Việt Nam kỳ thị sắc tộc với người Thượng và người H’mông như thế nào?

Hải Di Nguyễn

Ngày 29-30/11/2023 sắp tới, nhà nước Việt Nam sẽ có phiên rà soát ở Geneva về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (International Convention on the Elimination of All Forms of Racial Discrimination, CERD).

BPSOS đã gửi cho Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (Committee on the Elimination of Racial Discrimination, hay CERD) 3 tài liệu đóng góp về tình trạng kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam, đặc biệt với người Thượng và người H’mông (xem ở đây). 

Nhưng nhà nước Việt Nam kỳ thị sắc tộc ra sao?

 

Chính sách phân biệt về nhiều mặt

Anh Y Quynh Buondap, người Êđê và đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, cho biết người Thượng bị phân biệt đối xử về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, và đất đai.

 

Ngôn ngữ và điều kiện trường học

Một trường mầm non ở Đắk Lắk (ảnh cho anh Y Quynh Buondap cung cấp). 

Theo anh Y Quynh Buondap, sau năm 1975, tiếng Êđê không còn được dạy ở trường học—chỉ một số trường dạy ở bậc tiểu học—lên cấp hai, cấp ba không còn.

Ông Ma Seo Cháng, người H’mông từng sống ở Tiểu khu 179, Tỉnh  Lâm Đồng, nói trong phỏng vấn ngày 28/9/2023 “Năm 2012, cả làng chúng tôi, con em không được đi học, nên bà con chúng tôi dựng lên một cái trường bằng ván gỗ. Nếu chính quyền không đưa giáo viên đến dạy, anh em chúng tôi có thể thuê người ngoài để dạy con em cái chữ đầu tiên.”

Xã lúc đầu không cho, nhưng người dân vẫn dựng trường vì “Con em lớn lên rồi, không được tiếp xúc con chữ.”

Cuối cùng Phòng Giáo dục gửi giáo viên đến nhưng chỉ dạy bậc tiểu học và dạy hai môn là Toán và Tiếng Việt.

 

Đàn áp tôn giáo

cong an tich thu

Công an đến tịch thu lịch và Kinh Thánh của Hội thánh Tin lành tại làng Buôn Čuôr Knia tháng 4/2023 (ảnh do anh Y Quynh Buondap cung cấp). 

Anh Y Quynh Buondap nói trong phỏng vấn ngày 28/4/2023 “Sau tháng 4/1975, các nhà thờ Thiên Chúa giáo và Tin lành Tây Nguyên bị nhà nước cộng sản Việt Nam đóng cửa và nhiều người Thượng, trong đó có các thầy truyền đạo và mục sư, bị bỏ tù và thậm chí bị giết chết, hay bị đuổi ra khỏi các vùng đất trồng trọt của họ.”

Các tín đồ Tin lành theo các hội thánh độc lập, có hoạt động tôn giáo tại gia đều bị đàn áp. Ngay cả các tín đồ thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc hay Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam—được nhà nước công nhận—vẫn bị công an địa phương sách nhiễu và gây khó khăn.

Chẳng hạn như anh Vừ Bá Súa, người H’mông từng ở Nghệ An, tham gia Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc và bị công an xã và ban quản lý bản mời lên làm việc, cưỡng ép bỏ đạo, và đòi lại con bò đã cấp trước đó vì gia đình anh Vừ Bá Súa thuộc hộ nghèo.

Theo bản kiến nghị của anh ngày 25/8/2022, ngày 11/6/2022 ông Mùa Bá Kỷ, trưởng Công an xã, nói anh “theo đạo là chống lại chính quyền và phá hoại sự đoàn kết phong tục tập quán của dân tộc H’mông”.

Một tháng sau đó, gia đình anh bị cắt điện.

Anh Vừ Bá Súa hiện nay đang tỵ nạn tại Thái Lan.

 

Tước đi, hoặc không cung cấp, giấy tờ tùy thân

Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từng ở Phú Yên, từng đi tù vì tham gia biểu tình ở Đắk Lắk năm 2004 để đòi lại đất đai, đòi tự do tôn giáo, và đòi thả tự do cho tù nhân lương tâm.

