một số tổ chức tôn giáo và nhân quyền nộp cho Hội đồng Nhân quyền LHQ bốn bản báo cáo chung.

Tôi đã viết về án tử hình, và nạn bắt cóc và đàn áp xuyên quốc gia—hai trong số các chủ đề có trong báo cáo.

Một bản báo cáo khác, do BPSOS soạn thảo cùng với tổ chức H’mong for Human Rights (Người H’mông vì Nhân quyền), Người Thượng vì Công lý, Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, và Friends of Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, nói về quyền trẻ em.

Báo cáo đầu tiên nhắc tới điều kiện học hành của trẻ em ở Tiểu khu 181, tỉnh Lâm Đồng: trường học xa xôi, đường đi không an toàn, điều kiện hạn hẹp, giáo viên thiếu, hoàn cảnh khó khăn khiến các em học sinh phải sống trong chòi gần trường hoặc phải bỏ học.

Trẻ em ở Tiểu khu 181 sống trong lều tạm bợ để đi học. 

Một vấn đề khác là chính quyền địa phương cưỡng ép trẻ em H’mông bỏ đạo, tịch thu giấy tờ như giấy khai sinh, hoặc trừng phạt các phụ nữ theo đạo, tách họ khỏi con cái.

Trong bài viết đã đăng trên Mạch Sống về chị Lầu Y Tòng, một phụ nữ H’mông trước đây sống ở tỉnh Nghệ An, tác giả Song Chi viết “chính quyền địa phương còn bắt luôn cả hai đứa con nhỏ của Lầu Y Tòng đem đi giao cho ông bà nội chăm sóc.”

Điều này chỉ vì chị Lầu Y Tòng theo đạo Tin lành, đặc biệt từ khi chị càng tin Chúa và công khai nói về niềm tin của mình sau khi thoát bệnh nhờ “phép lạ” của Chúa.

Tác giả Song Chi viết: “…người em gái của chồng làm cán bộ ở xã, cũng học Luật, rành tiếng Việt, lại thảo một cái biên bản viết rằng Lầu Y Tòng tự nguyện giao tài sản, bàn giao nhà cửa, đưa xe máy cho bố chồng, đồng thời sẽ gửi tiền chu cấp 2 đứa con cho đến 18 tuổi, cho Lầu Y Tòng ký. Đang trong tâm trạng hoảng loạn, bị khủng bố từ mọi phía, Lầu Y Tòng ký vào biên bản.

Bên cạnh đó, nỗi khổ tâm lớn nhất của Lầu Y Tòng là từ khi hai đứa con nhỏ bị bắt về nhà nội, Lầu Y Tòng không được phép đến thăm con. Cho tới cuối tháng 6.2022 hai đứa nhỏ nhớ mẹ quá bỏ ăn bỏ uống, gia đình chồng mới cho người đưa hai đứa về thăm mẹ, nhưng cũng không được phép ở lại.”

Chị Lầu Y Tòng hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, từ năm 2022. Năm 2023, hai em gái là Lầu Y Lỳ và Lầu Y Hua cũng sang Thái Lan vì bị đàn áp tôn giáo.

Ngoài vấn đề quyền trẻ em trong cộng đồng H’mông, bản báo cáo cũng nói tới Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (trước đây gọi là Tịnh thất Bồng Lai), đặc biệt về các chú tiểu. Với lời vu khống về loạn luân, và cách công an lôi kéo, thô bạo lấy mẫu xét nghiệm DNA, các trẻ em hoảng sợ và bị chấn thương tâm lý, có trẻ quá xấu hổ không dám đi học.

Hiện nay, khi tịnh thất phải đóng cửa và ông Lê Tùng Vân cùng nhiều thành viên khác của Thiền Am đang chịu án tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”, các trẻ mồ côi của Thiền Am bị bứt khỏi gia đình duy nhất các em từng biết.

Đầu năm 2023, ba luật sư nhân quyền cho Thiền Am bị nhà nước triệu tập và truy tìm—may mắn thay, cả ba đều kịp thời sang Hoa Kỳ tỵ nạn. Tuy nhiên các chú tiểu của Thiền Am giờ đây không được bảo vệ và đang cầu xin được che chở. 

Báo cáo khuyến nghị:

  • Sửa đổi định nghĩa trẻ em thành dưới 18 tuổi, thay vì 16 tuổi, để phù hợp với luật pháp quốc tế.
  • Xây dựng và thực hiện các chính sách tập trung vào trẻ em, nhằm giải quyết những vấn đề như tiếp cận với giáo dục có chất lượng, đặc biệt trẻ em ở vùng sâu vùng xa.
  • Cấp giấy khai sinh cho tất cả trẻ em người H’mông và người Thượng không có giấy tờ, và cấp giấy tờ tùy thân cho cha mẹ các em.

Các báo cáo của BPSOS soạn chung với một số tổ chức để chuẩn bị cho phiên kiểm điểm UPR đối với Việt Nam có thể xem tại đây: https://dvov.org/upr/

Viết một bình luận