Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Việt Nam: Bắt cóc và đàn áp xuyên quốc gia

Hải Di Nguyễn

Để chuẩn bị cho phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) Việt Nam vào tháng 4/2024, BPSOS đã nộp cho Hội đồng Nhân quyền LHQ bốn bản báo cáo chung với một số tổ chức tôn giáo và nhân quyền trong tháng 10/2023.

Trong bài viết trước, tôi đã viết về một trong những báo cáo đó, do BPSOS soạn thảo và nộp cùng với các tổ chức Liên minh Chống Tra tấn Việt Nam, Người Thượng vì Công lý, Liên hiệp Môn đệ Cao Đài, Chiến dịch Bãi bỏ Tra tấn ở Việt Nam, và Liên minh Bài trừ Nạn Nô lệ Tân thời tại Á châu, và tập trung vào án tử hình và ba trường hợp ông Lê Văn Mạnh, ông Nguyễn Văn Chưởng, và ông Hồ Duy Hải.

Cùng bản báo cáo đó cũng nói về vấn đề cưỡng bức mất tích (enforced disappearance) và đàn áp xuyên quốc gia của nhà nước Việt Nam.

Tại phiên kiểm điểm năm 2019, Việt Nam bị quốc tế lên án nặng nề về việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay trên chính nước Đức vào tháng 7/2017.

Chỉ trong vòng 72 tiếng đồng hồ sau đó, ngày 26/1/2019, nhà báo Trương Duy Nhất mất tích ở Thái Lan.

Sau này ông cho biết mình bị cảnh sát Thái Lan bắt đúng một ngày sau khi ghi danh xin tỵ nạn, bị giao cho mật vụ Việt Nam ở Thái Lan rồi đưa qua Lào trở về Việt Nam.

Nhà báo Trương Duy Nhất (hình của Thông tấn xã Việt Nam). 

Vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất là một trong những vụ được nhắc tới trong báo cáo của BPSOS gửi cho Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, để khuyến nghị trừng phạt với một vài cá nhân ở Việt Nam theo Luật Magnitsky.

Báo cáo cho UPR cũng nhắc tới trường hợp blogger Đường Văn Thái, được cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Thái Lan ngày 13/4/2023. Ông khi đó đã có quy chế tỵ nạn từ Cao ủy Tỵ nạn LHQ.

Theo RFA Tiếng Việt đưa tin ngày 30/8/2023, ba tháng sau khi ông Đường Văn Thái mất tích, “gia đình nhận mới nhận được giấy thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) ký ngày 05/7”, nhưng gần ba tuần sau khi thời hạn tạm giam kết thúc, gia đình vẫn chưa được thông báo mới.

Cho tới nay báo chí vẫn chưa có hình ảnh hay thông tin mới về tình trạng hiện nay của ông Đường Văn Thái.

Ngoài ra, báo cáo của UPR cũng nhắc tới việc Việt Nam lạm dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol – thể thức một chính quyền yêu cầu một chính quyền khác bắt người qua cảnh sát quốc tế – để truy bắt Mục sư A Ga tại Thái Lan năm 2018.

Luật sư Jub Waritsara Rungthong cho biết “Những thông tin chúng tôi có được cho thấy đây không phải là một vụ bắt giữ bình thường – không phải là cảnh sát thấy một người tỵ nạn và muốn kiểm tra chứng minh thư – mà có vẻ là chính quyền có kế hoạch bắt ông ấy.”

Luật sư Rungthong khi đó đang làm việc cho CAP (Centre for Asylum Protection, tức Trung tâm Bảo vệ Tỵ nạn), là một đề án được BPSOS tài trợ và yểm trợ.

Cô cho biết khi một người tỵ nạn ở Thái Lan bị bắt ngẫu nhiên trên đường, người đó không có nguy cơ bị trục xuất, nhưng nếu cảnh sát có tên trong danh sách và ập vào bắt, rồi đưa vào IDC, đó là chuyện khác.

Nhờ can thiệp kịp thời của Bộ Ngoại giao Mỹ, gia đình Mục sư A Ga được đưa sang Philippines để an toàn, rồi đến Mỹ tỵ nạn.  

Báo cáo khuyến nghị:

  • Thả tự do cho tất cả những người bị bắt cóc và trả họ về nơi họ bị bắt cóc: cụ thể là đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức, và trả ông Trương Duy Nhất và ông Đường Văn Thái về Thái Lan.
  • Chấm dứt mọi hành vi đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm việc ban hành lệnh bắt giữ và lạm dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol để bắt các nhà hoạt động nhân quyền và người bất đồng chính kiến đang sống ở ngoài Việt Nam.
  • Thực hiện các bước cần thiết để ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế Bảo vệ Mọi người Khỏi bị Cưỡng bức Mất tích.

Đọc toàn bộ 4 báo cáo của BPSOS soạn chung với một số tổ chức để chuẩn bị cho phiên kiểm điểm UPR đối với Việt Nam sẽ diễn ra ngày 30/4/2024 tại đây: https://dvov.org/upr/

Viết một bình luận