Theo ông cho biết trong phỏng vấn ngày 26/5/2023, sau khi ông ra tù lần đầu tiên, công an địa phương tới nhà và tịch thu mọi giấy tờ, bao gồm giấy khai sinh. Khi đưa giấy khai sinh mới, họ đổi năm sinh từ 1953 thành 1963, và nói “Nếu ông muốn khai sanh cũ của ông, ông phải bỏ đạo.”

Hai ông Ma A Sính và Ma Seo Cháng, người H’mông, đều bị tước đi giấy tờ tùy thân khi theo đạo. Họ cho biết nhiều người H’mông theo đạo Tin lành đều không có giấy tờ và bị đẩy vào tình trạng vô quốc tịch: không được làm thẻ ngân hàng, không được đăng ký kết hôn, không được bảo hiểm y tế, con cái chẳng được đi học, thậm chí đứng tên mua xe máy cũng không thể…

Tại Tiểu khu 179, họ nhiều lần xin chính quyền địa phương cấp hộ khẩu nhưng không thành công.

Nhưng không chỉ người lớn—anh Vừ Bá Súa cũng cho biết địa phương nhiều lần từ chối cấp giấy khai sinh cho con anh.

 

Cưỡng ép bỏ đạo hoặc đuổi khỏi làng

Ông Ma Seo Cháng sinh ra lớn lên ở Hà Giang, bị đàn áp tôn giáo nên phải trốn sang Điện Biên (khi đó thuộc tỉnh Lai Châu), lại bị “chính quyền đến từng nhà và cầm theo giấy bắt họ ký cam kết bỏ đạo, nếu không chính quyền sẽ đuổi họ ra khỏi địa bàn cư trú”, từ đó chuyển đến huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, “được hai tháng thì bị chính quyền đốt phá nhà”, và dọn đến Tiểu khu 179 ở tỉnh Lâm Đồng.

Ở Tiểu khu 179, ông tiếp tục bị đàn áp và chính quyền huyện Đam Rông muốn giải tỏa khu vực, cưỡng chế đất của người dân.

“Họ cứ đuổi ra khỏi đấy thôi. Anh em tôi đã khổ từ ngoài Bắc để vô đấy rồi, không biết đi đâu nữa, cố ở đấy.”

Lưu lạc từ Bắc vào Nam, hết nơi này đến nơi khác mà vẫn không được yên, đến năm 2023 ông cùng gia đình sang Thái Lan tỵ nạn. 

 

Cưỡng đoạt đất

WhatsApp Image 2023 05 29 at 16.15.23

Cưỡng chế đất ở làng Buôn Dhia, xã Cư Ne, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk tháng 5/2019 (ảnh do anh Y Arôn Êban cung cấp). 

Anh Y Quynh Buondap, người Êđê, cho biết “Chính quyền hứa là hợp đồng 20 năm hoặc 30 năm hoặc 15 năm sẽ trả lại cho người dân, nhưng sau giải phóng thì họ trưng dụng các đất đai đó… Người Kinh từ phía bắc có quyền phát nương làm rẫy, còn những người tại chỗ phát nương làm rẫy thì bị kiểm lâm và bị chính quyền tịch thu, bắt bỏ tù. Đó là những vấn đề kỳ thị rất rõ ràng.”

Ông Vàng Đức Sơn, người H’mông, nói trong phỏng vấn ngày 18/9/2023 “Anh em người H’mông ở Mường Nhé bị chính quyền cướp đất cho các công ty trồng cây cao su.”

Họ cho xe ủi qua nương rẫy của người dân, ủi qua lúa, qua ngô, qua sắn…

 

Sự kiện Mường Nhé 2011

Tháng 5/2011, người dân đứng lên biểu tình ở huyện Mường Nhé—hàng ngàn người H’mông tập trung cầu nguyện để đòi lại đất đai và đòi tự do tôn giáo.

Ông Vàng Đức Sơn cho biết “[Ngày 4/5/2011] chính quyền Việt Nam cho máy bay trực thăng phun thuốc vào anh em ở đó… Họ phun thuốc, làm nước chuyển thành màu xanh… Có người mê luôn, có ba người không biết, uống nước đó và chết luôn tại chỗ, gồm hai đứa trẻ con khoảng 12-13 tuổi và một người đàn bà khoảng 40 tuổi.”

