VTV4 và nỗ lực bóp nghẹt thông tin trước phiên rà soát ở LHQ

Hải Di Nguyễn

Ngày 12/10/2023 vừa qua, trang Facebook của VTV4 tung ra video với tựa đề “Vạch trần thủ đoạn tập huấn tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số”, nhắm thẳng vào anh Giàng A Dinh, thuộc cộng đồng H’mông.

Đó là một tháng rưỡi trước phiên rà soát nhà nước Việt Nam việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, CERD) tại Geneva, ngày 29-30/11/2023.

 

VTV4 nói gì?

Trong video, phóng viên của VTV4 nói “các thế lực thù địch phản động” đang có “chiến lược diễn biến hòa bình với tính chất ngày càng nguy hiểm, tinh vi, trong đó tấn công, tác động vào tư tưởng, tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những trọng tâm của chúng.”

Nhắc tới “các lớp tập huấn về tôn giáo trực tuyến, núp dưới vỏ bọc cung cấp kiến thức về chính trị và pháp luật”, VTV4 nói “người tham gia các khóa đào tạo này sẽ từng bước trở thành công cụ phát tán những luận điệu xuyên tạc về vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, tiếp tay cho hành vi vu cáo Đảng và nhà nước đàn áp người dân tộc thiểu số.”

Nhưng không chỉ nói chung chung “thế lực thù địch phản động”, VTV4 nêu đích danh anh Giàng A Dinh và nói các khóa học này, “bắt nguồn từ một tổ chức phản động lưu vong”, có “âm mưu lợi dụng tôn giáo để lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số nhằm thực hiện các hành vi chống phá chính quyền.”

 

Việt Nam có đàn áp người dân tộc thiểu số không?

Ngay cả khi không tìm hiểu kỹ về vấn đề này, ai sống ở Việt Nam đều có thể thấy chênh lệch rất rõ về điều kiện sống, điều kiện học tập và làm việc giữa người Kinh và các cộng đồng khác.

Nhưng không chỉ vậy, nhà nước Việt Nam có chính sách phân biệt với các sắc tộc thiểu số và cộng đồng người bản địa, như người Thượng, người Chăm, người Khmer, v.v. Trong một bài viết gần đây, tôi đã viết về sự kỳ thị và đàn áp một cách có hệ thống của Việt Nam với người Thượng và người H’mông, về ngôn ngữ, văn hóa, đất đai, tôn giáo; không cung cấp hộ khẩu, cướp đi giấy tờ tùy thân, đẩy họ vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình; đánh đập, tra tấn, bắt bỏ tù; cưỡng ép bỏ đạo hoặc đẩy họ khỏi nơi cư ngụ, khiến họ lưu lạc từ nơi này đến nơi khác…

 

Phát biểu của anh Giàng A Dinh

370233712 253498051022997 3530649883461290465 n

Anh Giàng A Dinh là một người hoạt động quyền tự do tôn giáo của người H’mông, không là thành viên một tổ chức nào.

Anh tỵ nạn ở Thái Lan từ năm 2017, và được Cao ủy Tỵ nạn LHQ công nhận tư cách tỵ nạn.

Trả lời phỏng vấn ngày 23/10/2023, anh Giàng A Dinh nói “Trước tiên mình muốn nói tiêu đề của video VTV4 có ghi rằng là lợi dụng tập huấn tôn giáo, nhưng mình không phải là mục sư, mình cũng không phải là thầy truyền đạo, cho nên mình không đủ khả năng để tổ chức các hoạt động liên quan đến tập huấn tôn giáo. Ngay cả cái tiêu đề của VTV4 đã không đúng rồi. Nó càng thể hiện rõ hơn bản chất thật của chính quyền Việt Nam trong việc sử dụng truyền thông để vu khống hay nói xấu một người nào đó.”

Những khóa học này, anh cho biết, là do BPSOS tổ chức và “tập trung vào quyền con người theo đúng LHQ, quyền dân sự, quyền chính trị, tự do tôn giáo.” Các khóa học dạy về luật Việt Nam và luật quốc tế.

Riêng công việc của anh là phụ trách nhóm của cộng đồng người H’mông, lập danh sách những người muốn tham gia, quản lý nhóm, hỗ trợ họ làm bài tập, v.v…

Trong video, VTV4 đưa ra hai nhân chứng nói về anh Giàng A Dinh.

Anh nói mình không nhận ra nhân chứng thứ hai trong video “Người đó nói rằng mình chủ động nhắn tin, kết bạn Facebook, thì không có.”

“Người thứ nhất thì nói đúng, nhưng người đó chưa tham dự một buổi học nào.”

vtv hinh 2

VTV4 không nêu đích danh, nhưng các hình ảnh cho thấy họ đang nhắc tới các khóa học XHDS của BPSOS. 

vtv hinh 3

Hình ảnh Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Khu vực Đông Nam Á tại Bali, Indonesia năm 2022. 

 

Bản tin của VTV4 có nghĩa gì?

Một điều đáng chú ý là bản tin này của VTV4 được tung ra khoảng một tháng rưỡi trước phiên rà soát nhà nước Việt Nam việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc.

Anh Giàng A Dinh nói “Nó giống như một chiêu tung hỏa mù thôi. Để khẳng định rằng những người cung cấp thông tin liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc, tôn giáo với các dân tộc thiểu số chỉ là thành phần bất mãn với chính quyền, bất mãn với chế độ…”

VTV4 cũng nói đồng bào dân tộc thiểu số cần “có mối quan hệ gắn bó với các cấp chính quyền địa phương để được hướng dẫn.”

Có thể nói bản tin của VTV4 là một nỗ lực đe dọa hoặc gây hoang mang với nạn nhân bị phân biệt sắc tộc ở Việt Nam, một nỗ lực chặn thông tin, bóp nghẹt các tiếng nói khác, để chỉ nhà nước có tiếng nói độc quyền ở LHQ về tình hình hiện nay ở Việt Nam.

Tuy nhiên, BPSOS đã gửi cho Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc ba báo cáo về vấn đề kỳ thị ở Việt Nam, đưa ra nhiều trường hợp cụ thể với hình ảnh và bằng chứng, cho thấy sự kỳ thị một cách có hệ thống ở Việt Nam. Và sắp tới, khi nhà nước Việt Nam tham dự phiên rà soát tại Geneva ngày 29-30/11/2023, BPSOS cũng sẽ có một phái đoàn đến nghe và báo lại cho LHQ về những lấp liếm, những phát biểu không đúng sự thật của họ.

Viết một bình luận