Ông cũng nói “Ngày mùng 6 là ngày công an, cảnh sát cơ động, quân đội, các chính quyền địa phương hoặc huyện, tỉnh, trung ương đều đến giải tán… Người bị bắt rất đông, người bị đàn áp, bị chết cũng rất đông.”

 

Đánh đập, tra tấn

Anh Y Arôn Êban, người Êđê từng ở Đắk Lắk, từng nhiều lần bị công an đánh khi thẩm vấn.

Khi được phỏng vấn ngày 19/5/2023 về câu chuyện của mình, anh cho biết “họ đánh vào đầu nhiều nhất”, đặc biệt vào mặt và tai, và “từ đó tai bên trái của tôi hơi điếc.”

Anh cũng bị người tù đánh “dập đùi bầm tím” và nói “Tôi nghĩ là công an cho phép đánh, họ mới dám đánh.”

Ông Y Dú Ksơr, người Êđê từng ở Phú Yên, nói mình bị điều tra và đánh đập suốt một năm trước khi ra tòa: “họ đánh tôi bằng dùi cui, vào xương sườn, xương sống… Họ cũng đá vào hòn dái, đánh vào ngực, tát vào miệng… tôi cũng bị gãy răng.”

Trong một năm đó, ông bị nhốt trong hầm “tối tăm, mịt mù… Nhốt ở dưới lòng đất, mịt mù, không thấy mặt trời mặt trăng, giống bị điên khùng luôn… Một hầm chỉ có một người, không có hai, không có ba. Chỉ ở trong đó, ăn trong đó, kinh khiếp luôn.”

chan seo

Ảnh chụp năm 2023, chân ông Y Dú Ksơr vẫn còn sẹo. 

 

Trừng phạt vì liên lạc với quốc tế

Trước sự đàn áp của nhà nước Việt Nam, nhiều người lên tiếng và tìm cách liên lạc với quốc tế, báo cáo với LHQ.

Ông Y Khương Êban, người Êđê đang tỵ nạn tại Thái Lan, cho biết hai vợ chồng ông Y Sĩ Êban (họ hàng ông) “bị tra tấn và đánh đập” sau khi gặp Mục sư Gene Lathan từ thành phố Charlotte, bang North Carolina, Hoa Kỳ.

Ngày 6/11/2022, ông Y Sĩ Êban bị bắt ở phi trường Tân Sơn Nhất khi trên đường đi Bali, Indonesia dự Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, hay SEAFORB). Theo báo cáo của ông cho biết, ông bị cấm xuất cảnh, bị thu giữ căn cước, hộ chiếu, điện thoại, bằng lái xe, và bị đánh bầm tím mặt.

 

Kích động hận thù sau ngày 11/6

Sau vụ xả súng vào trụ sở công an ở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, cộng đồng người Thượng cũng bị ảnh hưởng vì truyền thông.

Anh Y Phic H’dok, người Êđê trước đây tỵ nạn ở Thái Lan và giờ đang sống ở Mỹ và đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý, nói ngày 12/7/2023:

“Nhiều người Êđê không thể kiếm được việc làm vì các nhà tuyển dụng từ chối khi nghe đến người Êđê, cho rằng họ là người bạo động, khủng bố. Có nhiều người trong gia đình của họ bị bắt oan và chính quyền đe dọa không cho phép cung cấp thông tin ra bên ngoài, nếu không sẽ bị bỏ tù. Chính quyền khuyến khích người Kinh bắt người Êđê khi họ mặc đồ rằn ri dù vô tội, trong khi đó người Kinh thì không bị bắt. Nhân cơ hội này, chính quyền đàn áp lãnh đạo của các hội thánh tư gia càng nhiều hơn.”

Chị Becky, nhà hoạt động nhân quyền người Thượng đang sống tại Thụy Sỹ, cho biết người Thượng ở Thái Lan cũng bị ảnh hưởng: họ nhận được tin nhắn đe dọa, uy hiếp, và nhìn thấy người lạ tới trường học của con cái người tỵ nạn và chụp hình các em.

Sắp tới đây, ngày 29-30/11/2023, nhà nước Việt Nam sẽ phải trả lời CERD về những cáo buộc phân biệt, kỳ thị sắc tộc một cách có hệ thống ở Việt Nam.

Viết một bình luận